Tại buổi lễ ký kết “Bản ghi nhớ hỗ trợ phát triển bền vững ngành Dệt may và Da giày Việt Nam” diễn ra ngày 26/09/2024, có 4 nội dung chính sẽ được triển khai trong thời gian 6 năm (giai đoạn 2024-2030) nhằm giảm thiểu dấu ấn môi trường của các lĩnh vực xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, biến đổi theo các tiêu chuẩn toàn cầu. Trong đó, giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được xác định có vai trò hết sức quan trọng đối với sản xuất và tiêu dùng bền vững và tăng trưởng xanh.
Tại buổi lễ ký kết “Bản ghi nhớ hỗ trợ phát triển bền vững ngành Dệt may và Da giày Việt Nam”, ông Pramit Chanda - Giám đốc Toàn cầu của Chương trình Dệt may và Sản xuất thuộc Tổ chức Sáng kiến và thương mại bền vững Hà Lan (IDH) nhấn mạnh, IDH hướng tới việc tạo ra giá trị bền vững cho doanh nghiệp, cộng đồng và xã hội, góp phần vào sự tăng trưởng xanh của Việt Nam và phù hợp với các mục tiêu bền vững Việt Nam và quốc tế. Trong các giải pháp cụ thể, ông Pramit Chanda, Giám đốc Toàn cầu của Chương trình Dệt may và Sản xuất thuộc Tổ chức Sáng kiến và thương mại bền vững Hà Lan (IDH) nhấn mạnh tới vai trò của việc sử dụng hiệu quả năng lượng, bao gồm tiết kiệm năng lượng (TKNL) kết hợp năng lượng tái tạo (NLTT).
"Hiện nay vấn đề tiết kiệm năng lượng cũng như sử dụng năng lượng tái tạo là vô cùng quan trọng cho nền kinh tế, đặc biệt là chúng ta cần thúc đẩy các nhà máy để họ có thể tiết kiệm năng lượng cũng như sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Một điều nữa quan trọng là chúng ta cần phải có mức sử dụng các-bon thấp hơn. Chúng ta giảm sự sử dụng carbon để có lượng phát thải các-bon thấp hơn, và qua đó chúng ta sẽ giúp những ngành hàng xuất khẩu ra quốc tế cũng như các nước khác họ sẽ mua những sản phẩm tiết kiệm năng lượng, sản phẩm xanh của chúng ta. Và một nền kinh tế các-bon thấp cũng như tăng trưởng xanh sẽ đóng vai trò cực kỳ quan trọng để giúp chúng ta thực hiện được tham vọng là đạt được netzero vào năm 2050 và sẽ hỗ trợ cho sự phát triển thịnh vượng của Việt Nam".
Theo bà Nguyễn Thị Lâm Giang - Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương), trong khuôn khổ của các Chương trình Quốc gia / Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, cơ quan quản lý đã hỗ trợ doanh nghiệp một số lĩnh vực, ngành hàng áp dụng thí điểm những giải pháp, mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Ngành Dệt may và Da giày tại Việt Nam đã có nhiều đóng góp ý nghĩa đối với nền kinh tế của đất nước. Mặc dù vậy, các ngành này cũng phải đối phải đối mặt với các áp lực cạnh tranh, thách thức về sử dụng tài nguyên, năng lượng, vấn đề ô nhiễm môi trường và phát thải khí nhà kính.
Việc hợp tác giữa Bộ Công Thương với IDH, các Hiệp hội và các bên liên quan trong khuôn khổ Bản ghi nhớ sẽ góp phần đẩy mạnh việc áp dụng, nhân rộng các mô hình phát triển bền vững, mở rộng thị trường đối với các sản phẩm thân thiện môi trường, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp Dệt may và Da giày trong nước, góp phần thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam về phát triển bền vững và biến đổi khí hậu trong thời gian tới. Bà Nguyễn Thị Lâm Giang - Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương), cho biết cụ thể về các nội dung chính sẽ triển khai với các hiệp hội, doanh nghiệp ngành hàng dệt may, da giày trong khuôn khổ hợp tác giữa Bộ Công Thương Việt Nam với Tổ chức IDH.
"Giai đoạn này sẽ tập trung vào việc xây dựng triển khai các sáng kiến hoạt động ưu tiên về phát triển bền vững ngành dệt may và da giầy. Về các nội dung như sản xuất tiêu dùng bền vững, sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, kinh tế tuần hoàn ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, hướng tới mục tiêu phát triển ngành dệt may và da giầy bền vững hơn, đóng góp hơn nữa trong việc đạt được các cam kết của Việt Nam về chuyển dịch năng lượng và biến đổi khí hậu".
Đánh giá cao các nội dung sẽ được triển khai tại “Bản ghi nhớ hỗ trợ phát triển bền vững ngành Dệt may và Da giày Việt Nam”, ông Trương Văn Cẩm - Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cũng đồng thời đưa ra những mong đợi về lộ trình thực hiện cụ thể của chương trình này.
"Chúng tôi cũng rất mong muốn là các đối tác, nhất là các cơ quan quản lý ngành liên quan như là Bộ Công thương, Bộ Lao động Thương binh Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cùng đồng hành để thực hiện chương trình này. Và chúng tôi cũng rất mong muốn sẽ được sự hỗ trợ cả về kỹ thuật, về chuyên gia, về tài chính…. những cái hỗ trợ đó chúng tôi cho rằng rất cần thiết để chúng ta thực hiện thành công cái mà chúng ta đã cam kết".
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn An Toàn - Chủ tịch Ban Chấp hành Hiệp hội bông sợi Việt Nam cho rằng "Về phía hiệp hội bông sợi Việt Nam cam kết sẽ thực hiện tất cả những gì mình có thể đóng góp được vào Bản ghi nhớ này, vì mục tiêu của Bản ghi nhớ này là nhằm đảm bảo cho việc phát triển bền vững cho ngành dệt may nói chung, trong đó có ngành bông sợi nói riêng cũng như ngành da giầy".
Chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn nhấn mạnh tới “Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon” (CBAM) được Liên minh châu Âu (EU) yêu cầu các doanh nghiệp nhập khẩu của nước này bắt đầu báo cáo từ 01/10/2023. Cơ chế này có tác động đến các doanh nghiệp sản xuất ở Việt Nam có hoạt động phát thải nhiều carbon khi EU chính thức áp dụng từ năm 2026. Cùng với đó là các tiêu chuẩn xanh khác đối với hàng hóa xuất khẩu vào EU và các thị trường các quốc gia phát triển khác, trong đó có dệt may, da giày - túi xách là các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Ông Hà Đăng Sơn kỳ vọng vào các cơ chế hợp tác dành cho các doanh nghiệp chuyển đổi xanh.
"Việt Nam chúng ta cũng đã khá chủ động trong việc triển khai một loạt các hoạt động như việc xây dựng khung pháp lý và hướng dẫn để giúp doanh nghiệp sớm đáp ứng được các yêu cầu của các thị trường khó tính, đặc biệt là thị trường châu Âu trong vấn đề liên quan đến phát triển bền vững, giảm phát thải khí nhà kính, sử dụng năng lượng xanh sạch… Và tôi tin tưởng rằng với việc Bộ Công Thương ngày hôm nay có buổi lễ ký kết biên bản ghi nhớ với IDH và cùng với 3 hiệp hội thì nó sẽ là một bước tiến rất quan trọng. Bởi vì chúng ta cũng sẽ rất cần học hỏi kinh nghiệm quốc tế để xem xét tính phù hợp cũng như tính khả thi của các giải pháp mà có thể áp dụng cho các doanh nghiệp của Việt Nam, nhưng đồng thời cũng là chấp nhận được đối với lại các bên quản lý của các thị trường liên quan".
“Bản ghi nhớ hỗ trợ phát triển bền vững ngành Dệt may và Da giày Việt Nam” do Bộ Công Thương Việt Nam và Tổ chức Sáng kiến và thương mại bền vững Hà Lan (IDH) triển khai trong giai đoạn từ năm 2024 đến năm 2030 có 4 nội dung chính, bao gồm: Thứ nhất là các nội dung về trao đổi, chia sẻ thông tin về chính sách chiến lược, chương trình hành động kế hoạch quy định về phát triển bền vững trong các lĩnh vực ngành dệt may, bông sợi và da giầy Việt Nam; Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về các sáng kiến đổi mới ứng dụng công nghệ, mô hình thành công, thực hành tốt về sản xuất và tiêu dùng bền vững; (2) Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh; Nâng cao năng lực đào tạo, hướng dẫn cho các doanh nghiệp và các bên liên quan về chính sách, giải pháp công nghệ kỹ thuật, mô hình bền vững. (3) Truyền thông về các chính sách quy định pháp luật các mô hình điển hình thực hành tốt liên quan; (4) Trao đổi về ý tưởng, đề xuất ý tưởng xây dựng các hoạt động, dự án về phát triển bền vững, kết nối và huy động các nguồn lực thực hiện các hoạt động dự án phát triển bền vững ngành dệt may, bông sợi và da giầy Việt Nam đáp ứng nhu cầu thực tiễn và phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.