Sự kiện

Đảm bảo an ninh năng lượng: Đâu là lời giải

Thứ ba, 3/1/2012 | 10:45 GMT+7
Theo nhận định của Bộ Công Thương, cung ứng điện giai đoạn 2005-2010 đã cơ bản đáp ứng cho phát triển kinh tế xã hội với tổng công suất điện tính đến năm 2010 đã tăng 1,98 lần so với năm 2005.

Tuy nhiên, do nhu cầu năng lượng đến năm 2020 sẽ gấp khoảng 2,4 lần hiện nay nên việc cung ứng điện đang lộ diện khó khăn rất lớn vì nguồn nhiên liệu khí, than cung cấp cho điện ngày càng cạn kiệt. Vậy đâu là lời giải cho bài toán cân bằng năng lượng?

Nan giải bài toán nhập khẩu năng lượng

Theo Quy hoạch điện VII, tổng lượng than cần cho ngành điện vào năm 2020 là 67,3 triệu tấn để sản xuất khoảng 156 tỷ kWh (chiếm 46,8% sản lượng điện sản xuất). Đến năm 2030 sẽ tiêu thụ 171 triệu tấn than để sản xuất khoảng 394 tỷ kWh (chiếm 56,4% sản lượng điện sản xuất). Với yêu cầu này, từ năm 2015, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu khoảng 6 triệu tấn than/năm. Riêng nguồn điện sử dụng khí thiên nhiên sẽ đạt công suất 10.400 MW vào năm 2020, sản xuất khoảng 66 tỷ kWh điện, chiếm 20% sản lượng điện; Đến năm 2030 sẽ nâng công suất lên 11.300 MW, sản xuất khoảng 73,1 tỷ kWh điện, chiếm 10,5% sản lượng điện. Thực tế, nguồn khí sản xuất trong nước chưa đáp ứng nhu cầu. Riêng năm 2012, EVN tính toán nhu cầu cấp khí cho điện lên tới 6,6 tỷ m3 nhưng PVN cho biết chỉ cấp được 5,7 tỷ m3. Như vậy, ngành điện sẽ thiếu 800 triệu m3 khí, tương đương phải bù thêm 18.000 tỷ đồng để phát dầu 4,2 tỷ kWh điện. Cho dù Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo khí phải ưu tiên trước hết cho điện nhưng thiếu khí vẫn luôn là nỗi ám ảnh lớn nhất của EVN vì nếu chạy dầu sẽ làm cho bức tranh tài chính của EVN càng ảm đạm hơn.  

Rõ ràng, nhu cầu sử dụng than, khí cho các nhà máy nhiệt điện là rất lớn. Việt Nam sẽ từ một nước xuất khẩu năng lượng trở thành nước ngày càng phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu. Hiện nay, Bộ Công Thương đang tìm kiếm các nguồn khí nhập khẩu từ Malaysia, Indonesia, Brunei thông qua việc sử dụng các cơ sở hạ tầng sẵn có và hệ thống đường ống xuyên ASEAN trong khuôn khổ hợp tác với các nước trong khu vực. Thúc đẩy quan hệ hợp tác để nhập khí LNG từ Nga, khu vực Đông Nam Á, Trung Đông, Australia và Châu Phi.

Với việc nhập khẩu than, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, khó nhất chưa phải là năng lực tài chính mà là tìm đâu ra nguồn để nhập. TS. Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Công ty Năng lượng Sông Hồng cũng phân tích: Việc nhập khẩu than còn phải cạnh tranh khốc liệt với nhiều quốc gia có chung thị trường nhập khẩu như Trung Quốc, Nhật Bản. Đây sẽ là bài toán khó cho Việt Nam, nhất là khi giá than nhập khẩu leo thang từng ngày. Phó TGĐ EVN Dương Quang Thành cho biết, than là mặt hàng đặc biệt, khi đặt bút ký hợp đồng đối tác mới mở rộng mỏ, tăng công suất. Qua thực tế khảo sát việc mua bán than của một số đối tác cho thấy, lúc đầu họ chào giá 70 USD/tấn, sau một hồi đàm phán giá đã được đẩy lên đến 120 USD/tấn.

Không chỉ có than, khí cho điện đứng trước nguy cơ thiếu trầm trọng mà hiện dầu thô cũng chỉ đáp ứng 37% nhu cầu trong nước, còn lại phải nhập thêm và khai thác từ ngoài. Hiện Việt Nam đang triển khai tích cực các dự án ở Algeria, Mông Cổ, Malaysia,  Nga, Irắc, Venezuela, Cuba, Iran. Tìm kiếm ký các hợp đồng với Gazprom, Zarubernheft, Nga, Kazakhstan. Đa dạng các hình thức đầu tư; thành lập liên minh tham gia đấu thầu ở nước ngoài, nhất là các vùng nước sâu nhưng có nhiều tiềm năng và triển vọng dầu khí. Tuy nhiên, khai thác dầu thô cũng không dễ dàng, nhất là khai thác ở nước ngoài do đòi hỏi về vốn đầu tư lớn, công nghệ khắt khe. Đó là chưa kể những khó khăn khác khi thăm dò khai thác ở các khu vực chồng lấn, nhạy cảm.

Việt Nam là quốc gia có cả một vùng đất mỏ rộng lớn và đã trải qua thời kỳ dài xuất khẩu năng lượng, nay chúng ta lại đối mặt với nguy cơ nhập khẩu năng lượng. Những khó khăn thách thức trong việc nhập khẩu năng lượng không chỉ là nỗi lo của các cấp lãnh đạo mà còn là nỗi băn khoăn của nhiều người dân trước bài toán về quản lý khai thác tài nguyên như thế nào cho hợp lý, tránh tình trạng xuất đi ồ ạt rồi lại nhập về một cách khó khăn.

Chính sách năng lượng còn bất cập

Mặc dù năng lượng là vấn đề quan trọng hàng đầu nhưng theo nhiều chuyên gia, cơ chế chính sách quản lý Nhà nước về tài nguyên than của nước ta còn nhiều điểm chưa hợp lý, chưa có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất giữa các cơ quan quản lý Nhà nước với các doanh nghiệp khai thác, chế biến và sử dụng than. Các chính sách thuế về tài nguyên than, tài nguyên nước chưa thực sự phù hợp với quy luật và sự biến động của thị trường. Thêm vào đó, ở một số doanh nghiệp, cơ chế quản lý, phương thức sản xuất kinh doanh chưa hoàn thiện, quyền lợi sản xuất và trách nhiệm không rõ ràng, chính sách chưa rạch ròi, trình độ quản lý chưa cao, hiệu suất thấp. Tình trạng khai thác và xuất khẩu than trái phép vẫn diễn ra rất phức tạp nhưng chưa có sự phối hợp giữa doanh nghiệp với các Bộ, ngành, địa phương trong quản lý tiêu thụ. Cho dù được đánh giá trữ lượng trên 5,88 tỷ tấn, trong đó cấp A+B+C là 4,9 tỷ tấn nhưng việc thăm dò khai thác Bể than Đồng bằng Bắc Bộ và thềm lục địa vẫn còn là ẩn số. Việc phê duyệt quy hoạch ngành than quá chậm cũng ảnh hưởng đến kế hoạch nhập khẩu than. Việc thăm dò khai thác phát triển mỏ mới đang bị đình trệ do thông báo tạm dừng cấp phép khai thác khoáng sản chưa được dỡ bỏ. Nhiều đề án đã trình bộ Tài nguyên môi trường nhưng chưa được giải quyết hoặc không được tiếp nhận…

Với ngành Dầu khí, mặc dù tổng trữ lượng và tiềm năng dầu khí toàn thềm lục địa ước tính lên tới 3,3 -4,4 tỷ tấn dầu qui đổi nhưng tiềm năng dầu khí chưa phát hiện còn lại tập trung chủ yếu ở vùng nước sâu, xa bờ và các vùng chồng lấn, nhạy cảm về chính trị (các bể Hoàng Sa và Trường Sa).

Với ngành điện, khó khăn lại nằm ở phần huy động vốn đầu tư. Dù là doanh nghiệp độc quyền và được Chính phủ bảo lãnh, nhưng các tổ chức tín dụng cũng không mấy hào hứng với các khoản vay lớn, thời gian vay dài của ngành điện. Thêm vào đó, những khoản nợ khổng lồ của EVN được công bố cũng ảnh hưởng không nhỏ tới việc thu xếp vốn của các nhà tài trợ. Suất đầu tư cao, quy mô của các dự án lên đến hàng chục tỷ USD/năm, trong khi chính sách giá điện lại chưa đủ hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài đến với các dự án điện. Theo TGĐ EVN Phạm Lê Thanh, hiện tổng nhu cầu đầu tư cho kế hoạch 5 năm (2011 – 2015) của ngành điện là 514 ngàn tỷ đồng, nhưng EVN mới chỉ thu xếp được khoảng 298 ngàn tỷ, như vậy vẫn còn thiếu 216 ngàn tỷ nữa. Đây là bài toán không dễ giải quyết của EVN trong năm 2012 cũng như 5 năm tới. Việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân đang vướng ở khâu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Việc phát triển năng lượng tái tạo không chỉ khó khăn về vốn mà còn vướng ở cả hành lang pháp lý. Hiện Việt Nam đang tích cực hoàn thiện hệ thống chính sách, chế tài nhằm hướng tới kêu gọi các tổ chức quốc tế, các nước, doanh nghiệp hợp tác hỗ trợ kỹ thuật, tín dụng ưu đãi cho phát triển các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo, đặc biệt là gió, mặt trời, nhiên liệu sinh học, biogas, thuỷ điện nhỏ…

Ông Lê Tuấn Phong, phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Năng lượng cho biết, với mục tiêu đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam phấn đấu năng lượng sơ cấp năm 2010 đạt khoảng 47,5 - 49,5 triệu TOE (tấn dầu quy đổi), đến năm 2020 đạt khoảng 100 - 110 triệu TOE, đến năm 2025 khoảng 110 - 120 triệu TOE và đến năm 2050 khoảng 310 - 320 triệu TOE. Dự trữ xăng dầu quốc gia năm 2010 đạt 45 ngày tiêu dùng trong nước, năm 2020 đạt 60 ngày và năm 2025 đạt 90 ngày. Chuyển mạnh các ngành điện, than, dầu khí sang hoạt động theo cơ chế thị trường cạnh tranh có sự điều tiết của Nhà nước. Hình thành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh giai đoạn sau năm 2022; hình thành thị trường kinh doanh than, dầu khí trong giai đoạn từ nay đến năm 2015.

Hiện nay, ngành năng lượng đang hướng tới huy động tối đa mọi nguồn lực trong nước kết hợp với kêu gọi đầu tư nước ngoài, đặc biệt chú trọng tìm kiếm đối tác để nhập khẩu năng lượng. Trong buổi làm việc với Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về kế hoạch 2011-2015 của Bộ Công Thương đầu tháng 12 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng khẳng định: Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo PVN, Vinaconmin tìm mọi giải pháp đáp ứng nhu cầu khí và than cho điện. Việc nhập khẩu than, khí đã có sự liên hệ với nhà sản xuất có khả năng cung cấp than dài hạn như Úc, Indonesia hoặc những quốc gia có quan hệ tốt để mua mỏ dầu khí như Đông Nam Á, Liên bang Nga, các nước SNG, Nam Mỹ và Châu Phi.


Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Quan trọng là phải thay đổi tư duy

Thách thức về năng lượng sẽ còn kéo dài. Việc phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu không chỉ khó khăn cho bài toán cân đối năng lượng mà vấn đề nhập siêu cũng sẽ đè nặng trên vai nền kinh tế đất nước. Vì vậy, 3 tập đoàn năng lượng trụ cột là PVN, EVN, Vinacomin phải đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu. Trong đó, quan trọng nhất là phải thay đổi tư duy về giá năng lượng, thị trường, thu hút đầu tư. Nguồn khí phải ưu tiên tối đa cho điện trên cơ sở các bên phải cam kết và thực hiện đúng cam kết. Mặc dù năm nay hệ số đàn hồi đã giảm xuống còn 1,62 lần nhưng tiêu thụ năng lượng còn rất phí phạm. Tốc độ đổi mới công nghệ thời gian qua chỉ đạt trên 10%, (các nước khác là 25%) chính là nguyên nhân dẫn đến suất tiêu thụ năng lượng quá cao. Do vậy, cùng với việc đảm bảo cung ứng điện cho nền kinh tế thì cần có tín hiệu giá điện chuẩn hơn để tạo sức ép cho các ngành sản xuất phải thay đổi công nghệ để tăng hiệu quả tiêu thụ năng lượng. Đồng thời, thu hút đầu tư vào các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Các Bộ, ngành, địa phương phải tích cực đào tạo nâng cao năng lực quản lý nhà nước, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, chuẩn bị tốt các điều kiện để từ nay đến 2015 phải khởi công được 2 dự án điện hạt nhân ở Ninh Thuận, góp phần ổn định năng lượng cho đất nước.

Ông Phạm Lê Thanh, TGĐ EVN: Bốn điều kiện đảm bảo cung ứng điện

Nếu 5 năm tới điện tăng trưởng 13% thì đến năm 2015 sản lượng điện toàn hệ thống sẽ đạt khoảng 178 tỷ kWh, miền Bắc và miền Trung sẽ đủ điện, miền Nam vẫn thiếu do lưới truyền tải đang khó khăn. Nếu điện tăng trưởng 15% thì điện cho miền Nam sẽ rất căng thẳng. Khó là ở chỗ, nguồn nước cho thủy điện thì phụ thuộc vào thiên nhiên, khí và than luôn trong tình trạng ăn đong. Năm 2012, EVN đã tính toán nhu cầu cấp khí cho điện lên tới 6,6 tỷ m3. Tuy nhiên, PVN thông báo chỉ cấp được 5,7 tỷ m3. Như vậy, ngành điện sẽ thiếu 800 triệu m3 khí, nghĩa là sẽ có 4,2 tỷ kWh phải phát bù dầu, EVN sẽ phải bù lỗ thêm 18.000 tỷ đồng cho chạy dầu. Bức tranh tài chính của EVN sẽ càng ảm đạm hơn.  

Mặt khác, giải phóng mặt bằng cho các dự án điện cũng rất nan giải, nhất là ở Hà Nội và TP HCM. Sự đình trệ các dự án lưới điện 220 kV Vân Trì – Sóc Sơn, Hà Đông – Định Công đang đe dọa đến khả năng cung ứng điện cho Hà Nội trong mùa khô tới. Nếu không có sự vào cuộc đồng bộ của các ban ngành, chính quyền địa phương thì rất khó tránh khỏi tình trạng cả nước đủ điện nhưng riêng Thủ đô Hà Nội sẽ thiếu điện.
Để đảm bảo đủ điện trong năm 2012 và những năm tới, EVN đề nghị Chính phủ và Bộ Công Thương hỗ trợ 4 yếu tố: chỉ đạo PVN đảm bảo đủ khí cho điện; giá điện phải đảm bảo lành mạnh tài chính cho EVN tiếp tục phát triển; đảm bảo cân đối vốn cho các dự án điện; đảm bảo giải phóng mặt bằng cho các dự án lưới điện.

Ông Vũ Mạnh Hùng Phó tổng giám đốc Vinacomin

Vinacomin phấn đấu năm 2012 sẽ sản xuất trên 45 triệu tấn than thương phẩm và tập trung tiêu thụ trong nước là chủ yếu. Than xuất khẩu sẽ giảm dần xuống còn 3 triệu tấn vào năm 2015. Cuối năm 2015 sẽ thăm dò xong phần tài nguyên và trữ lượng than thuộc tầng trên mức -300 m và một số khu vực dưới mức -300 m, đảm bảo đủ trữ lượng than huy động vào khai thác đến năm 2020. Đến năm 2020 thăm dò xong đến đáy tầng than, đảm bảo đủ trữ lượng than huy động vào khai thác trong giai đoạn 2021-2030. Chuyển mạnh hoạt động ngành than theo cơ chế thị trường, hội nhập với khu vực và quốc tế, có sự điều tiết của Nhà nước. Hiện Vinacomin đang nâng năng lực sản xuất than và tìm kiếm nguồn than để nhập về. Trong năm 2010, những chuyến than nhập khẩu đầu tiên đã về đến Việt Nam. Tuy nhiên, việc tìm nguồn than nhập rất khó khăn vì nguồn cung ngày càng ít, giá cả ngày càng tăng. Trong khi đó, việc phê duyệt quy hoạch ngành Than quá chậm; thông báo tạm dừng cấp phép khai thác khoáng sản đến nay chưa được dỡ bỏ nên hoạt động thăm dò phát triển mỏ mới bị dừng. Tình trạng khai thác trái phép khoáng sản, nhất là khai thác than thổ phỉ rất phức tạp trong khi sự phối hợp giữa tập đoàn và bộ - địa phương khác trong quản lý tiêu thụ than còn rất lỏng lẻo. Luật Khoáng sản chỉ cho phép cấp giấy phép khai thác mỏ than khi doanh nghiệp có 30% vốn chủ sở hữu cũng khiến các doanh nghiệp rất khó khăn. Nếu không có cơ chế tháo gỡ kịp thời sẽ cản trở rất lớn đến các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh của ngành Than, ảnh hưởng tới vấn đề cân bằng năng lượng cho quốc gia.

Ông Vũ Quang Nam – Phó Tổng giám đốc PVN

Mục tiêu phấn đấu của ngành Dầu khí trong 5 năm tới là hàng năm phải gia tăng trữ lượng khai thác khoảng 35 triệu tấn dầu quy đổi; sản lượng đạt 25-38 triệu tấn, trong đó có 15-20 triệu tấn dầu thô, 8-14 tỉ m3 khí. Riêng sản lượng khai thác dầu khí từ nước ngoài đạt 3,5 triệu tấn. Cùng với 61 hợp đồng dầu khí đang thực hiện trong nước với số vốn thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt hơn 12 tỷ USD, năm 2012, PVN phấn đấu khai thác 1,1 triệu tấn dầu thô ở nước ngoài. Ba hệ thống đường ống dẫn khí (Rạng Ðông - Bạch Hổ, Nam Côn Sơn và PM3 Cà Mau) do Tập đoàn đầu tư xây dựng đang được vận hành an toàn và hiệu quả, hằng năm vận chuyển 8 - 9 tỷ m3 khí cho phát triển công nghiệp và tiêu thụ dân sinh trong cả nước. Ngành công nghiệp khí sẽ phát triển theo hướng đa dạng hoá thị trường tiêu thụ với qui mô sản lượng khoảng 19 tỷ m3/năm vào năm 2025. Nghiên cứu kết nối hệ thống đường ống Đông - Tây Nam Bộ, đường ống dẫn khí xuyên quốc gia làm cơ sở kết nối với đường ống dẫn khí khu vực Đông Nam Á. Nhà máy lọc dầu Dung Quất đưa vào hoạt động từ năm 2009 đang đáp ứng 30% nhu cầu nhiên, nguyên liệu cho phát triển công nghiệp, giao thông và dân sinh cả nước. Với mục tiêu góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, ngành Dầu khí đang đẩy mạnh công tác tìm kiếm thăm dò, ưu tiên triển khai ở những vùng nước sâu, xa bờ, chồng lấn và nhạy cảm. Tích cực triển khai đầu tư tìm kiếm thăm dò dầu khí ra nước ngoài nhằm gia tăng trữ lượng dầu khí xác minh đạt 35-45 triệu tấn quy dầu/năm. Đến năm 2015 xây dựng xong 3 - 5 nhà máy lọc hóa dầu với tổng công suất lọc khoảng 26 - 32 triệu tấn/năm. Đến năm 2025 hoàn thành việc mở rộng và xây dựng xong 6 - 7 nhà máy lọc hóa dầu với tổng công suất lọc dầu 45 - 60 triệu tấn/năm, đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu sản phẩm hóa dầu cơ bản. Từ nay đến năm 2015 sẽ nâng cấp, mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất. Triển khai xây dựng, đưa vào vận hành các tổ hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn, Long Sơn, Nam Vân Phong, các nhà máy lọc dầu Vũng Rô, Cần Thơ với tổng công suất chế biến trên 32 triệu tấn/năm. Hướng tới cấu hình chế biến sâu nhằm đảm bảo yêu cầu an ninh năng lượng quốc gia về sản phẩm nhiên liệu và đa dạng hoá chủng loại sản phẩm. Phấn đấu từ nay đến năm 2015, dịch vụ dầu khí tăng trưởng 15 - 20%/năm, giai đoạn 2016 – 2025 tăng lên 20 - 25%/năm. Hiện PVN đã triển khai đề án phát triển nhiên liệu sinh học theo chỉ đạo của Chính phủ. Xăng sinh học E5 đã có mặt trên thị trường và nhận được phản hồi khá tốt do tính năng sử dụng tiết kiệm, thân thiện môi trường, khả năng tăng tốc của động cơ cao. Tuy nhiên, do thảo, lộ trình sẽ thực hiện vào năm 2013). Nếu lộ trình thực hiện sớm hơn sẽ giúp doanh nghiệp có điều kiện phát triển mạnh hơn. Khi đó, nhiên liệu sinh học mới có thể cạnh tranh và đứng vững trên thị trường, góp phần quan trọng vào đảm bảo an ninh năng lượng, giữ gìn môi trường an toàn và phát triển bền vững.
Ngọc Loan, Anh: Quang Thắng