Sự kiện

Triển khai Qui hoạch điện VII: Khó khăn lớn nhất vẫn là thiếu vốn

Thứ năm, 28/6/2012 | 14:16 GMT+7
Sáng 28/6, Thứ trưởng Bộ Công Thương  Hoàng Quốc Vượng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Dương Quang Thành và Phó  Vụ trưởng Vụ Đầu tư - Bộ Tài chính Phan Ngọc Quang đã cùng tham gia tọa đàm về Qui hoạch điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 (gọi tắt là Qui hoạch VII).
Dưới đây là nội dung chi tiết của buổi tọa đàm:


BTV: Thưa ông Hoàng Quốc Vượng, có nhiều người cùng quan tâm đến một vấn đề là vì sao Quy hoạch điện VI chúng ta triển khai từ những năm trước đây, đến nay chưa hoàn thành mà lại vẫn tiếp tục triển khai qui hoạch điện VII. Làm như vậy có phải là vội vã và chồng chéo, khó kiểm soát hay không?

Ông Hoàng Quốc Vượng: Như chúng ta đã biết, Qui hoạch điện VI được Thủ tướng phê duyệt vào tháng 7/2007, qui hoạch cho giai đoạn từ 2006 đến 2015, có xét đến 2025.

Tuy nhiên, từ 2006 đến 2010, do những biến động rất lớn về kinh tế trên thế giới và trong nước, theo quy định của Luật Điện lực và Quyết định 412 của Bộ Công Thương ban hành năm 2005, đến 2010, chúng ta rà soát lại qui hoạch phát triển điện lực cho giai đoạn từ 2010 đến 2020, có xét đến 2030.

Và Qui hoạch điện VII đã được Thủ tướng phê duyệt vào tháng 7/2011 tại Quyết định số 1208.

BTV: Mục tiêu của Qui hoạch điện VII là gì, thưa ông?

Ông Hoàng Quốc Vượng: Mục tiêu tổng quát là phát triển ngành điện lực, đảm bảo an ninh cung ứng điện năng cho đất nước. Đến 2020, sản lượng đạt khoảng từ 330 đến 360 tỷ kWh, đến 2030 sản lượng điện đạt khoảng 700 - 800 tỷ kWh. Với mục tiêu đó, trong tổng sơ đồ điện VII, hàng loạt nhiệm vụ được đặt ra trong 10 năm tới, có xét tới năm 2030.

Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng
BTV: Thưa ông, tiến độ triển khai Qui hoạc điện VII như thế nào?

Ông Hoàng Quốc Vượng: Về lộ trình, có lẽ quý vị đã tham khảo Quyết định 1208 của Thủ tướng Chính phủ. Theo Qui hoạch, chúng ta đặt ra một loạt nhiệm vụ liên quan đến việc phát triển các nhà máy điện.

Cụ thể, Qui hoạch xác định trong giai đoạn từ nay đến 2030, mỗi năm đưa vào 5.000 MW công suất mới, xây dựng rất nhiều công trình trạm, đường dây từ cấp điện áp 220kV tới 500kV, với tổng vốn đầu tư từ nay tới 2020 là khoảng 50 tỷ USD, từ 2020 tới 2030 là khoảng 60 tỷ USD.

Như vậy, thời gian tới, chúng ta phải cố gắng rất lớn để thực hiện mục tiêu, khối lượng công việc đã đề ra trong Qui hoạch điện VII.

BTV: Một độc giả là Nguyễn Minh Phương ở TP HCM có hỏi: Qui hoạch điện VI trước đây cũng đặt mục tiêu đảm bảo đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt, nhưng thực tế  như chúng ta đã thấy, tình trạng thiếu điện vẫn diễn ra nghiêm trọng. Nguyên nhân là do đâu và làm thế nào để khắc phục tình trạng này trong quá trình triển khai Qui hoạch điện VII?

Ông Hoàng Quốc Vượng: Thực tế khi nhìn nhận lại các giai đoạn phát triển của điện lực vừa qua, khi chúng ta triển khai tổng sơ đồ điện VI, có những năm từ 2008 – 2010, có nhiều lúc, nhiều nơi tình trạng thiếu điện xảy ra. Tôi cho rằng, việc thiếu điện thời gian qua cũng như chúng ta phải đối mặt với thiếu điện thời gian tới có 2 nguyên nhân về khách quan và chủ quan.

Về khách quan, chúng ta từng đối mặt tình trạng thiếu điện nghiêm trọng năm 2010, là năm thời tiết khô hạn nhất trong 50 năm trở lại đây. Do vậy, mực nước các hồ thủy điện đã không đủ như dự kiến. Trong hệ thống điện, các dự án thủy điện chiếm 30% tổng công suất, 40% tổng sản lượng. Khi nước về thiếu, khả năng phát điện kém đi. Vì vậy, dẫn đến chúng ta không đáp ứng được nhu cầu điện.

Về chủ quan, mặc dù trong tổng sơ đồ phát triển điện giai đoạn VI cũng như VII, chúng ta đã dự báo nhu cầu tăng trưởng cao, đặt ra khối lượng đầu tư các nhà máy điện, lưới điện phù hợp với nhu cầu tăng trưởng. Tuy nhiên, trong quá trình đầu tư, nhiều dự án triển khai chậm so với tiến độ. Do vậy, đây cũng là nguyên nhân chủ quan không nhỏ dẫn tới việc không đủ nguồn cung ứng điện, đáp ứng đủ điện cho đời sống xã hội.

BTV: Bạn Phương muốn hỏi liệu tình trạng này có được khắc phục khi Qui hoạch điện VII hoàn thành?

Ông Hoàng Quốc Vượng: Rút kinh nghiệm từ việc triển khai các tổng sơ đồ điện trước đây, giai đoạn tới, Chính phủ, Bộ Công Thương cũng như các bộ, ngành liên quan tích cực triển khai các giải pháp khắc phục các khó khăn.

Tôi thấy có 2 khó khăn là về vốn và giải phóng mặt bằng. Một khó khăn nữa cũng đóng vai trò nhất định trong việc triển khai dự án điện là năng lực chủ đầu tư, nhà thầu. Trong quá trình triển khai thực hiện tổng sơ đồ điện VII, Ban chỉ đạo nhà nước về triển khai tổng sơ đồ điện VII cũng như Bộ Công Thương,  các tập đoàn nhà nước lớn, chịu trách nhiệm chính trong triển khai tổng sơ đồ điện VII như Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khi Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, các bộ, ngành… đang tích cực vào cuộc để giải quyết tốt hơn các khó khăn mà chúng ta vấp phải trong tổng sơ đồ VI là vốn, giải phóng mặt bằng và năng lực nhà thầu.

BTV: Tập đoàn Điện lực Việt Nam là một trong những đầu mối đơn vị chủ lực tham gia thực hiện Qui hoạch Điện VII, vậy nhiệm vụ của EVN  là gì, thưa ông?

Ông Dương Quang Thành: Theo Qui hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến 2020 (Qui hoạch điện VII) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các nhiệm vụ chính của EVN gồm 5 nhiệm vụ.

Một là đầu tư xây dựng các công trình nguồn và lưới điện theo đúng tiến độ; nhập khẩu điện, cung cấp, truyền tải, phân phối điện…

Hai là lập quy hoạch các trung tâm điện lực để Bộ Công Thương phê duyệt.

Ba là xây dựng cơ sở hạ tầng điện lực để kêu gọi các nhà đầu tư.

Bốn là giảm tổn thất điện năng, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Năm là giao cho Tổng công ty truyền tải điện Quốc gia đầu tư các công trình lưới điện truyền tải, đáp ứng nhu cầu phá triển nguồn.

Về đầu tư các công trình nguồn và lưới điện, EVN được giao trong giai đoạn 2011 – 2020 đầu tư 28 dự án với tổng công suất hơn 19.000 MW, trong đó giai đoạn 2011-2015 đưa vào vận hành 16 dự án với tổng công suất 9.738 MW.

Về lưới điện truyền, đến giai đoạn 2011-2015, EVN đầu tư và nâng công suất các trạm biến áp 500-220kV với tổng dung lượng trên 118.000 MVA, đưa vào vận hành trên 23.300 km đường dây 500-220kV. Trong đó, giai đoạn 2011-2015 đưa vào vận hành gần 53.000MVA công suất trạm biến áp và 13.470 km đường dây.

Đồng thời, EVN thực hiện nhiệm vụ cung cấp điện cho khu vực nông thôn và miền núi với chỉ tiêu là đến năm 2015 đưa điện về 98% số hộ dân nông thôn và đến năm 2020 hầu hết số hộ dân nông thôn có điện.

Trong Qui hoạch điện VII cũng nêu rõ các chỉ tiêu, mục tiêu nêu trên, trong đó có các dự án EVN đã, đang và sẽ triển khai, bao gồm các dự án cấp điện cho đồng bào Khmer vùng Tây Nam Bộ, đồng bào vùng sâu vùng xa…

Về thực hiện các giải pháp nhằm tiếp tục giảm tổn thất điện năng, EVN đã trình một lộ trình giảm tốn thất điện năng tới năm 2015 và Bộ Công Thương đã phê duyệt, theo đó, phấn đấu giảm tổn thất điện năng xuống còn 9,07% đến năm 2015.

Còn 3 nhiệm vụ còn lại, tập đoàn đang nỗ lực triển khai để bảo đảm đúng tiến độ.

BTV: EVN cũng đã từng tham gia thực hiện Qui hoạch điện VI. Trong đó, một số dự án đã bị chậm tiến độ, tình trạng này liệu có xảy ra trong quá trình  thực hiện Qui hoạch điện VII ?

Phó Tổng Giám đốc EVN - Dương Quang Thành
Ông Dương Quang Thành: Trong sơ đồ Qui hoạch điện VI, từ 2006-2010, EVN hoàn thành, đáp ứng 80% công suất nguồn của các nhà máy điện, đưa vào vận hành hơn 65% km đường dây lưới điện truyền tải.

Thực hiện qui hoạch điện VII có giai đoạn giao thời từ 2011-2015, EVN đã chuẩn bị các nội dung, công việc liên quan của các công trình cho giai đoạn này.

Cũng có một số thuận lợi so với quy hoạch VI trước đây, đó là Tập đoàn đã chuẩn bị thủ tục đầu tư, thu xếp nguồn vốn, một số dự án đã khởi công, cho nên đến nay, sau khoảng 1,5 năm thực hiện qui hoạch VII, EVN đã đưa vào vận hành hơn 27% lượng công suất theo yêu cầu cho giai đoạn 2011-2015.

Với thời gian như vậy, cùng với sự hỗ trợ của bộ, ngành, địa phương, đồng thời dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia, chúng tôi phấn đấu đáp ứng được tiến độ các công trình trong qui hoạch điện VII, đặc biệt là các công trình trong giai đoạn 2011-2015 (9 công trình trọng điểm cung cấp điện cho miền Nam từ 2013 trở đi). Đó là công trình đường dây 500 KV Pleiku- Mỹ Phước- Cầu Bồng, 220 KV Đắk Nông-Phước Long-Bình Long, các nhà máy điện trong khu vực miền Tây Nam Bộ như Duyên Hải 1, Duyên Hải 3, Ô Môn 1…, nâng cấp các tụ bù cho đường dây 500 KV.

BTV: Không chỉ EVN mà nhiều doanh nghiệp khác tham gia thực hiện Qui hoạch điện VI đều cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm tiến độ của các dự án là do thiếu vốn. Ý kiến của Bộ Tài chính về vấn đề này như thế nào?

Ông Phan Ngọc Quang: Như các bạn đã biết, điều chắc chắn là thiếu vốn là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm tiến độ của các dự án. Các tập đoàn lớn của chúng ta thực hiện các dự án quy mô lớn, thời gian dài, vốn đầu tư lớn.

Nói chung, các nhà đầu tư của chúng ta  có tiềm lực vốn không lớn lắm, nên có những thời kỳ không được chủ động trong việc thu xếp vốn tham gia các dự án.

Thứ hai, nguồn vốn huy động cho các dự án điện thường lên tới 70, 80%, vốn chủ sở hữu chỉ từ 20 đến 30%. Trong khi đó, các nhà cung cấp tài chính trong nước rất khó đáp ứng nguồn vốn này, việc thu xếp vốn từ các nhà cung cấp nước ngoài cũng cần điều kiện nhất định, thời gian nhất định.

Thứ ba, cơ chế quản lý tài chính, tín dụng có những ràng buộc nhất định. Như để huy động vốn, các nhà đầu tư phải có vốn chủ sở hữu là bao nhiêu, tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên dư nợ vày phải đảm bảo dưới 3, hoặc các tổ chức tín dụng chỉ được cho vay không quá 15% vốn điều lệ.

Có thể nói, ngay trong cân đối nguồn vốn hàng năm, chúng ta cũng phải trông chờ vào nguồn vốn bên ngoài rất nhiều, phía Việt Nam chủ động được giỏi lắm chỉ khoảng 70, 80%.

BTV: Trong thực hiện Qui hoạch điện VII, tình trạng thiếu vốn liệu có xảy ra?

Ông Phan Ngọc Quang: Tôi nghĩ chắc chắn sẽ xảy ra thiếu vốn, do tình hình kinh tế hiện nay có nhiều phức tạp, tốc độ tăng trưởng có dấu hiệu chậm lại, kinh tế thế giới gặp khó khăn, ảnh hưởng đến nguồn vốn bên ngoài.

Bản thân cân đối vốn ban đầu của EVN cũng chỉ đạt 60, 65%, còn TKV vừa phải thực hiện công việc của ngành than, vừa phải tham gia sản xuất điện nên nguồn vốn chủ sở hữu cũng không phải dồi dào…

Nhưng như Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng đã nói, chúng ta sẽ cố gắng thực hiện nhiều giải pháp dài và ngắn hạn, khả dĩ giảm đến mức thấp nhất việc thiếu vốn.

BTV: Ông có thể nói rõ hơn về giải pháp ngắn hạn và dài hạn?

Ông Phan Ngọc Quang: Về ngắn hạn, Ban Chỉ đạo thực hiện Qui hoạch có thể họp định kỳ hoặc đột xuất, thường tập trung tháo gỡ khó khăn của các dự án, trong đó có vốn, giải quyết bằng nhiều cách như đề xuất các ngân hàng cho vay, Nhà nước bảo lãnh, cho phép một số nhà đầu tư được vay ưu đãi…

Về dài hạn, cần tái cơ cấu lại ngành điện, tiếp tục thực hiện lộ trình tăng giá điện để hấp dẫn nhà đầu tư, tiếp tục thực hiện lộ trình thị trường điện…

BTV: Thưa ông Dương Quang Thành, nếu thiếu vốn thì làm thế nào để kịp tiến độ?

Ông Dương Quang Thành: Như tôi nói, đến giai đoạn 2011-2015, chúng tôi đang thu xếp.

Hiện nay, trong giai đoạn 2011-2015, EVN có nhu cầu đầu tư hơn 500.000 tỷ đồng, chúng tôi đã thu xếp được hơn 315.000 tỷ đồng (62-63%). Chúng tôi còn thiếu khoảng hơn 180.000 tỷ đồng. Chủ yếu, cái thiếu này là các công trình chuẩn bị khởi công như Dự án Mỹ Tân 4, chúng tôi đang lập thủ tục đầu tư để sau này thu xếp vốn; hay các nhà máy như Duyên Hải 3 mở rộng, Ô Môn 3, 4, chúng tôi đang đàm phán vay vốn các tổ chức quốc tế như ADB, JICA.

Như vậy, hiện nay, dù thu xếp vốn là khó khăn, đặc biệt là trong năm 2012, vốn còn thiếu tương đối lớn, trong đó có mấy công trình trọng điểm như tôi đã nói cung cấp điện cho miền Nam còn thiếu khoảng hơn 8.900 tỷ đồng. Chúng tôi đang đề xuất, kiến nghị với Chính phủ để thu xếp nguồn vốn trong nước cho phần còn thiếu này.

Về việc nguồn vốn thiếu ảnh hưởng tới tiến độ hay không, tôi xác định là có ảnh hưởng. Nhưng một số dự án chúng tôi đã thu xếp được vốn và các dự án có khả năng thu xếp vốn của các tổ chức tín dụng quốc tế  thì chúng tôi đảm bảo đẩy nhanh tiến độ, đáp ứng được yêu cầu.

Còn một số dự án chưa thu xếp được vốn thì chúng tôi đang báo cáo Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính để tìm cách giải quyết. Trong đó, việc thu xếp phần vốn lớn nhất là phần cho hợp đồng EPC, chúng tôi đang kiến nghị nhà thầu thu xếp vốn theo hình thức tín dụng -  ngân hàng để chúng tôi đàm phán với các ngân hàng của các nước có nhà thầu cung cấp hợp đồng EPC cho vay vốn cho công trình.

BTV: Vậy thưa Thứ trưởng Hoàng Quốc Vương, về phía Bộ Công Thương, ông có ý kiến gì?

Ông Hoàng Quốc Vương: Tôi cho rằng, khó khăn về vốn luôn là khó khăn hiện hữu và chắc chắn khi chúng ta triển khai tổng sơ đồ điện VII, đây vẫn là khó khăn lớn nhất. Như chúng ta biết, nhu cầu vốn cho 10 năm tới, thậm chí tính tới 2030, để thực hiện tổng sơ đồ VII thậm chí còn lớn hơn so với nhu cầu vốn khi triển khai sơ đồ điện VI.

Hiện nay chúng ta đã thực hiện nhiều giải pháp giải quyết khó khăn về vốn, nhưng chắc chắn cũng không thể giải quyết được một sớm một chiều. Đương nhiên, khi khó khăn về vốn lớn như vậy thì cũng sẽ ảnh hưởng tới tiến độ các dự án. Hiện nay, EVN là nhà đầu tư chủ yếu khi triển khai tổng sơ đồ VII. Phần lớn nhiệm vụ đều giao cho EVN. EVN đang rất chủ động trong khả năng của mình tìm các giải pháp huy động nguồn vốn triển khai dự án.

Tôi cho rằng, giải pháp rất quan trọng là yêu cầu nhà thầu, đặc biệt là tổng thầu triển khai hợp đồng EPC tự thu xếp nguồn vốn để triển khai thực hiện. Với cách này, thời gian qua, EVN đã triển khai được một loạt công trình, với thu xếp vốn của các tổng thầu EPC. Tuy nhiên, tôi cho rằng, các giải pháp đó không thể giải quyết tất cả khó khăn về vốn hiện nay.

Tôi cho rằng, giải pháp chính vẫn là thông qua chính sách giá, một khi chính sách giá điện của chúng ta phù hợp, thì các nhà đầu tư trong ngành điện đảm bảo có lãi hợp lý, đương nhiên các dự án điện của chúng ta sẽ đủ sức hấp dẫn, thu hút đầu tư trong và ngoài nước, khu vực nhà nước cũng như tư nhân.

Và với chính sách giá điện hợp lý, tôi cho rằng, khó khăn vốn mới giải quyết được về lâu dài. Và có giải quyết được về vốn thì chúng ta mới đảm bảo được an ninh cung ứng năng lượng nói chung và cung ứng điện nói riêng cho phát triển KT-XH của đất nước.

BTV: Theo  phản ánh của báo chí thì việc chậm tiến độ các dự án điện thuộc qui hoạch điện VI, ngoài lý do vì thiếu vốn và chậm trễ trong khâu giải phóng mặt bằng còn có một lý do khác là nhà thầu không đảm bảo đúng tiến độ như cam kết. Khắc phục vấn đề này như thế nào trong qui hoạch điện VII? Câu hỏi xin gửi tới lãnh đạo Bộ Công Thương.

Ông Hoàng Quốc Vượng: Trong thời gian qua, khi giải quyết vấn đề vốn, chúng ta đã chú ý lựa chọn một số tổng thầu có khả năng thu xếp vốn, nhưng mặt khác, có thể dù có năng lực nhưng chưa có nhiều kinh nghiệm tại Việt Nam, nên một số dự án do họ triển khai bị chậm tiến độ so với hợp đồng.

Để giải quyết vấn đề này, trong thời gian qua, Ban Chỉ đạo nhà nước về triển khai quy hoạch điện VII và Bộ Công Thương đã có nhiều chỉ đạo với chủ đầu tư như  EVN, TKV, PVN… đặc biệt lưu ý lựa chọn các nhà thầu có đủ năng lực để triển khai; tăng cường kiểm tra giám sát, nắm bắt kịp thời các khó khăn vướng mắc để đưa ra các giải pháp để hạn chế tối đa các chậm trễ trong triển khai các dự án điện như đã xảy ra thời gian qua.

BTV: Ông Trần Quang Sự ở phường Bách Khoa, Quận Hai Bà Trưng – Hà Nội hỏi: Qui hoạch điện VII có gì mới hơn so với qui hoạch điện VI ?

Ông Hoàng Quốc Vượng: Qui hoạch VII cũng giống như các quy hoạch khác, mục tiêu là làm sao chúng ta đưa ra kế hoạch, chính sách, chiến lược, quy hoạch, chương trình triển khai các dự án điện đáp ứng được nhu cầu điện của đời sống xã hội, KT-XH.

Tuy nhiên, tổng sơ đồ VII so với các tổng sơ đồ trước đây, hay cụ thể là tổng sơ đồ VI, tôi cho rằng có những khác biệt cụ thể như sau:

Một là trong tổng sơ đồ VII, để giải quyết vấn đề năng lượng lâu dài của đất nước, chúng ta rất quan tâm chú trọng tới phát triển năng lượng mới, tái tạo trong giai đoạn từ nay trở đi. Theo đó, chúng ta xác định mục tiêu tôi cho rằng còn khiêm tốn, chúng ta phải cố gắng vượt được mục tiêu đó, đảm bảo làm sao tỷ trọng, sản lượng điện từ các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo vào năm 2020 phải đạt 4,5%. Đến 2030 đạt 6%. Tôi cho rằng, đây là điểm mới rất quan trọng trong chính sách phát triển năng lượng, phát triển ngành điện của chúng ta thời gian tới.

Khác biệt thứ hai là chúng ta quan tâm chú trọng sử dụng năng lượng tiết kiệm, hợp lý. Như chúng ta biết, hiện nay có thể nói việc sử dụng điện nhiều lúc, nhiều nơi còn lãng phí, thể hiện ở chỗ hệ số đàn hồi của chúng ta hay cường độ sử dụng điện/1 đơn vị GDP còn cao so với các nước thế giới. Trong tổng sơ đồ này đưa ra một loạt biện pháp để làm sao thời gian tới việc sử dụng điện tiết kiệm hơn, hiệu quả hơn. Chúng ta đặt mục tiêu từ nay tới 2015, 2020, phải tiết kiệm được 5-8% sản lượng điện tiêu thụ.

Thứ ba, một điểm khác là xây dựng các nhà máy thủy điện tích năng cũng như nhà máy điện hạt nhân. Theo đó, các tổ máy của nhà máy thủy điện tích năng lần đầu tiên sẽ xuất hiện vào năm 2019. Các tổ máy điện hạt nhân đầu tiên của chúng ta sẽ xuất hiện sau năm 2020.

Thứ tư, một nội dung nữa tôi cho là cũng rất quan trọng trong tổng sơ đồ điện VII là chúng ta rất quan tâm tới hình thành, phát triển thị trường điện lực. Về việc phát triển thị trường điện lực, như chúng ta biết từ 2006, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 26 công bố về lộ trình hình thành và phát triển thị trường điện lực Việt Nam.

Thực tế đến nay, từ 1/7/2011, chúng ta chính thức  khởi động thị trường phát điện cạnh tranh và từ 1/7/2012, chúng ta sẽ chính thức huy động các tổ máy điện trong hệ thống điện cũng như thanh toán tiền điện cho các nhà máy điện theo bản chào của các nhà máy. Tôi cho đây là bước khởi đầu rất quan trọng trong việc hình thành thị trường điện. Và tôi cũng cho rằng, tất nhiên để đạt được thị trường điện có tính cạnh tranh cao thì phải mất nhiều thời gian nữa, và thị trường phát điện cạnh tranh của chúng ta hiện nay mới chỉ là bước đi đầu tiên. Nhưng tôi cho rằng, nếu không có những bước đi đầu tiên như thế này thì chúng ta sẽ không bao giờ có thị trường có tính cạnh tranh cao, có sự minh bạch trong hoạt động của các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực điện lực như chúng ta mong muốn.

Độc giả Ngô Văn Hùng ở Quảng Nam hỏi:  Thực tế trong thời gian vừa qua cho thấy, nhiều công trình, dự án điện sau khi hoàn thành đã để lại hậu quả về môi trường rất nghiêm trọng. Bây giờ triển khai thực hiện qui hoạch điện VII với một qui mô lớn như vậy thì khó có thể ngăn chặn được sự xâm hại môi trường. Giải pháp nào cho vấn đề này, thưa ông?

Ông Dương Quang Thành: Ảnh hưởng của các nhà máy điện chủ yếu là ảnh hưởng về rừng, đất đai và môi trường. Trong đó, tác động về rừng và đất đai chủ yếu là do các nhà máy thủy điện. Thời gian qua, khi xây dựng các nhà máy thủy điện, chúng tôi cũng đã xây dựng các đề án đánh giá tác động môi trường. Về sử dụng nguồn nước và tài nguyên, chúng tôi phải được phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường, về đất và khai thác rừng trong lòng hồ phải được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương cho phép để giảm thiểu tác động đến rừng, đất đai.

Theo quy định của Chính phủ, các chủ đầu tư phải trồng bù bổ sung diện tích rừng bị thiệt hại. Chúng tôi đã và đang triển khai để các địa phương cấp đất cho các chủ đầu tư.

Để giảm thiểu tác động của các công trình với các hộ dân nơi ở mới, chúng tôi phối hợp với các địa phương xây dựng các khu tái định cư, khai thác quỹ đất tái định canh cho đồng bào. Tuy nhiên, ở một số khu vực, việc cấp đất tái định canh không đủ theo quy định của Chính phủ, chúng tôi đã cấp 3 năm lương thực để người dân có thể sinh sống khi chưa có điều kiện tăng gia sản xuất…

Các nhà máy nhiệt điện phải tuân thủ các tiêu chuẩn về môi trường. Chúng tôi xây dựng các đánh giá tác động môi trường và được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt… Trong khi xây dựng các công trình, chúng tôi tuân thủ các tiêu chuẩn về khói bụi, chất phát thải….

Trong giai đoạn tới, khi thực hiện triển khai Qui hoạch điện VII, số dự án thủy điện vừa và lớn mới rất ít, chủ yếu tập trung xây dựng mới các dự án nhiệt điện than, khí. Với các dự án thủy điện lớn đang triển khai như Lai Châu, Sông Bung 2, Sông Bung 4, chúng tôi đang triển khai các giải pháp giảm thiểu tác động môi trường  và đời sống người dân tái định cư.

BTV: Theo báo chí phản ánh, tình trạng tích nước lòng hồ khiến hạ du không có nước, hoặc xả lũ bất ngờ hoặc thông báo nhưng rất gấp có tiếp diễn trong thời gian tới hay không?

Ông Dương Quang Thành: Việc khai thác tiềm năng thủy điện đất nước là rất cần thiết. Việt Nam là đất nước được thiên nhiên ưu đãi với tiềm năng thủy điện lớn, các nhà máy thủy điện đã góp phần đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển đất nước.

Các nhà máy thủy điện này phần lớn nằm ở vùng sâu, vùng xa đã góp phần tích cực phát triển kinh tế xã hội các địa phương. Cụ thể, cùng với xây dựng thủy điện, chúng ta đã xây dựng cơ sở hạ tầng như đường sá rất tốt. Thứ hai, các nhà máy thủy điện ngoài việc phát điện lên hệ thống còn đóng góp vào ngân sách địa phương. Thứ ba, các nhà máy thủy điện góp phần tạo việc làm, như Thủy điện Sơn La có thời điểm sử dụng tới hàng chục nghìn lao động.

Bên cạnh đó, các công trình thủy điện cũng có những tác động tiêu cực tới môi trường và đời sống người dân khu vực hạ lưu như báo chí đã phản ánh, chính quyền địa phương có ý kiến.

Giải quyết vấn đề này, Chính phủ, Bộ Công Thương và chủ đầu tư lấy lợi ích của người dân lên trên hết.

Về dòng chảy tối thiểu phía hạ du, trong quá trình thiết kế, chúng ta quy định khi nhà máy vận hành phải bảo đảm dòng chảy tối thiểu để bảo đảm sản xuất, kinh doanh, hệ thống sinh thái ở hạ lưu. Thời gian qua, khi nhận được phản ánh, Chính phủ, Bộ Công Thương đã chỉ đạo quyết liệt yêu cầu các nhà máy phải phối hợp chặt chẽ với các địa phương  trong mùa lũ cũng như mùa khô, các quy chế phối hợp vận hành nhà máy, xử lý các tình huống để đảm bảo dòng chảy tối thiểu.

Về ngập lụt, rõ ràng có trường hợp thời gian chúng ta thông báo cho người dân trước khi xả lũ là quá ngắn, trong khi thời gian này được quy định cụ thể trong quy trình vận hành hồ chứa, như có trường hợp chỉ báo trước hai tiếng. Tất nhiên, do trình độ dự báo khí tượng thủy văn còn hạn chế, nên khó có thể tăng thời gian lên. Đây cũng là vấn đề cần phải xem xét, theo khảo sát của Bộ Công Thương, nhiều nhà máy đã lắp đặt thêm trạm trắc, từ đó có thể xác định chính xác hơn về thời điểm lũ về, tạo thuận lợi hơn cho người dân bảo vệ tài sản của mình khi thủy điện xả lũ.  

Độc giả Hoàng Văn Năm ở phường Quang Trung, Quận Đống Đa – Hà Nội: Trong Chiến lược phát triển Điện lực quốc gia đến năm 2020, Chính phủ có giải pháp gì để đẩy nhanh tiến độ triển khai thị trường phát điện cạnh tranh; công khai, minh bạch giá điện; chứ như hiện nay thì người tiêu dùng thiệt thòi nhiều quá, giá điện thì tăng liên tục, hạch toán lỗ lãi lại không rõ ràng ?

Ông Hoàng Quốc Vượng: Về thị trường điện lực, bắt đầu từ 1/7 này, chúng ta chính thức huy động các nhà máy điện, thanh toán tiền điện cho các nhà máy theo bản chào của họ. Như tôi đã nói ở trên, đây là bước đi đầu tiên để chúng ta tiến tới một thị trường cạnh tranh mà chúng tôi gọi là thị trường bán lẻ cạnh tranh. Và thị trường bán lẻ cạnh tranh theo lộ trình được phê duyệt trong Quyết định 26 của Thủ tướng Chính phủ có khả năng sẽ hình thành từ năm 2022.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, chúng ta đang cố gắng rút ngắn quá trình chuẩn bị từ nay đến năm 2022 để làm sao thị trường bán lẻ cạnh tranh có thể khởi động sớm hơn.

Liên quan đến giá điện, có thể người tiêu dùng cũng như người dân nghi ngờ vào sự minh bạch của việc hạch toán cũng như giá thành, giá điện hiện nay. Nhưng tôi xin thông báo với khán giả rằng, hàng năm, các báo cáo tài chính của EVN đều được hoặc là kiểm toán nhà nước hoặc là kiểm toán độc lập rà soát kiểm tra, đánh giá.

Hàng năm, theo quy định của Chính phủ, Bộ Công Thương là đơn vị đứng ra công bố các thông số, chỉ tiêu quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN.

Trên cơ sở các số liệu đã được kiểm toán, được các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, giá điện mới có thể được điều chỉnh. Cho nên, việc điều chỉnh giá điện nếu mà có thì luôn luôn dựa trên những số liệu đã được kiểm toán, các số liệu tin cậy về hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN. Chúng ta tin rằng, trong thời gian tới, khi QH phê duyệt Luật sửa đổi một số điều của Luật Điện lực hiện nay, với việc hình thành và phát triển các cấp độ của thị trường điện lực, cùng với nó là việc tái cơ cấu ngành điện, ngành điện của chúng ta với rất nhiều thành phần kinh tế khác nhau tham gia vào, cùng với đó là tính minh bạch ngày càng tăng cao và hiệu quả, năng suất lao động của ngành điện cũng được tăng lên, chúng ta hy vọng giá điện sẽ ở mức mà tất cả chúng ta có thể chấp nhận được.

Phó  Vụ trưởng Vụ Đầu tư - Bộ Tài chính Phan Ngọc Quang
BTV: Xin mời đại diện Bộ Tài chính có ý kiến về vấn đề này?

Ông Phan Ngọc Quang: Trước hết, tôi rất thống nhất với ý kiến của Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng. Trước hết về thị trường cạnh tranh, chúng ta tiếp tục thực hiện theo Quyết định 26, giai đoạn ban đầu của nó mới là thị trường cạnh tranh về phát điện. Như các bạn biết, ngoài EVN, hiện còn rất nhiều nhà đầu tư, tập đoàn, tổng công ty tham gia đầu tư xây dựng các nhà máy nguồn điện. Tất cả các nhà đầu tư đó chúng ta không thể thống nhất bán cho họ 1 giá hay áp đặt 1 giá nào đấy ảnh hưởng đến hạch toán kinh doanh của họ.

Như anh Hoàng Quốc Vượng nói, dứt khoát họ phải có lãi, đặc biệt là các nhà đầu tư tư nhân, nếu không họ sẽ không tồn tại. Bước đầu tiên là thị trường bán lẻ trong lĩnh vực phát điện. Chúng ta đã thực hiện được bước này.

Ngoài ra, còn rất nhiều giải pháp như anh Hoàng Quốc Vượng nói, chúng ta tiếp tục thực hiện tái cơ cấu lại ngành điện, thực hiện tốt lộ trình giá điện, tôi tin chắc sẽ dần dần tiến tới thị trường điện cạnh tranh.

Về giá, ngay trong Quyết định 24 của Thủ tướng Chính phủ cũng đã quy định, ngoài việc tham gia kiểm toán của các tổ chức kiểm toán độc lập, trước khi điều chỉnh giá điện, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đều phải kiểm soát lại báo cáo tài chính của EVN, đánh giá đầy đủ nguyên nhân khách quan, chủ quan để quyết định vấn đề điều chỉnh giá điện trong mỗi thời điểm. Thật ra, ngay cả trong trường hợp chúng ta có xác định được nhân tố làm tăng giá điện, nhưng những yếu tố chung của nền kinh tế chưa cho phép, cũng chưa chắc quyết định được vấn đề này.

Bạn Phạm Ngọc Y hỏi: Trong thời gian tới, sẽ phát triển thị trường điện cạnh tranh, thì mô hình nào sẽ được áp dụng trong 3 giai đoạn chính của lộ trình hình thành thị trường. Khi thực hiện, các nhà đầu tư ngoài ngành có điều kiện đầu tư ngoài ngành hay không?

Ông Hoàng Quốc Vượng: Về mô hình, Quyết định 26 của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ rõ, từ nay đến 2014 sẽ vận hành thị trường phát điện cạnh tranh. Từ 2014 đến 2022 sẽ vận hành thị trường bán buôn cạnh tranh. Từ năm 2022 sẽ có thị trưởng bán lẻ cạnh tranh.

Khi thiết kế lộ trình, chúng ta đã tham khảo kinh nghiệm nhiều nước như Australia, New Zealand, các nước ASEAN, Mỹ, Anh, Ireland…. Tất nhiên, phải tính tới đặc thù của Việt Nam để thiết kế cho phù hợp.

Mục tiêu quan trọng nhất là nâng cao tính cạnh tranh của thị trường và như vậy, chắc chắn tất cả các nhà đầu tư có nhiều cơ hội để tham gia và được khuyến khích tham gia.

BTV: Theo tôi được biết, theo quy hoạch thì tới 2020, nhiệt điện sẽ chiếm tới 60% sản lượng, trong đó chủ yếu là nhiệt điện đốt than. Nếu tăng giá than thì có kéo theo tăng giá điện không, thưa ông?

Ông Dương Quang Thành: Theo Qui hoạch điện VII, các nhà máy điện than giai đoạn 2011 – 2015 chủ yếu sử dụng nguồn than trong nước, từ năm 2016 trở đi do nguồn than trong nước không đảm bảo sẽ sử dụng chủ yếu than nhập khẩu.

Trong khi tính toán về giá điện, nhiên liệu than cũng được tính. Như Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nói, Quyết định 24 của Thủ tướng Chính phủ có quy định 3 yếu tố đầu vào thay đổi sẽ dẫn đến điều chỉnh giá điện, gồm nhiên liệu đầu vào, tỷ giá và cơ cấu nguồn điện. Nên việc thay đổi giá than cũng là một yếu tố để xem xét điều chỉnh giá điện.

BTV:  Ông có nghĩ rằng nguồn than ngày càng cạn kiệt, vậy tại sao chúng ta vẫn xác định nhiệt điện chiếm tới 60% sản lượng, thưa ông?

Ông Dương Quang Thành: Do nguồn than trong nước không đáp ứng đủ, cho nên trong Qui hoạch điện VII, các nhà máy chủ yếu dùng than nhập khẩu. Bộ Công Thương đã thành lập Ban chỉ đạo tìm kiếm nguồn than nhập và giao cho TKV là đơn vị đầu mối đàm phán nhập than.

Còn con số 60% đã được cân đối và đến 2020, chúng ta sẽ nhập khẩu khoảng 25 triệu tấn than. Bộ Công Thương, TKV đã tính toán và các chủ đầu tư, đặc biệt là chủ đầu tư BOT có thể tự tìm kiếm nguồn than để đáp ứng.

Độc giả Nguyễn Thu Lan ở ngõ Tức Mạc, phố Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm – Hà Nội hỏi:  Mới đây có nhiều thông tin cho rằng sắp tới sẽ tiếp tục tăng giá điện, tôi xin hỏi những thông tin như vậy có đúng không và nếu là đúng thì phương án tăng như thế nào ?

Ông Hoàng Quốc Vượng: Quốc hội, Chính phủ đã xác định phải từng bước điều chỉnh theo cơ chế thị trường. Cơ chế thị trường ít nhất là giá điện không thấp hơn giá thành, tất nhiên chúng ta phải tính đến vấn đề kiểm soát giá thành để các đơn vị điện lực đạt hiệu quả cao nhất, với năng suất cao nhất.

Nếu giá điện thấp hơn giá thành, thì các đơn vị điện lực lỗ, trong khi ngân sách Nhà nước không thể bù lỗ mãi cho các đơn vị.

Về cơ chế cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 24/2011/QĐ-TTg. Theo đó, khi các thông số đầu vào cơ bản thay đổi như giá than, xăng, tỷ giá, cơ cấu nguồn phát thay đổi như do hạn hán… thì được điều chỉnh giá điện, nếu điều chỉnh ở mức 5% thì EVN có quyền đề xuất và điều chỉnh, còn trên 5% thì phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bạn hoanguyen@...com hỏi: Thưa Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, theo Tổng cục Thống kê, sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm 2012 chỉ tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước, GDP quý I chỉ tăng khoảng 4%, nhưng mức tiêu thụ điện 5 tháng đầu năm nay vẫn tăng cao hơn 11%. Tại sao mức tiêu thụ điện vẫn cao như vậy, Bộ Công Thương có dự định điều chỉnh lại dự báo tiêu thụ điện từ 2013-2020 không vì mức tăng trưởng 14% có vẻ cao hơn thực tế?

Ông Hoàng Quốc Vượng: Thời gian vừa qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế không như mong muốn. Điều này đương nhiên đã tác động tới tình hình tiêu thụ điện. Trước kia chúng ta dự kiến tăng trưởng phụ tải từ 13-14%. Tuy nhiên, do kinh tế gặp khó khăn, tốc độ tăng trưởng phụ tải điện thấp hơn.

Như chúng ta thấy, mặc dù kinh tế chỉ tăng 3-4%, nhưng nhu cầu phụ tải vẫn tăng trên 10%, như vậy rất là cao. Tuy nhiên, nếu chỉ xem trong giai đoạn ngắn 1,2 quý để đánh giá cho giai đoạn dài 5 năm thì tôi cho rằng rất khó chính xác.

Cho nên tại thời điểm hiện nay, chúng tôi vẫn tiếp tục theo dõi sát sao tình hình sử dụng điện, tăng trưởng phụ tải để làm sao rà soát, điều chỉnh nếu cần thiết.

Tôi cho rằng, tại thời điểm hiện nay thì chúng ta có lẽ cũng còn quá sớm để nói cần phải điều chỉnh tốc độ tăng trưởng phụ tải mà chúng ta đã dự báo trước đây cho giai đoạn từ đây đến năm 2015.

BTV: Bạn Hoa cũng hỏi thêm: Một trong những điều kiện tiên quyết để có thị trường điện cạnh tranh hoạt động hiệu quả là phải có một cơ quan điều tiết độc lập. Việt Nam có kế hoạch thành lập cơ quan này không và họ có thể điều tiết cả thị trường gas và than không? Vì nếu không điều tiết được thị trường ga và than thì khó có được giá điện theo thị trường?

Ông Hoàng Quốc Vượng: Hiện nay chúng ta đã có một cơ quan điều tiết gọi là Cục điều tiết điện lực, là một tổ chức nằm trong Bộ Công Thương. Thực tế ở các nước khác, cơ quan này phần lớn đều là cơ quan độc lập. Chức năng nhiệm vụ của nó không phải chỉ điều tiết cho ngành Điện mà điều tiết các ngành khác như gas và các ngành liên quan trực tiếp đến việc phát điện.

Hiện nay, thị trường điện lực của chúng ta mới bắt đầu, nên hiện Chính phủ, Bộ Công Thương đang xem xét khả năng cần phải có 1 cơ quan độc lập để làm sao điều tiết hoạt động điện lực cũng như các ngành liên quan khác như khí gas, để làm sao cơ quan này có thể đưa ra quyết định một cách độc lập để làm sao chúng ta có thị trường điện lực mang tính cạnh tranh với tính khách quan cao vì mục tiêu cuối cùng là có thị trường điện cạnh tranh hoàn hảo phục vụ tốt nhất lợi ích của người dân.

Độc giả Nguyễn Ngọc Anh, chuyên ngành quản trị kinh doanh, Đại học Kinh tế Quốc dân nêu vấn đề: Thiếu điện do cung không đủ cầu, vì vậy ngành điện luôn kêu gọi người dân sử dụng tiết kiệm. Vậy bản thân ngành đã tiết kiệm như thế nào trong khi nhiều năm trở lại đây, lượng tổn thất điện năng của EVN không hề giảm mà còn có xu hướng tăng lên (theo thông tin từ  báo chí, năm 2011 điện năng tổn thất là 9,5%, năm 2012 này mức tổn thất dự kiến không giảm và đến năm 2013, mức tổn thất điện năng dự kiến sẽ lên tới 9,7%) ?

Ông Dương Quang Thành: Việc giảm tổn thất điện năng truyền tải và phân phối nằm trong kế hoạch và chỉ tiêu tổng sơ đồ điện VII đã quy định. Thời gian qua, từ 1995-2011, hàng năm chúng tôi đã giảm tổn thất xuống 0,9%. Đến năm 2012, dự kiến, kế hoạch điện tổn thất của chúng tôi là 9,2%.

Trong kế hoạch phê duyệt về tỷ lệ tổn thất của giai đoạn 2011-2015 của Bộ Công Thương, năm 2013, tổn thất kế hoạch cao hơn tổn thất thực hiện của năm 2011 và dự kiến 2012 là vì 2013, chúng tôi phải truyền tải lượng công suất từ các nguồn điện ở miền Bắc vào cung ứng điện cho miền Nam.

Như tôi đề cập, từ 2013 trở đi, việc các nguồn tại chỗ ở khu vực miền Nam không đáp ứng được nhu cầu điện, cho nên chúng tôi phải truyền tải điện cao từ miền Bắc vào Nam. Trong đó, để truyền tải cao từ Bắc vào Nam, chúng tôi đã xây dựng thêm một đường dây 500 KV từ Pleiku đi Mỹ Phước và Cầu Bông để cung cấp điện cho TPHCM và các tỉnh miền Nam.

Như vậy, nếu truyền tải cao, thì tổn thất truyền tải sẽ tăng lên. Do vậy, đặc thù của 2013 thì tổn thất cao hơn. Còn từ 2014 trở đi đến 2015, chúng ta xây dựng lộ trình hàng năm giảm tổn thất điện năng và đến 2015, tổn thất xuống còn 9,0-7%.

Một vấn đề liên quan tới tổn thất nữa là vận hành tối ưu hệ thống, trong hệ thống điện Việt Nam, đa số nguồn thủy điện ở phía Bắc, đặc biệt một số công trình chúng tôi đang đẩy nhanh tiến độ như Thủy điện Sơn La (dự kiến tháng 8 năm nay đưa vào vận hành toàn bộ 6 tổ máy, sớm hơn so với kế hoạch 3 năm).

Với các nguồn thủy điện miền Bắc đưa vào vận hành sớm như vậy, truyền tải vào miền Nam sẽ giảm bớt lượng nhiệt điện dầu ở miền Nam, mang lại hiệu quả kinh tế chung cho nền kinh tế cũng như kết quả chung cho hệ thống. Như vậy, một mặt đáp ứng điện cho khu vực miền Nam, mặt nữa là đáp ứng tối ưu của hệ thống. Do vậy, đặc thù của năm 2013 là điện tổn thất cao.

Trong chương trình của EVN, vẫn phấn đấu giảm tổn thất so với kế hoạch được giao. Đặc biệt, chúng tôi sẽ đưa ra các biện pháp, giải pháp như đầu tư cải tạo lưới điện để giảm tổn thất về mặt kỹ thuật, đưa nhanh các công trình nguồn điện để đảm bảo cân bằng nguồn điện các khu vực tại chỗ để đảm bảo giảm bớt truyền tải điện năng, giảm tổn thất trên đường dây. Đối với lưới điện trung và hạ thế, chúng tôi đưa chỉ tiêu cho các công ty điện lực tỉnh, cũng như tổng công ty điện lực miền phải lắp các tụ bù để nâng cao biến áp cũng như giảm tổn thất trên đường dây truyền tải.

BTV: Còn ý kiến của Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng về vấn đề này?

Ông Hoàng Quốc Vượng: Tôi cho rằng anh Dương Quang Thành đã trình bày khá chi tiết. Bộ Công Thương đã phê duyệt kế hoạch giảm tốn thất điện năng, tới 2015 còn 8,9%, đến 2016 còn 7,9%. Chúng ta hy vọng thời gian tới tổn thất sẽ tiếp tục giảm xuống, đây là vấn đề rất quan trọng, EVN cần tiếp tục quan tâm trong thời gian tới, tiến tới mức trung bình của các nước trong khu vực là khoảng 5%.
Theo: Báo Điện tử Chính phủ