Tin trong nước

"Dũng bảo trì"- Gương sáng của công nhân ngành điện

Thứ ba, 19/8/2008 | 09:57 GMT+7
Kỹ sư Lê Anh Dũng- "Dũng bảo trì", Phó trưởng Xưởng bảo trì- Thí nghiệm điện Công ty Truyền tải Điện 4, là một trong 11 cá nhân được vinh dự nhận Giải thưởng Tôn Đức Thắng...

Kỹ sư Lê Anh Dũng (bìa phải) đang hướng dẫn công nhân vận hành thiết bị mới

Tối ngày 16-8, tại Hội trường TPHCM, diễn ra lễ trao Giải thưởng Tôn Đức Thắng lần thứ VIII. Kỹ sư Lê Anh Dũng (Phó trưởng Xưởng Bảo trì – Thí nghiệm điện Công ty Truyền tải Điện 4) là một trong 11 cá nhân được tôn vinh. Ông Trương Lâm Danh, Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM, nhận xét đó là một gương sáng của công nhân ngành điện, luôn trăn trở với nghề; say mê sáng tạo, luôn tìm tòi cái mới để vượt qua khó khăn trong lao động.

Khó mấy cũng làm

Năm 2003, máy biến áp 2T trạm Long Bình do một đơn vị khác lắp đặt bị hư hỏng sứ xuyên đường dây 110 KV. Nếu thay sứ mới phải mất 2-3 tháng do phải chờ hàng nhập về, chi phí lại tốn kém. Trong tình thế cấp bách, ông Lê Anh Dũng đề xuất phương án gia công sứ xuyên 110 KV khác loại để xử lý sự cố. Kết quả thật bất ngờ: Sự cố được khắc phục nhanh chóng, tái lập việc cung cấp điện cho KCN Biên Hòa và TP Biên Hòa.

Cũng đầu năm 2003, ông Lê Anh Dũng được giao tổ chức lắp đặt toàn bộ thiết bị trạm 500 KV Phú Mỹ. Thời gian gấp rút, thiết bị vừa thiếu lại không đồng bộ nhưng ông đã cùng anh em làm việc ngày đêm, tổ chức thi công hợp lý, phát huy sáng kiến khắc phục khó khăn thiếu thốn... Trong vòng 4 tháng, công trình hoàn chỉnh, đóng điện kịp thời theo hợp đồng với nhà thầu của Nhà máy Phú Mỹ 3. Một trong những kỷ niệm mà ông nhớ nhất là cuối năm 2003, lần đầu tiên được giao lắp đặt một ngăn lộ 500 KV. Ông nhớ lại: “Công việc rất khó vì không có chuyên gia hướng dẫn; vật tư, thiết bị từ nhiều nguồn khác nhau nên không đồng bộ. Chúng tôi mày mò, cải tiến các chi tiết cho phù hợp, cuối cùng ngăn lộ 500 KV cũng hoàn thành, kịp đóng điện để đưa nguồn điện từ Nhà máy Phú Mỹ 3 vào lưới điện quốc gia”.

Công việc là bạn, công ty là nhà

Việc hư máy biến thế lớn dẫn đến mất điện kéo dài vốn thường xuyên xảy ra, tác động trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của người dân, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp. Điều này khiến kỹ sư Lê Anh Dũng luôn trăn trở, nung nấu quyết tâm tìm ra cách để khắc phục. Năm 2006, sau chuyến tập huấn do Tổng Công ty Điện lực VN tổ chức, ông đã cùng anh em ở xưởng nghiên cứu, tổng kiểm tra toàn bộ các máy biến thế lớn. Dựa trên các kết quả phân tích, ông lập phương án, kế hoạch xử lý; cuối cùng khắc phục được việc hư hỏng các máy biến thế lớn, ổn định cung cấp nguồn điện cho các tỉnh phía Nam và tránh gián đoạn cung cấp điện ra các tỉnh miền Trung và phía Bắc.

Ở Xưởng Bảo trì – Thí nghiệm điện, kỹ sư Lê Anh Dũng được anh em gọi bằng cái tên thân mật “Dũng bảo trì”. Người kỹ sư này luôn lấy công việc làm bạn, công ty làm nhà. Ông tâm sự: “Quen rồi. Công việc luôn bắt mình phải tốn thời gian với nó. Khi có chuyện, phải thức trắng đêm hoặc bỏ bê gia đình để túc trực ở xưởng là chuyện thường. Hoặc khi các thiết bị có sự cố thì dù ở Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh hay Tiền Giang; dù là 1-2 giờ sáng, mình cũng phải có mặt ngay”.

Suốt 19 năm gắn bó với nghề, biết bao công trình đã khắc ghi dấu ấn, công sức đóng góp thầm lặng của kỹ sư Lê Anh Dũng. “Đó là tấm gương sáng về vượt khó, say mê làm việc và sáng tạo không biết mệt mỏi”- ông Vũ Huy Thành, Phó trưởng Xưởng Bảo trì và Thí nghiệm điện, nhận xét về đồng nghiệp của mình như vậy.

Hết lòng vì thợ trẻ

Yêu nghề, hết mình vì công việc và bằng những việc làm cụ thể, kỹ sư Lê Anh Dũng đã tạo nên một phong trào thi đua trong toàn đơn vị. Từ năm 2003 đến 2007, ông đã vận động anh em trong đơn vị lập nên con số kỷ lục với 71 sáng kiến; trung bình mỗi năm có trên 10 sáng kiến, tiết kiệm hàng chục tỉ đồng. “Nói thế thôi chứ không đơn giản. Công việc của tôi là làm cách nào để khơi dậy những tiềm năng chưa được phát huy của anh em; truyền cho họ niềm say mê, sự trân trọng và tự hào với công việc của mình”.

Hằng năm, ông đều tham gia hướng dẫn về thiết bị cao áp, quy trình an toàn điện cho công nhân trong công ty và cả ngoài ngành điện. Với thiết bị mới, sau khi được tập huấn từ chuyên gia nước ngoài hoặc tự tìm tòi nghiên cứu tài liệu, ông đều hướng dẫn lại cho công nhân, kỹ sư mới. Anh Huỳnh Hữu Tuấn, công nhân bảo trì, nhận xét: “Chưa bao giờ anh Dũng tỏ ra mình là sếp; ngược lại anh rất gần gũi, quan tâm đến anh em. Ai có bất cứ thắc mắc hay gặp khó khăn đều có thể tìm anh mọi lúc, mọi nơi”.

Ông Phan Văn Ánh, Chủ tịch CĐ Xưởng Bảo trì - Thí nghiệm điện: Vui mừng và tự hào

Với những đóng góp xuất sắc của mình, kỹ sư Lê Anh Dũng đã nhận được rất nhiều bằng khen của Tập đoàn Điện lực VN, của Thủ tướng Chính phủ và các cấp, ngành. Đặc biệt, năm 2006, anh đã vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng 3. Chúng tôi rất vui mừng và tự hào khi biết anh được đề nghị trao giải thưởng cao quý mang tên Bác Tôn.

Theo Người Lao động