Anh Nam - cán bộ BQL dự án thủy điện Sơn La - Lai Châu chỉ cho chúng tôi nơi ngăn dòng đê quây thượng lưu chính là khu vực gần tim đập chính thủy điện Lai Châu. Khi con đập hoàn thành sẽ được xây dựng tới cao trình hơn 300m - lên tới gần đỉnh quả đồi trước mặt. Anh cho biết, ngăn sông là một mốc tiến độ đặc biệt quan trọng của công trình. Bước tiếp theo là chuyển dòng chảy của sông sang đường hầm dẫn dòng, bơm cạn nước ở khu vực nền đập để thực hiện thi công hố móng.
Đây là thời điểm thuận lợi nhất để ngăn sông vì đang vào mùa kiệt, nước sông ở mức thấp. Anh Đặng Hồng Phương - Phó Trưởng ban quản lý dự án TĐ Sơn La - Lai Châu - đến bây giờ mới dám thở phào nhẹ nhõm: Chúng tôi đã phải giành giật từng giờ, từng phút, vì nếu không kịp ngăn sông thì các hạng mục thi công tiếp theo sẽ phải dừng lại ít nhất 1 năm nữa. Các đơn vị đã phải thi công trong mọi điều kiện thời tiết, không quản ngày đêm.Cùng lúc phải thi công 2 cửa cống dẫn dòng, kênh hở, đặc biệt là đảm bảo tiến độ đắp đê quây để chặn dòng, thi công trong điều kiện môi trường nước.
Anh cho biết: "Đến nay, công trình đã hoàn thành 5 hạng mục chính gồm: Đào hố móng vai phải khối lượng khoảng 8 triệu mét khối; thi công và đổ bêtông kênh và cống dẫn dòng 150.000/170.000m3, khối lượng còn lại sẽ được thi công đến hết tháng 5 để đảm bảo cao độ chống lũ năm 2012; hoàn thành lắp đặt 890 tấn thiết bị cơ khí thủy công cống dẫn dòng và công đoạn thử khô các thiết bị; tháo dỡ đê quây giai đoạn 1 và đắp đê quây giai đoạn 2; đồng thời chuẩn bị đủ nhân tài, vật lực chuẩn bị cho thời khắc hợp long. Ban Quản lý dự án cũng phối hợp với UBND tỉnh Lai Châu hoàn tất công việc di chuyển đợt 1 các hộ dân và hoa màu của bà con trong vùng dự án ở khu vực dưới cao trình 226m, ổn định đời sống cho bà con định cư ở nơi mới”.
Tất cả vì dòng điện
Khỏi phải kể đến những khó khăn tưởng chừng khó vượt qua đối với công trình thủy điện Lai Châu. Anh Phương cho biết, công trình có nguy cơ chậm tiến độ 5 tháng do thiếu vốn. Do ảnh hưởng suy thoái kinh tế, nhiều nhà thầu bị ảnh hưởng không nhỏ về năng lực tài chính. Về phía chủ đầu tư, do xác định đây là công trình trọng điểm quốc gia nên EVN đã bằng mọi biện pháp chủ động lo đủ vốn cho công trình.
Đến nay, các nhà thầu đã có thể hoàn toàn yên tâm về vốn. Ngoài ra, Ban Quản lý dự án TĐ Sơn La - Lai Châu cũng thường xuyên bố trí cán bộ có mặt trên công trường, phối hợp với nhà thầu tư vấn thiết kế, các nhà thầu thi công để giải quyết nhanh nhất các vướng mắc phát sinh để đẩy nhanh tiến độ dự án.
Anh Nguyễn Văn Tiến - GĐ Ban điều hành dự án của tổng thầu - Tập đoàn Sông Đà - cho biết: Khác với các công trình thủy điện đã thi công trước đây, thời điểm ngăn sông được thực hiện vào tháng 12 hoặc tháng 1 hằng năm, thì ở Lai Châu, tới tháng 4 mới ngăn sông. Thời điểm này được xem là cơ hội ngàn vàng, nhưng cũng đặt tổng thầu trước thách thức là từ nay tới thời điểm đón lũ (31.5.2012) chỉ còn khoảng 40 ngày. Trong khi còn phải đắp hơn 500.000m3 đất đá lõi sét để hoàn thành hai hạng mục đê quây thượng và hạ lưu. Song bằng những kinh nghiệm đã có từ TĐ Sơn La, anh Tiến tin là mục tiêu trị thủy sông Đà đã ở trong tầm tay.
Từ Hòa Bình, đến Sơn La rồi giờ là Lai Châu, trị thủy và thiết kế, thi công các hạng mục thủy điện lớn dường như đã không còn xa lạ với các kỹ sư, công nhân thủy điện VN. Nói như anh Nguyễn Văn Tiến là làm thủy điện đã nâng lên tầm “nghệ thuật”. Không “nghệ thuật” sao được khi Lai Châu phải xử lý các hạng mục thi công trong lòng hồ.
Vào mùa lũ năm ngoái, khi công trình bắt đầu đào hố móng, nếu không có giải pháp công nghệ được ban điều hành dự án đưa ra để đào tới ¼ khối lượng đất đá bờ phải (khoảng 2,1 triệu mét khối/6,7 triệu mét khối đất đá) hạng mục thi công dẫn dòng; đồng thời đắp khoảng 900.000m3 đất đá đê quây thì không thể đạt tiến độ ngăn sông.
“Tôi nhớ rất rõ hôm đó là ngày 17.6.2011, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo nhà nước tại Sơn La, chúng tôi đã thông báo với Phó Thủ tướng bằng điện đàm từ Lai Châu về tiến độ thi công, nhiều người đã không tin và hỏi xem thông tin có chính xác không - anh nhớ lại. Nhờ đẩy nhanh tiến độ thi công kịp thời khắc ngăn sông, phối hợp với việc tích nước hồ thủy điện Sơn La mà công trình không mất thời gian chờ đợi vài ba năm, tiết kiệm cho Nhà nước gần 3.000 tỉ đồng”.
Thủy điện Lai Châu cũng ghi nhận những kỳ tích “cha truyền con nối” của thế hệ thứ 3 những người làm thủy điện. Sau TĐ Hòa Bình, TĐ Yaly, đến TĐ Sơn La, Lai Châu đã ghi dấu bước ngoặt về nghệ thuật xây dựng thủy điện. Kế thừa một Sơn La rút ngắn tiến độ về đích 2 năm, TĐ Lai Châu đã quy tụ đội ngũ chuyên gia đầu ngành của VN về xây dựng thủy điện, cùng với việc áp dụng công nghệ mới, nhiều kỷ lục về khối lượng thi công liên tục bị chính những thợ xây dựng phá vỡ kỷ lục của chính họ.