Kiểm tra hoạt động các tổ máy sau quá trình bảo dưỡng bằng phương pháp RCM tại Nhà máy Thủy điện Trung Sơn. Ảnh: T.S
Vài năm gần đây, Công ty TNHH MTV Thủy điện Trung Sơn (TSHPCo) đã nghiên cứu, áp dụng triệt để phương pháp này trong hoạt động bảo dưỡng, sửa chữa lớn và đạt được những hiệu quả tích cực.
Trong năm 2022, TSHPCo đã áp dụng phương pháp này vào công tác sửa chữa, đại tu tổ máy H1-H2 và đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Với việc số hóa quy trình duy tu, bảo dưỡng, TSHPCo đã hoàn thành công việc trước tiến độ, bảo đảm phương án kỹ thuật và kế hoạch được giao, đưa 2 tổ máy vào vận hành trong “thời điểm vàng” để phát huy tối đa công suất nhà máy và tăng sản lượng điện cung ứng lên lưới quốc gia.
Trong năm 2023, công tác đại tu tổ máy H3 và H4 cũng tiếp tục được TSHPCo thực hiện theo phương pháp này, đảm bảo đúng tiến độ và hoàn thành công tác đại tu tổ máy H3-H4 theo đúng kế hoạch được giao trong năm.
Theo đại diện TSHPCo, RCM là phương pháp sửa chữa bảo dưỡng các thiết bị của hệ thống điện dựa trên tầm quan trọng, mức độ ảnh hưởng của thiết bị khi xảy ra hư hỏng hoặc sự cố, từ đó xác định chiến lược sửa chữa bảo dưỡng phù hợp nhất cho các thiết bị như thay thế, bảo dưỡng một phần hay toàn phần... một cách chính xác. Phương pháp sửa chữa bảo dưỡng theo RCM ưu thế hơn phương pháp truyền thống bởi giải quyết được việc xác định chính xác số lượng lớn thiết bị cần kiểm tra hoặc bảo trì trong cùng thời gian; đồng thời tiết kiệm được nguồn lực, ngân sách, nhân lực và giới hạn trong việc gián đoạn cung cấp điện. Do đó, áp dụng phương pháp RCM sẽ giúp đạt được hiệu suất tốt nhất với chi phí thấp nhất, kéo dài tuổi thọ của thiết bị và giảm thời gian ngừng cung cấp điện đến mức thấp nhất.
Thực tế, khi triển khai sửa chữa, bảo dưỡng theo RCM đã mang lại nhiều lợi ích cho đơn vị như: Đảm bảo an toàn và thân thiện với môi trường; cải thiện năng suất vận hành; hiệu quả sử dụng chi phí tốt hơn; kéo dài tuổi thọ của thiết bị... Đặc biệt, RCM cũng góp phần nâng cao động lực của từng cá nhân, hiệu quả hoạt động nhóm. Phương pháp này cũng giúp lãnh đạo đơn vị có sự nhìn nhận, đánh giá đúng đắn các yêu cầu nguồn lực, đảm bảo tổ máy phát điện vận hành an toàn, ổn định, tin cậy, đạt hiệu suất cao, đáp ứng yêu cầu huy động sản lượng điện của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia tại các thời điểm.
TSHPCo cho biết sẽ tiếp tục cử cán bộ kỹ thuật tham gia đào tạo và triển khai mạnh mẽ hơn nữa công tác bảo dưỡng, sửa chữa bằng phương pháp RCM cho nhà máy thủy điện; đồng thời tiếp tục nghiên cứu mở rộng, áp dụng, nâng cao hiệu quả sản xuất của các nhà máy bằng các phương pháp chuyển đổi số, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, năng suất lao động và tối ưu chi phí tại đơn vị.
Link gốc