Sự kiện

Tận dụng tối đa nguồn nước xả tăng cường từ các hộ thủy điện

Thứ tư, 4/1/2012 | 20:44 GMT+7
Các địa phương phải tận dụng tối đa nguồn nước xả tăng cường từ các hồ thủy điện để lấy nước cho vụ Đông-Xuân trong 2 đợt lấy nước tập trung mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ thị, kiên quyết không để phát sinh thêm nhu cầu xả nước./



Trạm bơm dã chiến Phù Sa- Sơn Tây. Ảnh: Ngọc Hà

Năm 2012, thời tiết nước ta tiếp tục bị tác động bởi biến đổi khí hậu. Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, vụ Đông Xuân năm 2011-2012, dòng chảy toàn mùa hạ lưu sông Hồng và sông Thái Bình có khả năng nhỏ hơn mức trung bình nhiều năm (TBNN) khoảng 15-20%, ở thượng lưu nhỏ hơn mức TBNN khoảng 20-25%, trong đó các tháng cuối mùa cạn (tháng 3-4/2012) thiếu hụt khoảng 20-25%. Trên sông Hồng, lưu lượng trung bình mùa cạn (tháng 11-2011 đến tháng 4-2011) ở mức 850-1050 m3/s (TBNN là 1180m3/s). Mực nước thấp nhất tại trạm thủy văn Hà Nội có khả năng ở mức 0,2m và xuất hiện vào tháng 1 và 2-2012. Như vậy cho thấy, mùa cạn năm 2012 sẽ tiếp tục xảy ra thiếu nước và khô hạn ở vùng Đông Bắc, vùng núi phía Bắc và trung du Bắc Bộ. Tình trạng khó khăn trong giao thông đường thủy, cấp nước và phát điện trong mùa khô 2012 sẽ căng thẳng trong các tháng cuối vụ.

Thời tiết, thủy văn diễn biến bất thường

Tại miền Bắc, mùa mưa năm nay đến sớm hơn so với bình thường nhưng tổng lượng mưa trong các tháng phân bố không đồng đều về diện và lượng, có nơi thiếu hụt, có nơi lại cao hơn TBNN. Cụ thể, tại Bắc Bộ, khu vực ven biển phía Đông Bắc Bộ và Đồng bằng Bắc Bộ ở mức xấp xỉ TBNN, riêng các tỉnh miền núi phía Bắc ở mức thấp hơn TBNN cùng thời kỳ; tại Bắc Trung Bộ, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An ở mức cao hơn TBNN, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến  Quảng Ngãi ở mức thấp hơn TBNN.

Từ tháng 5 -2011 đến nay, trên các hệ thống sông Bắc Bộ ít lũ, chỉ có 4-5 đợt lũ vừa và nhỏ, không có lũ lớn. Lũ tiểu mãn thuộc loại vừa và xuất hiện sớm vào những ngày 16-17/5/2011, sớm hơn so với TBNN khoảng 7 ngày. Đỉnh lũ trên sông Hồng- Thái Bình, sông Thao phổ biến thuộc loại nhỏ, đa số dưới báo động 1. Đặc biệt trong các tháng 8-9 và 10/2011 là tháng lũ chính vụ, các trị số mực nước đặc trưng cao  nhất, thấp nhất và trung bình tháng trên sông Hồng tại Hà Nội đều xuống mức thấp nhất lịch sử từ khi có số liệu quan trắc. Mực nước thấp nhất trên sông Lô tại Vụ Quang trong tháng 8 và 9 cũng đạt trị số thấp nhất cùng kỳ lịch sử.

Đầu tháng 11-2011, nguồn nước trên các sống thiếu hụt nhiều so với TBNN (ở thượng nguồn sông Hồng nhỏ hơn TBNN từ 5-20%; riêng trên sông Gâm dòng chảy đến đầu tháng 11 cao hơn 1 chút so với TBNN, nhưng hạ du sông Hồng lại nhỏ hơn TBNN đến 30%).
 
Tận dụng tối đa nguồn nước xả

Ngày 19-12-2011, tổ máy số 4 Thủy điện Sơn La phát điện lên lưới điện quốc gia, tích nước hồ chứa đến mực nước dâng bình thường là 215m. Mực nước các hồ thủy điện lớn ở Bắc Bộ hiện đều cao hơn so với cùng kỳ năm 2010. Hồ thủy điện Hòa Bình, Thác Bà đã tích lên đến gần mực nước dâng bình thường, riêng mực nước hồ thủy điện Tuyên Quang vẫn ở mức thấp.

Theo kế hoạch của các địa phương, diện tích tưới vụ Đông -Xuân 2011-2012 là 667.596 ha, trong đó, diện tích tưới tự chảy là 80.073 ha; bơm điện 477.229 ha; bơm dầu 57.336 ha…

Hiện nay, các Công ty Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) đang tập trung duy tu bảo dưỡng máy bơm, sửa chữa cống và công trình điều tiết trong hệ thống, tổ chức vận hành thử và kết hợp cấp nước tưới cây vụ đông. Các Công ty KTCTTL và địa phương đã tổ chức nạo vét; một số hệ thống đã được mở nước để trữ vào trục kênh chính như hệ thống Bắc Đuống, Sông Nhuệ, Bắc Hưng Hải, Bắc Nam Hà....; một số nơi vùng triều theo dõi diễn biến mặn, tranh thủ nước triều cao lấy nước để thau chua và trữ vào kênh dẫn.

Tại Trạm bơm La Khê (thuộc Công ty TNHHMTV Đầu tư phát triển thủy lợi sông Đáy- Hà Nội), đến ngày 31-12-2011, hệ thống thủy lợi đã sẵn sàng nhận  nước. Trạm cũng đã lắp đặt xong 10 trạm bơm dã chiến để đảm bảo điều kiện lấy và dẫn nước vào ruộng, ngay cả trong trường hợp lưu lượng dòng chảy suy giảm, mực nước bị hạ thấp. Trạm cũng đã chủ động bơm nước từ 1-1 để cung cấp cho các vùng xa.

Tính đến 31-12-2011, Công ty TNHHMTV thủy lợi Sông Tích-Hà Nội), đã nạo vét các cửa khẩu lấy nước từ sông Đà, sông Hồng; nạo vét cửa cống, bể hút trạm  bơm, kênh mương; lắp đặt hoàn thành trạm bơm dã chiến Phù Sa với 21 tổ máy, trạm bơm Xuân Phú với 3 tổ máy…

Theo kế hoạch thống nhất lịch lấy nước phục vụ làm đất gieo cấy Xuân 2012 của các hệ thống thuỷ lợi vùng trung du, đồng bằng Bắc bộ ngày sẽ gồm 2 đợt: Đợt 1, thời gian lấy nước từ 5 giờ ngày 18-1 đến  18 giờ ngày 22-1-2012 (thời gian xả nước là 5 ngày); Đợt 2, thời gian lấy nước từ 5 giờ ngày 1-2 đến  18 giờ 9-2-2012 (thời gian xả nước là 9 ngày).

Yêu cầu mực nước tại Hà Nội trong thời gian lấy nước đạt khoảng 2.2m trở lên. Tổng lượng xả nước từ 3 hồ dự kiến khoảng 2,80 tỷ m3, phân bổ lưu lượng xả các hồ như sau: Thác Bà bình quân 440m3/s, tổng lượng xả khoảng 532,22 triệu m3; hồ Tuyên Quang bình quân 460m3/s, tổng lượng xả khoảng 556,42 triệu m3; hồ Hòa Bình bình quân 1.400m3/s tổng lượng xả là 1693,44 triệu m3.

Theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, dự kiến mực nước các hồ thuỷ điện sau 2 đợt xả nước như sau: Hồ thủy điện Sơn La giảm 3,02m; hồ thủy điện Hòa Bình giảm 2,82m; hồ thủy điện Thác Bà  giảm 2,32m và hồ thủy điện  Tuyên Quang giảm 6,88m. Tuy nhiên, số liệu dự kiến này có thể thay đổi tùy thuộc vào khả năng nhận nước của hệ thống thủy lợi, diễn biến các đợt triều cường, mức nước hạ du trước và trong các đợt lấy nước cũng như diến biến thời tiết ở miền Bắc cũng như thủy văn đối với mỗi hồ thủy điện…

Mặc dù năm nay, mực nước tại các hồ thủy điện lớn ở Bắc Bộ được cải thiện hơn so với năm ngoái, song thời tiết và thủy văn năm nay vẫn thất thường, vì vậy, các địa phương phải tận dụng tối đa nguồn nước xả tăng cường từ các hồ thủy điện để lấy nước cho vụ Đông-Xuân trong 2 đợt lấy nước tập trung mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ thị, kiên quyết không để phát sinh thêm nhu cầu xả nước./

 
Bài: Thanh Mai; Ảnh: Ngọc Hà