Sự kiện

Tăng giá bán than cho sản xuất điện, đồng nghĩa với việc tăng giá điện

Thứ năm, 31/12/2009 | 15:12 GMT+7

Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam (TKV) vừa có văn bản số 7069/TKV-KH+TTN đề nghị Bộ Tài chính và Bộ Công thương xem xét tăng giá bán than cho sản xuất điện năm 2010 lên bằng giá xuất khẩu trừ 10%. Theo đó, TKV đề nghị từ ngày 1-1-2010 sẽ áp dụng giá mới cho 4 loại than bán cho sản xuất điện. Việc tăng giá bán than cho sản xuất điện chắc chắn sẽ tác động tới giá bán điện. Như vậy, có nghĩa giá điện cũng sẽ tăng theo. Điều này sẽ tác động khá lớn tới nền kinh tế và hoạt động của các doanh nghiệp.

. Khi giá bán than cho điện tăng

Theo TKV, việc đề xuất giá bán than mới này dựa trên Thông báo 224/TB-VPCP ngày 11-8-2009 và Công văn số 13513/BTC-QLG ngày 23-9-2009 về việc giá than trong nước điều chỉnh thấp hơn giá than xuất khẩu tối đa 10%. Do đó, mặc dù đã tăng nhưng giá than bán cho điện vẫn đảm bảo thấp hơn giá than xuất khẩu cùng loại từ 10 – 12%. Mặt khác, năm 2009, TKV đã phải bù 2.000 tỷ đồng tiền chênh lệch do bán than cho điện thấp dưới giá thành và giá thị trường.

Nếu đề nghị tăng giá than của TKV được chấp nhận thì đây sẽ là mức tăng cao nhất đối với các nhà máy điện, bởi trước đó, 3 hộ tiêu thụ than lớn nhất là phân bón, giấy và xi măng đã được điều chỉnh giá than trong những tháng cuối năm 2009 thì mức điều chỉnh cũng chỉ tăng 25 – 30%.

 Theo Cục Điều tiết Điện lực, hiện nay than cho điện chủ yếu là than xấu, nhiệt lượng thấp, trong khi đó than xuất khẩu là than sạch có giá trị cao, giá than xuất khẩu liên tục biến động phụ thuộc vào biến động cung cầu than trên thế giới mà không phụ thuộc vào giá thành thực tế sản xuất than tại mỗi nước.

Với đề nghị điều chỉnh giá bán than cho sản xuất điện, TKV đưa ra giá thành sản xuất năm 2009 của than cám 5 là 520.000 đ/tấn, cám 4b là 648.000 đ/tấn, cám 6a là 414.000 đ/tấn, cám 5b là 330.000 đ/tấn. Như vậy, nếu giá than cho điện được lấy bằng giá than xuất khẩu trừ lùi 10% như TKV đề nghị  thì lợi nhuận của than cám 4b sẽ bằng khoảng 70% giá thành, của than cám 5 bằng khoảng 85% giá thành, của than cám 6a bằng khoảng 100% giá thành và của than cám 6b bằng khoảng 92% giá thành.

Trong cơ cấu giá điện hiện nay, giá phát điện chiếm tới trên 70% giá thành, mà giá phát điện lại chủ yếu phụ thuộc vào giá nhiên liệu, trong khi tỷ trọng các nhà máy nhiệt điện than chiếm trên 30%. Nếu thực hiện giá than cho điện theo TKV đề nghị thì giá than cám 4b là 1.100.000 đ/tấn, tăng 149% so với giá hiện hành (442.000 đ/tấn); giá than cám 5 là 960.000 đ/tấn, tăng 137% so với giá hiện hành (405.500 đ/tấn). Với các mức giá than như vậy, chi phí phát điện năm 2010 tăng đáng kể, ước tính tăng thêm 4.229 tỷ đồng so với phương án giá điện năm 2010 của EVN đề xuất; giá bán điện bình quân sẽ phải tăng từ mức 948.5 đ/kWh năm 2009 lên mức 1.110,8 đ/kWh năm 2010, tức là tăng 17,11% so với giá bán điện bình quân được duyệt năm 2009, nếu muốn duy trì tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của EVN ở mức tương đương như năm 2009. Mức tăng giá bán điện theo giá than sẽ gây ảnh hưởng làm giảm tốc độ phát triển kinh tế,  giảm thu hút đầu tư, ảnh hưởng nhiều đến đời sống nhân dân.

. Cần có thời gian để hình thành thị trường điện

Mặc dù Quyết định 21 của Thủ tướng Chính phủ mở ra việc tính toán biến động theo yếu tố đầu vào và cho từng khâu cấu thành giá điện. Nghĩa là giá điện sẽ được điều chỉnh từng năm theo yếu tố đầu vào và cho từng khâu cấu thành giá bán điện. Song theo Cục Điều tiết Điện lực, Để giá điện được điều chỉnh theo cơ chế thị trường, cần phải thực hiện được 2 cơ chế: cho phép tự động chuyển các chi phí đầu vào của sản xuất điện vào giá bán lẻ điện, đồng thời cũng phải có cơ chế cho phép doanh nghiệp tự điều chỉnh giá bán lẻ khi có biến động các chi phí đầu vào cho sản xuất kinh doanh điện (như giá than và các giá nhiên liệu khác, chênh lệch tỷ giá); giá phát điện phải được xác định thông qua hoạt động cạnh tranh trên thị thị trường phát điện.

Thực hiện Quyết định 21/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về giá bán điện năm 2009 và các năm 2010 - 2012 theo cơ chế thị trường, Bộ Công Thương đã xây dựng Quy định phương pháp lập, trình tự thủ tục thẩm định và ban hành giá bán điện theo cơ chế thị trường để áp dụng cho năm 2010. Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ Dự thảo cuối cùng của Quy định từ tháng 6-2009 nhưng tới nay Quy định vẫn chưa được phê duyệt. Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, hiện nay Cục ĐTĐL đang tiến hành nghiên cứu để xây dựng lại quy định dưới dạng một nghị định theo hướng cho phép giá điện được điều chỉnh theo chỉ số của các thông số đầu vào. Vì vậy, dự kiến phải mất ít nhất từ 6-9 tháng mới có thể hoàn thành và trình ban hành nghị định và chỉ có thể đưa vào áp dụng sớm nhất cho điều chỉnh giá điện từ năm 2011, khi đó mới có thể xem xét điều chỉnh giá than theo giá điện thị trường.

Mặt khác, khi giá điện thực hiện theo cơ chế thị trường, thì cần phải có thị trường phát điện cạnh tranh để giá phát điện sẽ do thị trường quyết định. Hiện nay, Cục ĐTĐL đã hoàn thành thiết kế thị trường phát điện cạnh tranh, dự kiến sẽ trình Bộ phê duyệt vào quý I năm 2010. Đồng thời để thị trường có thể đi vào hoạt động, cùng với thiết kế thị trường được duyệt, hàng loạt các quy định khác cũng cần được xây dựng và ban hành đồng bộ như: Quy định thị trường điện, Quy định lưới điện truyền tải, Quy định đo đếm trên thị trường, Hợp đồng mua bán điện mẫu dạng sai khác, Quy định về  khung giá phát điện cho các nhà máy điện chuẩn, Quy định về giá truyền tải, giá phân phối điện v.v. Tới nay, các quy định này đang được Cục ĐTĐL xây dựng và sẽ trình Bộ ban hành vào đầu năm 2010, sau đó cần có khoảng 6 tháng để các doanh nghiệp thử nghiệm các quy trình mới được ban hành trong thị trường thí điểm để hoàn thiện các văn bản đưa vào áp dụng trong thị trường chính thức.

. Cần duy trì giá điện hợp lý

Tuy nhiên, ngay cả khi giá điện đã thực hiện theo cơ chế thị trường thì giá than cho điện cũng không thể thay đổi liên tục hàng tháng, hàng quý theo giá thị trường thế giới vì sẽ gây biến động liên tục giá điện trong nước ảnh hưởng tới giá thành các ngành sản xuất và lạm phát trong nước. Thực tế các nước trên thế giới, giữa đơn vị cung cấp than và đơn vị phát điện cần có các biện pháp chia sẻ rủi ro (ký các hợp đồng hạn chế rủi ro trên các thị trường tài chính) nhằm ổn định giá than cho sản xuất điện, để ổn định giá điện. Đối với các nước đã có thị trường than, giá than sẽ do thị trường quyết định; đối với các nước chưa có thị trường than như Việt Nam, chỉ có một đơn vị độc quyền cung cấp thì giá than cần do Chính phủ quy định nhằm thực hiện được chính sách giá năng lượng của Chính phủ và hài hoà được quyền lợi giữa ngành than (là ngành khai thác tài nguyên quốc gia) và ngành điện (là ngành cung cấp tư liệu sản xuất cho các ngành sản xuất khác và cung cấp nhu cầu thiết yếu cho đời sống xã hội). Nếu Chính phủ muốn duy trì giá điện ở mức thấp để thu hút đầu tư cho nền kinh tế và đảm bảo ổn định đời sống đại đa số người dân có thu nhập chưa cao, thì giá than cần giữ ở mức thấp hợp lý. Ở một số nước (như Indonesia, Thái Lan) hiện nay vẫn duy trì chính sách giá năng lượng như trên. Thực tế, hiện nay Chính phủ vẫn đang áp dụng chính sách này đối với ngành khí, giá khí cho điện được giữ ở mức tương đương với giá thành sản xuất cộng với một mức lợi nhuận hợp lý cho ngành khí và thấp hơn giá khí thị trường thế giới, để duy trì giá điện ở mức hợp lý.

Để thực hiện chủ trương của Chính phủ về giá than cho điện dần theo cơ chế thị trường khi giá điện thực hiện theo cơ chế thị trường, giá than cho điện cần được xác định trên cơ sở giá thành sản xuất than cộng lợi nhuận cho ngành than ở mức tương quan hợp lý so với lợi nhuận của ngành điện để đảm bảo tính hợp lý cân đối liên ngành.

 Năm 2010 giá điện chưa thực hiện được theo cơ chế thị trường nên giá than cho điện cần được xác định ở mức phù hợp với mức tăng giá điện được Chính phủ phê duyệt. Giá than cho điện cần tăng theo lộ trình phù hợp với lộ trình tăng giá điện lên đạt mức giá thị trường./

Thanh Mai