Tăng cường các giải pháp đảm bảo cung cấp điện mùa nắng nóng

Thứ bảy, 16/4/2022 | 18:38 GMT+7
Trước mùa nắng nóng năm nay, Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế (PC Thừa Thiên Huế) đang gấp rút triển khai các phương án bảo đảm cấp điện ổn định và liên tục.
 

Vệ sinh thiết bị điện bằng nước áp lực cao để giảm thiểu cắt điện.
 
Kiểm tra nguồn, lưới điện
 
Trước dự báo về nhu cầu sử dụng điện vào các tháng mùa khô tăng rất cao, PC Thừa Thiên Huế đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo lưới điện được vận hành an toàn, liên tục, không để xuất hiện tình trạng quá tải cục bộ trên lưới điện trung, hạ thế gây gián đoạn cung cấp điện trong mùa khô năm 2022.
 
Các đơn vị trực thuộc PC Thừa Thiên Huế đã tăng cường kiểm tra tình hình mang tải của các máy biến áp, các tuyến đường dây cấp điện, dự báo tình hình mang tải và xây dựng các phương thức vận hành trong các tình huống sự cố lưới điện.
 
Đối với các trạm biến áp (TBA) 110kV, TBA trung gian, trạm cắt, các đơn vị quản lý vận hành thực hiện đầy đủ các hạng mục kiểm tra định kỳ theo quy định, tăng cường kiểm tra đột xuất ngày và đêm sử dụng các thiết bị đo để kiểm tra các trạm thường xuyên mang tải cao, như trạm 110kV Phú Bài, 110kV Huế 3, 110kV Đồng Lâm, trạm trung gian Bốt Đỏ và tăng cường kiểm tra khi phụ tải có chiều hướng tăng cao đối với các trạm còn lại.
 
Với các trạm biến áp phân phối, các đơn vị quản lý lưới điện khu vực sẽ tăng cường sử dụng camera nhiệt kiểm tra tiếp xúc MBA, đo PD các tủ RMU, kiểm tra tiếp xúc tủ hạ thế, đo phụ tải vào thời gian cao điểm để tiến hành cân pha san tải khi phụ tải không cân bằng; chú trọng kiểm tra các trạm biến áp cấp điện cho các khách hàng quan trọng.
 
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có 320.466 khách hàng mua điện của PC Thừa Thiên Huế. PC Thừa Thiên Huế đã triển khai đồng bộ các hoạt động tuyên truyền, vận động đến từng tổ dân phố, cụm dân cư, các tổ chức, đoàn thể, trường học, các cơ quan hành chính sự nghiệp, đơn vị chiếu sáng đô thị, quảng cáo, trang trí… ký cam kết tiết giảm công suất điện sử dụng trong giờ cao điểm, khuyến cáo khách hàng thực hiện một số giải pháp tiết kiệm điện, như: hình thành thói quen tắt đèn, quạt, điều hòa… khi không có nhu cầu sử dụng; dùng điều hòa ở độ làm mát vừa phải; tận dụng các nguồn ánh sáng, năng lượng tự nhiên; cân đối bố trí lịch sản xuất theo hướng tiết giảm sử dụng điện trong giờ cao điểm…
 
Ông Nguyễn Đại Phúc, Giám đốc PC Thừa Thiên Huế thông tin, năm 2022, tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng, sửa chữa lớn hạ tầng lưới điện trên địa bàn tỉnh dự kiến hơn 260 tỷ đồng. Trong đó, hơn 211 tỷ đồng dùng để đầu tư mới và xấp xỉ 53 tỷ đồng được dùng để cải tạo, sửa chữa hạ tầng lưới điện.
 
PC Thừa Thiên Huế đã triển khai, hoàn thiện 6/11 công trình lưới điện và sẽ tiếp tục thực hiện 10 công trình hoàn thiện hạ tầng lưới điện trên tổng số 14 công trình đầu tư trong quý II/2022. Các hạng mục dự kiến hoàn thành đúng tiến độ, góp phần đảm bảo cung cấp điện liên tục, an toàn cho nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội, đời sống sinh hoạt của người dân trong mùa nắng nóng sắp tới.
 
Giảm thiểu thời gian mất điện do sự cố
 
Năm 2022, PC Thừa Thiên Huế tiếp tục hoàn thiện, phát triển cơ sở dữ liệu (CSDL) GIS theo mô hình dùng chung của Tổng công ty Điện lực miền Trung theo các cấp: lưới 110kV, trung thế, hạ thế. Đồng thời, tích hợp cơ sở dữ liệu GIS lưới điện với các nguồn dữ liệu của địa phương nhằm hoàn thiện hạ tầng lưới điện theo lộ trình lưới điện thông minh; từ đó, triển khai dự án tự động hóa điện phân phối (DAS), giúp nâng cao năng lực vận hành, giảm thiểu thời gian mất điện do sự cố.
 
Cũng nhằm hạn chế thời gian mất điện của khách hàng khi triển khai thực hiện các công tác duy tu, bảo dưỡng lưới điện, ngành điện cũng đã sử dụng công nghệ sửa chữa nóng lưới điện (sửa chữa hotline), đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng các máy phát điện 30kVA, 100kVA, 250kVA và 500kVA để cấp nguồn dự phòng trong một số trường hợp cấp thiết.
 
Để luôn sẵn sàng trước mọi tình huống, diễn biến phức tạp của thời tiết, chủ động các phương án cấp điện, ngoài các giải pháp trên, PC Thừa Thiên Huế cũng đã chuẩn bị đầy đủ các vật tư, thiết bị, phương tiện dự phòng để chủ động trong việc xử lý nhanh, kịp thời các sự cố trên lưới. Đồng thời, triển khai đồng bộ các phương án vận hành tối ưu, đảm bảo cấp điện an toàn, ổn định, liên tục, đáp ứng hiệu quả nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng cao của khách hàng, nhất là trong mùa nắng nóng.
 
Theo: Báo Thừa Thiên Huế