Tin trong nước

Sự cố TBA tại Hà Đông: Lời cảnh tỉnh về tình trạng vi phạm an toàn hành lang lưới điện

Thứ hai, 21/11/2016 | 09:14 GMT+7
Trong quá trình kinh doanh sản xuất điện, trạm biến áp (TBA) là phần quan trọng, không thể thiếu. 

Chân cột điện trung thế bên bếp than tổ ong. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Để đáp ứng nhu cầu cung cấp điện cho phát triển kinh tế-xã hội, hệ thống điện Việt Nam đã xây dựng hàng trăm trạm biến áp, lắp đặt hàng trăm ngàn máy biến. Các TBA này được bố trí theo trục truyền tải để cung cấp điện đến khách hàng, vì vậy, vấn đề an toàn đối với tài sản và con người tại các TBA luôn được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đặt lên hàng đầu trong công tác quản lý vận hành.
 
. Quy trình, quy định đầy đủ
 
Hiện nay,  trên hệ thống điện Việt Nam, EVN đang quản lý vận hành 24 trạm biến áp 500kV với 41 máy biến áp, tổng dung lượng  22.950 MVA; 92 trạm biến áp 220kV với 175 máy biến áp, tổng dung lượng là 35.975 MVA;  660 trạm biến áp 110kV với 1.140 máy biến áp, tổng dung lượng là 45.744 MVA; 160.647 trạm biến áp phân phối điện áp 6kV-10kV-22kV và 35kV với 367.680 máy biến áp, tổng dung lượng là 77.650 MVA.
 
EVN cho biết, để đảm bảo an toàn, các trạm biến áp trong quá trình đầu tư xây dựng, vận hành, sửa chữa, bão dưỡng đều phải tuân thủ các quy định trong Luật điện lực và các Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật điện lực;  Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kỹ thuật điện; các Thông tư Quy định hệ thống điện truyền tải ban hành, Quy định hệ thống điện phân phối, Quy trình điều độ hệ thống điện quốc gia, Quy trình xử lý sự cố trong hệ thống điện quốc gia do Bộ Công Thương ban hành, các tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, Quy trình vận hành và sửa chữa máy biến áp, Quy trình quản lý - vận hành - bảo dưỡng trạm biến áp trung gian không người trực, Quy trình quản lý vận hành và sửa chữa trạm biến áp phân phối do Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị quản lý lưới điện ban hành.
 
Theo đó, các đơn vị truyền tải và phân phối điện phải có trách nhiệm thực hiện đầu tư phát triển lưới điện theo quy hoạch và kế hoạch đầu tư đã được duyệt, đảm bảo trang thiết bị lưới điện đáp ứng các tiêu chuẩn vận hành theo quy định về lưới điện truyền tải và lưới điện phân phối. Các TBA truyền tải và phân phối điện xây dựng mới phải được thiết kế, chế tạo thiết bị, xây dựng công trình phù hợp với các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) hoặc tiêu chuẩn nước ngoài tương đương hoặc cao hơn được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép áp dụng tại Việt Nam, đảm bảo các yêu cầu về an toàn về điện, an toàn về xây dựng, an toàn về phòng, chống cháy nổ; các công trình chỉ được đưa vào sử dụng sau khi đã được thử nghiệm, hiệu chỉnh, nghiệm thu đạt tiêu chuẩn chất lượng an toàn.
 
Trước khi đưa trạm biến áp vào vận hành lần đầu cũng như sau các lần sửa chữa lớn đơn vị quản lý dự án phải tổ chức nghiệm thu, đánh giá chất lượng công trình để bàn giao cho đơn vị quản lý vận hành theo đúng quy định quản lý, nghiệm thu chất lượng công trình hiện hành. Nội dung kiểm tra, đánh giá chất lượng trong quá trình nghiệm thu phải dựa trên cơ sở thiết kế kỹ thuật của công trình, các phương án sửa chữa được duyệt, các tiêu chuẩn kỹ thuật vận hành của các cấp và tài liệu hướng dẫn của nhà chế tạo. Kết quả nghiệm thu phải được ghi vào biên bản. Các tồn tại của công trình phải được quy rõ trách nhiệm cho các bên liên quan, đề ra biện pháp và thời gian khắc phục.
 
Trạm biến áp, máy biến áp chỉ được phép đóng điện khi hội đồng nghiệm thu kết luận chất lượng thiết bị đảm bảo tiêu chuẩn vận hành. 
 
Các đơn vị quản lý vận hành phải định kỳ tổ chức kiểm tra, bảo dưỡng kỹ thuật và đại tu thiết bị, đảm bảo cho hệ thống vận hành an toàn theo quy định; thường xuyên kiểm tra phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ an toàn lưới điện cao áp; phát hiện các dấu hiệu bất thường của thiết bị để có biện pháp xử lý tồn tại ngăn ngừa nguy cơ sự cố. 
 
Đơn vị quản lý vận hành phải có biện pháp xử lý ngay các tồn tại có khả năng gây sự cố. Những tồn tại khác phải được xử lý hoặc có kế hoạch xử lý trong thời gian nhanh nhất để đảm bảo vận hành an toàn; thực hiện đúng chế độ bảo dưỡng, duy tu, nâng cấp chất lượng, đảm bảo điều kiện an toàn vận hành thiết bị. Khi sửa chữa, bảo dưỡng, đơn vị quản lý vận hành lưới điện và đơn vị công tác phải chịu trách nhiệm thực hiện đầy đủ và đúng trình tự các biện pháp an toàn theo quy định. 
 
Máy biến áp phải được đưa ra khỏi vận hành trong các trường hợp có tiếng kêu mạnh, không đồng đều hoặc tiếng phóng điện; sự phát nóng của máy tăng lên bất thường và liên tục trong điều kiện làm mát bình thường, phụ tải định mức; dầu tràn ra ngoài máy máy qua bình dầu phụ, vỡ kính phòng nổ hoặc dầu phun ra ngoài qua van an toàn; mức dầu thấp dưới mức quy định và còn tiếp tục hạ thấp; màu sắc của dầu thay đổi đột ngột; các sứ bị rạn, vỡ, bị phóng điện bề mặt, đầu cốt bị nóng đỏ và kết quả thí nghiệm không đạt tiêu chuẩn quy định. 
 
Trường hợp xảy ra sự cố, tai nạn về điện, phải nhanh chóng áp dụng các biện pháp cần thiết để cấp cứu người bị nạn, giảm nhẹ thiệt hại và phải tổ chức điều tra xác định, phân tích nguyên nhân; kiểm điểm, xác định trách nhiệm. 
 
Ngoài các quy định trên, vấn đề bảo vệ an toàn hành lang lưới điện cũng là một trong những điều kiện quan trọng để ngăn ngừa thiệt hại khi xảy ra sự cố. Bởi lẽ, lưới điện truyền tải và phân phối bao gồm các TBA và đường dây truyền dẫn điện, nên việc vi phạm các quy định về khoảng cách an toàn đối với các TBA cũng là vi phạm an toàn hành lang lưới điện. 
 

Trạm biến áp Ao Sen trên đường Trần Phú, Hà Đông bị "nhốt" trong quán cà phê. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
. Không đổ lỗi cho mưu sinh
 
Một tình trạng tồn tại hiện nay là bất chấp các biển cảnh báo nguy hiểm, nhiều người dân  vẫn “mưu sinh” ngay dưới chân các trạm biến áp, cột điện cao thế. Trên nhiều tuyến phố Hà Nội, không ít người dân vì mưu sinh đã “liều mạng” với tử thần, lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh ngay cạnh các trạm biến thế, như ở phố Thuốc Bắc, người dân bất chấp nguy hiểm, chiếm dụng phần vỉa hè trống dưới chân trạm biến áp để kinh doanh trà đá, đồ ăn sáng… thậm chí, họ còn sử dụng tủ điện làm nơi để đồ, mặc dù đã có những biển cảnh báo “cấm lại gần”.
 
Tương tự như vậy, nhiều trạm biến áp tại khu phố cổ thuộc Hàng Bồ, Hàng Chiếu, Hàng Lược, Chả Cá, Hàng Khoai… cũng ở trong tình trạng vi phạm. 
 
Đường đây điện cao thế 110KV vắt ngang đường Trường Chinh với chân cột được đặt ngay tại khu dân cư ngõ 120, cách nhà dân chỉ chừng 1m, nhưng hầu hết người dân đều thờ ơ với tấm biển “Điện cao áp nguy hiểm chết người”.
 
Ở đường Văn Tiến Dũng (Bắc Từ Liêm – Hà Nội ), hàng loạt các quán bia hơi, rửa xe “mọc lên” san sát. Vào những ngày nắng nóng, diện tích mặt bằng trong quán không đủ, các hộ kinh doanh còn kê cả bàn ghế ra phía hành lang gần cột điện để phục vụ khách hàng. Bên cạnh đó, nhiều tủ điện cũ kỹ, dùng lâu năm chưa được thay mới cũng được dùng làm nơi bán hàng. Không ít các tài xế xe ôm vẫn chờ khách ngay sát các tủ điện hoen gỉ, thậm chí vô tư tựa vào bất chấp các nguy cơ từ việc chập điện, rò rỉ điện hoặc cháy nổ. Trên địa bàn quận Hà Đông, có  hộ xây dựng quán cà phê bao quanh chân TBA một cột nhưng vần tồn tại nhiều năm.
 
Thực trạng “mưu sinh” dưới chân các trạm biến áp đã diễn ra từ nhiều năm nay và dù đã được các lực lượng chức năng cảnh báo, nhắc nhở nhưng vì mục đích mưu sinh nên đại đa số người dân vẫn thờ ơ với việc bảo vệ hàng lang lưới điện cũng như sự an toàn đối với bản thân. Hiện nay, việc cảnh báo nguy hiểm vẫn chỉ xuất phát từ một phía, còn việc có tuân thủ hay thực hiện hay không lại chủ yếu nằm ở ý thức của người dân. Nhiều vụ hỏa hoạn, cháy nổ do vi phạm các quy định về an toàn lưới điện, trạm biến áp, trụ điện dường như vẫn chưa là bài học đáng nhớ cho những người còn thờ ơ,thiếu ý thức trong việc đảm bảo hành lang an toàn lưới điện.
 
Nghị định số106/2005/NĐ-CP của Chính phủ về Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện lực về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp đã quy định, đối với các trạm điện lắp đặt trên cao (trạm treo) không có tường rào xây bao quanh, chiều rộng hành lang bảo vệ trạm được giới hạn bởi mặt phẳng bao quanh trạm có khoảng cách đến các bộ phận mang điện gần nhất của trạm được quy định với trạm điện áp 22 - 35 KV thì khoảng cách an toàn tương ứng 2 – 3m. Nhà và công trình xây dựng gần hành lang bảo vệ an toàn của trạm điện không được xâm phạm đường ra vào trạm điện, không xâm phạm hành lang an toàn . Bên cạnh đó, Điều 53, Luật Điện lực cũng quy định rõ: “Không được xây dựng nhà ở, công trình và trồng các cây cao hơn 2m trong hành lang an toàn trạm điện, không xâm phạm đường ra vào cửa trạm...”.
 
Sự cố tại trạm biến áp Bùi Thị Cúc 4 (phố Hoàng Văn Thụ, phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông)  xảy ra vào ngày 17-11 vừa qua, là lời cảnh tỉnh đối với chính quyền địa phương các cơ quan chức năng, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ngăn chặn các hành vi vi phạm an toàn lưới điện, cần phải có các biện pháp kiên quyết đối với những trường hợp vi phạm. Quan trọng hơn hết vẫn là ý thức tự điều chỉnh của người dân, người dân cần tự giác chấp hành các quy định của Luật điện lực về an toàn điện và hành lang an toàn điện để bảo vệ tính mạng của người thân cũng như chính mình.
Thanh Mai/Icon.com.vn