Tiến độ công trình

Thủy điện Khe Bố - Cuộc chạy đua nước rút

Thứ sáu, 6/6/2008 | 09:52 GMT+7

Nhà máy Thủy điện Khe Bố đang được triển khai thi công ở tháng thứ 5. Từ bãi đất được san ủi nhanh để lấy mặt bằng khởi công ngày nào, giờ đây đã có thêm nhiều khu lán trại, nhà xưởng, trạm trộn bê tông. Trong tiếng gầm thét của máy xúc, máy khoan, những người “lính thợ 36” vẫn miệt mài ngày đêm bóc tách từng lớp đất đá, quai đê, đắp đập… tạo dựng nền móng ban đầu của Nhà máy.

 

  

Thủy điện Khe Bố được xây dựng trên sông Cả thuộc xã Tam Quang, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, cách thành phố Vinh khoảng 160 km về phía Tây bắc với công suất lắp máy 100 MW, sản lượng điện trung bình hằng năm khoảng 440 triệu kWh. Cùng với Thủy điện Bản Vẽ, Nhà máy Thủy điện Khe Bố sẽ góp phần điều tiết sự hung hãn của dòng sông Cả về mùa lũ và bảo đảm yêu cầu cấp nước cho hạ du với lưu lượng 95,5 m3/giây về mùa cạn. Thủy điện Khe Bố do Công ty cổ phần Phát triển Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư và trực tiếp quản lý Dự án. Công ty Đầu tư Xây lắp và Thương mại 36 thuộc Binh đoàn 11 được chỉ định thầu xây lắp công trình với giá trị hơn 800 tỷ đồng.

Được biết đối với các dự án thuộc nhóm A, cấp II như Thủy điện Khe Bố (theo tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam "TCXDVN 285:2002") phải có một năm chuẩn bị các điều kiện sau đó mới khởi công, nhưng do thời gian gấp rút, chỉ chưa đầy ba tháng kể từ khi có quyết định phê duyệt thiết kế kỹ thuật giai đoạn 1 tháng 7/2007 của Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Phát triển Điện lực Việt Nam, đến tháng 9/2007, công trình đã nhanh chóng được khởi công. Theo ông Phạm Văn Vụ, Trưởng ban Quản lý Dự án Nhà máy Thủy điện Khe Bố, trong bối cảnh thời gian chuẩn bị hạn hẹp, thời tiết khắc nghiệt, lực lượng quản lý dự án mỏng, điều kiện làm việc, sinh hoạt hết sức khó khăn… thì việc vừa phải chuẩn bị mặt bằng, các công trình phụ trợ phục vụ khởi công, vừa phải đôn đốc đơn vị tư vấn thiết kế sớm hoàn thành bản vẽ thiết kế các hạng mục của công trình chính như: Thiết kế kỹ thuật giai đoạn 1&2, bản vẽ thi công hố móng đợt 1&2, các hạng mục đập dâng bờ trái, cống xả cát (kết hợp dẫn dòng thi công), cửa nhận nước, khoang tràn số 8… là sự cố gắng rất lớn của Công ty và các đơn vị tham gia xây dựng công trình. Có lẽ Khe Bố là một trong số rất ít công trình thuỷ điện ở nước ta được chuẩn bị với tốc độ “phi mã” như vậy, song vẫn đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Vụ cho biết: Hiện công trường đang bước vào “chiến dịch” thi công nước rút nhằm đảm bảo mục tiêu đưa các hạng mục công trình chính vào chống lũ năm 2008. Tuy vậy, băn khoăn lớn nhất của các anh hiện nay là khả năng này rất khó trở thành hiện thực, bởi thời gian đến mốc chống lũ còn không nhiều mà khối lượng công việc lại rất lớn. Nhất là công tác chuẩn bị phương tiện, thiết bị, vật liệu cho công tác đổ bê tông, khoan phun, chống thấm… chưa được tập kết đầy đủ về công trường, ngay cả lực lượng lao động cũng chưa được nhà thầu kịp thời bổ sung thêm. Về phía nhà thầu, mặc dù vẫn còn nghi ngại, nhưng cũng khẳng định sẽ quyết tâm sớm bù đắp những thiếu hụt, đáp ứng mục tiêu này. Thông qua phong trào thi đua “chiến dịch 90 ngày đêm”, nhà thầu đã động viên toàn lực lượng trên công trường đẩy nhanh tiến độ thi công, tạo không khí lao động sôi nổi, thiết thực lập thành tích chào mừng ngày sinh nhật Bác và xoá đi nỗi ám ảnh, lo toan của chủ đầu tư.

Tuy nhiên, tính đến hết tháng 3/2008, ngoài các hạng mục như nhà ở, công trình phụ trợ (cơ sở bảo dưỡng xe, cơ sở bê tông bờ trái, trạm thí nghiệm, trạm xăng dầu), chuẩn bị mặt bằng, đường công vụ, đê quai dọc, móng bờ trái đợt 1, gia công khe van cửa nhận nước, cống xả cát… đã cơ bản hoàn thành, với khối lượng đào đất đá hơn 800 nghìn m3, xây dựng nhà xưởng, nhà ở, nhà kho khoảng 45 nghìn m2. Còn một số hạng mục khác chậm tiến độ như: Mỏ đá, cát, trạm nghiền, trộn bê tông, đào mở rộng dòng sông, đổ bê tông bờ trái, khoan phun và gia cố… ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thi công công trình chính. Trong khi đó, để đáp ứng mục tiêu chống lũ năm 2008, Thuỷ điện Khe Bố phải hoàn thành khối lượng thi công tối thiểu trước ngày 31/5/2008 như: Đắp 63.208 m3 đê quai giai đoạn 1, đào mở rộng lòng sông, đổ 84.000 m3 bê tông khu vực bờ trái, khoan phun gia cố và chống thấm 2.800 md, gia cố 4478 rọ đá, gia công lắp đặt 485,6 tấn thiết bị cơ khí thuỷ công… Như vậy, việc đổ xong 84 nghìn m3 bê tông trước ngày 31/5/2008 là không khả thi. Ông Vụ cho rằng, ngoài công tác chuẩn bị vật tư, thiết bị, nhân lực của nhà thầu chậm thì các sai sót về địa chất hố móng trên diện rộng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ đổ bê tông các khu vực đập dâng và cửa nhận nước. Để giảm thiếu tối đa thiệt hại vật chất trong trường hợp xấu nhất, trên cơ sở thực tế thi công và các mốc tiến độ cần phải đạt, Công ty đã yêu cầu đơn vị tư vấn thiết kế và nhà thầu khẩn trương hoàn thành và thực hiện tốt công tác lập tiến độ thi công chi tiết các hạng mục chống lũ năm 2008, làm cơ sở theo dõi, đôn đốc thi công; huy động đầy đủ nhân lực, thiết bị phục vụ cho công tác thi công; bố trí thêm một trạm trộn bê tông công suất 90 m3/giờ, xử lý kịp thời địa chất hố móng, đảm bảo thi công liên tục… Về phía Công ty tiếp tục đẩy nhanh công tác thẩm tra và phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, đảm bảo cung cấp kịp thời cho nhà thầu triển khai thi công theo đúng tiến độ đã thoả thuận; yêu cầu Ban QLDA chủ trì công tác giao ban kỹ thuật 2 lần/ngày để kịp thời giải quyết ngay các vướng mắc trên công trường; hoàn tất thủ tục lựa chọn nhà thầu và đẩy nhanh tiến độ nghiệm thu thanh quyết toán để giải quyết vốn cho nhà thầu đảm bảo thi công không bị gián đoạn vì yếu tố tài chính… 

Theo một số chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực thuỷ văn, khả năng xảy ra lũ lớn trong năm 2008 là rất thấp, nhất là thời điểm lũ tiểu mãn về vào tháng 6/2008 là rất hiếm. Bởi đối với khu vực này, lũ thường xuất hiện vào những tháng cuối năm và gần đây nhất là trận lũ lớn vào tháng 11/2007. Kinh nghiệm là vậy, song không thể chủ quan trước những diễn biến bất thường của thiên nhiên, ông Trưởng ban QLDA cho rằng, lũ năm 2008 có thể hoặc không xảy ra vào thời điểm trước hay sau 31/5/2008, nhưng ngay từ bây giờ chúng ta phải xây dựng và triển khai nhanh những phương án phòng chống lũ cho công trình. Trước mắt, các lực lượng thi công phải tranh thủ thời gian, huy động tối đa các nguồn lực, tập trung ưu tiên thi công trước phần bê tông tường trái của khoang số 8, cửa xả cát, cửa nhận nước, bản đáy đập dâng, tường bê tông thượng hạ lưu cống xả cát và đê quai hạ lưu hố móng nhà máy với mục tiêu đến 31/5/2008 toàn bộ phần bê tông tường trái của khoang tràn số 8 và thượng lưu các hạng mục phải đạt cao độ 50 mét để đảm bảo an toàn cho hố móng bờ trái trong mùa mưa lũ. Trong trường hợp công tác thi công không đảm bảo tiến độ với cường độ thi công lớn như trên, tối thiểu phải thi công xong toàn bộ phần đáy của các hạng mục để bảo vệ hố móng, giảm thiểu thiệt hại cho công trình.

Theo TCĐL số 4/2008