Thi công hoàn chỉnh đỉnh đập chính Nhà máy thủy điện A Vương
Những người thợ Trường Sơn trên công trường A Vương
Từ ngã ba Giằng - Thạnh Mỹ, theo con đường Hồ Chí Minh dốc núi quanh co hơn 40km, chúng tôi đến công trường Nhà máy Thủy điện A Vương nằm sâu trong dãy Trường Sơn hùng vĩ. Anh Trần Đức Mậu giới thiệu: “Đây là cung đường TNXP do Tổng đội đảm nhận thi công từ năm 2000 đến 2004. Với địa thế núi non hiểm trở, việc thi công đường Hồ Chí Minh đòi hỏi đội ngũ thi công không chỉ có trình độ chuyên môn vững vàng, mà còn có cả sự quyết tâm cao, dám vượt qua khó khăn thử thách. Sau khi hoàn thành tuyến đường, anh em kỹ sư, công nhân trẻ của tổng đội đều tình nguyện ở lại núi rừng Trường Sơn tham gia xây dựng Nhà máy Thủy điện A Vương”.
Đảm nhận thi công đập chính của nhà máy, ngay từ đầu, Tổng đội TNXP Nông nghiệp 4 đã huy động hơn 100 kỹ sư, công nhân từ công trình đường Hồ Chí Minh vào tham gia công trường. Kỹ sư Võ Duy Minh, Phó ban Chỉ huy công trường, cho biết: Kinh nghiệm thi công trong địa hình khó khăn của đường Hồ Chí Minh đã giúp anh em rất nhiều tại công trường này. Các kỹ sư trẻ trưởng thành trên đường Hồ Chí Minh như Đặng Trung Hiếu, Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Bá Sơn… đều được bố trí đảm trách những mũi thi công chủ lực.
Từ thi công cầu đường, đội ngũ kỹ sư trẻ của tổng đội đã lao vào học tập kỹ thuật xây đập tràn theo công nghệ bê tông đầm lăn RCC lần đầu tiên có ở Việt Nam. Từ thiết lập công trường, vận hành thiết bị, đến nghiên cứu thử nghiệm, rồi ứng dụng thực tế đều được thực hiện trong mày mò, tìm ra cách sáng tạo riêng trong điều kiện thi công khắc nghiệt của thời tiết, khí hậu Trường Sơn.
Chỉ riêng việc giữ cho kết cấu bê tông đầm lăn luôn ở nhiệt độ 18 đến 200C khi thi công, các kỹ sư trẻ đã nghiên cứu, áp dụng hàng chục sáng kiến, sáng chế, tạo ra giá trị hơn 10 tỷ đồng. Đơn cử như các sáng kiến lắp đặt thiết bị làm lạnh, hệ thống băng tải giữ lạnh… được đánh giá là những công trình nghiên cứu tập thể giúp rút ngắn thời gian thi công đập tràn và đập dâng, bảo đảm vượt hai cơn lũ lịch sử năm 2006 và 2007.
Tất cả cho dòng điện A Vương
Là nhà máy đầu tiên trong bậc thang thủy điện hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn được xây dựng, Thủy điện A Vương cũng là công trình đầu tiên đánh thức núi rừng Trường Sơn từ khi con đường Hồ Chí Minh được hoàn thành. Từ đây, sông A Vương sẽ trở thành “dòng sông ánh sáng” trong tương lai với hệ thống 8 nhà máy thủy điện, cung cấp một lượng điện ước gần 5 tỷ kW/giờ điện/năm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế miền Trung.
Theo thiết kế, Nhà máy thủy điện A Vương gồm 2 tổ máy với công suất 210 MW và dự kiến hoàn thành, phát lên lưới điện quốc gia vào giữa tháng 12-2008. Để đạt được mục tiêu quan trọng này, ngay từ đầu năm 2008, tập thể kỹ sư, công nhân của Tổng đội TNXP Nông nghiệp 4 đã xác định “không tết, không lễ”, “Tất cả cho dòng điện A Vương”. Cả công trường làm việc theo 2 ca, 3 kíp và hầu như không nghỉ một ngày nào kể cả những ngày mưa lũ khắc nghiệt.
Tất cả với một quyết tâm cao, đồng lòng cùng chung sức thi đua lao động và học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh qua 2 đợt thi đua được phát động từ ngày 3-2 đến 30-4 và từ 19-5 đến 2-9-2008. Đáng chú ý là sáng kiến lắp ván khuôn cốp pha thép trụ mặt đập và sáng chế lắp đặt giá treo cốp pha, đã rút ngắn thời gian thi công đập dâng gần 100 ngày.
Những cố gắng này, như nhận xét của Chỉ huy trưởng công trường Trần Đức Mậu: “Nếu không có chúng, tiến độ thi công vượt lũ phải kéo dài thêm một năm nữa, đồng nghĩa với việc nhà máy chậm phát điện mất 1 năm. Như vậy, thiệt hại sẽ là con số hàng trăm tỷ đồng. Ngay như tiến độ nút dòng để chính thức tích nước hồ chứa được hoàn thành trước 31 ngày cũng là một thành công “ngoài sự mong đợi”. Chỉ riêng việc tích được gần 600 triệu m3 nước trong mùa mưa lũ để chuẩn bị cho phát điện thời gian tới cũng là một con số có giá trị rất lớn.
Núi rừng Trường Sơn tháng này bắt đầu vào mùa mưa lũ. Con sông A Vương năm nay đã được “trị thủy”, không còn những trận lũ dữ. Không bao lâu nữa, dòng sông A Vương hiền hòa kia sẽ biến thành dòng điện, góp phần phát triển đời sống của đồng bào các dân tộc trên núi rừng Trường Sơn.