TTCK Việt Nam 1 năm nhìn lại

Thứ tư, 31/12/2008 | 16:09 GMT+7
Nhìn lại những sự kiện nổi bật trên TTCK Việt Nam năm 2008 để thấy rằng: chúng ta đã không thể lường trước thực tế khác xa kỳ vọng nhiều đến vậy.

1. Vn-Index sụt giảm 70% giá trị, Hastc-Index xuống dưới 100 điểm

Nếu như hai năm 2006-2007, thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển bong bóng với tốc độ nhất nhì thế giới thì sang năm 2008 cũng đứng đầu về tốc độ suy giảm.

VN-Index mở đầu phiên giao dịch năm 2008 đạt 921,07 điểm, tính đến ngày 29/12/2008, Vn-Index đang ở mức 308 điểm, bằng 1/3 so với đầu năm. Các giả định được đưa ra VN-Index sẽ dao động quanh mức 450 điểm, song hầu hết đều quá lạc quan, Vn-Index đã có lúc rơi xuống 286,85 điểm vào ngày 10/12.

Trong khi đó, mức thấp nhất của Hastc-Index trong năm nay là 97,61 điểm vào ngày 27/11/2008. Trước đó, vào ngày 28/10, chỉ số này đã có lúc xuống 98,87 điểm xong ngay lập tức các nhà đầu tư mua vào khiến chỉ số này lại vượt qua vạch 100 điểm.

Cuối năm 2007, vốn hóa thị trường chiếm 40% GDP (30 tỷ USD). Nhiều ý kiến lạc quan cho rằng, cuối năm 2008, vốn hóa thị trường sẽ đạt khoảng 35 – 40 tỷ USD (60% GDP). Tuy nhiên thực tế cho thấy, hết năm 2008, giá trị vốn hóa thị trường hiện chỉ còn 13 tỷ USD, tương đương 17% GDP. Vn-Index mất gần 70% giá trị.

2. Liên tục điều chỉnh biên độ dao động giá cổ phiếu

Có lẽ, năm 2008 sẽ đi vào lịch sử giao dịch của TTCK Việt Nam với số lần thay đổi biên độ nhiều nhất. Tổng cộng UBCK Nhà nước đã 4 lần điều chỉnh biên độ chứng khoán.

Lần 1 - 27/03/2008: Giảm biên độ dao động trên hai sàn từ 5% xuống 1% đối với HoSE và 10% xuống 2% đối với Hastc.

Lần 2 – 07/04/2008: Nới biên độ mỗi sàn thêm 1% - Hose 2% và Hastc 3%.

Lần 3 – 19/06: Tiếp tục nới biên độ HoSE lên 3% - Hastc lên 4%.

Lần 4 – 18/08/2008: Trả lại biên độ cũ cho HoSE 5% - nới biên độ Hastc lên 7%.

3. SCIC mua cổ phiếu bình ổn thị trường

Ngày 07/03/2008, trước những diễn biến bất lợi trên TTCK, VN-Index rơi từ mức 921 điểm xuống dưới 600 điểm, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) dưới sự chỉ đạo của Chính phủ đã mua vào một lượng cổ phiếu nhất định nhằm cứu giúp thị trường khi các lệnh bán ATO và bán sàn liên tục được đặt ra khiến VN-Index giảm điểm hơn 24 phiên liên tiếp.

Thị trường liên tục đặt ra câu hỏi SCIC đã ở đâu khi Vn-Index liên tục giảm điểm với khối lượng bán ra ngày càng lớn. Việc tham gia bình ổn thị trường của SCIC đã gây tranh cãi rất lớn trong giới đầu tư. Theo họ, nếu diễn biến thị trường xấu và kéo dài, việc bỏ hàng tỷ đồng của SCIC để mua chứng khoán trên sàn có thể làm bội chi ngana sách cũng như làm trầm trọng thêm vấn đề lạm phát lúc bấy giờ .

Tuy nhiên, cùng với các biện pháp thắt chặt và nới rộng biên độ, động thái tham gia thị trường của SCIC xét trên khía cạnh nào đó cũng góp phần bình ổn tâm lý các nhà đầu tư khi VN-Index đã tăng được từ 366 điểm lên 561 điểm vào ngày 26/08. Sau đó, VN-Index liên tục giảm điểm và chỉ còn 1/2 giá trị khi cả khối nhà đầu tư trong nước lẫn nước ngoài cùng bán mạnh cổ phiếu vào đợt cuối năm, trong khi cầu về cổ phiếu ngày một yếu dần.

4. Nhà đầu tư trong nước dõi theo hành động của khối ngoại

Trong 3 tháng, khối nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng cổ phiếu và trái phiếu trên cả hai sàn Hà Nội và Tp.HCM. Nếu trước đây, việc khối ngoại luôn đi ngược thị trường (mua vào khi thị trường giảm và bán ra khi thị trường tăng) sẽ góp phần cân bằng lại thị trường thì nay, khối ngoại liên tục bán ra bất kể thị trường tăng hay giảm.

Trước tình hình thế giới lâm vào khủng hoảng chung, giá các cổ phiếu tại chính quốc trở nên rẻ hơn so với thị trường Việt Nam, các tổ chức nước ngoài có xu hướng bảo toàn vốn và rút về nước.

Tính riêng 3 tháng cuối năm, khối ngoại bán ròng hơn1.730 tỷ đồng cổ phiếu và hơn 27.000 tỷ đồng trái phiếu. Trong đó dồn dập nhất vào tháng 10, khối ngoại liên tục bán ra trái phiếu với giá trị bán ròng lên tới 1.000 tỷ đồng/phiên.

Tổng cộng hai sàn, nhà đầu tư nước ngoài đang nắm giữ 2,69 tỷ USD tiền cổ phiếu.

Lo sợ một đợt rút vốn ồ ạt của khối ngoại, giới đầu tư trong nước cũng …hành động theo khối ngoại và liên tục bán ra cổ phiếu khiến VN-Index xuống 286,87 điểm ngày 10/12.

Thậm chí trong khoảng thời gian cuối tháng 11, đột nhiên TTCK Việt Nam diễn biến cùng pha với TTCK Mỹ. VN-Index diễn biến tăng giảm cùng với diễn biến của các chỉ số Dow Johns, Nasdaq. Mặc dù chỉ số chứng khoán Mỹ phản ánh ngay thông tin trong khi VN-Index bị ảnh hưởng bởi T+4.

Chung cuộc, trong năm 2008, khối ngoại vẫn mua ròng hơn 56 triệu cổ phiếu, đạt giá trị trên 5.800 tỷ đồng.

5. Một năm cổ phần hóa hụt hơi

Theo số liệu Bộ Tài chính công bố tại hội nghị ngành ngày 3/12, trong 11 tháng đầu năm 2008, cả nước đã sắp xếp được 121 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hoá 73 doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp; các hình thức khác (giao, bán, giải thể, phá sản, chuyển thành đơn vị sự nghiệp có thu, chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn) 45 doanh nghiệp (chiếm 40%), chỉ đạt 28% kế hoạch đã được Chính phủ phê duyệt trước đó.

Năm 2008, hầu hết các buổi đấu giá trên hai sàn HoSE và HaSTC đều không thành công, lượng đấu giá thành công chỉ chiếm dưới 10% tổng khối lượng chào bán.

Điển hình, hai buổi đấu giá cổ phần lần đầu của Tổng công ty Bia rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco) và Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đã diễn ra không như ý muốn.

Kết quả đấu giá Sabeco: Có 63% số cổ phần được đăng ký mua trên tổng khối lượng đưa ra đấu giá (78.362.400 cổ phần), giá đấu thành công là 70.003 đồng/cp (cao hơn giá khởi điểm 3 đồng). Tổng giá trị cổ phần bán được là 5.485.634.790.000 đồng.

Kết quả đấu giá Habeco còn tệ hơn, chỉ có 4,37 7 triệu cổ phần đăng ký mua/34,77 triệu cổ phần chào bán, giá đầu bình quân là 50.015 đồng/CP (cao hơn giá khởi điểm 15 đồng).

Có lẽ, đợt đấu giá cổ phần lần đầu của Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) được coi là thành công nhất trong năm 2008 khi thời điểm thị trường giảm còn 1/3 giá trị so với thời kỳ đầu, Vietinbank đã bán hết số lượng cổ phần chào bán với tổng số cổ phần đặt mua là 55.900.200 cổ phần, vượt 4,29% so với chào bán. Giá đấu thành công bình quân là 20.265 đồng/cổ phần. Như vậy, tất cả những phiếu đặt mua hợp lệ đều trúng đấu giá, gồm 107 tổ chức và 12.839 cá nhân.

Tổng trị giá cổ phần bán được là 1.086,181 tỷ đồng.

6. Ra đời thị trường giao dịch trái phiếu chuyên biệt

Kể từ khi chính thức đi vào hoạt động vào ngày 2/6/2008, thị trường trái phiếu chuyên biệt đã thể hiện rõ tầm quan trọng của mình với khối lượng và giá trị giao dịch luôn chiếm từ 50% tổng giao dịch của HASTC trở lên.

Tính đến ngày 14/11/2008, đã có 507 mã trái phiếu niêm yết trên HASTC, trị giá theo mệnh giá gần 154.702 tỷ đồng, đạt trên 11% GDP, cho thấy, TPCP là một trong những kênh huy động vốn hữu hiệu cho nền kinh tế. Mặt khác, trong 3 năm qua, tỷ lệ lãi TPCP Việt Nam luôn cao hơn mặt bằng quốc tế, do vậy TPCP Việt Nam đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà ĐTNN, đặc biệt phải kể tới các quỹ đầu tư trái phiếu quốc tế.

7. Nhiều tranh cãi về thuế chứng khoán

Luật Thuế thu nhập cá nhân sẽ giữ nguyên thời điểm áp dụng từ 1/1/2009, riêng thuế thu nhập đối với chứng khoán, thời điểm áp dụng là vấn đề gây tranh cãi suốt cả năm qua. Năm 2008 là năm mà hầu hết nhà đầu tư đều thua lỗ, cơ hội có lãi trong năm 2009 còn rất mong manh. Do đó tâm lý ngóng chờ quyết định hoãn thu Thuế thu nhập cá nhân từ chứng khoán là hy vọng chung của nhiều NĐT chứng khoán.

Ngày 27/12/2008, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp bàn và thống nhất sẽ tiếp tục triển khai việc thu thuế thu nhập cá nhân từ ngày 01/012009.

8. Năm đầu tiên thực hiện tách biệt tài khoản tiền gửi của NĐT chứng khoán tại ngân hàng

Trước phản ánh của nhiều NĐT về việc bị trục lợi trên tài khoản. UBCKNN đã ra quyết định thực hiện tách biệt tài khoản tiền gửi của NĐT chứng khoán tại ngân hàng. Theo đó, ngày 1/10/2008 là thời hạn cuối cùng để các CTCK tách biệt tài khoản tiền gửi của từng NĐT chứng khoán tại ngân hàng.

Đến ngày 1/10/2008, UBCK cho biết, 77 CTCK đang hoạt động đã thực hiện nghiêm túc việc tách bạch tài khoản tiền gửi của NĐT, từ ngày 1/10 CTCK đã không trực tiếp nhận tiền của NĐT nữa.

Ý nghĩa quan trọng nhất của việc thực hiện tách bạch tài khoản là nhằm đảm bảo an toàn cho tiền gửi của NĐT, nhất là khi CTCK không có đủ năng lực quản lý tiền chuyên nghiệp như ngân hàng.

9. Một năm có nhiều sai phạm

Theo tổng kết của Thanh tra Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), từ đầu năm 2008 đến nay (tính đến ngày 2/12), căn cứ vào kết quả kiểm tra trực tiếp, kết quả giám sát và hồ sơ tài liệu do đơn vị chức năng chuyển đến, Chánh thanh tra UBCK đã ký 124 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức và cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán Tổng số tiền phạt chứng khoán lên tới hơn 3,7 tỷ đồng.

Liên tục trên trang web của 2 sàn đưa thông tin xử phạt đại diện giao dịch của các CTCK mà phổ biến là hủy lệnh trong cùng đợt khớp lệnh định kỳ, trong đó có trường hợp bản thân nhân viên nhập nhầm lệnh mua thành bán và tự huỷ; có trường hợp do công ty trang bị hệ thống mới màn hình nhập lệnh trước đây ở bên trái nay chuyển qua bên phải, đại diện sàn quen tay dẫn đến sai sót; có trường hợp do hệ thống nhảy chậm, nhân viên nhập lệnh mua cổ phiếu chưa thấy lệnh vào hệ thống, nhập lại một lần nữa dẫn tới lệnh kép phải huỷ một lệnh.

Thời gian tới, công tác giám sát đối với TTCK cần được thực hiện sát sao hơn đảm bảo tính minh bạch cho thị trường, là căn cứ để thị trường phát triển bền vững.

Dự báo 2009

Thị trường Việt Nam luôn có độ trễ nhất định so với các diễn biến trên thị trường thế giới. Những trường hợp như CTCP Bông Bạch Tuyết rất có thể sẽ tiếp diễn tại các công ty khác khi thời kỳ khó khăn chung.

Các doanh nghiệp xuất khẩu không tìm được đơn hàng, các doanh nghiệp thuỷ sản gặp khó khăn về thị trường khi các nước cũng thu hẹp tiêu dùng và đầu tư, thị trường bất động sản khó khăn, ngân hàng mặc dù thừa tiền nhưng khó cho vay do doanh nghiệp cũng thu hẹp sản xuất...

Những hệ luỵ để lại từ năm 2008 sẽ là một thách thức lớn đối với TTCK Việt Nam nửa đầu năm 2009. Tuy nhiên đến cuối năm, tình hình có thể khởi sắc trở lại khi các gói kích cầu hàng trăm tỷ USD của các nước trên thế giới phát huy tác dụng.

Theo: CafeF