Sự kiện

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Bằng mọi giải pháp đảm bảo cung cấp đủ điện cho nhu cầu của đất nước

Thứ tư, 25/12/2019 | 15:43 GMT+7
Ngày 25-12, tại Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tổng kết thực hiện kế hoạch năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới dự và phát biểu chỉ đạo.
 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương lao động Hạng Nhất cho ông Dương Quang Thành- Chủ tịch HĐTV EVN và Huân chương lao động Hạng Nhì cho ông Trần Đình Nhân- Tổng giám đốc EVN. Ảnh: Icon.com.vn
 
Theo EVN, năm 2019, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống năm đạt 240 tỷ kWh, tăng 8,94% so với năm 2018, trong đó, sản lượng điện sản xuất và mua của EVN năm 2019 đạt 230,7 tỷ kWh tăng 8,7% và điện sản xuất các nhà máy điện của Công ty mẹ EVN là 41,94 tỷ kWh; sản lượng điện thương phẩm đạt 209,5 tỷ kWh, tăng 8,94%, trong đó, điện thương phẩm nội địa đạt 207,7 tỷ kWh, tăng trưởng 8,65% (TCT Điện lực miền Trung và TP HCM vượt kế hoạch điện thương phẩm); tổn thất điện năng đạt 6,5% thấp hơn 0,2% so với kế hoạch phấn đấu (6,7%) vượt trước 1 năm so với lộ trình của kế hoạch 5 năm 2016-2020 được Thủ tướng Chính phủ giao; tổng doanh thu đạt 393.230 tỷ đồng, tăng 14,3% , trong đó, doanh thu bán điện là 387.675 tỷ đồng, tăng 16,4%. 
 
EVN chỉ đạo điều hành sản xuất, vận hành hệ thống điện và thị trường điện bám sát nhu cầu phụ tải, khai thác tối ưu các nhà máy điện trong hệ thống, đảm bảo phát điện và đáp ứng tốt nhu cầu nước cho sản xuất nông nghiệp, đẩy mặn và dân sinh, đã cấp 4,41 tỷ m3 nước phục vụ đổ ải, gieo cấy lúa vụ Đông Xuân cho đồng bằng và trung du Bắc Bộ; phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư trong việc hoàn thiện thủ tục để đưa vào vận hành 92 dự án nguồn điện năng lượng tái tạo với tổng công suất là 4.560MW, trong đó có 89 dự án điện mặt trời với tổng công suất 4.450MW; chỉ đạo các đơn vị hỗ trợ và khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời trên mái nhà, đã lắp đặt 20.472 dự án với tổng công suất 340,7 MWp, trong đó, các đơn vị thuộc EVN là 496 dự án/18,2 MWp và khách hàng là 19.976 dự án/322,5 MWp; các chỉ tiêu về dịch vụ khách hàng đều đạt và vượt so với mục tiêu kế hoạch, như: Công tác thu tiền điện đạt tỷ lệ bình quân đạt trên 99,7, tỷ lệ khách hàng thanh toán không sử dụng tiền mặt đạt 46,54%, vượt 3,06% so với yêu cầu tại Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ (các TCT Điện lực TP Hà Nội và TPHCM đạt  gần 98%); chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam năm 2019 đạt 88,2/100 điểm tăng 0,24 điểm so với năm 2018 và duy trì thứ hạng 27/190 quốc gia, nền kinh tế trên thế giới và thứ 4 khu vực ASEAN vượt trước 2 năm so với mục tiêu của Chính phủ. 
 

Ảnh: Icon.com.vn
 
Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương những nỗ lực của EVN trong việc vượt qua khó khăn thách thức về tăng trưởng kinh tế cao, tình hình khô hạn trên các hồ thủy điện và nhiều dự án nguồn bị chậm tiến độ để đảm bảo đủ điện cho phát triển nền kinh tế và sinh hoạt của nhân dân.
 
Thủ tướng ghi nhận 11 điểm sáng của EVN trong năm 2019, là: Đảm bảo cung ứng đủ điện cho nền kinh tế và đời sống nhân dân; sản xuất kinh doanh có hiệu quả trong điều kiện phải huy động nguyên liệu dầu; hoàn thành tốt nhiệm vụ cung cấp điện cho vùng nông thôn, miền núi và hải đảo; chỉ số tiếp cận điện năng được cải thiện vượt bậc (được đánh giá thứ hạng 27/190 quốc gia trên thế giới và thứ 4 khu vực ASEAN); chỉ tiêu tổn thất điện năng, chỉ tiêu độ tin cậy cung cấp điện hoàn thành trước 1-2 năm so với lộ trình kế hoạch 5 năm; thực hiện tốt hơn công tác bảo vệ môi trường trong phát triển điện lực; tiên phong trong công khai, minh bạch hóa và đi đầu trong đấu thầu qua mạng; chủ động và tích cực tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; đoàn kết, thống nhất, dân chủ được phát huy...
 
Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý về 35 dự án chậm tiến độ, trong đó, EVN có 7 dự án, với vai trò nòng cốt, EVN cần chủ động tìm biện pháp tháo gỡ; công tác truyền thông, thông tin còn chậm đổi mới nên không có sự chia sẻ, cảm thông của xã hội đối với hoạt động của ngành điện; tiết kiệm điện chưa trở thành một cuộc cách mạng trong đời sống xã hội.
 
Thủ tướng yêu cầu, năm 2020 và những năm tiếp theo, EVN tiếp tục giữ vai trò chủ đạo thực hiện nhiệm vụ đảm bảo cung cấp đủ điện, vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện quốc gia, theo đó, sẵn sàng ứng phó  với tình huống khô hạn, nắng nóng, nhu cầu điện tăng cao. Bằng mọi giải pháp đảm bảo cung cấp đủ điện cho nhu cầu của đất nước, kể cả phải vận hành các nhà máy điện có giá thành cao; Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng Công ty Đông Bắc tăng cường sản xuất và nhập khẩu để đảm bảo đủ than cho sản xuất điện; Tập đoàn Dầu khí quốc gia (PVN) phải có giải pháp cấp đủ khí cho sản xuất điện, trường hợp thiếu khí phải ưu tiên cho sản xuất điện. Đặc biệt, EVN phải tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án điện trọng điểm, cấp bách.
 
Thủ tướng yêu cầu, Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và các Bộ liên quan giải quyết nhanh chóng các đề nghị của EVN, PVN, TKV  để đảm bảo tiến độ các dự án được giao, như: Các Dự án Nhiệt điện Sông Hậu 1, Long Phú 1, Thái Bình 2, Na Dương 2, Quỳnh Lập 1; nhà máy điện khí Nhơn Trạch 3&4, miền Trung 1&2...; khẩn trương trình Chính phủ cơ chế nhằm tháo gỡ vướng mắc cho các dự án chậm tiến độ.
Thanh Mai