Tin thế giới

Tiềm năng hợp tác về khí đốt EU-Ai Cập

Thứ ba, 21/2/2023 | 09:04 GMT+7
Kim ngạch xuất khẩu khí đốt tự nhiên và khí hóa lỏng của Ai Cập đã được nâng lên mức khoảng 8 tỷ USD trong năm tài chính 2021-2022.


Lễ ký thỏa thuận hợp tác khí đốt ba bên EU-Ai Cập-Israel. (Ảnh France 24).

Doanh thu từ xuất khẩu khí đốt của Ai Cập đã tăng gấp 8 lần kể từ năm 2014. Ai Cập đặt mục tiêu trở thành nhà cung cấp khí đốt lớn cho châu Âu.

Bên lề Triển lãm Dầu khí Ai Cập (EGYPS 2023) diễn ra tại thủ đô Cairo vào trung tuần tháng 2 với chủ đề “Bắc Phi và Địa Trung Hải: Hỗ trợ cung và cầu năng lượng toàn cầu bền vững”, Bộ trưởng Tài nguyên dầu mỏ và khoáng sản Ai Cập Tarek El Molla (T.Mô-la) đã có cuộc gặp Ủy viên Liên minh châu Âu (EU) phụ trách vấn đề năng lượng Kadri Simson (K.Xim-xơn) để thảo luận về các kế hoạch mở rộng hoạt động thăm dò và tăng cường khai thác tài nguyên khí đốt tự nhiên.

Trong một tuyên bố sau cuộc gặp, bà Kadri Simson đã khẳng định chiều sâu hợp tác và mối quan hệ giữa EU và Ai Cập, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng. Bà đồng thời cho biết EU, Ai Cập và Israel đã ký kết một bản ghi nhớ (MoU) ba bên, nhằm bảo đảm nhu cầu khí đốt tự nhiên cho châu Âu thông qua nguồn cung ở Đông Địa Trung Hải. Hai bên đã thảo luận về các dự án giảm carbon, kế hoạch cắt giảm khí methane cũng như việc EU hỗ trợ kỹ thuật cho ngành dầu khí của Ai Cập cùng với quá trình chuyển đổi sang năng lượng mới và năng lượng tái tạo.

Cuộc gặp bàn thảo về mở rộng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng giữa các quan chức EU và Ai Cập diễn ra trong bối cảnh Ai Cập thông báo nước này đã lần đầu tiên xuất khẩu 60% tổng sản lượng khí đốt tự nhiên sang châu Âu, chủ yếu nhờ lượng xuất khẩu tăng mạnh của nhà máy Damietta, đơn vị xuất khẩu LNG hàng đầu của Ai Cập. Kể từ khi hoạt động trở lại vào năm 2021, nhà máy này đã xuất khẩu 7,2 triệu tấn LNG, trong đó có 4 triệu tấn được xuất khẩu trong năm 2022, mức kỷ lục trong lịch sử gần 20 năm của nhà máy. Với những thành quả này, Damietta đã và đang góp phần củng cố vai trò của Ai Cập như một trung tâm năng lượng ở khu vực Địa Trung Hải.

Nhà máy sản xuất khí tự nhiên hóa lỏng Damietta được vận hành từ năm 2021 bởi Công ty cổ phần khí đốt tự nhiên EGAS và Tập đoàn năng lượng quốc doanh khổng lồ Eni của Italia. Tập đoàn Eni đã hoạt động ở Ai Cập từ năm 1954 thông qua công ty con là EOOC, và hiện là nhà sản xuất và xuất khẩu dầu và khí đốt lớn nhất ở Ai Cập, với tỷ lệ sản xuất hydrocarbon lên tới 350.000 thùng/ngày.

Trong năm 2022, Eni đã sản xuất khoảng 60% tổng sản lượng khí đốt của Ai Cập. Năm 2015, Eni đã phát hiện mỏ khí khổng lồ Zohr ở ngoài khơi Địa Trung Hải, cách thành phố Port Said khoảng 190km về phía Bắc của Ai Cập. Đây là mỏ khí đốt lớn nhất được phát hiện tại Địa Trung Hải. Với mỏ Zohr, Ai Cập hiện có thể tự cung cấp khí đốt và đang đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng năng lượng này, hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm xuất khẩu khí đốt trong khu vực.

Gần đây, Ai Cập cũng thông báo đã phát hiện các mỏ khí quan trọng tại khu vực nhượng quyền ngoài khơi Nargis ở Đông Địa Trung Hải. Công ty năng lượng toàn cầu Eni thông báo đã phát hiện một mỏ khí đốt quan trọng tại giếng thăm dò Nargis-1 thuộc khu vực nhượng quyền ngoài khơi Nargis ở phía Đông Địa Trung Hải, gần thành phố Al-Arish, tỉnh Bắc Sinai của Ai Cập.

Khoảng 61m đá sa thạch có chứa các trầm tích Miocene và Oligocene đã được tìm thấy ở độ sâu 309m dưới mặt nước biển. Phát hiện mới này có ý nghĩa rất quan trọng cho phép Eni phát triển hơn nữa hoạt động thăm dò khí đốt tại giếng Nargis-1.

Chính phủ Ai Cập cho biết, các công ty nước ngoài sẽ đầu tư 1,5 tỷ USD vào lĩnh vực khí đốt ở Ai Cập trong tài khóa 2023-2024. Trước tiềm năng phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp khai thác và xuất khẩu khí đốt, Chính phủ Ai Cập chú trọng thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác với châu Âu trước những thay đổi nhanh chóng của thị trường năng lượng.

Link gốc

Theo: Nhân dân