Diễn đàn năng lượng

Tiết kiệm năng lượng: Từ hoạch định chính sách quốc gia đến hành động thực tế

Thứ ba, 25/10/2022 | 20:50 GMT+7
Diễn đàn “Tiết kiệm năng lượng: Từ hoạch định chính sách quốc gia đến hành động thực tế” do Văn phòng Ban chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng, Bộ Công Thương phối hợp với Hội KH&CN sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam (VECEA) và Trường Đại học Điện lực tổ chức sáng nay (25/10/2022) tại Hà Nội.
 

 
Chia sẻ tại Diễn đàn, đại diện cơ quan quản lý nhà nước khẳng định, cùng với việc chủ động đầu tư sản xuất than, điện, xăng dầu… đảm bảo các nguồn năng lượng đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống, Việt Nam đã sớm coi trọng việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, coi tiết kiệm năng lượng là một nội dung quan trọng trong chính sách phát triển năng lượng của Việt Nam. 
 
Đã có hàng trăm văn bản pháp lý liên quan đến hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được ban hành trong thời gian qua. Có thể kể đến Quyết định 79/QĐ-TTg  (ngày 14/4/2006) của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2006 - 2015; Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13/03/2019 về Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 -2030… Đặc biệt, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm & hiệu quả đã được ban hành năm 2010 và có hiệu lực từ năm 2011. Để triển khai Luật, một hệ thống các văn bản pháp luật như Nghị định, Thông tư, Quyết định… được ban hành, liên quan đến các tiêu chuẩn, quy chuẩn (có trên 60 quy chuẩn, tiêu chuẩn quản lý các thiết bị công nghiệp, gia dụng với 26 thiết bị, phương tiện…).
 
Ông Nguyễn Đình Hiệp - người đã từng làm công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực tiết kiệm năng lượng, nay là Chủ tịch Hội KH&CN sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam (VECEA) cho biết: Mặc dù các văn bản pháp luật tuy nhiều nhưng chưa đồng bộ, do vậy Nghị quyết 55/NQ-TW yêu cầu phải sớm xây dựng chính sách đồng bộ với các chế tài cụ thể, nhằm đạt được các mục tiêu về tỷ lệ tiết kiệm năng lượng trên tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng so với kịch bản phát triển bình thường đạt khoảng 7% vào năm 2030 và khoảng 14% vào năm 2045. Đồng thời, giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động năng lượng so với kịch bản phát triển bình thường ở mức 15% vào năm 2030, lên mức 20% vào năm 2045. 

 
Theo ông Đặng Hải Dũng, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng, Bộ Công Thương, một trong các nhiệm vụ quan trọng của việc sửa đổi Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (SDNLTK&HQ) là nhằm hiện thực hoá các quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng như cam kết “Net-zero” - đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tại COP 26… Dự thảo Luật SDNLTK&HQ sửa đổi đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến rộng rãi và sẽ trình Chính phủ để báo cáo Quốc hội vào cuối năm nay.
 
Đồng quan điểm cần phải sửa đổi Luật SDNLTK&HQ cho phù hợp với các yêu cầu đặt ra, song TS Dương Trung Kiên, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực cũng cho rằng, các chính sách cần quan tâm tháo gỡ những vướng mắc trong triển khai các hoạt động SDNLTK&HQ vẫn đang tồn tại như thủ tục, cơ chế chính sách, khó khăn của doanh nghiệp...
 
Tiềm năng tiết kiệm năng lượng của Việt Nam là rất lớn, do Việt Nam là một nước đang phát triển, các doanh nghiệp, nhà máy đã phát triển từ lâu, nhiều công nghệ đã lạc hậu. Do đó, để đạt được các mục tiêu về tiết kiệm năng lượng thì cần có sự cải tiến về công nghệ gắn với yêu cầu bắt buộc kiểm toán năng lượng tại các doanh nghiệp sử dụng nhiều năng lượng.
 
Theo các chuyên gia, Luật SDNLTK&HQ hiện hành cũng đã quy định 3000 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm phải bắt buộc áp dụng các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Luật sửa đổi lần này cần theo hướng mở rộng hơn các đối tượng tiêu dùng năng lượng thực hiện cơ chế bắt buộc để việc thực thi pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có hiệu quả hơn.
Nguyên Long