Địa điểm xây dựng Nhà máy Thủy điện A Lưới
Công trình Thuỷ điện A Lưới do Công ty CP Thuỷ điện miền Trung (CHP) làm chủ đầu tư theo hình thức xây dựng - kinh doanh - sở hữu (BOO), gồm 2 tổ máy với tổng công suất 170 MW, tổng mức đầu tư 3.234,7 tỉ đồng. Địa bàn của công trình trải dài từ đập tràn trên sông A Sáp (cách biên giới Việt - Lào 2 km) về đến khu vực Nhà máy dài xấp xỉ 50 km. Khu vực công trình có địa hình phức tạp: Sông suối, đèo núi, vực sâu hiểm trở. Hiện, CHP đã hoàn thành công tác cắm mốc ranh giới, dò tìm xử lý bom mìn vật nổ, đo vẽ địa chính, lập hồ sơ đền bù cho toàn bộ công trình chính và các công trình phụ phục vụ thi công với tổng diện tích 1.908 ha, trong đó đã giải phóng xong mặt bằng 600 ha đáp ứng tiến độ thi công. Để thi công công trình, có 259 hộ dân bị ảnh hưởng phải di dời. Tháng 6/2008, CHP sẽ khởi công xây dựng cơ sở hạ tầng và làng tái định cư - định canh cho các hộ di dời tại làng Kon Tôm (xã Hồng Thượng, huyện A Lưới).
Hạng mục thuộc đường găng của công trình là đường hầm tuyến năng lượng. Đường hầm có đường kính 4 m đào xuyên núi với chiều dài gần 12 km, là đường hầm dẫn nước dài nhất Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại. Thời gian thi công đường hầm khoảng 40 tháng. Đây là hạng mục quan trọng quyết định chủ yếu đến tiến độ toàn bộ công trình. Đường hầm có cao độ từ 560 m xuống 60 m tạo nên một áp lực rất lớn. Phía cuối đường hầm có tháp điều áp. Nhà thầu thi công đường hầm tuyến năng lượng là Công ty TNHH CAVICO Việt Nam - đơn vị có năng lực và kinh nghiệm, là một trong những nhà thầu chính đã thi công hầm đường bộ Hải Vân. Nét mới trong việc thi công đường hầm tuyến năng lượng công trình này là nhà thầu định vị tim tuyến đường hầm, từ đó mở 4 đường hầm phụ vào bốn vị trí dọc theo tim tuyến. Với cách làm này, từ mỗi vị trí tim tuyến mà hầm phụ dẫn vào, nhà thầu đào được về cả hai phía. 4 hầm phụ có 8 điểm đào cùng 2 điểm đầu và cuối, tổng cộng có 10 điểm nhà thầu có thể tiến hành đào trong cùng một thời gian. Một điều thuận lợi là thi công trong đường hầm không ảnh hưởng bởi mưa nắng, nhà thầu bố trí thi công 3 ca liên tục suốt ngày đêm. Đến nay, nhà thầu đã đào xong 3 hầm phụ số 1, 2 và 4. Hầm phụ số 3 đang khẩn trương triển khai, dự kiến cuối tháng 4/2008 sẽ hoàn thành. Một điểm khác biệt của công trình này là ống áp lực loại kênh dẫn dòng theo hầm, sử dụng turbin gáo (Pelton), các công trình thuỷ điện khác sử dụng turbin trục.
Mới 10 tháng sau ngày khởi công (30/6/2007), hình hài công trình đã thể hiện rõ nét bởi các hạng mục được triển khai đồng bộ: Cửa nhận nước (điểm đầu của đường hầm) là khu vực rộng lớn với độ sâu 30 m đang khẩn trương được đào vét; đường giao thông dẫn đến vị trí xây dựng nhà máy, đến tháp điều áp và bốn đường hầm phụ được thi công xong; mặt bằng xây dựng nhà máy đang được san lấp; đường dây 35 kV cấp điện thi công dài 30 km vừa hoàn thành, đang nghiệm thu và đóng điện vào giữa tháng 4/2008… Riêng hạng mục cụm đấu nối, đến nay nhà thầu đã tập kết máy móc, thiết bị, nhân lực và đã đào được thành 42.500 m3 đất đá; hoàn thành 77 % khối lượng công tác chuẩn bị mặt bằng thi công, 60 % khối lượng cơ sở khu phụ trợ, lán trại tạm phục vụ thi công…Dự kiến tháng 1/2009 sẽ chặn dòng, tháng 5/2010 hoàn thành và tích nước phục vụ phát điện.
CHP đang tăng cường cán bộ điều hành tại công trường và luôn chú trọng công tác giám sát chất lượng công trình. Các nhà thầu đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thi công bù cho những ngày mưa, lũ phải ngừng việc. Tất cả với mục tiêu: Hoàn thành công trình, phát điện tổ máy số 1 hoà vào lưới điện quốc gia vào quý I năm 2011. Với khối lượng công việc đồ sộ, thời gian còn lại không còn nhiều, CHP và các nhà thầu đang đua với thời gian để đảm bảo tiến độ công trình như cam kết được nêu trong các hợp đồng giao nhận thầu xây lắp. Hiện tại là mùa nắng, rất thuận lợi để các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công.
Có dịp đi một vòng các hạng mục chính của công trình đang hối hả thi công, tôi cảm nhận được không khí lao động hăng say của CBCN trên công trường và tin tưởng tiến độ công trình sẽ đạt như dự kiến. Khi hoàn thành, Nhà máy thuỷ điện A Lưới sẽ tạo ra sản lượng điện bình quân 686,5 triệu kWh/năm, kịp thời bổ sung nguồn điện năng đáng kể và quý giá cho lưới điện quốc gia, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội cho nhân dân trong vùng. Hồ chứa nước có diện tích 820 ha góp phần cải tạo môi trường làm cho không khí trong lành, tạo điều kiện cho thảm thực vật xanh tốt, trở thành cảnh quan du lịch và sinh thái hấp dẫn, các loại thuỷ sản có điều kiện phát triển… Nước sau khi ra khỏi Nhà máy sẽ đổ vào thượng nguồn sông Bồ, đáp ứng tốt công tác tưới tiêu, đẩy mặn. Rời A Lưới, lòng tôi không khỏi xốn xang trước viễn cảnh tốt đẹp của huyện miền núi nghèo.