TP.HCM: Khuyến khích đầu tư nhà máy phát điện sử dụng rác thải đô thị

Thứ sáu, 12/6/2020 | 14:27 GMT+7
Thành ủy TP.HCM vừa ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Lễ khởi công Nhà máy đốt rác phát điện của Công ty Tâm Sinh Nghĩa.
 
Theo đó, TP.HCM đặt mục tiêu cung cấp đủ nhu cầu năng lượng, đáp ứng cho các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 của thành phố. Trong đó, xăng, dầu, gas đến năm 2030 đạt khoảng 4,1 triệu TOE (tấn dầu quy đổi); công suất lưới điện đáp ứng đủ và có dự phòng nhu cầu sử dụng điện cực đại đến năm 2025 là 7.000 MW, đến năm 2030 là 8.850 MW; sản lượng điện thương phẩm đến năm 2025 đạt khoảng 40.478 triệu kWh; sản lượng điện thương phẩm đến năm 2030 đạt khoảng 53.232 triệu kWh. Tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo so với công suất cực đại của hệ thống điện thành phố phấn đấu đạt tối thiểu 15% trong giai đoạn 2025 - 2030.
 
Theo Chương trình hành động, TP.HCM sẽ phát triển các nguồn cung năng lượng theo hướng đa dạng hoá, bảo đảm tính hiệu quả, tin cậy và bền vững. Cụ thể, về dầu khí, Thành phố sẽ đầu tư xây dựng hệ thống cung cấp, tiếp dẫn nhiên liệu, các trạm dự trữ dầu, khí gas và các dạng năng lượng khác theo chiến lược và quy hoạch phát triển năng lượng của quốc gia và thành phố. Về năng lượng tái tạo, ưu tiên sử dụng năng lượng mặt trời, khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy phát điện sử dụng rác thải đô thị, sinh khối và chất thải rắn đi đôi với công tác bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn.
 
Trong đó, TP.HCM khuyến khích các dự án nhiệt điện khí sử dụng LNG để đảm bảo đáp ứng nguồn cung ứng điện tại chỗ cho thành phố, hỗ trợ cho điều tiết hệ thống. Đối với điện gió và điện mặt trời, ưu tiên phát triển phù hợp với khả năng bảo đảm an toàn hệ thống; khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái. Đối với điện sinh khối, rác thải và chất thải rắn, tăng cường phát triển các nguồn điện từ rác thải đô thị (ưu tiên công nghệ đốt rác), chất thải rắn và sinh khối.
 
TP.HCM cũng sử dụng công nghệ lưới điện thông minh để giảm nhân công, tăng năng suất lao động và tối ưu hóa chi phí đáp ứng được lộ trình triển khai thị trường điện cạnh tranh. Tham gia cùng các Bộ, ngành Trung ương xây dựng hoàn thiện các cơ chế tài chính và huy động vốn cho đầu tư phát triển ngành điện, cơ chế cho phép phát triển các nhà máy điện sản xuất tại chỗ, tự cung cấp trong các khu, cụm công nghiệp phù hợp với thực tiễn của thành phố.
 
Đến nay, TP.HCM đã khởi đã khởi công xây dựng 2 nhà máy xử lý chất thải rắn đô thị bằng công nghệ đốt phát điện với tổng công suất 4.000 tấn/ngày, gồm: Nhà máy đốt rác phát điện của Công ty CP Đầu tư - Phát triển Tâm Sinh Nghĩa công suất phát điện 40MW (giai đoạn 1); Nhà máy đốt rác phát điện của Công ty Vietstar có công suất phát điện 35MW.

Link gốc
 
Theo: TN&MT