Sự kiện

Thủy điện Lai Châu sẽ về đích sớm 1 năm

Thứ hai, 4/7/2016 | 10:57 GMT+7
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa tiến hành phát điện, hòa lưới thành công Tổ máy số 2 Thủy điện Lai Châu. Đây được xem là tiền đề quan trọng để Nhà máy Thủy điện Lai Châu hoàn thành vào cuối năm 2016, vượt tiến độ 1 năm, qua đó tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước hàng ngàn tỉ đồng. Nhân sự kiện này, phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Hồng Phương - Giám đốc Ban Quản lý Dự án Thủy điện Sơn La - Lai Châu về ý nghĩa cũng như những khó khăn, thách thức mà đội ngũ những người “lính thủy điện” phải đối diện để đạt kết quả này.
Ông Phạm Hồng Phương
 
PV: Ngày 20-6, Tổ máy 2 của Thủy điện Lai Châu đã phát điện, hòa lưới quốc gia thành công. Sự kiện này có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
 
Ông Phạm Hồng Phương: Việc đưa Tổ máy 2 vào phát điện thời điểm này có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đó là sự khẳng định năng lực của đội ngũ cán bộ Ban Quản lý cũng như các nhà thầu thi công trong việc thực hiện đúng yêu cầu tiến độ công trình của EVN. Đồng thời, việc đưa tổ máy vào phát điện, hòa lưới thành công sẽ cung cấp một nguồn điện năng kịp thời cho các nhu cầu sử dụng điện của nền kinh tế cũng như của người dân, đặc biệt trong bối cảnh hầu hết hồ thủy điện miền Trung cạn kiệt, nắng nóng cao.
 
Ngoài ra, về kỹ thuật, hiện đang bắt đầu vào mùa lũ nên việc đưa tổ máy vào vận hành sẽ tận dụng, đón đầu đợt lũ đó, dùng nước lũ từ thượng nguồn về tích ở hồ để phát điện. Trong khi đó, hồ Thủy điện Lai Châu hiện còn 3m nữa là đến mực nước dâng bình thường nên việc Tổ máy số 2 vào sớm, vào kịp thời thì sẽ tận dụng được lượng nước này để phát điện, phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
 
PV: Theo yêu cầu tiến độ của EVN, cuối năm 2016 sẽ hoàn thành Thủy điện Lai Châu. Ban Quản lý Dự án Thủy điện Lai Châu sẽ làm gì để đạt mục tiêu này?
 
Ông Phạm Hồng Phương: Theo kế hoạch còn lại của Lai Châu đã được EVN phê duyệt thì từ nay đến cuối năm sẽ có 2 mốc quan trọng. Thứ nhất là phát điện Tổ máy số 3 vào tháng 11. Thứ hai là khánh thành nhà máy vào tháng 12. Trên cơ sở tiến độ này, chúng tôi thấy rằng cần tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát tiến độ lắp đặt, chất lượng công tác lắp đặt thiết bị.
 
Đồng thời phải tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc cung cấp các vật tư thiết bị đến công trình. Những vật tư chính đã được tập kết đến công trình nhưng những vật tư trong quá trình vận hành có phát hiện thiếu, hỏng phải được thay thế bổ sung kịp thời. Ở đây có cái khó là khác với các tổ máy trước, khi có các thiết bị thiếu, hỏng thì có thể lấy từ các tổ máy còn lại để thay thế, nhưng với Tổ máy 3 thì không có, buộc phải kiểm soát chặt chẽ.
 
Song song với quá trình đó, chúng tôi sẽ phải hoàn chỉnh các công tác xây dựng còn lại, tuy không nhiều nhưng để phục vụ mục tiêu khánh thành nhà máy vào tháng 12 thì phải hoàn thành như cảnh quan, hệ thống đường, buồng, phòng công nghệ, đường vận hành...
 
PV: Trong quá trình thi công, Thủy điện Lai Châu đã gặp những khó khăn gì, thưa ông?
 
Ông Phạm Hồng Phương: Mặc dù Thủy điện Lai Châu có công suất chỉ 1.200MW, tức bằng 1/2 Thủy điện Sơn La nhưng khối lượng thi công thì cũng không kém hơn là bao. Theo thống kê thì khối lượng đào lắp ở Lai Châu là gần bằng Sơn La; khối lượng đổ bê tông ở Lai Châu bằng 70% Sơn La… Tỷ lệ về khối lượng thi công xây dựng như vậy không tỷ lệ thuận với công suất do điều kiện địa chất không thể khác. Điều này có thể hiểu, 2 công trình với công suất quy mô khác nhau nhưng khối lượng thi công không khác nhau, áp lực thi công là giống nhau.
 
Về khó khăn của Lai Châu thì phải nói rằng, cách đây 5-6 năm trước, khu vực đặt Nhà máy Thủy điện Lai Châu là hoàn toàn hoang vu. Từ nhà máy vào huyện khoảng 60km thì đi mất 4 tiếng nếu là ngày thường và 6 tiếng nếu trời mưa. Còn từ nhà máy ra tỉnh là 150km. Việc đi lại vì thế vô cùng khó khăn. Hạ tầng cũng không có bất kỳ thứ gì, kể cả sóng điện thoại, cách xa các trung tâm văn hóa - kinh tế - chính trị.
 
Và nếu so với Sơn La thì điều kiện khí hậu ở Lai Châu khắc nghiệt hơn rất nhiều. Mưa ở đây là mưa trắng trời, mưa cả ngày.
 
Một điểm nữa, đập của Thủy điện Lai Châu nằm ở đuôi hồ Sơn La nên có một nghịch lý là về mùa mưa, việc thi công xây dựng khó khăn nhưng nước hồ lại cạn. Nước hồ cạn thì dễ cho thi công nhưng thời tiết lại không ủng hộ. Về mùa khô, thuận lợi cho thi công thì nước hồ Sơn La lại tích đầy. Ở Lai châu, có rất nhiều hạng mục công trình chìm rất sâu ở dưới mực nước hồ bình thường của Sơn La.
 
PV: Còn thuận lợi thì sao?
 
Ông Phạm Hồng Phương: Ban Quản lý chúng tôi trực thuộc Tập đoàn, quản lý 2 công trình là Sơn La và Lai Châu. Mỗi công trình đều có tính chất đặc thù. Với Sơn La, cái khó là công trình lớn đầu tiên, mọi lực lượng từ tư vấn, thi công, Ban Quản lý dự án... và các nhà thầu thi công đều gặp công trình lớn, tầm cỡ đầu tiên. Cái khó này là khó của con người.
 
Sau Sơn La thì chúng ta bắt đầu có kinh nghiệm. Vậy nên khi lên Lai Châu, những kinh nghiệm được tích lũy ấy đã giúp quá trình triển khai, thi công dự án được thuận lợi, tốt hơn, hệ thống hơn ngay từ đầu. Đặc biệt là việc giải quyết các công việc từ thẩm tra thiết kế, phê duyệt thiết kế, giám sát hiện trường… đều nhanh hơn, tốt hơn, có hệ thống hơn. Các nhà thầu có kinh nghiệm nên biết việc hơn, việc kiểm soát chất lượng, tiến độ tốt hơn.
 
Và một điều quan trọng, cũng giống Sơn La, chúng tôi đã tranh thủ được tối đa sự ủng hộ của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương như Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng... và EVN. Có mối quan hệ hiệu quả với chính quyền địa phương nơi đóng công trình để triển khai các phần việc như giải phóng mặt bằng, thi công công trình, di dân tái định cư...
 
PV: Cuối cùng xin ông cho biết ý nghĩa của việc đưa Nhà máy Thủy điện Lai Châu hoàn thành vào cuối năm nay là gì?
 
Ông Phạm Hồng Phương: Ý nghĩa lớn nhất của việc triển khai thi công xây dựng Nhà máy Thủy điện Lai Châu là việc trị thủy, khai thác tiềm năng thủy điện của sông Đà. Đây là dòng sông có trữ năng thủy điện lớn nhất Việt Nam (dòng chính). Trong khi đó, để phát triển kinh tế - xã hội đất nước thì phải có nguồn năng lượng, mà ở đây điện năng là nguồn điện chính và thủy điện là nguồn điện rẻ, hiệu quả và có thể nói là có sẵn.
 
Thứ nữa, trước chưa có nhà máy thủy điện thì vào mùa mưa thường xuyên diễn ra tình trạng ngập lụt ở dưới đồng bằng, chảy ra biển. Mùa khô thì hạn hán, khô hạn. Vậy nên, khi thủy điện làm các đập thủy điện, nó giống như các bể chứa để trữ lại lượng nước đó, điều tiết mực nước, ngăn lũ mùa mưa, cấp nước mùa khô.
 
Ngoài ra, thông qua việc xây dựng thủy điện thì có di dân tái định cư, có làm các hệ thống điện đường trường trạm, qua đó góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội vùng thủy điện.
 
PV: Xin cảm ơn ông!
 

Một số mốc tiến độ xây dựng Công trình Thủy điện Lai Châu:
 
+ Khởi công công trình: Ngày 5-1-2011;
 
+ Đóng cống dẫn dòng, tích nước hồ chứa: Ngày 20-6-2015;
 
+ Phát điện Tổ máy số 1: Ngày 14-12-2015;
 
+ Phát điện Tổ máy số 2: Ngày 15- 6-2016;
 
+ Hòa lưới quốc gia Tổ máy 2 ngày 20-6-2015;
 
+ Dự kiến hoàn thành toàn bộ công trình: Năm 2016.

Petrotimes