Sự kiện

Tăng giá điện: Giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng

Thứ hai, 26/12/2011 | 08:57 GMT+7
Từ 20/12/2011, giá điện bình quân đã được EVN điều chỉnh tăng 5% so với giá bán hiện hành.



Tăng giá điện là giải pháp đảm bảo anh ninh năng lượng. Ảnh minh họa: Ngọc Hà/TTXVN
 
Theo EVN, việc điều chỉnh giá bán điện hiện tại là cần thiết để giá điện đảm bảo phản ánh đúng chi phí sản xuất kinh doanh điện thực tế, bù đắp một phần chi phí phát sinh khách quan trong năm 2010 do hạn hán phải huy động các nhà máy chạy dầu giá cao và một số chi phí còn treo lại chưa được tính vào giá bán điện.

Tăng giá điện để cải thiện bức tranh tài chính của EVN

Thực tế, việc tăng giá điện lần này cũng đã được dự đoán trước vì nó nằm trong chủ trương của Chính phủ là thực hiện lộ trình đưa giá điện tiếp cận dần tới giá trị thực của nó. Tuy nhiên, do mục tiêu kiềm chế lạm phát nên Chính phủ chỉ cho phép tăng ở mức thấp nhất là 5%.

Số liệu kiểm tra tài chính tại EVN do Bộ Công Thương công bố cho thấy, năm 2010 lỗ sản xuất kinh doanh điện của EVN lên tới 10.162 tỷ đồng và lỗ lũy kế hiện nay đã lên tới 35.000 tỷ đồng. Ông Đinh Quang Tri, phó TGĐ EVN cho biết, với mức tăng giá 5%, mỗi năm EVN sẽ tăng doanh thu  khoảng 6.000 tỷ đồng, chỉ bù đắp được một phần chi phí. Còn các khoản lỗ năm trước để lại, lỗ trong năm 2011 và chi phí nhiên liệu trong năm 2012 chưa biết giải quyết thế nào. Vì vậy, giá điện mới không chỉ giúp cho bức tranh tài chính của EVN sáng sủa hơn mà còn là tín hiệu tích cực để thu hút đầu tư vào các công trình điện, khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng.

Không ảnh hưởng nhiều đến giá tiêu dùng

Điều nhiều người lo ngại là việc tăng giá điện vào thời điểm nhạy cảm cuối năm liệu tác động bất lợi đến giá cả thị trường. Bởi lẽ, dù ít hay nhiều thì việc tăng giá mặt hàng chủ lực này sẽ khó tránh khỏi tác động dây chuyền làm ảnh hưởng tới giá thành cũng như sức tiêu thụ trên thị trường, góp phần làm tăng lạm phát. Đó là chưa kể tình trạng "té nước theo mưa", nhiều doanh nghiệp sẽ lợi dụng việc điều chỉnh giá điện để tăng giá các mặt hàng khác. Theo Hiệp hội phân bón, mặc dù tăng giá điện 5% khiến ngành phân bón chỉ bị tăng chi phí sản xuất 1%- 1,5% nhưng điều đáng lo là các nhà cung cấp nguyên vật liệu đầu vào có tăng giá lên không? Các DN xi măng cũng rất lo lắng vì giá điện tăng 5% sẽ làm cho chi phí sản xuất xi măng tăng từ 1,5%- 2%. Trong khi ngành xi măng đang gặp khó khăn về tiêu thụ thì việc tăng giá thành càng làm giảm sức cạnh tranh của mặt hàng này.

Thế nhưng, ông Nguyễn Tiến Thoả, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) lại khẳng định, do điện chỉ chiếm 3% trong tổng CPI nên việc giá điện tăng 5% sẽ tác động không lớn đến chỉ số CPI.  Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cũng khẳng định, việc tăng giá điện lần này không ảnh hưởng nhiều đến ngành thép. Lý do là hầu hết các DN thép đã đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại tiết kiệm điện nên chi phí giá điện chỉ chiếm 7% trong lĩnh vực luyện phôi và 1% trong các lĩnh vực sản xuất thép khác. Cũng như nhiều ngành sản xuất khác, điều ông Cường lo lắng không phải là tác động trực tiếp của giá điện đến giá thành sản xuất mà là hiệu ứng tăng giá cộng hưởng từ phía các nhà cung ứng nguyên vật liệu đầu vào sẽ ảnh hưởng đến việc kiểm soát chi phí của DN.

Giá điện cần minh bạch hơn

Tổng giám đốc EVN Phạm Lê Thanh cho biết, năm 2010, EVN đã bù giá cho hai ngành sản xuất thép và xi măng tới 2.547 tỷ đồng (giá thành sản xuất điện là 1180 đồng/kWh, giá bán bình quân cho thép, xi măng chỉ đạt 914 đồng/kWh). Ngoài ra, giá điện đang phải bù chéo, bao cấp cho cả những người có thu nhập cao. Ông Thanh cho rằng, chỉ khi thị trường điện cạnh tranh đi vào vận hành thì mới tạo được cơ chế giá minh bạch để các nhà đầu tư thấy được luật chơi rõ ràng, công khai, tạo được niềm tin của các nhà đầu tư vào ngành điện. Sự minh bạch hóa giá bán điện cũng giúp người tiêu dùng hiểu rõ và chấp nhận được sự thay đổi giá điện thường xuyên. Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cũng khẳng định, giá điện thấp đã khiến các đơn vị sản xuất cung ứng điện gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, giải pháp cơ bản nhất là phải đưa giá điện về đúng giá trị thật của nó để khuyến khích các nhà đầu tư tham gia vào thị trường sản xuất, cung cấp điện. Đây cũng là mục tiêu lâu dài để cung ứng điện ngày càng đầy đủ với giá cả hợp lý, chất lượng ngày càng cao, đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước.

Về vấn đề này, Ông Trần Viết Ngãi, chủ tịch Hiệp hội năng lượng cho rằng, vấn đề không phải là giá điện tăng bao nhiêu mà là sự tăng giá có hợp lý hay không? Bởi lẽ, rất nhiều doanh nghiệp khẳng định sẵn sàng chấp nhận giá điện cao với điều kiện đảm bảo chất lượng và hợp lý. Ông Ngãi cũng cho rằng giá điện hiện nay chưa đảm bảo sự minh bạch. Theo ông Ngãi, EVN cần phân loại các nhà máy phát điện thành từng nhóm. Ví dụ: những nhà máy đã hết khấu hao phải có mức giá thấp hơn những nhà máy mới đi vào vận hành. Riêng thủy điện cần phân biệt giá điện theo mùa khô và mùa mưa. Giá bán điện cũng đang cào bằng giữa những doanh nghiệp lớn, làm ăn có lãi với những doanh nghiệp nhỏ, thua lỗ. Chúng ta cũng mới có cơ chế bán điện cho hộ nghèo mà chưa có cơ chế bán điện cho hộ giàu. Điện gió, điện mặt trời cũng phải có giá hợp lý hơn để thu hút đầu tư. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, để thực hiện được điều đó thì phải khắc phục được tình trạng EVN vừa đá bóng vừa thổi còi. Nghĩa là phải tái cơ cấu ngành điện, khẩn trương thành lập các tổng công ty phát điện, tách khâu điều độ, mua bán điện ra khỏi EVN. EVN cũng cần hạn chế các hao phí như tổn thất đường dây, tiết kiệm năng lượng để người dân không phải gánh chịu các khoản lỗ. Ông Đinh Quang Tri khẳng định, thời gian tới EVN sẽ thực hiện hàng năm kiểm toán giá thành điện và công khai cho công chúng. Khi tất cả đều minh bạch rõ ràng thì người tiêu dùng sẵn sàng chấp nhận. Ông Tri cũng cho biết, EVN sẽ thực hiện các giải pháp: Tăng giá điện để có nguồn trả nợ tiền mua điện; Tuyên truyền cho khách hàng sử dụng tiết kiệm điện hiệu quả. Giảm 5% chi phí sản xuất kinh doanh điện; Giảm tổn thất điện năng; Vận hành tối ưu hệ thống điện, phát huy tối đa các nguồn điện giá rẻ, hạn chế tối đa mua điện từ các nguồn điện giá cao.
 
Ngọc Loan