Quản lý năng lượng

Sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm trong sản xuất công nghiệp

Thứ hai, 14/10/2024 | 09:52 GMT+7
Sản xuất công nghiệp là một trong những lĩnh vực tiêu thụ nhiều điện năng nên các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tiết kiệm năng lượng (TKNL) trong sản xuất… Từ đó không chỉ giúp doanh nghiệp gia tăng lợi nhuận, tối ưu hóa sản xuất, tiết kiệm chi phí mà còn giảm lượng phát thải CO2, bảo vệ môi trường.


Công ty cổ phần Xuân Mai - Đạo Tú (Tam Dương) thay thế toàn bộ máy hàn que truyền thống sang máy hàn điện tử với công nghệ inverter giúp tiết kiệm từ 40 - 50% lượng điện năng tiêu thụ. Ảnh: Nguyễn Lượng

Toàn tỉnh hiện có hơn 16.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong đó, riêng tại 9 khu công nghiệp (KCN) đã đi vào hoạt động thu hút gần 500 dự án còn hiệu lực; các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến từ 20 quốc gia, vùng lãnh thổ, đóng góp không nhỏ vào tăng thu ngân sách Nhà nước, đảm bảo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

9 tháng năm 2024, hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh ghi nhận mức tăng 12,24%, đóng góp 5,37 điểm % vào tăng trưởng GRDP của tỉnh; chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp tăng 4,71% so với cùng kỳ.

Những năm qua, sản lượng tiêu thụ điện năng trên địa bàn tỉnh tăng khá nhanh, trung bình hơn 10%/năm. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp - xây dựng là lĩnh vực tăng trưởng nhanh và hiện chiếm 65% cơ cấu tiêu thụ điện năng toàn tỉnh.

Chính vì vậy, việc thực hiện các giải pháp TKNL đối với doanh nghiệp là rất cần thiết, không chỉ cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng trong ngành công nghiệp mà còn đóng góp vào mục tiêu chung của quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

UBND tỉnh đã ban hành Đề án sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2030. Trong đó đề ra nhiều giải pháp quan trọng để thực hiện như hỗ trợ trực tiếp các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp nhằm thúc đẩy TKNL; nâng cao năng lực quản lý của các cơ quan quản lý Nhà nước về TKNL; nâng cao hiệu quả công tác truyền thông TKNL…

Theo đó, Sở Công thương đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm thực hiện các quy định của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Tổ chức hội thảo, hội nghị để giới thiệu các văn bản pháp luật mới ban hành, các thiết bị TKNL. Thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm; hướng dẫn, nhắc nhở các doanh nghiệp tối ưu hóa nhu cầu sử dụng điện và giảm lượng phát thải CO2.

Hưởng ứng việc triển khai đề án, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đẩy mạnh áp dụng các giải pháp thiết thực, mang lại hiệu quả rõ rệt. Năm 2023, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tiết kiệm được gần 90 triệu kWh, chiếm hơn 2% tổng sản lượng điện thương phẩm toàn tỉnh.

Điều chỉnh quy trình sản xuất hợp lý để hạn chế dùng điện giờ cao điểm; chuyển dây chuyền sản xuất sang giờ thấp điểm; giảm tối đa dùng cùng lúc nhiều thiết bị có công suất lớn…

Nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, Công ty TNHH Polaris Việt Nam (Bình Xuyên) tiết kiệm năng lượng, cắt giảm chi phí sản xuất. Ảnh: Nguyễn Lượng

Đồng thời thay thế toàn bộ máy hàn que truyền thống, tiêu tốn nhiều điện năng sang máy hàn điện tử với công nghệ inverter giúp tiết kiệm từ 40 - 50% lượng điện năng tiêu thụ so với công nghệ cũ. Đó là những giải pháp được Công ty cổ phần Xuân Mai - Đạo Tú (Tam Dương) áp dụng để góp phần cùng ngành điện giảm công suất cực đại vào giờ cao điểm nhằm giảm quá tải đường dây, trạm biến áp, giảm tình trạng thiếu hụt nguồn điện cục bộ trên toàn hệ thống điện.

Bên cạnh đó, công ty thường xuyên tuyên truyền, nâng cao ý thức TKNL cho đội ngũ công nhân, người lao động trong suốt quá trình sản xuất, kinh doanh.

Ông Đặng Việt Đức, Trưởng phòng Quản trị tổng hợp, Công ty cổ phần Xuân Mai - Đạo Tú cho biết: Sử dụng hiệu quả, tiết kiệm điện đem lại nhiều lợi ích thiết thực, giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí sản xuất, vận hành, gia tăng lợi nhuận, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường.

Để đạt mục tiêu các doanh nghiệp tiết kiệm 95 triệu kWh năm 2024, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành tăng cường thông tin tuyên truyền, phổ biến đến doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp về áp dụng, sử dụng các sản phẩm TKNL hiệu suất cao.

Xây dựng cơ chế, chính sách về thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hỗ trợ thực hiện kiểm toán năng lượng và áp dụng các hệ thống quản lý năng lượng tiên tiến cho các cơ sở sử dụng năng lượng cận trọng điểm.

Ưu tiên, khuyến khích, kêu gọi đầu tư các dự án năng lượng tái tạo như điện năng lượng mặt trời, điện khí sinh học, điện sinh khối, điện từ chất thải rắn... trên địa bàn tỉnh.

Công ty Điện lực Vĩnh Phúc tiếp tục làm việc với các doanh nghiệp sử dụng điện trọng điểm trong sản xuất công nghiệp yêu cầu dịch chuyển sản xuất ra khỏi giờ cao điểm nhằm hạn chế sử dụng công suất không cần thiết.

Khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, sử dụng thiết bị công nghệ có hiệu suất năng lượng cao; đầu tư thay đổi máy móc thiết bị lạc hậu bằng công nghệ tiên tiến, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh.

Link gốc

 

Theo: Báo Vĩnh Phúc