Toàn cảnh buổi họp Tham vấn kỹ thuật “Phương pháp nghiên cứu xây dựng và sửa đổi định mức sử dụng năng lượng trong ngành công nghiệp thép”
Tham dự cuộc họp có đại diện Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững - Bộ Công Thương, các chuyên gia từ Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững Hàn Quốc (SDMI), Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), các công ty kiểm toán năng lượng trong nước các doanh nghiệp ngành thép và nhà khoa học trong lĩnh vực năng lượng và tiết kiệm năng lượng.
Phát biểu khai mạc cuộc họp, ông Đặng Hải Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết: Trong xu hướng tuân thủ NetZero của quốc tế, Việt Nam đang là một nước xuất khẩu và thép là một trong những mặt hàng xuất khẩu lớn. Có thể thấy các thị trường toàn cầu đang thay đổi, đặc biệt thị trường châu Âu sẽ có các quy định khắt khe hơn đối với các sản phẩm là ngành chủ lực như là dệt may, da dày, sắt, thép, nhôm, hóa chất,...
Trong giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2021, ngành thép Việt Nam có bước phát triển mạnh mẽ, tăng trưởng ở mức 2 con số mỗi năm (25% - 35%). Năm 2021, Việt Nam đang có 117 doanh nghiệp sản xuất thép nằm trong danh sách các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm.
Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp thép tại Việt Nam đang có quy mô vừa và nhỏ, một số doanh nghiệp có công suất thấp với công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng. Tại các cơ sở sản xuất, mức tiêu thụ năng lượng ngành thép lên đến 9 triệu TOE/năm. Đặc biệt, năng lượng tiêu thụ của ngành thép chiếm khoảng 5,18% tổng năng lượng tiêu thụ của tất cả các ngành công nghiệp tại Việt Nam.
Chia sẻ về tầm nhìn tiết kiệm năng lượng ngành thép, ông Đặng Hải Dũng nhấn mạnh: "Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 (VNEEP3) đặt ra mục tiêu giảm tiêu hao năng lượng bình quân đối với ngành sản xuất thép. Cụ thể, đối với ngành thép Việt Nam đặt mục tiêu giảm mức tiêu hao năng lượng 3 - 10% đến năm 2025 và 5 - 16,5% vào năm 2030".
Sau 10 năm, ngành thép đã có những bước phát triển mạnh mẽ, về cả quy mô và sản lượng. Ngoài ra, việc tăng cường hội nhập quốc tế là một trong những yêu cầu doanh nghiệp ngày càng phải nâng cao về hiệu suất năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính. Điều này cũng đặt ra các thách thức cho các doanh nghiệp phải sử dụng năng lượng và hiệu quả, giảm phát thải nhà kính, thực hiện việc xây dựng, cập nhật định mức tiêu hao năng lượng cho ngành thép trong thời gian tới.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, cũng như phù hợp với xu thế phát triển và tiêu thụ năng lượng của ngành, Bộ Công Thương đã chỉ đạo triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện tiết kiệm năng lượng .
Cụ thể, trong khuôn khổ Dự án "Thúc đẩy thị trường đầu tư tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp và hỗ trợ thực hiện Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh Việt Nam" tài trợ bởi Cơ Quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Bộ Công Thương phối hợp xây dựng và sửa đổi định mức sử dụng năng lượng trong ngành công nghiệp Thép, góp phần thực thi tuân thủ quy định sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Theo đó, mục tiêu chính của Chương trình là điều tra, khảo sát, nâng cấp và hỗ trợ Bộ Công Thương ban hành Thông tư mới quy định định mức tiêu hao năng lượng cho ngành sản xuất gang, thép giai đoạn sau năm 2025 (thay thế Thông tư 20/2016/TT-BCT). Đồng thời, cung cấp những thông tin đầu vào quan trọng và hữu ích làm cơ sở để Bộ Công Thương xây dựng các văn bản pháp luật liên quan trong tương lai.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Thanh Hà, đại diện Công ty Cổ phần RCEE NIRAS cho biết: “Trong khuôn khổ Chương trình, RCEE NIRAS thực hiện thu thập dữ liệu, đánh giá khảo sát, thực hiện thu thập dữ liệu thực địa. Đồng thời, Công ty cũng phối hợp với các DEU để có những kết quả từ việc thực hiện kiểm toán của dự án triển khai và thực hiện đánh giá tiềm năng tiết kiệm năng lượng cho từng phân ngành của ngành. Từ đó, có thể xác định ngành thép có tiềm năng tiết kiệm bao nhiêu, các giải pháp, công nghệ, mức đầu tư, cơ chế hỗ trợ, giải pháp đối với đơn vị tư vấn. Cuối cùng, chúng tôi sẽ xây dựng báo cáo đi kèm là Dự thảo thông tư, đưa ra các chỉ số định lượng, nhằm cung cấp các số liệu rõ hơn để Bộ Công Thương xây dựng các kế hoạch tiếp theo".
Các chuyên gia trong nước và quốc tế đã trình bày về đề xuất sửa đổi định mức tiêu hao năng lượng cho ngành thép.
Tại buổi cuộc hợp, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã trình bày về đề xuất sửa đổi định mức tiêu hao năng lượng cho ngành thép và hệ thống hỗ trợ giám sát, báo cáo và thẩm tra thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Nhận định về thực trạng tuân thủ quy định về định mức tiêu hao năng lượng, các chuyên gia trong nước và quốc tế cho biết có nhiều nguyên nhân. Theo đó, các thách thức hiện tại của ngành thép bao gồm: tồn tại công nghệ lạc hậu, không khép kín, tiêu thụ, gây ô nhiễm môi trường; năng lực sản xuất và chủng loại sản phẩm chưa đa dạng; năng lực cạnh tranh thấp; phụ thuộc vào các yếu tố thị trường, nguyên liệu nhập khẩu và các biện pháp phòng vệ thương mại.
Các khảo sát cho thấy hiện nay mức độ tuân thủ quy định về định mức tiêu hao năng lượng của doanh nghiệp ngành thép có tiềm năng thực hiện lớn. Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp nộp báo cáo là 54%, tỷ lệ doanh nghiệp cung cấp thông tin sản lượng là 69%, tỷ lệ cung cấp thông tin công suất đạt 70%.
Ông Trần Đức Hoà, đại diện Công ty Cổ phần RCEE-NIRAS chia sẻ: “Ngành thép Việt Nam hiện tại tiêu thụ khá nhiều năng lượng. Tiềm năng tiết kiệm năng lượng của ngành thép Việt Nam có thể đạt 21%. Trong danh sách các doanh nghiệp sử dụng năng lượng trong điểm công bố năm 2021, các doanh nghiệp sản xuất thép đang tiêu thụ 18,25% mức tổng năng lượng của tất cả các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm”.
Chia sẻ về kinh nghiệm tiết kiệm năng lượng ngành thép, các chuyên gia trong nước và quốc tế cũng bàn luận về phương pháp benchmarking. Ông Kim Min Chul, đại diện Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững Hàn Quốc (SDMI) đã chia sẻ tổng quát về phương pháp benchmarking, hiệu quả năng lượng của phương pháp đối với ngành thép cùng một số ví dụ điển hình của việc triển khai phương pháp này thành công tại một số quốc gia như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản. Ông Kim Min Jeon đánh giá đây có thể là phương pháp tiềm năng giúp ngành thép Việt Nam tiết kiệm năng lượng tiêu thụ, giảm phát thải và đạt được mục tiêu định mức năng lượng do ngành đề ra.
Ông Kim Min Chul, đại diện Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững Hàn Quốc (SDMI) chia sẻ một số kinh nghiệm từ phương pháp benchmarking.
Cũng tại cuộc họp, Công ty Cổ phần RCEE-NIRAS đã chia sẻ tiêu chí lựa chọn và kế hoạch kiểm toán năng lượng cho ngành thép. Cụ thể, các tiêu chí được phân loại theo các công đoạn sản xuất: thiêu kết, luyện gang, các công nghệ sản xuất thép thô, các công nghệ sản xuất thép thành phẩm; theo công suất: Thấp, trung bình, và cao; theo năm vận hành: trước năm 1996, trước năm 2001, đến hiện tại; vị trí địa lý: Bắc, Trung, Nam (ưu tiên các địa phương có thế mạnh); theo chủ sở hữu: Nhà nước, tư nhân, FDI; tâm thế sẵn sàng hợp tác.
Cuộc họp cũng dành nhiều thời gian để các đại biểu tập trung làm rõ các mục tiêu, yêu cầu và nội dung Dự thảo định mức sử dụng năng lượng trong ngành thép. Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp cùng Dự án “Thúc đẩy thị trường đầu tư tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp và hỗ trợ thực hiện Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh Việt Nam” để phát triển kế hoạch Dự thảo.