Sự kiện

55 năm thắp sáng dòng điện cách mạng

Thứ năm, 24/12/2009 | 08:50 GMT+7

Trong chiến tranh, ngành Điện gắn bó hữu có với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và khi hòa bình thì gắn bó hữu cơ với sự phát triển kinh tế xã hội. Mỗi bước đi trong từng giai đoạn của Điện lực Việt Nam đều thể hiện tầm nhìn chiến lược sâu rộng và luôn theo sát sự chỉ đạo, định hướng của Đảng và Nhà nước.

Kiên cường trong chiến tranh

Cùng với tiến trình phát triển lịch sử đất nước, tính từ khi nhà máy điện đầu tiên ở Việt Nam ra đời đến nay, ngành Điện Việt Nam đã trải qua hơn một thế kỷ hình thành và phát triển với bao thăng trầm, gian khó song cũng vô cùng oanh liêth, hào hùng. Lịch sử hình thành và phát triển của ngành Điện Cách mạng Việt Nam gắn bó máu thịt với phong trào giải phóng dân tộc. Các thế hệ thợ điện đã tham gia hàng trăm cuộc đấu tranh cách mạng đòi các quyền dân sinh, dân chủ … Bằng ý thức kỷ luật cao, tinh thần đoàn kết gắn bó trên cơ sở các hoạt động sản xuất, sự có mặt của người thợ điện đã làm cho các cuộc đấu tranh thêm quyết liệt và có sức lan tỏa mạnh mẽ.

Với hiệu quả đặc biệt và thiết yếu, ngành Điện luôn được sự quan tâm đặc biệt và chỉ đạo sâu sát của Đảng, Chính phủ, đặc biệt là Bác Hồ. Trong tâm trí những người làm nghề điện luôn ghi nhớ ngày 21/12/1954 – Ngày Bác Hồ về thăm Nhà máy đèn Bờ Hồ, Bác đã căn dặn các cán bộ, công nhân ngành Điện: “ … Nhà máy này bây giờ là của nhân dân, của Chính phủ, của các cô, các chú. Các cô, các chú là chủ thì giữ gìn nhà máy làm cho nó phát triển hơn nữa”. Tiếp nối truyền thống một dòng điện cách mạng, 55 năm qua, những cán bộ, công nhân ĐLVN không ngừng nỗ lực, vượt qua mọi thử thách, chông gai để thực hiện lời căn dặn của Bác, làm tròn trách nhiệm Đảng và Nhà nước giao phó. Ngày 12/9/2009, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký  và ban hành Quyết định số 1494/QĐ-TTg, chính thức lấy ngày Truyền thống ngành Điện lực Việt Nam, là ngày hội của toàn ngành nhằm giáo dục truyền thống, động viên phong trào thi đua lao động sản xuất vì sự phát triển của ngành và của đất nước.


Quyết liệt trong đổi mới

Cho tới những thập niên 80, 90, mặc dù bôn bề với việc khắc phục hậu quả chiến tranh, những cùng với cả nước ngành Điện bước vào công cuộc đổi mới với một tinh thần quyết liệt và đã tạo ra những thay đổi đáng kể. Ngành Điện là ngành kinh tế kỹ thuật đầu tiên của cả nước lập kế hoạch phát triển dài hạn. Dưới sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ và sự tham gia, ủng hộ tích cực của các bộ ban ngành, hệ thống nguồn và lưới điện liên tục được mở rộng theo quy hoạch trong Tổng sơ đồ phát triển điện lực theo các giai đoạn I, II, III, IV, V và hiện đang triển khai thực hiện Quy hoạch điện VI hiệu chỉnh, đồng thời chuẩn bị cho việc xây dựng Quy hoạch điện VII. Với sự ra đời của hàng loạt những công trình thủy điện, nhiệt điện, đường dây truyền tải mang tầm cỡ quốc gia, ngành Điện đã góp phần quan trọng đánh thức những mỏ than khổng lồ, khơi dậy nguồn khí quý giá và quy phục những con nước hung dữ để biến thành năng lượng phục vụ nhân dân.

Với vai trò và nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, ngành Điện gắn bó sâu sắc và hữu cơ với mọi hoạt động của nền kinh tế và cuộc sống dân sinh. Cùng với sự phát triển đi lên của nền kinh tế, ngành Điện đã đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chỉ tiêu điện năng tính trên đầu người: Năm 1965 đạt 30 kWh/người/năm; năm 1975 là 56,2 kWh/người/năm; năm 1985 đã tăng lên 84 kWh/người/năm; năm 1995 là 198 kWh/người/năm và đến năm 2008 đã đạt trên 870 kWh/người/năm (gấp 15 lần so với năm 1975). Dòng điện cách mạng gửi gắm bao nhiệt huyết, ý chí và cả sự hy sinh của hàng chục ngàn cán bộ, công nhân ngành Điện đã được đưa đến mọi miền của Tổ quốc. Trong lời phát biểu của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày Truyền thống ngành Điện Việt Nam (21/12/2004), không chỉ biểu dương những đóng góp của ngành Điện bằng những con số thể hiện quy mô, năng lực sản xuất điện mà còn nhấn mạnh đến một đặc trưng của dòng điện cách mạng, đó là: “Nét nổi bật nhất là EVN đã thực hiện rất tốt nghĩa vụ công ích đối với đất nước, đưa điện đến 100% số huyện, 90% số xã và hơn 80% số hộ dân nông thôn … Đây là thành quả của EVN trong quá trình xây dựng, đẩy mạnh sự nghiệp, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, được bạn bè trong nước và quốc tế đánh giá cao …”. Đến nay, cùng với những nỗ lực không mệt mỏi của ngành Điện, những con số trên vẫn đang tiếp tục tiến xa hơn. Tính đến tháng 6/2009, dòng điện quốc gia đã thắp sáng 100% số huyện, 97,32% số xã và hơn 94,67% số hộ dân nông thôn trên cả nước.

Vững vàng trong hội nhập

Một sự kiện quan trọng đánh dấu bước chuyển đổi sâu sắc về tổ chức quản lý, nâng cao tính chủ động trong sản xuất, kinh doanh của ngành Điện, đó là sự kiện thành lập Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Với mô hình Tập đoàn kinh tế, EVN đã có các chuyển biến quan trọng về mô hình quản lý, cơ chế điều hành, định hướng hoạt động … vừa tập trung mạnh mẽ vào đầu tư  phát triển hệ thống nguồn và lưới điện, đảm bảo nhiệm vụ quan trọng nhất là đáp ứng nhu cầu điện cho nền kinh tế xã hội, đồng thời mở rộng kinh doanh các ngành nghề khác trên cơ sở thế mạnh kinh doanh điện … Đây là tiền đề quan trọng để ngành Điện đảm bảo năng lực cung cấp điện an toàn và tin cậy cho mọi nhu cầu phát triển, hướng tới một thị trường điện cạnh tranh trong xu thế hội nhập và phát triển của đất nước. Bên cạnh đó, Tập đoàn đẩy mạnh công tác cổ phần hóa, chỉ giữ độc quyền truyền tải và nắm giữ 100% vốn nhà nước của các nhà máy điện lớn đảm bảo hiệu ích tổng hợp như cấp điện, chống lũ, tưới tiêu. Sau khi thực hiện sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao DNNN từ năm 2002 đến nay, tính đển cuối năm 2009, EVN được cơ cấu thành 71 đơn vị thành viên và trực thuộc, 23 công ty liên kết, với tổng số nhân lực trên 97.000 người.

Tận dụng những lợi thế riêng của hệ thống truyền tải điện, EVN đã đẩy mạnh phát triển viễn thông, phát triển mạnh mẽ và rộng khắp dịch vụ ngân hàng, tài chính và bảo hiểm. Đồng thời, chú trọng đẩy mạnh việc sản xuất cơ khí điện lực, đặc biệt sản xuất các thiết bị lưới điện cao áp, các thiết bị nhà máy điện; mở rộng hoạt động tư vấn xây dựng điện ra các nước trong khu vực và thế giới; hợp tác với các nước láng giềng để quy hoạch, thiết kế, xây dựng các nhà máy điện tại Lào và Campuchia; mở rộng liên kết lưới điện 110, 220kV với các nước trong khu vực và trong khối ASEAN, tiến tới liên kết đến cấp điện áp 500kV.

Mặc dù phải trải qua nhiều giai đoạn khó khăn của đất nước cũng như những biến động quan trọng trong quá trình phát triển, song Điện lực Việt Nam với năng lực nội sinh mạnh mẽ đã từng bước vượt qua mọi thử thách và khó khăn của khủng hoảng kinh tế nói chung cũng như những giai đoạn thăng trầm của ngành Điện nói riêng. Một trong những nguyên nhân cơ bản để EVN trụ vững, gặt hái được những thành tựu quan trọng và góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế đất nước là tinh thần dám nghĩ dám làm và dam chịu trách nhiệm của tập thể cán bộ lãnh đạo Tập đoàn và các đơn vị trong ngành. Từ nhu cầu và kinh nghiệm thực tiễn, lãnh đạo EVN đã mạnh dạn đề xuất với Bộ, với Chính phủ nhiều giải pháp và bước đi quan trọng mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao như: Hiệu chỉnh lại Quy hoạch điện V, VI; cơ chế 797, 400 nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án điện quan trọng thực hiện chào giá phát điện cạnh tranh nội bộ, tiến tới xây dựng thị trường điện; đưa ra nhiều phương án cải thiện nguy cơ thiếu điện, cung cấp điện kịp thời cho ĐBSCL và các tỉnh miền Bắc; đầu tư, tiếp nhận, cải tạo lưới điện hạ áp nông thôn nhằm nâng cao  hiệu quả cung cấp điện và thực hiện công bằng về giá mua điện cho người dân nông thôn; tiết kiệm điện, tái cơ cấu ngành Điện … Cho đến nay, ngành Điện không những đã khẳng định được vai trò và vị trí của mình trong nền kinh tế quốc dân mà còn tự hào vì thực hiện đúng lời dạy của Bác Hồ vĩ đại.

Ý nghĩa của vai trò này còn được khẳng định mạnh mẽ và quyết liệt hơn khi EVN được Quốc hội, Đảng và Chính phủ tin tưởng giao nhiệm vụ vô vùng quan trọng là triển khai nghiên cứu, khảo sát, lập báo cáo khả thi, đầu tư, giám sát xây dựng và sau này là quản lý vận hành 2 dự án nhà máy điện nguyên tử đầu tiên của Việt Nam, dự kiến hoàn thành vào năm 2020. Đây là niềm vinh dự lớn, tiền đề cho một bước ngoặt quan trọng tỉếp nối những bước ngoặt trong lịch sử phát triển Điện lực Việt Nam suốt 55 năm qua.

Lịch sử một dòng điện cách mạng được khởi đầu từ những truyền thống anh hừng và liên tục được nuôi dưỡng bởi dòng nhiệt huyết đầy sáng tạo qua các thế hệ. Kiên cường trong chiến tranh, quyết liệt trong đổi mới và vững vàng trong hội nhập là những phẩm chất làm nên một Điện lực Việt Nam hôm nay.

Đào Văn Hưng – Bí thư Đảng bộ - Chủ tịch HĐQT EVN

Theo: Kỷ yếu 2009