Quản lý năng lượng

Tích cực tham gia các điều ước quốc tế về hạt nhân

Thứ ba, 26/5/2015 | 14:35 GMT+7
Với chính sách nhất quán là chỉ sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hòa bình, bảo đảm an toàn, an ninh và có trách nhiệm trước cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã tích cực, chủ động xây dựng, tham gia và thực hiện các điều ước quốc tế về hạt nhân.

Tuyên truyền phát triển hạ tầng, tăng cường năng lực phục vụ chương trình điện hạt nhân.
 
Đến nay, Việt Nam đã cam kết thực hiện Nghị quyết 1540 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và đã làm đầy đủ trách nhiệm báo cáo của mình. Việt Nam đã phê chuẩn Nghị định thư bổ sung của Hiệp định Thanh sát tháng 9/2012. Tháng 10/2012, Việt Nam cũng đã gia nhập Công ước Bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân và phê chuẩn phần sửa đổi của công ước. Tháng 10/2013, Việt Nam đã gia nhập Công ước chung về An toàn quản lý nhiên liệu đã qua sử dụng và An toàn quản lý chất thải phóng xạ. Thêm vào đó, Việt Nam cũng đang nỗ lực để tiến tới tham gia Công ước bồi thường thiệt hại hạt nhân và Công ước quốc tế về Ngăn chặn hành động khủng bố hạt nhân. Thời gian qua Việt Nam đã có nhiều hành động nhằm thực hiện các cam kết đó.
 
Ngoài các quy định chung về an ninh hạt nhân được thể hiện trong Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án “Triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh trong lĩnh vực NLNT” và ban hành Quy chế hoạt động kiểm soát hạt nhân. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành liên quan đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, trong đó có việc tăng cường năng lực để thực thi các biện pháp bảo đảm an ninh hạt nhân.
 
Nhằm tăng cường kiểm soát các nguồn phóng xạ, Việt Nam đã thiết lập cơ sở dữ liệu quốc gia đối với các nguồn phóng xạ và các thông tin chi tiết về tất cả các cơ sở có nguồn phóng xạ; chia sẻ thông tin về việc buôn bán trái phép vật liệu hạt nhân và vật liệu phóng xạ thông qua việc tham gia vào cơ sở dữ liệu ITDB của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Đầu năm 2013, trong khuôn khổ Dự án chung IAEA-EU về an ninh hạt nhân, 8 cổng phát hiện phóng xạ đã được lắp đặt và đưa vào vận hành tại sân bay quốc tế Nội Bài.
 
Các kết quả Việt Nam đã đạt được từ Hội nghị Thượng đỉnh an ninh hạt nhân lần thứ nhất đến nay là những đóng góp quan trọng của Việt Nam vào việc thực hiện các cam kết của cộng đồng quốc tế về bảo đảm an ninh hạt nhân. Đây là những kinh nghiệm Việt Nam có thể chia sẻ với cộng đồng quốc tế tại Hội nghị Thượng đỉnh an ninh hạt nhân La Hay sắp tới.
Trong khuôn khổ chương trình giảm thiểu nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân, Việt Nam đã tham gia chương trình chuyển đổi nhiên liệu hạt nhân của lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt từ loại nhiên liệu độ giàu cao (HEU) xuống sử dụng loại nhiên liệu độ giàu thấp (LEU). Việt Nam cũng là quốc gia thành viên của Sáng kiến Toàn cầu chống khủng bố hạt nhân và đã tham gia nhiều hoạt động trong khuôn khổ sáng kiến này, đồng thời, đóng góp kinh nghiệm về “vai trò nhận thức của dân chúng trong việc cung cấp thông tin cảnh báo”.
 
Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm của mình tại hội thảo khu vực về thúc đẩy phê chuẩn phần sửa đổi của Công ước Bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân do IAEA tổ chức ở Trung Quốc năm 2013. Việt Nam tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các quốc gia thành viên ASEAN nhằm xây dựng khu vực Đông Nam Á hòa bình, ổn định và không có vũ khí hạt nhân. Gần đây chúng ta đã tham gia Diễn đàn hợp tác các cơ quan pháp quy hạt nhân của các nước trong khối ASEAN nhằm thúc đẩy hợp tác về an toàn, an ninh và không phổ biến vũ khí hạt nhân trong khu vực, đồng thời là cầu nối để tăng cường hợp tác với IAEA cũng như các tổ chức hạt nhân của các khu vực khác trên thế giới về an toàn, an ninh và không phổ biến hạt nhân.
Theo: Báo Công thương