Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Tại buổi tổng kết công tác xả nước các hồ thủy điện phục vụ gieo cấy vụ Đông Xuân 2015-2016 khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức chiều 31/3, ông Vũ Xuân Khu, Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia cho biết, tổng lượng nước điều tiết từ các hồ chứa cho cả vụ Đông Xuân này chỉ ở mức 3,03 tỷ m3; trong đó, từ hồ Hòa Bình là 2,06 tỷ m3, Thác Bà là 0,4 tỷ m3 và Tuyên Quang là 0,57 tỷ m3. Đây là lượng nước xả thấp nhất cũng như thời gian xả ngắn nhất tính từ năm 2011 đến nay.
Ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng Giám đốc EVN nhận xét, lượng nước tiết kiệm trên chiếm khoảng 40% tổng lượng nước xả từ 3 hồ thủy điện này nhưng vẫn đảm bảo nước cho sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân và đảm bảo lượng nước cung cấp cho sản xuất và sinh hoạt các tháng mùa khô này. Các nhà máy thủy điện đã chạy đến mức tối đa để duy trì mực nước sông Hồng tại Hà Nội thường xuyên từ 2,2m trở lên, tạo thuận lợi cho các địa phương lấy nước phục vụ sản xuất.
Theo ông Ngô Sơn Hải, hiện tượng ElNino đang ảnh hưởng đến các nhà máy thủy điện khu vực miền Trung đến miền Nam với tổng lượng nước về 3 tháng đầu năm nay chỉ bằng khoảng 50% so với trung bình nhiều năm. Vì vậy các nhà máy thủy điện chạy máy chủ yếu phục vụ sản xuất nông nghiệp và cung cấp nước cho sinh hoạt là chính, việc phát điện phải gác lại. Trong khi đó, EVN phải truyền tải điện cao từ miền Bắc vào miền Nam và chạy các nguồn dầu để bù vào nguồn thủy điện để phát điện trong mùa khô. Do vậy, ông Hải cũng khuyến cáo các địa phương cần phải sử dụng nước hiệu quả hơn từ các hồ thủy điện bằng nhiều giải pháp về sản xuất nông nghiệp như trữ nước….
Về phía Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng cục trưởng cũng cho rằng công tác chuẩn bị cho đợt xả nước phục vụ gieo cấy vụ Đông Xuân năm nay được thực hiện tốt do Tổng cục Thủy lợi và EVN đã có kinh nghiệm triển khai hơn 10 năm từ khi lên lịch kế hoạch xả nước, các địa phương chủ động chuẩn bị những phương tiện sẵn có để trữ nước; sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan từ Trung ương xuống địa phương và đến tận người dân, đặc biệt là công tác truyền thông được đẩy mạnh… đã khiến việc điều hành xả nước năm nay thành công. Bên cạnh đó, việc xin ý kiến Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc dừng xả nước đợt 2 là quyết định đúng và thể hiện quyết tâm của Tổng cục Thủy lợi trong việc điều hành tiết kiệm nguồn nước xả từ các hồ thủy điện.
Theo ông Nguyễn Văn Tỉnh, mỗi năm lượng nước xả cho sản xuất nông nghiệp sẽ nhiều hơn, nếu mực nước dưới 2,2m thì trong mọi trường hợp đều phải làm được. Do vậy, ông Tỉnh cũng kiến nghị Chính phủ cho áp dụng việc điều hành xả nước từ các hồ chứa thủy điện cho sản xuất nông nghiệp đối với khu vực miền Trung và Tây Nguyên như ở miền Bắc. Một số hồ chứa có dung tích thấp sẽ đưa ra khỏi thị trường điện.
Đề cập đến việc điều hành nguồn nước từ Trung Quốc xả về, ông Tỉnh cho hay, Tổng cục Thủy lợi đã làm việc với các cơ quan liên quan của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đồng thời thống nhất: Lượng nước về này sẽ giúp Đồng bằng sông Cửu Long đẩy mặn khoảng 15 km so với bình thường; đồng thời trong cả tháng 4 tới, vùng miền Đông Nam bộ sẽ đủ nước để bà con gieo cấy vụ mùa tới.
Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia cho biết, trong quá trình điều hành xả nước từ các hồ chứa thủy điện phục vụ gieo cấy vụ Đông Xuân 2015-2016, Trung tâm đã chủ động nắm bắt diễn biến về thời tiết, khí hậu, cập nhật thường xuyên diễn biến nguồn nước (2 giờ/lần) và tiến độ lấy nước, diện tích đủ nước (1 lần/ngày), diễn biến triều cường để cập nhật, tính toán và điều chỉnh kịp thời việc xả nước từ các nhà máy thủy điện. Nhờ đó, dòng chảy hệ thống sông Hồng trong suốt thời gian lấy nước được duy trì và mực nước tại Hà Nội luôn đáp ứng yêu cầu đặt ra. Trong đó, đợt 1 trong thời gian lấy nước là 5,75 ngày, thời gian lấy nước là 4,5 ngày, tổng lượng nước xả là 1,818 tỷ m3, tiết kiệm so với kế hoạch 0,3 tỷ m3. Đợt 2, không xả nước theo yêu cầu của Tổng cục Thủy lợi, tiết kiệm so với kế hoạch 1,23 tỷ m3. Đợt 3, tổng thời gian xả nước là 11,25 ngày, thời gian lấy nước là 8,5 ngày, rút ngắn 4 ngày so với dự kiến, tổng lượng nước xả là 1,508 tỷ m3, tiết kiệm so với kế hoạch 0,6 tỷ m3.
Tuy nhiên, theo ông Vũ Xuân Khu, việc đảm bảo mực nước sông Hồng tại Hà Nội như yêu cầu đã gặp nhiều khó khăn do trong các đợt xả các nhà máy thủy điện được huy động tối đa liên tục nhưng mức nước cũng chỉ xấp xỉ từ 2,2-2,3m. Đây là một thách thức lớn cho việc điều hành xả nước trong những năm tiếp theo.
Để đạt hiệu quả sử dụng nguồn nước, Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia cũng kiến nghị Tổng cục Thủy lợi tiếp tục giao các đơn vị nghiên cứu sâu hơn về những ảnh hưởng của hiện tượng xói lòng dẫn sông Hồng cũng như sự gia tăng mức độ phân lưu dòng chảy giữa sông Hồng và sông Đuống đến mực nước hạ du hệ thống sông Hồng làm cơ sở cho công tác tính toán xả nước những năm tới. Bên cạnh việc xây dựng các giải pháp để các địa phương có thể lấy nước trong những tình huống các nhà máy thủy điện đã xả hết năng lực nhưng mức nước sông Hồng tại Hà Nội vẫn thấp hơn mức 2,2m, Tổng cục Thủy lợi cần phối hợp chặt hơn giữa lịch gieo trồng và lịch lấy nước để tiến tới xây dựng kế hoạch lấy nước cho các năm tiếp theo với phương án chỉ 2 đợt.