Trong sơ đồ bậc thang thuỷ điện sông Sê San, phía Việt Nam có 7 công trình là Thượng Kon Tum, Plêikrông, Ialy, Sê San 3, 3A, Sê San 4, Sê San 4A và Sê San 5 với tổng công suất 1.941 MW; phía Căm-pu-chia có 5 công trình là hạ Sê San 1, hạ Sê San 3, hạ Sê San 2, Prekliang 1, 2 với tổng công suất 798 MW. Theo Chương trình hợp tác giữa hai chính phủ Việt Nam và Căm-pu-chia, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Bộ Công nghiệp, Mỏ và Năng lượng Căm-pu-chia đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) về việc EVN nghiên cứu đầu tư xây dựng Dự án thủy điện hạ Sê San 2 với công suất lắp máy 400MW tại tỉnh Stung Treng. Đây là công trình cuối trong sơ đồ bậc thang phía sau hợp lưu sông Sê San và Srêpok. Hình thức đầu tư dự án là BOT do Công ty Cổ phần EVN Quốc tế (EVNI) trực tiếp triển khai dự án trong thời gian 30 năm kể từ ngày vận hành thương mại. Dự án đang trình Chính phủ Hoàng gia Căm-pu-chia cấp phép đầu tư. Tính đến thời điểm này, EVNI là đơn vị duy nhất của Việt Nam xin phép xây dựng dự án thủy điện có công suất lớn tại Căm-pu-chia. Theo kế hoạch, quý 4/2011, dự án sẽ khởi công xây dựng và đến năm 2016 đưa vào vận hành với sản lượng 1,9 tỷ kWh/năm. Ngoài dự án hạ Sê San 2, EVNI còn đang triển khai hai dự án thuỷ điện trên dòng Sê San là hạ Sê San 1/Sê San 5.
Bên cạnh đó, EVNI cũng đang nghiên cứu xây dựng công trình thuỷ điện Sê Kông trên địa bàn huyện SiemPang, cách trung tâm tỉnh Stung Treng khoảng 30km về thượng lưu của hợp lưu sông Sê Kông và sông Sê San. Sê Kông là một dòng sông quốc tế, bắt nguồn từ miền Trung Việt Nam, chảy qua Nam Lào và Ðông Bắc Căm-pu-chia. Thượng nguồn sông Sê Kông bắt nguồn từ dãy núi Trường Sơn thuộc huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế (Việt Nam). Tại đây, nó được gọi là sông A Sáp. Từ tháng 6/2007, Việt Nam đã bắt đầu xây dựng dự án thủy điện A Lưới trên sông A Sáp. Trên lãnh thổ Căm-pu-chia, sông Sê Kông chảy hoàn toàn trong địa phận tỉnh Stung Treng, hội lưu với sông Srêpôk và đổ vào sông Mê Kông tại ngã ba sông rộng lớn gần thị xã Stung Treng. Như vậy, với toàn bộ diện tích lưu vực sông Sê Kông là 29.750 km², phần thuộc lãnh thổ Việt Nam là 750 km², phần trên lãnh thổ Campuchia là 5.400 km² và phần trên lãnh thổ Lào là 23.000 km². Trưởng phòng Kỹ thuật EVNI Trương Quang Minh cho biết hiện dự án đã ký MOU và bàn giao tuyến. Trong tháng 5 này, Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng Điện 4 sẽ triển khai khảo sát Báo cáo tiền khả thi. Dự án có công suất 150MW, điện lượng trung bình hàng năm trên 690 triệu kWh.
Khởi nguồn từ “núi” khó khăn
Tiếp chúng tôi tại Trạm thuỷ văn hạ Sê San 2 của Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng Điện 1, Trạm trưởng Nguyễn Văn Hải, người đã kinh qua nhiều công trình thuỷ điện lớn ở Việt Nam như Sơn La, Huội Quảng, Bản Chát và Suối Sập cho biết: Vào mùa kiệt trạm chỉ cần hai người túc trực ở đây nhưng vào mùa lũ thường xuyên phải có từ 5-7 người. Sống ở địa bàn xa xôi, giao thông đi lại chủ yếu bằng “hưa”, nắng gay gắt quanh năm, tiếng không biết, không có điện, một ngày chỉ dám chạy 2 giờ máy nổ, nước sinh hoạt phải dùng nước sông lọc và cứ 20 ngày mới đi mua lương thực thực phẩm một lần… nhưng không thể làm chùn ý chí của những người khởi nguồn đi xây dựng các công trình thuỷ điện, đem ánh sáng về đổi đời những vùng đất còn khó khăn. Mỗi công trình thuỷ điện dường như lại tích luỹ thêm kinh nghiệm cho các anh để chinh phục những công trình mới.
Vượt qua khó khăn, từ tháng 4/2008 đến nay, trạm đã thực hiện được khoảng 70% khối lượng công việc đo thuỷ văn của công trình thuỷ điện hạ Sê San 2; trong đó hồi tháng 11 năm ngoái, trạm đã đo được đỉnh lũ lớn nhất từ trước đến nay để làm cơ sở cho thiết kế đập. Dự kiến đến tháng 8/2010, trạm sẽ hoàn thành khối lượng đo thuỷ văn công trình này. Sau khi lấy số liệu thuỷ văn từ các trạm lân cận của lưu vực sông; trong đó có trạm ở Việt Nam và Căm-pu-chia, trạm thuỷ văn của dự án sẽ đối chiếu với số liệu đo đạc ban đầu để làm cơ sở cho việc thiết kế dự án.
Kỹ sư Công ty Cổ phần EVN Quốc tế (EVNI) đánh giá diều kiện địa hình, khí hậu, thủy văn Dự án thủy điện Sê San 2 (công suất 400 MW) tại tỉnh Stung Treng - Vương quốc Campuchia. Ảnh: Ngọc Hà
Đem lại nguồn lợi cho hai nước
Theo Trưởng phòng Kỹ thuật EVNI Trương Quang Minh, thủy điện hạ Sê San 2 khi đi vào vận hành có nhiệm vụ tạo nguồn điện cung cấp cho phát triển kinh tế và đời sống nhân dân khu vực tỉnh Ratanakiri, Stung Treng và các tỉnh lân cận của Căm-pu-chia, 50% điện năng còn lại được xuất khẩu sang Việt Nam. Nhà máy được đấu nối với hệ thống điện Việt Nam bằng đường dây 220 kV mạch kép dài 250km đi qua nhà máy thủy điện hạ Sê San 1/Sê San 5 và đấu vào trạm phân phối của nhà máy thủy điện Sê San 4.
Chủ tịch Hội Việt kiều của tỉnh Stung Treng Rơm Út thì vui ra mặt. Bác nói: “Nếu xây dựng một nhà máy thuỷ điện ngay trên tỉnh nhà dân không vui sao được”. Trước đây dân sống ở thành phố Stung Treng đều phải dùng điện điêden phập phù với giá quá đắt 1.220 Riel (đơn vị tiền tệ của Căm-pu-chia) trên 1 kWh (khoảng 4.880 VNĐ), từ tháng 2/2010 đến nay, thành phố đã mua điện từ Lào với giá cũng “dễ thở” hơn, chỉ còn 980 Riel /kWh (khoảng 3.920 VNĐ), nhưng cũng gấp 4 lần so với giá điện sinh hoạt của Việt Nam. So với mức thu nhập của người dân nơi đây chỉ trồng một vụ lúa trong năm và làm dịch vụ nhỏ, dân cư phân bố không đều, phần lớn tập trung tại thị trấn và thành phố, còn lại chủ yếu sống dọc theo bờ sông và bìa rừng thì đây cũng là mức giá không phải người dân nào cũng chịu nổi. Chỉ riêng tiền điện mỗi tháng nhà bác Rơm Út phải trả từ 110-120 USD, cao nhất trong các chi phí cho sinh hoạt gia đình.
Xây dựng dự án hạ Sê San 2 không chỉ tạo nguồn điện tại chỗ cho dân tỉnh Stung Treng, phía Việt Nam còn giúp xây dựng 8 cụm tái định canh định cư cho 1.025 hộ với trên 4.600 nhân khẩu, đồng bộ cả hạ tầng cơ sở và tạo đất sản xuất. Việt Nam còn hỗ trợ 20kg gạo/người/tháng cho người dân tái định cư trong thời gian 12 tháng; hỗ trợ khuyến nông, lâm, công nghiệp. Hiện EVNI đã xây dựng xong khung chính sách tái định cư do Bộ Tài chính Căm-pu-chia phê duyệt.
Theo tính toán, sau khi kết thúc xây dựng các công trình thuỷ điện nơi đây với các cơ sở dân cư, văn hoá, xã hội sẽ trở thành những điểm tập trung dân cư với cơ sở hạ tầng tương đối đầy đủ, góp phần phát triển kinh tế khu vực tỉnh Stung Treng, một trong những tỉnh có công nghiệp kém phát triển nhất của Căm-pu-chia./.