IEA dự báo sự gia tăng mạnh mẽ trên toàn thế giới đối với năng lượng tái tạo. Ảnh pv-europe.
Theo dự báo chính trong Báo cáo năng lượng tái tạo mới nhất của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), trong giai đoạn 2022 đến 2027, năng lượng tái tạo sẽ tăng gần 2,400 gigawatt, tương đương với tổng công suất các trạm phát điện đã lắp đặt của Trung Quốc hiện nay. Đây là mức tăng tốc đến 85% trong 5 năm qua và cao hơn gần 30% so với dự báo trong báo cáo năm 202. IEA cho biết, "Đây là bản sửa đổi mới nhất của chúng tôi cho thời điểm này".
Trong giai đoạn dự báo của IEA, năng lượng tái tạo sẽ chiếm hơn 90 % trong công suất điện bổ sung trên toàn cầu. Số liệu sửa đổi tăng chủ yếu là do Trung Quốc, Liên minh Châu Âu, Mỹ và Ấn Độ đưa vào thực hiện tất cả những chính sách hiện có về năng lượng sạch, thực hiện những cải cách về chính sách và thị trường, đồng thời cũng nhanh chóng đưa ra những đổi mới, được cập nhật trong những quy định pháp lý và chính sách nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng. Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của Trung Quốc và đổi mới thị trường năng lượng, kế hoạch REPowerEU và Đạo luật giảm lạm phát của Mỹ là động lực chính cho những dự báo sửa đổi.
38% là năng lượng tái tạo trên toàn thế giới vào năm 2027
Năng lượng tái tạo sẽ trở thành nguồn cung cấp điện lớn nhất toàn cầu vào đầu năm 2025, dự kiến vượt mức của than đá. Tỷ trọng của điện tái tạo trong hỗn hợp điện dự kiến sẽ tăng 10 điểm phần trăm trong giai đoạn dự báo, đạt khoảng 38% vào năm 2027. Năng lượng tái tạo là nguồn phát điện duy nhất có tỷ trọng dự kiến tăng, trong khi tỷ trọng điện năng của than, khí đốt tự nhiên, năng lượng hạt nhân và dầu mỏ suy giảm.
Sản xuất điện từ năng lượng gió và mặt trời sẽ tăng hơn gấp đôi trong vòng 5 năm tới và chiếm gần 20% sản lượng điện toàn cầu vào năm 2027. Những công nghệ đổi mới này chiếm 80% mức tăng toàn cầu về sản xuất năng lượng tái tạo trong giai đoạn dự báo trong yêu cầu bổ sung những nguồn linh hoạt cho hệ thống điện.
Năng lượng tái tạo có thể quy hoạch cấp nhà nước như thủy điện, năng lượng sinh học, địa nhiệt và năng lượng mặt trời tập trung sẽ chậm hơn so với tốc độ mở rộng năng lượng mặt trời và gió cao, mặc dù nguồn năng lượng quy hoạch cấp nhà nước đóng vai trò quan trọng trong chương trình tích hợp điện gió và điện mặt trời vào hệ thống lưới điện toàn cầu.
Công suất phát điện của hệ thống quang điện đã được lắp đặt sẽ vượt qua công suất phát điện của than đá vào năm 2027. Khi đó, đây sẽ là nguồn phát có công suất lớn nhất thế giới. Công suất lưu trữ quang điện cũng sẽ tăng gấp 3 lần theo dự báo của IEA, tăng gần 1,500 gigawatt trong giai đoạn này, vượt qua khí đốt tự nhiên vào năm 2026 và than đá vào năm 2027.
Công suất quang điện bổ sung hàng năm sẽ tăng hàng năm trong 5 năm tới. Mặc dù hiện nay chi phí đầu tư cao do giá thành hàng hóa cao, nhưng điện mặt trời là lựa chọn hiệu quả nhất về chi phí để phát điện mới ở hầu hết các quốc gia trên toàn thế giới. Việc lắp đặt các nguồn quang điện (PV) độc lập như tấm pin mặt trời trên mái nhà sẽ giúp người tiêu dùng tiết kiệm tiền trên hóa đơn năng lượng do giá điện bán lẻ từ các nhà cung cấp điện lưới cao hơn và những chính sách hỗ trợ sử dụng năng lượng tái tạo ngày càng tăng.
Công suất điện gió tăng gần gấp đôi vào năm 2027
Công suất điện gió toàn cầu sẽ tăng gần gấp đôi, trong đó các dự án điện gió ngoài khơi chiếm 1/5 mức tăng trưởng. Các trang trại điện gió trên bờ mới, dự kiến đi vào hoạt động trong giai đoạn 2022-2027 sẽ cung cấp hơn 570 gigawatt công suất.
Nhưng việc bổ sung năng lượng điện gió trên bờ sẽ không phá vỡ kỷ lục hàng năm, được thiết lập vào năm 2020 cho đến khi kết thúc giai đoạn dự báo, nguyên nhân chính là do quy trình cấp phép kéo dài và cơ sở hạ tầng lưới điện không kịp thời được nâng cấp để đáp ứng nhu cầu gia tăng nguồn cung điện năng.
Tăng trưởng công suất điện gió ngoài khơi đang tăng tốc trên toàn cầu, nhưng tỷ lệ công suất điện gió ngoài khơi của châu Âu trong tổng công suất điện gió ngoài khơi toàn cầu giảm từ 50% vào năm 2021 xuống còn 30% vào năm 2027 do các chính sách hỗ trợ cấp tỉnh của Trung Quốc được triển khai nhanh hơn, đồng thời Mỹ trở thành một thị trường quan trọng đối với điện gió ngoài khơi.
Andreas Kuhlmann, giám đốc điều hành của Cơ quan Năng lượng Đức (Dena), cho biết, ngược lại với những lo ngại trước đây, kế hoạch mở rộng toàn cầu nền kinh tế hydro cũng là động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của năng lượng tái tạo. "Đây không chỉ là cơ hội cho các nước công nghiệp phát triển nguồn nhiên liệu trên cơ sở hydro và các dẫn xuất. Đây còn là cơ hội cho nhiều quốc gia phía Nam bán cầu, miễn là các quyết định đúng đắn được đưa ra trên cơ sở có lợi cho các nước sản xuất và nước nhập khẩu điện”.