|
Thành lập gia đình từ khi làm ở thủy điện Yaly, đến nay anh Hoàng và chị Vân đã có một gia đình nhỏ hạnh phúc. |
Gặp những công nhân (CN) thủy điện, chúng tôi chợt nhận ra trên công trường Sơn La không chỉ có những khối bê tông lạnh lùng, những hạng mục công trình với tiếng máy chạy ầm ì suốt ngày đêm mà còn có nhiều câu chuyện tình xúc động.
Nơi tình yêu bắt đầu
Với nhiều CN thủy điện Sơn La, tình yêu bắt đầu ngay trên chính công trường. Nhưng Sơn La có lẽ chỉ là một “trạm dừng chân” của tình yêu thủy điện. Anh Đinh Thiên Hoàng và vợ, chị Phan Thị Vân, CN Công ty Sông Đà 5, đã cùng nhau bươn chải tại 7-8 công trường thủy điện. Họ gặp nhau trên công trường thủy điện Yaly ở Tây Nguyên từ năm 1994, khi anh đang là thợ hàn, còn chị mới bắt đầu vào đơn vị. Quê anh ở Nghệ An, còn chị đến từ đất tổ Phú Thọ, cả hai gặp nhau ở Tây Nguyên nắng gió và đã quyết định xây dựng tổ ấm ngay trên công trường Yaly 12 năm trước.
Một năm sau ngày cưới, anh chị sinh cháu đầu lòng Đinh Kiều Anh. Khi đó, Kiều Anh cũng là một trong những đứa trẻ đầu tiên ra đời trên công trường thủy điện Yaly. “Khi cháu bước vào tuổi đi học cũng là lúc chúng tôi kết thúc nhiệm vụ ở thủy điện Yaly”- anh Hoàng cho biết. Năm 2004, về với thủy điện Sơn La, gia đình nhỏ của anh chị lại đón nhận thêm một thành viên mới, bé Đinh Phan Bảo Anh.
Nhớ lại ngày tổ chức đám cưới trên công trường thủy điện Yaly, anh Hoàng và chị Vân càng có động lực để quên đi nỗi nhọc nhằn của CN thủy điện: Khó có thể ở ổn định một chỗ mà luôn phải di chuyển cùng công trường. Anh Hoàng bộc bạch: “Với chúng tôi, còn công trình thủy điện là còn đi. Có lẽ đó đã là cái nghiệp của CN thủy điện, song cũng là cái duyên vì nhờ thủy điện mà chúng tôi mới có một gia đình đầm ấm”.
Không xa được công trường
Xòe bàn tay đếm những công trường thủy điện đã đi qua, anh Nguyễn Văn Hùng cùng vợ, chị Lê Thị Hà, CN Công ty Sông Đà 908, cho biết đã trải qua không ít hơn 10 công trình. Gặp nhau ở Sông Đà, anh chị đều mang trong mình cái “máu” của người thợ thủy điện. Anh Hùng có bố là CN thủy điện Sông Đà, còn chị Hà có cả bố và mẹ đều là những người đã từng xây dựng thủy điện Hòa Bình.
Chị Hà nhớ lại: “Đời sống ở công trường thủy điện Hòa Bình khi tôi còn bé, khó khăn hơn ở Sơn La hiện nay rất nhiều”. Lớn lên cùng công trình Hòa Bình từ hơn 20 năm trước, chị Hà thấu hiểu những tình cảm và cả nỗi vất vả của những CN thủy điện. “Dù thấy bố mẹ làm CN thủy điện rất vất vả, nhưng khi lớn lên, có điều gì đó khiến tôi không thể xa được không khí của công trường. Ngoài bố mẹ, nhiều chú, dì của tôi cũng làm CN thủy điện. Tôi là thế hệ thứ hai kế tục sự nghiệp của gia đình có đến hàng chục người thân làm thủy điện”- chị Hà tâm sự.
Anh Hùng và chị Hà giờ đã có hai cậu nhóc đáng yêu. Chúng tôi hỏi, liệu sau này anh chị có cho hai con theo nghề CN xây dựng thủy điện như bố mẹ không, anh Hùng cười: “Nếu hai cháu tiếp tục theo nghề của bố mẹ, đó quả là cơ duyên chẳng thể cưỡng lại của gia đình tôi. Dù biết vất vả nhưng vợ chồng tôi vẫn ủng hộ nếu các con yêu thích và muốn theo nghề của bố mẹ”.
Xóm “nhà báo”
Cùng là CN thủy điện nhưng nhiều gia đình ở công trường Sơn La lại không có được may mắn và hạnh phúc như đồng nghiệp. Đó là những gia đình chỉ có chồng làm CN, còn vợ thì thất nghiệp. Theo quy định của các công ty, gia đình nào cả vợ chồng đều là CN hoặc là CB-CNV đang công tác tại đây mới được phân nhà. Do vậy, những CN có vợ là “nhà báo” phải chấp nhận ở ghép hai gia đình vào một căn nhà cấp bốn, số còn lại xin mượn đất để xây nhà. Ở khu tập thể của Công ty Sông Đà 506 có cả một xóm “nhà báo” như vậy.
Những bà vợ “nhà báo” thường chỉ được ký hợp đồng lao động ngắn hạn khi công việc cao điểm, còn thì ở nhà nuôi con. Ở xóm “nhà báo”, không ít gia đình phải chạy ăn từng bữa, song cũng vì tình yêu thủy điện mà họ vẫn bám trụ lại công trường.
|