Tuyên truyền sử dụng tiết kiệm điện trong công xưởng. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Việc tiếp cận với các nguồn năng lượng ngày càng trở nên khó khăn và đắt đỏ. Trong khi, để đạt tăng trưởng GDP bình quân từ 6-7%/năm thì mỗi năm tăng trưởng điện phải đạt trên 9% mới đáp ứng được các nhu cầu sản xuất, tiêu dùng và phục vụ đời sống dân sinh.
Sử dụng tiết kiệm và hiệu quả các nguồn năng lượng, trong đó có điện năng đang trở thành vấn đề cấp bách, mang tính toàn cầu, là giải pháp quan trọng giúp giảm áp lực cung cấp điện, góp phần đảm bảo điện và giảm giá thành sản xuất điện. Đây cũng là giải pháp giảm hoá đơn tiền điện phải chi trả cho mỗi doanh nghiệp và người dân.
Phóng viên có cuộc trao đổi với ông Trần Viết Nguyên - Phó Trưởng ban kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
PV: Thưa ông, chỉ còn 10 ngày nữa là kết thúc năm 2022. Có thể thấy, mặc dù đã có rất nhiều tác động từ bên ngoài ảnh hưởng tới hoạt động điện lực (như giá các mặt hàng nhiên liệu đầu vào tăng cao, đặc biệt là giá than, giá dầu, khí…) song, về cơ bản đã không có sự căng thẳng trong việc cung cấp điện như dự báo hồi đầu năm. Xin ông cho biết về các giải pháp của EVN trong việc đảm bảo nhiệm vụ cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội trong gần 1 năm qua?
Ông Trần Viết Nguyên: EVN đã thực hiện 04 nhóm giải pháp, thứ nhất, các giải pháp về bổ sung nguồn cung: (i) Tập trung chỉ đạo để đảm bảo tiến độ các dự án đầu tư của EVN. Cụ thể, trong giai đoạn 2016-2022, EVN đã đưa vào vận hành 11 dự án nguồn điện truyền thống (thủy điện, nhiệt điện) với tổng công suất 5.908MW. Giai đoạn tới, EVN đang tập trung đầu tư 10 dự án nguồn điện/ 8.240MW; trong đó có một số dự án trọng điểm như thủy điện Hòa Bình mở rộng, thủy điện Ialy mở rộng, dự án Nhiệt điện Quảng Trạch 1, Nhiệt điện Ô Môn III&IV, Nhiệt điện Dung Quất I&III, Nhiệt điện Quảng Trạch II, thủy điện tích năng Bắc Ái, thủy điện Trị An mở rộng…; (ii) Chuẩn bị hạ tầng lưới điện và tăng cường nhập khẩu điện từ các nước lân cận (Trung Quốc, Lào và Campuchia); (iii) Nghiên cứu đề xuất đầu tư các hệ thống pin tích trữ (BESS) đặc biệt tại miền Bắc nhằm bổ sung nguồn phủ đỉnh.
Thứ hai, các giải pháp về đảm bảo vận hành của nguồn cung: (i) Xây dựng phương thức để điều độ, vận hành hệ thống điện phù hợp tình hình thực tế, huy động tối ưu các nguồn điện; (ii) Làm việc với Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) để đảm bảo đủ nhiên liệu cho phát điện; Tăng cường kiểm tra, củng cố, khắc phục các khiếm khuyết để nâng cao độ tin cậy, độ khả dụng các tổ máy phát điện; (iii) Phối hợp Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, các địa phương trong việc cấp nước phục vụ nông nghiệp để nhằm điều tiết sử dụng hiệu quả nguồn nước.
Thứ ba, các giải pháp về nâng cao năng lực truyền tải và phân phối, giai đoạn 2016-2022 đã hoàn thành 1.440 dự án lưới điện 110-500kV (bình quân 205 dự án /năm). Đến nay, hệ thống điện truyền tải 500-220kV đã phát triển đến 63/63 tỉnh, thành phố trên cả nước để đáp ứng yêu cầu cung cấp điện cho phát triển kinh tế xã hội đất nước. Hiện nay EVN đang thực hiện các giải pháp (i) Tăng cường năng lực truyền tải Bắc – Trung; (ii) Tập trung đầu tư các dự án lưới điện phục vụ giải toả công suất các Nhà máy thủy điện nhỏ miền Bắc và các nguồn năng lượng tái tạo miền Trung, miền Nam.
Thứ tư, các giải pháp về sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả (i) Đẩy mạnh tuyên truyền và thực hiện các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, sâu rộng. Thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ trong các Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Quản lý nhu cầu (DSM) và Chỉ thị 20/CT-TTg tiết kiệm điện giai đoạn 2020 – 2025, với mục tiêu tiết kiệm điện hàng năm tối thiểu bằng 2% điện thương phẩm so với cùng kỳ. (ii) Chỉ đạo các Tổng Công ty Điện lực (đặc biệt là khu vực phía Bắc) làm việc với các khách hàng lớn, khách hàng thuộc danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm để chủ động điều chỉnh sản xuất nếu hệ thống không đáp ứng được hoặc trong các tình huống sự cố bất thường (Hiện các khách hàng sử dụng năng lượng trọng điểm chiếm tỷ lệ 36% tổng sản lượng điện thương phẩm toàn hệ thống, chiếm 66,2% tổng sản lượng điện thương phẩm của ngành công nghiệp- xây dựng).
PV: Cụ thể, những khó khăn mà ngành điện gặp phải trong năm qua là gì, cũng như các áp lực trong việc cung cấp điện thời gian tới, thưa ông?
Ông Trần Viết Nguyên: Các khó khăn trong năm 2022 là tình hình chính trị thế giới diễn biến phức tạp, khủng hoảng năng lượng xuất hiện, giá nhiên liệu tăng cao ảnh hưởng lớn đến việc cung ứng nhiên liệu cho phát điện và việc cân đối tài chính của EVN thị trường. Thứ hai, nhu cầu điện tăng trưởng cao, trong khi các nguồn điện mới được đưa vào vận hành ít nên việc đảm bảo cung ứng tại một số thời điểm còn gặp khó khăn, đặc biệt đảm bảo cấp điện miền Bắc trong các tháng cao điểm nắng nóng (từ tháng 5 - 7). Thứ ba, công tác đầu tư xây dựng tiếp tục gặp nhiều vướng mắc do các quy định hiện hành còn thiếu đồng bộ, khó khăn trong việc chuyển đổi đất rừng, giải phóng mặt bằng, chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án điện.
Căn cứ theo dự báo phát triển kinh tế xã hội năm 2023 và định hướng tại dự thảo Quy hoạch điện VIII, EVN đã tính toán cân đối cung cầu điện năm 2023 với mức tiêu thụ điện toàn quốc tăng trưởng từ 7,3% đến 8,96%.
Tính toán sơ bộ cho thấy, hệ thống điện Quốc gia vẫn cơ bản đảm bảo cung cấp điện trong năm 2023. Tuy nhiên, vào một số thời điểm nắng nóng cực đoan làm tiêu thụ điện tăng cao đột biến có thể dẫn tới hệ thống điện không có dự phòng công suất, thậm chí thiếu công suất và nguy cơ cao xảy ra sự cố cục bộ về điện ở một số khu vực, đặc biệt là ở phía Bắc. Do vậy, yêu cầu thực hiện tiết kiệm điện của người dân, cơ quan hành chính sự nghiệp và các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc góp phần giảm bớt khó khăn về cung cấp điện trong năm 2023 và những năm tới đây.
Điện lực TP Cẩm Phả (PC Quảng Ninh) đến làm việc với khách hàng giới thiệu các dịch vụ điện.
PV: Thưa ông, theo các tính toán và thực tế thời gian qua, để đạt tăng trưởng GDP bình quân từ 6-7%/năm thì mỗi năm tăng trưởng điện phải đạt trên 9% mới đáp ứng được các nhu cầu sản xuất, tiêu dùng và phục vụ đời sống dân sinh. Việc sử dụng tiết kiệm và hiệu quả các nguồn năng lượng, trong đó có tiết kiệm điện đang trở thành vấn đề cấp bách, mang tính toàn cầu, là giải pháp quan trọng giúp giảm áp lực cung cấp điện, góp phần đảm bảo điện và giảm giá thành sản xuất điện; Cũng là giải pháp giảm hoá đơn tiền điện phải chi trả cho mỗi doanh nghiệp và người dân. Là tập đoàn kinh tế nhà nước được giao nhiệm vụ đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội, xin được hỏi ông, các giải pháp tiết kiệm điện mà EVN triển khai trong năm qua?
Ông Trần Viết Nguyên: Công tác tiết kiệm điện luôn được EVN xem là một trong những giải pháp quan trọng trong các giải pháp đảm bảo cung ứng đủ điện cho nền kinh tế và tiêu dùng của nhân dân. Công tác tiết kiệm điện được EVN chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện nhiều năm nay và hàng năm.
Một số các giải pháp tiết kiệm điện chính đã và đang được EVN triển khai như (i) Giảm tổn thất điện năng, tiết kiệm điện trong nội bộ các đơn vị thuộc EVN. EVN và các đơn vị đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp về kỹ thuật và quản lý kinh doanh để giảm tỷ lệ tổn thất điện năng giảm năm sau tốt hơn năm trước (tổn thất điện năng từ 10,4% (năm 2010) xuống 6,2% (năm 2021). Triển khai các chương trình tiết kiệm điện trong nội bộ EVN và các đơn vị trực thuộc (giao chỉ tiêu tiết kiệm điện, ban hành quy định bắt buộc về thực hành tiết kiệm điện tại công sở, giảm điện tự dùng các nhà máy điện, lắp đặt điện mặt trời mái nhà, áp dụng các mô hình quản lý năng lượng tiên tiến, giúp các tòa nhà, công sở tiết kiệm điện, v.v…).
(ii) Thiết kế và ban hành hóa đơn điện tử mới theo hướng dễ hiểu, minh bạch thông tin đến khách hàng. Đặc biệt có bổ sung biểu đồ sử dụng điện tháng hiện tại và so sánh với tháng cùng kỳ để khách hàng biết điện năng sử dụng bình quân, đặc điểm sử dụng, thông qua đó chủ động thay đổi hành vi sử dụng điện theo hướng tiết kiệm.
(iii) EVN xây dựng các công cụ, ứng dụng, phần mềm theo dõi, đánh giá mức tiêu thụ điện năng. Các ứng dụng https://sudungdien.evn.com.vn > theo dõi điện năng tiêu thụ của nhóm khách hàng thuộc cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm và nhóm khách hàng sử dụng ngân sách nhà nước trực tuyến; Công cụ https://uoctinhdiennang.evn.com.vn giúp khách hàng ước tính sản lượng điện tiêu thụ hàng tháng; Tăng cường lắp đặt công tơ điện tử đo xa để thu thập dữ liệu tiêu thụ điện năng trực tuyến và cung cấp cho khách hàng thông qua Website/App CSKH để khách hàng chủ động theo dõi được điện năng sử dụng trong ngày.
(iii) Tuyên truyền sâu rộng về tiết kiệm điện tới các khách hàng sử điện trên các kênh thông tin truyền thông từ TW tới địa phương: sách cẩm nang, bài viết, bí kíp, tư vấn; Đài phát thanh truyền hình, báo giấy/điện tử, web, app, tổng đài CSKH (24/7), mạng xã hội (zalo, facebook, viber, tikok, youtube...).
(iv) Thực hiện Chương trình điều chỉnh phụ tải điện tự nguyện phi thương mại, EVN đã chỉ đạo các Tổng Công ty điện lực/ Công ty điện lực thường xuyên tổ chức tuyên truyền, quảng bá và thuyết phục khách hàng tham gia DR tự nguyện phi thương mại. Đến này có 10.049 khách hàng ký thỏa thuận tham gia DR tự nguyện phi thương mại, với tiềm năng tiết giảm 2.100 MW.
(v) Đề xuất các cơ chế chính sách khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, EVN đã chủ động nghiên cứu và đề xuất các cơ chế chính sách thúc đẩy thị trường tiết kiệm năng lượng nói chung và tiết kiệm điện nói riêng như: Sửa đổi bổ sung Luật SDNLTK&HQ, Nghị định 21, Nghị định 134, Nghị định 10...
Mới đây, (ngày 29/11/2022) Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1480/QĐ-TTg ban hành Danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm năm 2021. Theo đó, cả nước có 3.068 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm (cao hơn năm trước là 2.961 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm).
Quyết định chỉ rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, đơn vị chức năng liên quan, trong đó “Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước yêu cầu các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm là thành viên thuộc phạm vi quản lý của đơn vị mình thực hiện các nhiệm vụ về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo quy định của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan…”.
Nhiều năm qua EVN là “cánh tay nối dài” của Bộ Công Thương và Chính phủ trong việc hiện thực hoá các nhiệm vụ này.
Công nhân PC Kon Tum (EVNCPC) hướng dẫn người dân các biện pháp tiết kiệm điện.
PV: Xin được hỏi ông về tầm quan trọng của việc xác định / ban hành Danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm cũng như đặt ra các nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ ngành, doanh nghiệp trong việc triển khai thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm điện - đặc biệt trong bối cảnh hiện nay?
Ông Trần Viết Nguyên: Rất quan trọng vì các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm là các đơn vị sử dụng nhiều năng lượng, trong đó có điện năng (cơ sở sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, đơn vị vận tải có mức tiêu thụ năng lượng tổng cộng một năm quy đổi, tương ứng 1.000TOE và các công trình xây dựng dùng làm văn phòng, trụ sở làm việc, nhà ở, cơ sở giáo dục, y tế, giải trí, thể thao, khách sạn, nhà hàng có tiêu thụ năng lượng tổng cộng/năm tương đương 500TOE). Chỉ riêng điện năng tiêu thu, thì hàng năm, các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm tiêu thụ trên 80 tỷ kWh điện (chiếm 36% điện tiêu thụ toàn quốc). Danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm được Thủ tướng Chính phủ ban hành hàng năm (đã được quy định tại Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và Nghị định 21).
Để thực có hiệu quả các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nói chung, tiết kiệm điện nói riêng cần có giải pháp đồng bộ. Vì vậy, sự tham gia chỉ đạo của các Bộ, ban ngành rất quan trọng, đặc biệt là sự tham gia tích cực của các khách hàng sử dụng điện, doanh nghiệp.
PV: Thưa ông, với tầm quan trọng của tiết kiệm điện như đã phân tích, EVN sẽ tập trung những giải pháp gì trong năm 2023?
Ông Trần Viết Nguyên: Bên cạnh việc tiếp tục duy trì và phát huy các hoạt động tuyên truyền tiết kiệm điện như đã thực hiện nhiều năm qua, với tinh thần triển khai tuyên truyền tiết kiệm điện lan tỏa nhiều hơn, quyết liệt hơn theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, EVN đã và đang phối hợp với Bộ Công Thương, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các đối tác để triển khai một số chương trình tuyên truyền tiết kiệm điện như: tổ chức Giải báo chí toàn quốc về đề tài tiết kiệm năng lượng; tổ chức cuộc thi toàn quốc tìm hiểu về việc sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả; tổ chức cuộc thi “Ý tưởng, sáng kiến sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả trong thanh thiếu niên năm 2022” cho thanh thiếu niên toàn quốc;
Phối hợp với các đối tác để thực hiện tuyên truyền tiết kiệm điện trên màn hình quảng cáo ở các chuyến bay, sân bay lớn, màn hình trong thang máy một số tòa nhà chung cư có mật độ dân số cao; Tham gia, phối hợp với Bộ Công Thương, Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF) tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động người dân, cộng đồng tham gia sâu rộng bằng các hành động sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường.
Phối hợp với Sở Công Thương, UBND tỉnh/thành phố toàn quốc thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện theo Chỉ thị 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiết kiệm điện, các chương trình DR; Duy trì, tăng cường tư vấn, hỗ trợ các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, điều chỉnh phụ tải điện và chăm sóc khách hàng miễn phí đối với 10.049 khách hàng có mức tiêu thụ điện từ 1 triệu kWh/năm trở lên (đã bao gồm các khách hàng thuộc danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm theo quyết định hàng năm của Thủ tướng Chính phủ). Thực hiện các sự kiện điều chỉnh phụ tải điện phi thương mại (DR) theo yêu cầu của các cấp điều độ, dự kiến công suất đỉnh điều chỉnh phụ tải điện các năm trong giai đoạn 2022 - 2025 ≥ 1.500MW.
PV: Cụ thể với việc triển khai thực hiện các yêu cầu đặt ra với các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước tại Quyết định 1480/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm năm 2021?
Ông Trần Viết Nguyên: Các đơn vị có tên trong danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm (SDNLTĐ) năm 2021 tại Quyết định 1480/QĐ-TTg thực hiện các nghĩa vụ quy định tại Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2011, Nghị định số 21/2011/NĐ-CP ngày 29/3/2011 của Chính phủ, Thông tư số 25/2020/TT-BCT ngày 29/9/2020 của Bộ Công Thương quy định lập kế hoạch, báo cáo thực hiện kế hoạch SDNLTK&HQ, thực hiện kiểm toán năng lượng; Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 07/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020 - 2025 và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan; báo cáo Sở Công Thương địa phương theo quy định.
Phối hợp với EVNICT cập nhật đầy đủ và thường xuyên theo dõi danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm năm 2021 lên trang thông tin điện tử sudungdien.evn.com.vn và báo cáo kết quả cập nhật về Tập đoàn;
Tăng cường tuyên truyền các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tiết kiệm điện, các chương trình quản lý phía nhu cầu (DSM) và chương trình điều chỉnh phụ tải (DR) tới các khách hàng sử dụng điện từ 1 triệu kWh/năm trở lên, đặc biệt là các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm theo quyết định ban hành hàng năm của Thủ tướng Chính phủ.
Rà soát và ký kết các thỏa thuận với các khách hàng có mức tiêu thụ điện từ 1 triệu kWh/năm trở lên (đặc biệt là cở sở sử dụng năng lượng trọng điểm) thực hiện các chương trình điều chỉnh phụ tải điện (DR) tự nguyện phi thương mại theo quy định của Bộ Công Thương tại Thông tư số 23/2017/TT-BCT ngày 16/11/2017 và quy trình kinh doanh điện năng ban hành theo Quyết định số 1199/QĐ-EVN ngày 01/9/2021 của Tập đoàn.
Ngành năng lượng Việt Nam hiện đang phải đối mặt với 2 thách thức lớn, đó là vừa phải đảm bảo cung cấp đủ điện cho đất nước với giá hợp lý, để nền kinh tế và người dân có thể chịu được, vừa phải thực hiện chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, thực hiện lộ trình trung hoà cácbon - đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050 theo cam kết tại Hội nghị các Bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP 26)…
Sử dụng tiết kiệm và hiệu quả các nguồn năng lượng, trong đó có điện năng đang trở thành vấn đề cấp bách, mang tính toàn cầu, là giải pháp quan trọng giúp giảm áp lực cung cấp điện, góp phần đảm bảo điện và giảm giá thành sản xuất điện; Cũng là giải pháp giảm hoá đơn tiền điện phải chi trả cho mỗi doanh nghiệp và người dân…