Sự kiện

Thị trường phát điện cạnh tranh đảm bảo công bằng cho các thành phần tham gia

Thứ năm, 12/7/2012 | 16:53 GMT+7
“Khi tham gia thị trường phát điện cạnh tranh, tất cả các đơn vị đều bình đẳng trong việc xắp sếp lịch huy động tùy theo giá chào mà họ định bán trên thị trường điện. Đây là cơ chế hết sức minh bạch và đảm bảo sự công bằng cho các đơn vị phát điện".
 


Thị trường phát điện cạnh tranh sẽ đảm bảo công bằng cho tất cả các đơn vị tham gia

 
Việc hoạt động của thị trường phát điện cạnh tranh cũng như hoạt động điều hành giao dịch thị trường điện đều có sự giám sát chặt chẽ của Cục Điều tiết Điện lực, của Bộ Công Thương nên tất cả những vấn đề lo ngại như đối xử với đơn vị này hay đơn vị kia không công bằng có thể giảm đến mức tối thiểu”.
 
Cùng với việc thị trường phát điện cạnh tranh chính thức được đưa vào vận hành ngày 1/7, những băn khoăn về việc đảm bảo công bằng cho các đơn vị tham gia thị trường đã được ông Đặng Huy Cường – Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực -  Bộ Công Thương giải đáp.

PV: Thưa ông, Quyết định 26/2006-QĐ-TTg của Chính phủ quy định thị trường phát điện cạnh tranh cần phải có sự độc lập của các đơn vị phát điện cũng như vận hành thị trường điện giao dịch. Có ý kiến cho rằng hiện nay EVN là người mua duy nhất ở tất cả các khâu như phát điện, điều độ thị trường điện, vận hành thị trường điện, liệu rằng có đảm bảo sự độc lập và công bằng hay không?

Đảm bảo đủ điện từ nay đến cuối năm

Trong hội nghị sơ kết hoạt động của Bộ Công Thương 6 tháng đầu năm 2012,  Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam - Phạm Lê Thanh khẳng định: Từ nay đến cuối năm, việc cung ứng điện sẽ tiếp tục được đảm bảo. Dự kiến từ nay đến cuối năm, tổng lượng điện sản xuất và mua của EVN sẽ đạt con số 105 tỷ kWh điện.

Ông Đặng Huy Cường: Trong cơ cấu của EVN, tất cả các đơn vị như phát điện, điều độ thị trường điện… đang hoạt động độc lập với nhau, do vậy không trái gì với Quyết định 26. Để đảm bảo tính công bằng, độc lập và minh bạch, ba tổng công ty phát điện đã được thành lập, nằm trong EVN nhưng hoạt động độc lập. Thời gian tới, các tổng công ty này sẽ được cổ phần hóa.
 
Việc xây dựng thị trường điện phải có lộ trình. Thị trường điện là vấn đề hết sức nhạy cảm, phức tạp và ảnh hưởng đến vấn đề cung ứng điện cũng như đời sống kinh tế xã hội của đất nước nên Quyết định 26 đã đề ra 3 giai đoạn là phát điện cạnh tranh, bán buôn cạnh tranh và bán lẻ cạnh tranh.
 
Thị trường điện nước ta đang ở giai đoạn đầu tiên. Đối với thị trường phát điện cạnh tranh hiện nay, mặc dù đơn vị vận hành hệ thống điện, đơn vị điều hành thị trường điện đều nằm trong EVN, EVN cũng là đơn vị mua bán điện duy nhất, tuy nhiên, các đơn vị tham gia thị trường điện đều bình đẳng trong việc sắp xếp lịch huy động tùy theo giá chào mà họ định bán trên thị trường điện. Đây là cơ chế hết sức minh bạch và đảm bảo sự công bằng cho các đơn vị phát điện.
 
Bên cạnh đó, việc hoạt động của thị trường phát điện cạnh tranh cũng như hoạt động điều hành giao dịch thị trường điện đều nhận được sự giám sát chặt chẽ của Cục Điều tiết Điện lực - Bộ Công Thương nên tất cả những vấn đề lo ngại là đối xử với đơn vị này hay đơn vị kia không công bằng có thể giảm đến mức tối thiểu. Giai đoạn sắp tới (2014 – 2022), khi thị trường điện được phát triển đến mức cao hơn là thị trường bán buôn, bán lẻ thì cơ cấu ngành Điện sẽ có sự thay đổi để đáp ứng được từng giai đoạn phát triển thị trường điện.
 
PV: Cũng có một số ý kiến cho rằng lộ trình của thị trường điện đề ra từ nay đến năm 2022 là quá lâu, ông đánh giá thế nào về vấn đề này?
 
Ông Đặng Huy Cường: Thực ra những vấn đề liên quan đến tái cơ cấu ngành Điện hay thị trường điện là vấn đề hết sức nhạy cảm và quan trọng, cho nên các quyết định phải được thực hiện thận trọng và từng bước. Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cũng từng nói, nếu có điều kiện sẽ đẩy nhanh quá trình này, tức là nhanh chóng tiến tới thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Tuy nhiên, xét cho cùng, cho dù thị trường điện có phát triển đến mức nào thì cũng phải đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế, đảm bảo công bằng cho các đơn vị tham gia thị trường điện.
 
Trên thế giới, nhiều nước tiên tiến hiện nay cũng chỉ dừng ở mức thị trường bán buôn cạnh tranh, còn thị trường bán lẻ cạnh tranh lại cần có những điều kiện tiên quyết về hệ thống công nghệ thông tin, hệ thống đo đếm và các hệ thống khác nên cũng không phải nước nào cũng chuyển sang giai đoạn thị trường bán lẻ cạnh tranh.
 
PV: Liên quan đến việc ngày 1/7 vừa qua, giá điện đã được điều chỉnh tăng thêm 5%, nhiều ý kiến cho rằng việc tăng giá điện ở thời điểm này là không hợp lý. Ông lý giải thế nào về ý kiến này, thưa ông?

Ông Đặng Huy Cường: Liên quan đến việc điều chỉnh giá điện, hiện nay việc điều chỉnh giá điện của EVN hoàn toàn tuân thủ theo Quyết định 24 của Thủ tướng Chính phủ cũng như Thông tư 31 của Bộ Công Thương. Việc điều chỉnh giá điện vào ngày 1/7 cũng đã nhận được sự thanh tra, giám sát của Bộ Công Thương và Bộ Tài chính. Những việc này tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật. Thông tư 31 có quy định cứ 3 tháng sẽ điều chỉnh một lần nếu có sự biến động về giá của các nguyên liệu đầu vào, kể cả điều chỉnh tăng lẫn điều chỉnh giảm. Tuy nhiên, do điện là một yếu tố ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội nên việc hướng tới điều chỉnh giá điện theo thị trường vẫn sẽ được thực hiện nhưng Bộ Công Thương cùng với EVN sẽ xem xét làm sao điều chỉnh từng bước chứ không điều chỉnh nhanh quá.
 
Báo Kinh tế Việt Nam