Tập trung hoàn thiện hệ thống hạ tầng đảm bảo vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh

Thứ sáu, 4/8/2017 | 14:02 GMT+7
Tại Hội nghị tổng kết 5 năm chính thức vận hành thị trường phát điện cạnh tranh (1/7/2012 - 6/2017) và thị trường bán buôn điện cạnh tranh thí điểm giai đoạn từ tháng 7/2016 đến nay, mặc dù ghi nhận đã đạt được các kết quả tích cực, song đại diện Bộ Công thương cũng thẳng thắn thừa nhận những tồn tại dẫn đến khó khăn khi chuyển sang cấp độ thứ 2 của thị trường điện. 

Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Theo đó, để chuẩn bị cho việc vận hành chính thức thị trường bán buôn điện cạnh tranh từ năm 2019, Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị tham gia thị trường điện tập trung triển khai tốt giai đoạn vận hành thí điểm 6 tháng cuối năm 2017, đồng thời đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, đào tạo nhân lực… 
 
Báo cáo của Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương cho thấy, kể từ khi chính thức đưa vào vận hành thị trường phát điện cạnh tranh (từ 01/7/2012) đến nay, công tác vận hành thị trường phát điện cạnh tranh được đảm bảo an toàn, liên tục. Hệ thống điện tiếp tục được vận hành tin cậy, cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế, xã hội. Các thông tin về kế hoạch vận hành thị trường điện (theo kế hoạch năm, kế hoạch tháng và kế hoạch tuần), tình hình vận hành hệ thống điện đã được công bố đầy đủ cho các thành viên tham gia thị trường, góp phần giúp tăng tính minh bạch, công bằng trong việc huy động nguồn điện. Các đơn vị phát điện đã nhận thức được tầm quan trọng, chủ động hơn trong công tác vận hành, rút ngắn thời gian sửa chữa, bảo dưỡng, cắt giảm chi phí vận hành, chủ động trong chào giá nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất của đơn vị, góp phần nâng cao hiệu quả chung của toàn hệ thống. 
 
Tính đến hết tháng 6/2017 đã có 76 nhà máy điện có công suất từ 30MW trở lên tham gia thị trường, với tổng công suất đặt 20.728MW, chiếm tới 49% công suất nguồn của hệ thống điện tham gia thị trường, tăng 2,45 lần so với thời điểm mới vận hành năm 2012 (chỉ có 31 nhà máy). Trong đó, những thành phần chính cấu thành nên sự cạnh tranh của thị trường điện bao gồm: tuabin khí chiếm tỷ lệ 17%, thủy điện dao động từ 35-38% (tùy thuộc vào từng thời điểm biến động của thời tiết khí khậu thủy văn, theo mùa) và nhiệt điện than là khoảng 35% (có sự thay đổi do việc huy động từ nguồn thủy điện). Sau khi nghiên cứu các hình thái chào giá sau 5 năm các nhà máy điện tham gia chào giá trên thị trường, ông Nguyễn Quốc Trung - Trưởng phòng thị trường Điện, Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) cho biết, cách thức chào giá của tất cả các thành viên tham gia thị trường điện đã có những biến động rất khác so với thời điểm đầu tham gia thị trường, đặc biệt đối với các NM thủy điện. Giai đoạn đầu thường chào bán theo sản lượng hợp đồng nhưng đến thời điểm hiện nay việc chào bán của các nhà máy rất có chiến lược. Cách chào thể hiện sự cạnh tranh của các nhà máy trong thị trường điện với nhau và cũng là hành vi dẫn đến giá thị trường điện có xu hướng giảm. Khi mà giá có sự cạnh tranh thì đó là những tín hiệu rất tốt trong thị trường điện.
 

 
Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, song nhiều nhà máy điện cho biết, trong quá trình tham gia thị trường phát điện cũng đã vấp phải không ít khó khăn, nhất là trong quá trình thanh toán của một số nhà máy nhiệt điện hay việc chào giá, huy động điện tại các nhà máy thủy điện khi thực hiện theo quy trình vận hành liên hồ chứa… Tổng hợp các ý kiến của doanh nghiệp, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công thương nêu quan điểm, nhiều nhà máy do đặc thù khi có nước về hoặc khi có bất thường trong vận hành dẫn đến việc chào giá không kịp thời. Chúng tôi đã trao đổi với A0 để cho phép 1 số nhà máy điện chào giá lại. Tức là đăng ký lại công suất sẵn sàng thôi chứ giá chào không thay đổi, theo đúng quy định của thị trường điện. Trong quy định thị trường bán buôn chúng ta cũng đã đưa quy định này vào rồi. Tuy nhiên, hạ tầng cơ sở của A0 hiện nay chưa đáp ứng được nên cần tính toán lại toàn bộ hệ thống xem trong thời gian tới với cơ sở vật chất hiện có thì bao giờ có thể tiến hành tính toán lại giá chào cho các nhà máy. Nếu làm được điều này thì sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề bất cập trong thị trường điện, nhưng phải dựa trên hạ tầng cơ sở có đủ không. Ở đây hạ tầng phải nói cả 2 phía, thứ nhất là thừ phía A0 sẽ phải tổng hợp 1 khối lượng tương đối lớn các bản chào lại của các đơn vị, nhưng về phía các đơn vị thì cũng phải có đủ các thông số, đủ phương tiện cũng như con người để tính toán chào giá lại.
 
Việc rút ngắn thời gian thanh toán cũng được cho là một trong những vấn đề đang được các doanh nghiệp quan tâm nhất khi tham gia vào thị trường điện cạnh tranh. Hiện nay, thời gian thanh toán đã có quy định cụ thể, tuy nhiên, mỗi nhà máy đều có hợp đồng mua bán điện, trong đó có quy định rõ thời gian thanh toán. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công thương cho rằng, việc sử dụng chữ ký số có thể rút ngắn thời gian thanh toán phương án này đang được xem xét, nghiên cứu áp dụng.
 
Song song với công tác củng cố và phát triển thị trường phát điện cạnh tranh, Bộ Công thương cũng đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị nghiên cứu chuẩn bị cho việc vận hành thí điểm thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Theo thứ trưởng Bộ Công Thương - ông Hoàng Quốc Vượng, qua thời gian vận hành thí điểm đã bộc lộ nhiều tồn tại, như việc chuyển phương thức mua bán điện từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam, bộ máy nhân lực ở các Tổng công ty điện lực còn yếu, sự phát triển hạ tầng CNTT còn chậm, chưa phát triển nên chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển nhanh của thị trường…  
 
Để chuẩn bị cho việc vận hành chính thức thị trường bán buôn điện cạnh tranh từ năm 2019, ông Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh việc tập trung hoàn thành tốt giai đoạn vận hành thí điểm 6 tháng cuối năm 2017, đồng thời đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng cũng như công tác đào tạo nguồn nhân lực cho các đơn vị, doanh nghiệp, thành phần tham gia thị trường. Cục Điều tiết điện lực cần tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, trong đó có việc ban hành Thông tư mới về vận hành thị trường bán buôn cạnh tranh. Khi có Thông tư tốt sẽ hỗ trợ thị trường vận hành tốt ngay từ đầu. Để chuyển sang giai đoạn thị trường điện bán buôn, Cục Điều tiết điện lực cần nghiên cứu đề xuất phương án cơ chế giá phù hợp. EVN cần có giải pháp đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, chủ động đào tạo nhân lực cho 5 Tổng công ty điện lực, chỉ đạo Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) và các đơn vị điện lực vận hành thị trường bán buôn thí điểm để khi đưa vào vận hành, giá bán của các nhà máy tham gia thị trường sẽ đảm bảo cạnh tranh hơn.
 
Nằm trong Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và kế hoạch vận hành thị trường điện, trong năm 2018, Trung tâm điều độ HTĐ quốc gia (A0) sẽ được chuyển đổi trở thành công ty hạch toán độc lập của EVN, nhằm đảm bảo vận hành chính thức thị trường bán buôn điện cạnh tranh từ năm 2019.
Nguyên Long/Icon.com.vn