Trên công trường thủy điện Sơn La
Ông Lê Duy Hiếu - Chánh Văn phòng Ban Điều hành nhà tổng thầu Sông Đà cho biết: Tại khu vực vai trái và lòng sông, Công ty Sông Đà 10 đang tiếp tục khoan phun, gia cố và chống thấm mái đào, đổ bê tông trong hầm và hành lang ngang số 1 đến cao độ 145 m.
Tại gian máy chính lực lượng xây dựng Sông Đà 7 đang tiến hành làm cốt thép, đổ bê tông, móng nền nơi đặt các Tổ máy số 1, 2, 3. Tại công trình bờ phải, hơn 1.100 cán bộ, công nhân Tổng Công ty Licogi tiếp tục đào, đắp, vận chuyển, đổ bê tông vai phải và đập tràn.
Lực lượng quân đội (Công ty xây dựng Trường Sơn) đảm bảo việc đào hố sói, đổ bê tông bản đáy dốc nước và gia cố mái hố sói lòng sông nhằm hoàn tất cho xong 11.000m3 trước tháng 6/2008.
Công việc quan trọng, cấp tập và nặng nề nhất ở Thủy điện Sơn La vào thời điểm này là sản xuất và đổ bê tông đầm lăn (RCC) tại đập tràn ngang sông. Đây là công việc hoàn toàn mới mẻ được áp dụng lần đầu trên công trường.
Kỹ sư Nguyễn Hoàng Cường - Giám đốc Công ty TNHH Sông Đà 9.08, đơn vị chịu trách nhiệm chính việc thi công trên đập thông tin: Thủy điện Sơn La có công suất đến 2.400MW, với 1 con đập tràn ngăn sông dài gần 1km nối liền đôi bờ Sông Đà, bề ngang đáy dưới 105m, cao 228m theo thiết kế riêng đắp đập là 3 triệu m3 bằng bê tông đầm lăn.
Nếu đổ bê tông thường với khối lượng lớn này thời gian phải mất hàng năm, chi phí phụ gia và một lượng xi măng tương đối lớn. Vì vậy, Chính phủ đã cho phép TCT Sông Đà (trực tiếp là Công ty CP Sông Đà 5) đầu tư mua mới dây chuyền sản xuất loại chuyên dùng này với giá 22 triệu USD. Loại công nghệ này áp dụng cho thi công các công trình đổ bê tông khối lớn không cốt thép và không phức tạp như lõi đập.
Bê tông được sản xuất hỗn hợp gồm xi măng, cát, đá nhân tạo phối cùng loại tro bay (loại vật liệu có tại Phả Lại, Hải Dương), đặc biệt bê tông sản xuất ra từ nhà máy chuyền qua hệ thống băng tải tự động đến nơi thi công phải luôn luôn giữ nhiệt độ lạnh 220C.
Một con đập khổng lồ có khối lượng bê tông lớn đến 3 triệu khối thì áp dụng công nghệ đầm lăn sẽ giảm kinh phí, rút ngắn nhiều thời gian. Giám đốc Cường cho biết thêm: Ngay từ đầu năm 2008, Công ty 9.08 đã tập trung cao độ về nhân sự, cẩu trục, các loại cơ giới chuyên dùng để bắt tay vào chiến dịch đổ bê tông đầm lăn hoàn thành tốt khối đầu tiên (C1).
Đơn vị vừa hoàn thành khối C2 với khối lượng 291.808m3. Tính ra tốc độ thời gian cùng kỳ thì lượng bê tông đã đổ nhanh hơn khối C1 khoảng 90.000m3.
Kể từ khi đổ mẻ bê tông đầu tiên (sau Tết Nguyên đán Mậu Tý) cho đến thời điểm này thì mặt đập không lúc nào ngừng nghỉ. Cả thợ, cả xe, máy cùng cán bộ kỹ thuật giám sát, nghiệm thu đều túc trực làm việc 24/24 giờ ngày đêm (kể cả Chủ nhật, ngày Lễ, Tết).
Việc đổ bê tông liên hoàn này khi băng chuyền tải từ nhà máy rót vào xe tự hành chuyển đến các vị trí đổ thì lập tức các xe trang, gạt sau đó là các xe lu rung, xe đầm nén làm cho kết cấu mặt đập đạt chất lượng thiết kế.
Công ty Sông Đà 9.08 đã tích cực chuẩn bị nhân lực và xe máy chuyên dùng, gia công đầy đủ số lượng cốp-pha sẵn sàng đáp ứng cho công tác thi công. Công nghệ tuy mới mẻ nhưng sau gần nửa năm, tất cả đã làm quen, nên việc thao tác đã thuần thục trôi chảy.
Con đập khổng lồ chặn ngang Sông Đà đang ngày một cao dần đến cao độ 87 tính đến thời điểm này. Trong 6 tháng đầu năm nay, Công ty Sông Đà 9.08 đã hoàn thành 610.000m3 đạt 1/5 chỉ tiêu khối lượng bê tông đầm lăn trên đập tràn Thủy điện Sơn La an toàn, chất lượng.