Tin thế giới

Philippin phát triển năng lượng tái tạo

Thứ tư, 5/12/2007 | 08:59 GMT+7

Trong khi hầu hết các độc giả của tạp chí "Energy Word" quen thuộc hơn với tình hình năng lượng ở Anh và Châu Âu, thì có nghiên cứu tại một quốc đảo  đầy gió khác là Philippin nơi nhập khẩu khí đốt và dầu có thể làm sáng tỏ vấn đề phát triển năng lượng tái tạo. David Hayes đã đến thăm quốc đảo Philippin này .

             

Các kế hoạch dài hạn của chính phủ Philippin về phát triển ngành năng lượng bao gồm việc phát triển nguồn năng lượng trong nước và cải cách ngành điện bằng cách tư nhân hóa các lĩnh vực sản xuất và truyền tải điện. Các kế hoạch mở rộng nguồn cung cấp năng lượng bao gồm việc phát triển các nguồn năng lượng nội địa như: than đá, khí tự nhiên, địa nhiệt, thủy điện, và năng lượng tái tạo đầy tiềm năng, đồng thời tăng cường thăm dò nguồn dầu mỏ tiềm ẩn.

Trong tương lai, năng lượng nhập khẩu vẫn giữ vị trí quan trọng,  trừ phi phát hiện được những tài nguyên lớn về hydrocacbon mà cho đến nay vẫn chưa được tìm thấy. Nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ và than đá sẽ vẫn quan trọng mặc dù các kế hoạch khởi động chương trình nhập khẩu khí tự nhiên hoá lỏng (LNG)  để mở rộng sản xuất điện năng, cung cấp nhiều hơn năng lượng sạch cho thủ đô Manila và các khu công nghiệp ngoại vi đang bị trì hoãn do giá LNG cao.

Việc phát triển các nguồn năng lượng mới, bao gồm nhiên liệu sinh học và năng lượng tái tạo, sắp tới sẽ nhận được sự trợ giúp của nhà nước thông qua việc áp dụng các kế hoạch khuyến khích đầu tư khác nhau, như đã đề xuất. Năng lượng tái tạo sẽ là quan trọng trong việc thực hiện chương trình của nhà nước về điện khí hoá nông thôn vì nhiều vùng quê xa xôi ở xa các đường dây truyền tải điện và cần tự sản xuất điện tại chỗ.

Ông Victor Emmandel Dato, Thứ trưởng Bộ năng lượng (DOE) bình luận: "Mục tiêu của chúng ta là điện khí hóa tất cả các thôn xã. Đất nước Philippin có trên 7.000 hòn đảo, vì vậy điện khí hóa tất cả các hòn đảo này là rất khó khăn. Nhưng đó là mục tiêu của chúng ta. Chúng tôi đang xem xét nguồn lượng mặt trời và nguồn năng lượng tái tạo cho các vùng quê xa xôi.

Chúng tôi có nhiệm vụ điện khí hóa tất cả các làng xã, bao gồm văn phòng ủy ban, trường học, trung tâm y tế địa phương, và một số chứ chưa phải là tất cả các hộ gia đình. Mục tiêu là đến năm 2008 điện khí hoá số 2.500 làng xã còn lại. Một số nơi quá xa xôi và điện khó có thể tới nơi được. Chúng tôi đang tìm kiếm những giải pháp với chi phí thấp nhất tuỳ thuộc vào nguồn năng lượng ở mỗi địa phương. Nếu ở đó không có nguồn năng lượng khác ngoài năng lượng mặt trời, thì phải sử dụng năng lượng mặt trời".

Theo ước tính của Bộ Năng lượng thì chi phí trung bình để đưa điện đến một làng là 1,5 triệu pêsô, tương đương 16 nghìn bảng Anh, tuy nhiên theo dự kiến, chi phí đầu tư sẽ giảm bởi vì giá của tấm pin mặt trời giảm khi sản lượng bán ra tăng. Để chương trình điện khí hoá nông thôn thành công thì vấn để chính cần phải quan tâm là đảm bảo các hệ thống năng lượng mặt trời tiếp tục vận hành tốt sau khi lắp đặt. Ông Dato giải thích: "Vấn đề khó khăn của năng lượng mặt trời là độ bền vững. Chúng tôi phải đào tạo những kỹ thuật viên có khả năng xử lý những sự cố đơn giản và đảm bảo người dân có thể trả tiền mua acqui. Đó là chương trình bền vững đang được đầu tư."

Nhiên liệu nhập khẩu cung cấp hơn 40% nhu cầu năng lượng quốc gia

               

Theo số liệu của Bộ Năng lượng thì năm 2004, tổng nhu cầu năng lượng của Philippin là 39,7 triệu tấn dầu quy đổi (toe), trong đó 55,7% là từ nguồn trong nước, còn lại (44,3%) là nhập khẩu. Mặc dù tăng sản lượng khí tự nhiên từ mỏ khí đốt ở Malampaya, tiêu thụ dầu nhập khẩu đã tăng 4% do gia tăng nhu cầu nhiên liệu cho giao thông và công nghiệp.

Các sản phẩm dầu nhập khẩu là nguồn năng lượng sơ cấp lớn nhất, chiếm 36,2% tổng nguồn cung cấp năng lượng, sản lượng trong nước chỉ đạt 1,1%. Năng lượng địa nhiệt đứng vị trí thứ hai trong cân bằng năng lượng (19.6%), tiếp theo là than đá (19.1%) trong đó than khai thác trong nước chiếm  11%.

Các nguồn năng lượng quan trọng khác là thủy điện (4,7%), khí tự nhiên (4,5%) và còn lại 15% là do các nguồn năng lượng tái tạo bao gồm củi, than củi, sinh khối, thủy điện nhỏ, năng lượng gió và các dạng khác.

Theo dự báo của chính phủ thì đến năm 2014 nhu cầu năng lượng sơ cấp của Philippin sẽ tăng 39,8%, đạt mức 55,5  triệu tấn (toe). Kế hoạch đưa ra chỉ tiêu là sau 10 năm, tỷ lệ tự cung cấp sẽ tăng và đạt mức khoảng 60%, nếu các kế hoạch trợ giúp phát triển nguồn năng lượng trong nước thực hiện thành công.

Theo dự báo của Chính phủ thì cho dù nhiên liệu trong nước đạt được mức tăng trưởng cao, các sản phẩm dầu nhập khẩu vẫn là nguồn năng lượng lớn nhất, chiếm 31,9 % cân bằng năng lượng sơ cấp. Theo dự báo, phần của khí tự nhiên trong cân bằng năng lượng sơ cấp sẽ tăng lên và đạt mức 8%, trong khi đó tỉ lệ sử dụng than đá sẽ giảm xuống còn 12%, than nhập khẩu và than khai thác trong nước gần như ngang nhau.

Năng lượng địa nhiệt được dự báo tăng và đạt mức 23,6% trong tổng nguồn cung cấp năng lượng, trong khi đó thủy điện tăng chút ít, đạt 6,2% trong cân bằng năng lượng quốc gia. 14,4% còn lại trong sử dụng năng lượng là từ các nguồn năng lượng tái tạo khác, tương đương với tỉ lệ hiện nay của năng lượng mặt trời, sinh khối, củi, than củi và các nguồn khác.

Theo số liệu thống kê của Bộ Năng lượng, ở Philippin ngành giao thông tiêu thụ nhiều năng lượng nhất, chiếm 34,7% nhu cầu năng lượng cuối cùng. Tiếp theo là khu vực sinh hoạt (31,4%), công nghiệp (23,8%), thương mại (8,8%) và nông nghiệp (1,2%).

Ông Dato nhận xét: "Mức tăng trưởng nhu cầu năng lượng  đến năm 2014 sẽ là 4,2%/năm. Dầu vẫn sẽ đóng vai trò quan trọng do nhu cầu của ngành giao thông, mặc dù tỉ lệ của dầu  trong tổng nhu cầu năng lượng sẽ giảm. Chúng tôi đang cố gắng giảm sự phụ thuộc vào dầu, nhưng dầu vẫn là nguồn năng lượng chính. Giao thông là thách thức lớn bởi vì chúng tôi đã giảm sử dụng dầu trong sản xuất điện. Đó là lý do vì sao nhiên liệu sinh học quan trọng".

“Đời sống đang trở nên tốt hơn nhờ có điện. Chúng ta có cân bằng nhiên liệu tốt trong sản xuất điện với việc sử dụng 5 nguồn nhiên liệu. Hiện nay chúng ta đang sử dụng tối đa khí đốt để phát điện ở Luzon, trong khi ở vùng Visayas và Mindanao có nguồn địa nhiệt và thủy điện. Các công ty điện lực đã nỗ lực đáng kể để giảm các nhà máy nhiệt điện dầu và tăng các nhà máy điện chạy bằng khí tự nhiên và than đá.”

Tiêu thụ năng lượng trong giao thông vẫn được dự báo là lớn nhất vào năm 2014, tăng bình quân mỗi năm 3,5%. Mặc dầu các sản phẩm dầu mỏ vẫn là nhiên liệu chủ yếu được sử dụng trong giao thông, nhu cầu về nhiên liệu sinh học (CME và ethanol) dự kiến sẽ tăng 4,4% mỗi năm.

Với nỗ lực giảm nhập khẩu dầu, Quốc hội Philippin đã đồng ý thông qua Luật nhiên liệu sinh học, chỉ còn chờ tổng thống phê chuẩn. Theo dự báo, Luật mới sẽ khuyến khích phát triển sử dụng nhiên liệu sinh học, như  ethanol và dầu diesel sinh học. Kể từ ngày Luật có hiệu lực, trong thành phần xăng phải có 5% ethanol và 1% dầu diesel sinh học. Tỷ lệ này có thể sẽ tăng trong tương lai.

Ông Dato nhận xét: "Chúng tôi tin tưởng luật mới sẽ thúc đẩy thị trường nhiên liệu sinh học, tác động lên nhu cầu dầu mỏ. Chúng tôi đã sản xuất một lượng dầu diesel sinh học. Chúng tôi đang cố gắng sử dụng dừa làm nguồn nguyên liệu chính. Các phòng thí nghiệm ở Mỹ đã xác nhận chất lượng của dầu diesel sinh học làm từ dừa trong nước để sử dụng trong thương mại. Chúng tôi cũng đang xem xét sử dụng quả jatropha curcas (một loại quả độc) để chế tạo dầu diesel sinh học. Đang tiến hành nghiên cứu để sử dụng quả này. Để có thể khả thi, chúng tôi cần có những đồn điền lớn. Chúng tôi đang chờ kết quả nghiên cứu."

 

                           

                        Quá trình chuyển hoá của nhiên liệu sinh học

Theo dự báo, khu vực dân cư vẫn sẽ là hộ tiêu thụ năng lượng lớn thứ hai với tổng nhu cầu năng lượng dự đoán sẽ tăng 1,4%/năm. Sinh khối vẫn sẽ là nhiên liệu chính trên thị trường nhiên liệu sinh hoạt, mặc dù việc sử dụng củi và than củi theo dự báo sẽ giảm bởi vì các hộ gia đình chuyển sang sử dụng những loại nhiên liệu tiện lợi và hiệu quả hơn, ví dụ như khí dầu hoá lỏng (LPG) và điện.

Theo dự kiến, chương trình điện khí hóa nông thôn của chính phủ sẽ khiến mức tiêu thu điện năng gia tăng 5,6% mỗi năm, trong khi đó sử dụng LPG dự kiến sẽ tăng 5,1% mỗi năm. Tuy nhiên, nhu cầu dầu hỏa theo dự báo sẽ giảm 6,8% mỗi năm bởi vì ngày càng ít hộ gia đình trên cả nước sẽ sử dụng dầu hỏa để nấu ăn và thắp sáng.

Điện khí hóa nông thôn sẽ đem lại lợi ích cho các cộng đồng dân cư ở vùng trung tâm Visayas của quần đảo Philippin và phía nam đảo Mindanao, bởi vì phát triển nông thôn ở hòn đảo chính Luzon nói chung tiến bộ nhanh hơn.

Ông Dato lưu ý: "Theo dự đoán của chúng tôi về nhu cầu điện năng ở Luzon so với Visayas và Mindanao thì Visayas và Mindando sẽ tăng trưởng nhanh hơn (6%/năm), trong khi tăng trưởng nhu cầu điện năng ở Luzon chỉ là 4%/năm. Chúng tôi đang xem xét nguồn địa nhiệt và thủy điện ở Mindanao, mặc dù một nhà máy nhiệt điện công suất 200 MW sử dụng than tại địa phương cũng sẽ được khởi công ở đây."

Số lượng xe ngày càng tăng ở Philippin là nhân tố chính làm tăng nhu cầu xăng. Ông Dato cho biết: "Số lượng xe tư nhân đăng ký đang tăng trên cả nước, chủ yếu là ở Luzon. Chúng tôi liên tục thúc đẩy nâng cao hiệu quả năng lượng trong ngành giao thông. Giá dầu đang ảnh hưởng tới nhu cầu nhiên liệu  của các loại xe.”

Tuy nhiên, công nghiệp ở Philippin còn trì trệ và kém quan trọng trong cân bằng năng lượng quốc gia, so với một số quốc gia châu Á khác. Ông Dato nhận xét: "Nhu cầu năng lượng trong công nghiệp không phải là động lực tiêu thụ năng lượng. GPD ở Philippin là do ngành dịch vụ chi phối. Giao thông là khu vực gia tăng nhanh nhất, sau đó là các khu vực sinh hoạt, công nghiệp và thương mại, ví dụ như các trung tâm thương mại."

Phát triển địa nhiệt dẫn đầu việc chuyển dịch sang nguồn phi hóa thạch

Trong khi đó, các kế hoạch mở rộng khai thác năng lượng trong nước bao gồm việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo phong phú còn chưa được sử dụng ở Philippin. Thực vậy, Philippin đã dựa vào năng lượng tái tạo để cung cấp một phần đáng kể năng lượng, nhờ phát triển địa nhiệt và thủy điện trước đây.

Chính phủ đề ra chỉ tiêu  đến năm 2013 sẽ tăng gấp đôi mức tiêu thụ năng lượng tái tạo. Để đạt được mục tiêu này, chính phủ mogn muốn Philippin trở thành quốc gia sản xuất năng lượng địa nhiệt lớn nhất thế giới, vượt qua cả Mỹ.

Hiện nay ở Philippin, các nhà máy địa nhiệt đã được lắp đặt với tổng công suất 1.932 MW. Địa nhiệt là nguồn điện lớn thứ 3, sau nhiêt điện than đá và nhiệt điện khí. Tuy nhiên nhiều nhà máy địa nhiệt đã đến thời hạn sửa chữa lớn và do vậy phải vận hành dưới mức công suất lẽ ra có thể đạt được.

Chính phủ đề ra mục tiêu tới năm 2014 sẽ tăng thêm 1.200 MW địa nhiệt. Như vậy tổng công suất lắp đặt địa nhiệt sẽ đạt 2.173 MW có khả năng sản xuất 15.218 GWh điện mỗi năm. Sẽ phải khoan trên 300 giếng khai thác hơi nước từ các bể chứa để có được nguồn điện bổ sung này.

Các qui định đang được dự thảo nhằm đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo thông qua việc áp dụng những biện pháp khuyến khích phù hợp để thu hút các nhà tài trợ thuộc khu vực tư nhân và khuyến khích các cộng đồng ở nông thôn tiến hành các dự án của họ.

Ông Dato nhấn mạnh: "Chúng tôi đang xây dựng dự luật về năng lượng tái tạo nhằm tăng cường khuyến khích năng lượng tái tạo, kể cả các biện pháp khuyến khích phi tài chính, để thu hút hơn nữa khu vực tư  nhân đi vào năng lượng tái tạo cho đến nay vẫn còn đắt đỏ so với năng lượng truyền thống. Sẽ không được trợ cấp nhưng được khuyến khích. Philippine có tiềm năng địa nhiệt lớn nhất, nhưng có thể là đắt đỏ. Chúng tôi cũng đã nhận diện được tiềm năng gió khắp nơi trong cả nước nước, và cả các dự án thủy điện nhỏ, cực nhỏ, và sinh khối từ phế thải nông nghiệp. Nhiều dự án năng lượng tái tạo đang được khởi công.”

Trong số những mục tiêu khác về năng lượng tái tạo, chính phủ Philippin còn có kế hoạch đưa nước này lên vị trí hàng đầu ở Đông Nam Á về sản xuất năng lượng gió. Một nghiên cứu của Phòng thí nghiệm quốc gia về năng lượng tái tạo thuộc Bộ Năng lượng Mỹ chứng minh rằng, nằm ở trên lề vành đai gió mùa Châu Á - Thái Bình Dương, Philippin có tổng tiềm năng gió lên tới 76.000  MW."

Khoảng 25 tỉnh có tiềm năng gió đạt khoảng 1.000 MW và thêm 47 tỉnh nữa có tiềm năng gió không dưới 50 MW. Hầu hết các địa điểm có thể bố trí trại gió đều có tiềm năng sản xuất điện từ 5 MW đến 30 MW. Việc phát triển năng lượng gió có nhiều khả năng sẽ được các cơ sở tư nhân cũng như nhà nước thực hiện, kể cả các doanh nghiệp liên doanh giữa tư nhân và nhà nước.

Thủy điện cũng là nguồn năng lượng tái tạo rất có triển vọng ở Philippin. Hiện nay trên cả nước đã có 134 công trình thủy điện đang hoạt động với tổng công suất lắp đặt là 3.200 MW, bao gồm 23 thủy điện lớn, 52 thủy điện nhỏ và 61 thủy điện cực nhỏ.

Mục tiêu của chính phủ là đến năm 2014 sẽ đạt 5.468 MW từ thuỷ điện, tăng 72% so với hiện nay. Công ty Dầu lửa quốc gia Philippin hiện đang tiến hành nghiên cứu khả thi 6 dự án thủy điện có tổng  công suất 122 MW tại các địa phương khác nhau, trong khi các nhà đầu tư tư nhân đang tiến hành nghiên cứu khả thi 11 dự án thủy điện với tổng công suất 167 MW ở đảo Mindanao và vùng Visayas. Ngoài ra, riêng Bộ Năng lượng DoE đang giám sát 5 dự án thủy điện nhỏ và có kế hoạch về một số dự án khác trong tương lai.

Kế hoạch phát triển năng lượng năm 2006 của Bộ Năng lượng nhận diện 70 dự án thủy điện với tổng công suất tiềm năng 2.603 MW. Các dự án này bao gồm 34 dự án thủy điện lớn, 27 dự án thủy điện nhỏ và 9 dự án thủy điện cực nhỏ.

Trong khi đó, tiềm năng chuyển đổi năng lượng nhiệt đại dương ở Philippin ước tính đạt 170.000 MW, phần lớn từ các dòng biển chạy dọc theo sườn phía Bắc và phía Tây quần đảo Philippin. Việc phát triển thực tế nguồn năng lượng này có nhiều khả năng sẽ được thực hiện dần từng bước, với việc phát triển chủ yếu là các địa điểm nhỏ để cấp điện cho các cộng đồng địa phương.

Năng lượng mặt trời cũng đang được sử dụng để cấp điện cho các vùng hẻo lánh. Ngoài việc cấp điện cho các hộ gia đình, năng lượng mặt trời đang được sử dụng trong nông nghiệp để bơm nước tưới, phục vụ các lò ấp trứng gia cầm, trứng cá. Ngoài ra năng lượng mặt trời còn được người dân địa phương sử dụng để chạy tủ lạnh bảo quản vaccine ở các bệnh viện nông thôn, và để chiếu sáng cho trường học và văn phòng uỷ ban xã. 

Theo: QLNĐ, Số 10-2007