Chuyển động năng lượng

Sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả: Cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị

Thứ năm, 25/5/2023 | 09:08 GMT+7
Trong bối cảnh nắng nóng gay gắt, nhu cầu sử dụng điện trên toàn quốc tăng cao, nhằm đảm bảo cung cấp điện an toàn, tin cậy trong mùa nắng nóng 2023, song hành cùng với nỗ lực của EVN, sự chung tay của cả hệ thống chính trị từ các cấp, các ngành, chính quyền địa phương đến khách hàng sử dụng điện trong việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả được coi là giải pháp cấp bách và quan trọng.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An.

Phóng viên ghi lại ý kiến các đại biểu về vấn đề này tại Hội nghị Phát động phong trào tiết kiệm điện toàn quốc năm 2023.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An: Cùng nhau lan tỏa thông điệp "Tiết kiệm điện, thành thói quen"

Từ cuối tháng tư đến nay, thời tiết nắng nóng diễn ra khắc nghiệt trên diện rộng với nền nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm, dẫn đến nhu cầu sử dụng điện trên toàn quốc tăng cao, gây nguy cơ thiếu điện cho sản xuất và tiêu dùng nếu không có những giải pháp kịp thời, quyết liệt hơn nữa; trong đó, sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả được xem là một trong những giải pháp quan trọng, cấp bách, góp phần bảo đảm đủ nguồn điện cho phát triển kinh tế và đời sống xã hội trong thời gian tới.

Bộ Công Thương kêu gọi và đề nghị các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các hộ gia đình và mọi tầng lớp nhân dân trên toàn quốc hãy đồng tình ủng hộ, chung tay chia sẻ khó khăn với ngành Điện, tăng cường thực hiện đồng bộ, triệt để các biện pháp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, đặc biệt là trong giai đoạn mùa khô (nhất là thời điểm từ nay đến ngày 30/6/2023).

Theo đó, đề nghị các doanh nghiệp có kế hoạch sản xuất hợp lý, hạn chế huy động các thiết bị, máy móc có công suất tiêu thụ điện lớn vào giờ cao điểm; đồng thời chú trọng lắp đặt các nguồn năng lượng tái tạo sử dụng tại chỗ để giảm tiêu thụ điện từ lưới điện quốc gia.

Các hộ gia đình và người dân thường xuyên thực hành thói quen sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, như: Tắt các thiết bị điện khi ra khỏi phòng, thay thế, sử dụng các trang thiết bị hiệu suất cao, tiết kiệm điện; hạn chế sử dụng các thiết bị điện có công suất lớn trong các giờ cao điểm…; cùng nhau lan tỏa thông điệp “Tiết kiệm điện, thành thói quen” đóng góp vào sự ổn định và bền vững của hệ thống điện quốc gia. 

Bộ Công Thương tin tưởng rằng, với sự nhất trí, đồng lòng và ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân trên cả nước, chúng ta sẽ có những việc làm, hoạt động thiết thực, tạo ra hiệu ứng tích cực và lan tỏa tinh thần chung tay tiết kiệm điện, bảo vệ môi trường tới toàn thể cộng đồng, vì sự phát triển của đất nước và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. 

Ông Trần Đình Nhân – Tổng giám đốc EVN: Quyết liệt các giải pháp tiết kiệm điện

Ông Trần Đình Nhân – Tổng giám đốc EVN.

Năm 2022 và 5 tháng đầu năm 2023, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn về cơ cấu nguồn điện và cân đối tài chính do giá nhiên liệu đầu vào cho sản xuất điện tăng cao, nhưng Tập đoàn Điện lực Việt Nam luôn nỗ lực và đã đảm bảo cung cấp điện cho nhu cầu phát triển của đất nước. Để đảm bảo cung ứng điện, Tập đoàn đã phải huy động tất cả các nguồn, kể cả các nguồn đắt tiền là dầu diesel và FO.

Trong công tác tiết kiệm điện, EVN và các đơn vị trực thuộc đã làm việc, phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Đến ngày 21/5/2022, đã có 27 UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành các văn bản chỉ đạo đảm bảo cung ứng điện, tiết kiệm điện trên địa bàn.

Trong những ngày vừa qua, các công ty điện lực cũng đã làm việc với các sở, ban, ngành địa phương, các khách hàng sử dụng điện đề nghị triển khai các giải pháp tiết kiệm điện. Cụ thể, các cơ quan hành chính sự nghiệp tiết kiêm 10% tổng mức tiêu thụ điện; chiếu sáng công cộng tiết kiệm 50%; chiếu sáng quảng cáo trang trí ngoài trời tiết kiệm 50%; các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm tiết kiệm 2%.

Cùng với đó, tại các trụ sở, cơ quan làm việc của ngành Điện, thực hiện tiết kiệm 10% tổng lượng điện năng tiêu thụ; riêng các tháng 5 đến tháng 7 sẽ tiết kiệm 15%…

Kết quả tính toán sơ bộ, trung bình mỗi ngày các biện pháp trên đã góp phần giảm nhu cầu sử dụng điện khoảng hơn 5,9 triệu kWh/ngày và mức tiết kiệm có xu hướng tăng thêm trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, các Tổng công ty điện lực/Công ty điện lực cũng đã phối hợp với các doanh nghiệp thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải (DR) theo yêu cầu của các cấp điều độ. Với gần 11.000 khách hàng đã ký thỏa thuận tham gia chương trình DR, trong thời gian qua, trung bình mỗi ngày các đơn vị đã thực hiện từ 80-90 sự kiện DR với khoảng 2.500 doanh nghiệp tham gia và công suất cao điểm tiết giảm được hơn 400MW…

Ông Nguyễn Mạnh Quyền – Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội: Đẩy mạnh các giải pháp tiết kiệm điện trên toàn địa bàn thành phố

Ông Nguyễn Mạnh Quyền – Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội.

Ngay từ đầu năm 2023, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành các kế hoạch, văn bản và tổ chức các cuộc họp chỉ đạo, điều hành về tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong phát triển, quản lý năng lượng đảm bảo tiết kiệm và hiệu quả. Trong đó, đã chỉ đạo tổ chức thành công chuỗi sự kiện như: Hưởng ứng Chiến dịch Giờ trái đất 2023; Hội nghị đảm bảo cung ứng điện mùa nắng nóng trên địa bàn 2023; Phát động cao điểm hè sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2023…

Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp để bảo đảm nhu cầu điện cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức buổi làm việc về tình hình cung ứng điện và các giải pháp tiết kiệm điện trên địa bàn TP Hà Nội với sự tham gia của các sở, ban, ngành liên quan và 30 quận, huyện, thị xã cùng với Tập đoàn điện lực Việt Nam, Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội…

Ngay sau đó, UBND TP cũng đã ban hành ngay văn bản số 1487 ngày 19/5/2023 yêu cầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhân dân triển khai đẩy mạnh các giải pháp tiết kiệm điện nhằm góp phần đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định trong giai đoạn cao điểm hè năm 2023. Theo báo cáo của EVNHANOI, trong 6 ngày từ ngày 15- 21/5/2023, sản lượng điện tiết kiệm được trên địa bàn thành phố là trên 4,9 triệu kWh. 

Hưởng ứng phong trào tiết kiệm điện do Bộ Công Thương phát động trên toàn quốc, thành phố đã, đang và sẽ tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Công Thương triển khai kịp thời, có hiệu quả các chương trình, hoạt động tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng. 

Ông Nguyễn Xuân Bắc – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hưng Yên: Xác định tiết kiệm điện là công việc thường xuyên

Ông Nguyễn Xuân Bắc – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hưng Yên.

Hiện nay, khoảng 73,5% sản lượng điện của tỉnh Hưng Yên phục vụ cho công nghiệp – xây dựng; 20% phục vụ cho quản lý tiêu dùng, còn lại là các thành phần khác.

Chính vì vậy, trong công tác tiết kiệm điện, Hưng Yên tập trung nhiều vào khối công nghiệp – xây dựng; trong đó chú trọng đến các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm. Cụ thể, đối với các doanh nghiệp là cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, UBND tỉnh Hưng Yên yêu cầu thực hiện kiểm toán năng lượng và thực hiện tiết kiệm trên 2% tổng sản lượng điện tiêu thụ; với các doanh nghiệp sản xuất, dựa trên dây chuyền và kế hoạch sản xuất, thực hiện tiết giảm các trang thiết bị không cần thiết. 

Đối với các cơ quan, công sở cũng như các hộ gia đình, tỉnh Hưng Yên kêu gọi sử dụng điện tiết kiệm; riêng các cơ quan công sở đặt chế độ điều hòa từ 27 độ C trở lên và tắt điều hòa trước 30 - 45 phút trước khi hết giờ làm việc.

Xác định tiết kiệm điện là công việc thường xuyên, đặc biệt khi năm 2023 việc cung ứng điện gặp nhiều khó khăn do nắng nóng, Sở Công Thương tỉnh Hưng Yên đã xây dựng các kế hoạch cùng với ngành Điện, các ngành, các cấp tiến hành thanh tra, kiểm tra trong công tác sử dụng điện tại các doanh nghiệp, đơn vị…. Đồng thời, phối hợp tích cực với các cơ quan báo, đài đẩy mạnh công tác truyền thông về sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
 

Minh Tuấn