Điện mặt trời mái nhà giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí sản xuất.
Nguồn năng lượng sạch từ hệ thống điện mặt trời mái nhà không chỉ là giải pháp góp phần tiết kiệm điện mà còn là bài toán kinh tế, giúp doanh nghiệp nâng cao giá trị, năng lực cạnh tranh vào các thị trường lớn. Nhưng hiện tại vẫn chưa có quy định cụ thể hướng dẫn doanh nghiệp được triển khai lắp đặt mô hình hình này phục vụ cho nhu cầu sản xuất.
Những năm vừa qua, mô hình điện mặt trời mái nhà đã không còn quá xa lạ đối với các nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng vì mục đích sản xuất và thương mại.
Bước sang năm 2021 các hệ thống điện mặt trời lắp mới cũng đang tạm dừng hoạt động vì chưa có chính sách giá mua điện mới. Tuy nhiên vì giá trị của nguồn điện từ năng lượng tái tạo đã mang lại cho Nhà nước và doanh nghiệp nên theo chủ trương mới của Chính phủ, nguồn điện năng từ hệ thống điện mặt trời mái nhà sẽ tiếp tục được ưu tiên phục vụ cho mục đích sản xuất và sử dụng tại chỗ.
Nhận xét về yêu cầu sử dụng nguồn năng lượng sạch để nâng cao năng lực cạnh tranh, các doanh nghiệp cho biết; mới đây các thị trường lớn như EU và Vương quốc Anh liên tiếp đưa ra thỏa thuận về quy định xanh hóa trong sản xuất đối với các mặt hàng nhập khẩu vào thị trường này vì mục tiêu phát triển bền vững và xây dựng nền kinh tế tuần hoàn.
Chia sẻ rõ hơn về quy định sử dụng năng lượng sạch, ông Thân Đức Việt – Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho biết, với chương trình “xanh hoá”, đã đặt ra cho doanh nghiệp những bài toán khó, bởi một mặt doanh nghiệp luôn luôn phải tiến đến những xu thế của thế giới. Mặt khác, doanh nghiệp cũng bị áp lực bởi chính những khách hàng nhập khẩu, khi họ yêu cầu những tiêu chuẩn về nhà máy xanh, giảm khí thải ô nhiễm cũng như giảm chất thải độc hại thải ra trong môi trường và không gian nhà máy. Đây là một trong những yêu cầu trong 4 đề xuất về thỏa thuận xanh mà Ủy ban châu Âu EU đã đưa ra ngày 30/3/2022 vừa qua, trong đó có chiến lược phát triển bền vững và tuần hoàn cho ngành dệt may cũng đang coi như một “rào cản” mới với doanh nghiệp xuất khẩu.
“Với yêu cầu về giảm phát thải từ việc sử dụng năng lượng trong sản xuất, tôi cho rằng cần tiết kiệm năng lượng sản xuất giúp giảm chi phí điện năng, đồng thời cần sử dụng hệ thống điện mặt trời mái nhà để giúp tận dụng nguồn năng lượng sạch, tạo điện năng phục vụ cho hoạt động sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh. Bên cạnh đó, cần xây dựng quy trình xử lý nước thải để tái sử dụng, tiết kiệm nước. Khi áp dụng đồng bộ các giải pháp trên, mỗi năm doanh nghiệp có thể tiết kiệm cho phí sản xuất lên đến hàng tỉ đồng”- ông Việt chia sẻ.
Đánh giá về yêu sử dụng năng lượng tái tạo trong sản xuất ông Dương Khuê- Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phong Phú cho biết: việc sử dụng năng lượng sạch, thực hiện các trách nhiệm về môi trường là nhu cầu cấp thiết cho những doanh nghiệp nhằm hướng đến hội nhập chuỗi cung ứng toàn cầu và phát triển bền vững trong tương lai. Với Phong Phú, doanh nghiệp đã định hướng và triển khai phát triển thêm các hệ thống điện mặt trời mái nhà, cung cấp nguồn năng lượng tái tạo phục vụ cho sản xuất. Lợi ích của hệ thống điện mặt trời mái nhà không chỉ tiết kiệm chi phí sản xuất mà còn giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh khi xuất khẩu vào các thị trường lớn. Bởi hầu hết những công xưởng của các quốc gia cũng đang thực hiện mạnh mẽ mục tiêu phát triển bền vững và xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, xanh hóa trong sản xuất.
Tuy nhiên để thực hiện công cuộc xanh hóa, đầu tư hệ thống điện mặt trời ở nước ta vẫn còn nhiều bất cập, vì theo một số doanh nghiệp cho rằng, thời điểm hiện tại nguồn điện năng được sản xuất ra chưa có quy định hòa lưới, không được hòa trực tiếp lên lưới điện quốc gia như trước đây và chỉ có thể đối nối vào sử dụng nội bộ của đơn vị sản xuất. Điều này đòi hỏi chất lượng điện áp mái phải tốt, đủ điều kiện đáp ứng chất lượng điện năng cho các thiết bị công nghệ cao, đảm bảo an toàn cho tất cả các thiết bị của nhà máy cũng đang là điều băn khoăn với các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó thủ tục hướng dẫn cho doanh nghiệp lắp đặt tự dùng vẫn chưa có quy định cụ thể, nhiều doanh nghiệp phân vân; bỏ tiền ra đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà, liệu có tận dụng hết được công suất của hệ thống? Nếu sử dụng không hết bỏ đi thì rất lãng phí…Thêm vào đó, việc đầu tư điện mặt trời mái nhà còn quá nhiều thủ tục rườm rà, quy định thiếu nhất quán, khi triển khai xong lại bổ sung thủ tục theo các cấp ban ngành như thời gian vừa qua thì rất phức tạp!
“Chúng tôi đề nghị Chính phủ nếu có cơ chế cho doanh nghiệp sản xuất được lắp đặt hệ thống điện mặt trời thì cần có thông tư hướng dẫn cụ thể ngay từ đầu khi ban hành Quyết định để doanh nghiệp sản xuất cân nhắc nên đầu tư như thế nào cho phù hợp với mô hình sản xuất của chính công ty mình”- đại diện các doanh nghiệp đề xuất.