Điều hòa bên ngoài một căn hộ ở bang Arizona của Mỹ hôm 20/7. Ảnh: AFP
Nhiều nơi trên thế giới đã trải qua tháng 7 với kỷ lục về nhiệt độ cao. Thủ phủ Phoenix của bang Arizona tại Mỹ ghi nhận số ngày có mức nhiệt trên 43°C nhiều chưa từng có, trong khi Thung lũng Chết ở California cũng trải qua mức nhiệt cao nhất lịch sử. Một sân bay ở vùng duyên hải Iran ghi nhận chỉ số nhiệt 66°C, còn thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc cũng trải qua chuỗi ngày có nền nhiệt 35°C dài nhất từ trước đến nay.
Nhiệt độ cao khiến máy điều hòa trở thành thiết bị không thể thiếu tại nhiều khu vực. Số điều hòa trên toàn thế giới dự kiến tăng 244% từ nay đến 2050, theo thống kê của Tổ chức Năng lượng Quốc tế (IEA).
Khả năng tiếp cận điều hòa đã cứu nhiều mạng sống. Thống kê cho thấy nhiệt độ cao tại Mỹ là hình thức thời tiết cực đoan gây tử vong nhiều nhất. Ngược lại, điều hòa cũng đi kèm nhiều nhược điểm có thể dẫn tới thời tiết cực đoan hơn.
Hàng tỷ người không có điều hòa
Chi phí mua và vận hành điều hòa luôn ở mức cao, khiến nó nằm ngoài tầm với của cộng đồng người nghèo. Theo báo cáo tại Mỹ, các hộ gia đình thu nhập thấp thường khó tiếp cận công nghệ này. Nghiên cứu năm 2019 cho thấy 1,8-4,1 tỷ người ở các nước đang phát triển không có khả năng sở hữu điều hòa, dù đây là những quốc gia thường xuyên trải qua nắng nóng nguy hiểm.
"Chúng tôi lo ngại những người cần điều hòa nhất trên thế giới lại không thể tiếp cận chúng", Narasimha Rao, giáo sư về hệ thống năng lượng tại Đại học Yale của Mỹ, nói.
Điều hòa cũng gây áp lực lớn lên lưới điện. Nghiên cứu được tiến hành ở thành phố Phoenix cho thấy 50% trong số 1,4 triệu người ở đây có thể phải nhập viện cấp cứu nếu sóng nhiệt dài ngày và mất điện diện rộng xảy ra đồng thời.
Nhiều chuyên gia đang tìm cách hạ giá điều hòa và cải thiện độ tin cậy của lưới điện, nhưng lại vấp phải vấn đề tiếp theo: Điều hòa khiến tình trạng ấm lên toàn cầu diễn ra nghiêm trọng hơn.
Thiết bị này ngốn rất nhiều điện. Công nghệ làm mát, trong đó có điều hòa, dự kiến là lĩnh vực tiêu thụ nhiều năng lượng nhất từ nay đến năm 2050. Đây là vấn đề báo động vì phần lớn năng lượng toàn cầu vẫn sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Đa số điều hòa cũng sử dụng hóa chất có thể gây ấm lên toàn cầu, phổ biến nhất là HFC. Đây là loại khí nhà kính mạnh, có khả năng giữ nhiệt hiệu quả gấp hàng nghìn lần so với CO2.
Một số điều hòa dùng khí làm lạnh HFO thân thiện với môi trường hơn, nhưng vẫn có thể gây hại cho hệ sinh thái. Các phương án thay thế như ammoniac và propane từng được đề xuất, nhưng lại đe dọa tính mạng con người nếu rò rỉ.
Một số giải pháp đang được áp dụng để hạn chế tác động môi trường, như sử dụng khí làm mát R-32 ít gây hại hơn HFC, cũng như làm mát ngôi nhà bằng những phương án không sử dụng điều hòa.
Điều hòa lắp kín một tòa nhà. Ảnh: Pēteris/Flickr
Thêm giải pháp làm mát
Những phương pháp làm mát đơn giản có thể đóng vai trò quan trọng trong hạn chế sử dụng điều hòa. "Quạt điện rẻ và tiêu thụ ít năng lượng hơn nhiều so với điều hòa. Chúng cũng hiệu quả, đặc biệt là trong môi trường khô và nóng. Đôi khi quạt có thể giảm 2°C", giáo sư Rao nói.
Máy hút ẩm cũng có tác dụng làm mát, nhất là với khu vực có thời tiết oi nóng. "Tại quê hương Mumbai, nhà tôi rất oi nóng, nhưng khi xuống tầng hầm, vốn không có điều hòa và chỉ có máy hút ẩm, không khí mát mẻ và dễ chịu hơn rất nhiều", ông nói.
Một giải pháp tiện dụng khác dành cho những nơi khô nóng là quạt hơi nước, trong đó sử dụng quạt thổi gió qua vật liệu thấm nước và phát tán không khí mát ẩm ra xung quanh.
Liệu có thể loại bỏ hoàn toàn điều hòa?
Các chuyên gia nói rằng thế giới loại bỏ hoàn toàn điều hòa sẽ rất nguy hiểm. "Có những nơi trên Trái Đất mà con người không thể sống thiếu điều hòa", Rao nói. Tuy nhiên, sử dụng biện pháp thay thế linh hoạt để làm mát có thể giảm đáng kể chi phí và phát thải, đồng thời hạn chế phản ứng dây chuyền của thiết bị này. Tại những nơi đông dân cư, điều hòa chạy liên tục có thể làm nhiệt độ bên ngoài tăng thêm 1°C.
Các phương pháp khác nhau sẽ phù hợp với từng tình huống cụ thể. "Sẽ không có thuốc thần giải quyết triệt để tình trạng nắng nóng khắc nghiệt hiện nay. Cần xây dựng hàng loạt giải pháp có thể chấp nhận về mặt xã hội và chính trị, cũng như bảo đảm bền vững lâu dài", Vivek Shandas, giáo sư địa lý tại Đại học bang Portland ở Mỹ, nêu quan điểm.
Link gốc