Tin trong nước

Anh công nhân điện vinh dự gặp Bác Hồ

Thứ sáu, 15/8/2008 | 10:00 GMT+7
Thế là đã gần 40 năm, kể từ ngày anh được vinh dự là người trực tiếp gặp Bác Hồ. Con người ấy, nay đã sắp bước sang cái tuổi lục tuần nhưng chất lính cụ Hồ trong anh vẫn còn đậm đà lắm. Đó là Nguyễn Văn Trường – Công nhân Chi nhánh Thanh Khê (Công ty Điện lực Đà Nẵng). Gặp anh giữa cái nắng chan hoà tháng 6, chúng tôi đã được anh tâm sự thật cởi mở. Tôi có thể cảm nhận được tình cảm thiêng liêng của anh dành cho vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc và lý tưởng cách mạng của anh - một đảng viên 30 năm tuổi đảng.

Ký ức ngày gặp Bác Hồ.

Kỷ vật thiêng liêng sau bao năm anh cất giữ cẩn thận là tấm ảnh đơn vị anh được chụp chung với Bác Hồ. Đưa tấm ảnh cho tôi xem, tay anh run run, xúc động: “Đó là những khoảnh khắc quý giá suốt đời tôi không quên”. Ngày ấy (giáp Tết Mậu Thân 1968), anh là bộ đội đóng quân tại Phù Lỗ - Đông Anh (thuộc sân bay Nội Bài bây giờ). Đúng đêm 30 Tết năm ấy, nhận được lệnh từ Ban chỉ huy gửi xuống toàn đơn vị, anh lập tức cùng đồng đội hành quân từ Đông Anh về Hà Nội ngay trong đêm. Chỉ biết là hành quân về Hà Nội, chứ về để làm gì thì tất cả mọi người trong đơn vị anh đều không ai biết. Các anh em đang ngồi đợi thì bất chợt Bác xuất hiện. ..

Anh kể lại, giọng sâu lắng: “Lần đầu tiên gặp Bác, tôi xúc động, bất ngờ và sững sờ không nói nên lời”. Lúc ấy anh chỉ mới hơn 20 tuổi. Anh còn nhớ như in, lúc đó Bác đã yếu nhưng vẻ uy nghiêm lồng lộng của Người thì không sao quên được. Bác ân cần hỏi han và bắt tay từng người. Đó thực sự là nguồn động viên tinh thần to lớn cho anh cùng đồng đội của mình trước khi ra trận. Ra về, hình ảnh của vị Chủ tịch nước giản dị, ân cần luôn in đậm trong tâm trí. Anh tự hứa với mình luôn nỗ lực hơn nữa để xứng đáng với tình cảm Bác đã dành cho. Ngay đêm hôm đó, anh cùng các đồng chí của mình hành quân vào chiến trường.

Một thời gian khổ nhưng hào hùng.

Dù cuộc kháng chiến căng thẳng, gian khổ, hy sinh nhưng hình ảnh Bác như dõi theo từng trận đánh của anh và đồng đội. Câu nói: “Mở đường mà đi, đánh địch mà đi” của Bác như thấm vào tận xương tuỷ của từng chiến sỹ, thôi thúc mọi người chiến đấu “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Cuộc kháng chiến càng ngày càng ác liệt. Năm 1969, do sự điều động của cấp trên, anh được bổ sung đi chiến trường C, rồi Đường 9 nam Lào, sau đó bổ sung vào mặt trận Quảng –  Đà.  Gian khổ, vất vả, mất mát, hi sinh nhưng ý chí sắt đá của người đảng viên chiến sỹ cộng sản đã giúp anh vượt qua tất cả. Thế rồi vào một ngày tháng 6/1973, trong trận đánh địch tại Ban chỉ huy Liên Đài (Duy Xuyên - Quảng Nam), anh bị thương và được chuyển ra Bắc điều trị.. .

Năm 1976, anh trở lại Quảng  Nam - Đà Nẵng với mức thương tật 21%. Từ những năm 1980 đến 1984, quân đội có chủ trương những thương binh có điều kiện phù hợp thì cho chuyển ngành. Cũng lúc này, một vài đồng đội của anh đã chuyển sang ngành Điện lực. Thế là không cần suy nghĩ, cái chất lính năm xưa của người lính bộ đội cụ Hồ vẫn còn đó, sát cánh bên đồng đội để xây dựng đất nước, vậy là anh quyết định chuyển ngành, dù lúc này ngành Điện đang gặp muôn vàn khó khăn chồng chất.

“Già làng” của Chi nhánh điện

Rồi cái duyên như chất keo kết nối giữa anh và ngành Điện ở Quảng Nam - Đà Nẵng từ ấy đến nay. Khi nói về người cựu chiến binh Nguyễn Văn Trường,  ông Lê Quang Lâm – Phó trưởng Chi nhánh điện Thanh Khê cho biết: “Mặc dù trở về với cuộc sống đời thường nhưng phẩm chất anh bộ đội cụ Hồ vẫn toả sáng trong ý nghĩ và hành động của anh. Anh là tấm gương cho CBCNV Chi nhánh học tập. Mặc dù sức khoẻ không còn được tốt lắm bởi vết thương năm nào thi thoảng lại hành hạ anh nhưng không khi nào là anh không hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Nguyễn Văn Trường vẫn thường được mọi người ở Chi nhánh điện Thanh Khê gọi vui bằng cái tên thân mật “Già làng”. Anh cho biết, đến tháng 12 năm nay anh sẽ nhận quyết định nghỉ hưu. Mong muốn lớn nhất của anh sau khi về hưu sẽ trở về quê hương Hưng Yên của mình để cùng sớm tối vui vầy bên người bạn đời, bên các con cháu của mình. Anh tâm sự:  Tôi lấy làm tự hào bởi sau bao năm miệt mài đi xa, ở nhà một mình vợ tôi đã nuôi dạy các con nên người. Bây giờ đã lên chức ông rồi, điều tôi day dứt nhất là chưa làm gì được cho vợ con tôi…”.

Theo TCĐL số 7/2008