Diễn đàn năng lượng

Tối ưu hóa cơ cấu nguồn điện và tích hợp năng lượng tái tạo

Thứ sáu, 30/8/2019 | 09:17 GMT+7
Theo ông Jaakko Eskola - Chủ tịch Tập đoàn Wärtsilä (Phần Lan), Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để sản xuất năng lượng tái tạo. Việt Nam sẽ được hưởng lợi rất nhiều bằng cách lập kế hoạch cho việc tối ưu hóa cơ cấu tài nguyên và có các giải pháp linh hoạt tích hợp năng lượng tái tạo.
 
Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam Kari Kahiluoto phát biểu khai mạc diễn đàn. Ảnh: L.V
 
Ngày 29/8, tại Hà Nội, Tập đoàn công nghệ Wärtsilä cùng với Đại sứ quán Phần Lan và sự hỗ trợ của Bộ Công thương đã tổ chức diễn đàn năng lượng thông minh với chủ đề “Tối ưu hóa cơ cấu nguồn điện Việt Nam với các giải pháp linh hoạt”.
 
Phát biểu tại sự kiện, Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam Kari Kahiluoto nhận định, Chính phủ Việt Nam đã triển khai một chính sách vô cùng tham vọng đối với phát triển năng lượng tái tạo, thống nhất với các mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia và của Liên Hợp quốc.
 
Theo Đại sứ Kari Kahiluoto: “Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng để phát triển năng lượng tái tạo hơn nữa. Phần Lan là một quốc gia đang trong tiến trình hướng tới những nguồn năng lượng đáng tin cậy và bền vững, đảm bảo có thể tự chủ về năng lượng và chúng tôi mong muốn được là một đối tác của Việt Nam”.
 
Tại diễn đàn, ông Jaakko Eskola - Chủ tịch và Tổng Giám đốc Tập đoàn Wärtsilä cho rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia phát triển nhanh nhất trên thế giới và dự kiến tốc độ phát triển này sẽ được duy trì trong những năm sắp tới. Để làm được điều đó, cần bổ sung thêm công suất phát điện. Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để sản xuất năng lượng tái tạo và đây là một thời điểm lý tưởng để đặt ra mục tiêu cũng như tiến tới lộ trình cho 100% năng lượng tái tạo trong tương lai với độ tin cậy cao hơn, sạch hơn. Việt Nam sẽ được hưởng lợi rất nhiều bằng cách lập kế hoạch cho một nguồn năng lượng tái tạo cao.
 
Theo ông Jaakko Eskola, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để có thể tăng tỷ trọng của năng lượng tái tạo trong tổng cơ cấu nguồn điện và giảm biểu giá năng lượng tái tạo. Đồng thời, xử lý và quản lý những vấn đề dao động ngắt quãng của năng lượng tái tạo và làm thế nào có thể nâng cao độ ổn định của những nguồn này, cũng như tích hợp năng lượng tái tạo vào trong hệ thống điện sẵn có hay phối hợp với những nhà máy điện hiện còn chưa linh hoạt, để đảm bảo hiệu quả hơn trong những năm sắp tới.
 
Thông tin rõ hơn về cơ cấu của năng lượng tái tạo trong hệ thống điện, ông Đỗ Đức Quân - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) cho biết, tổng sơ đồ điện 7 sửa đổi đặt ra mục tiêu phát triển điện gió, điện mặt trời đến năm 2020 là 800 MW và 850 MW, đến 2025 con số này tương ứng là 2.000 MW và 4.000 MW. Tuy nhiên, đến tháng 6/2019, công suất lắp đặt các dự án điện mặt trời đã gần 4.500 MW, chiếm gần 10% công suất lắp đặt toàn hệ thống. Hiện tại, Bộ Công thương đang phối hợp với tư vấn, các nhà tài trợ xây dựng dự thảo Tổng sơ đồ điện 8 có xem xét đến các mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo, trong đó chú trọng điện gió và điện mặt trời.
 
Tại diễn đàn, các chuyên gia năng lượng của Wärtsilä đã nhấn mạnh việc sử dụng các công cụ mô hình hiện đại giúp lập kế hoạch và tối ưu hóa cơ cấu tài nguyên để giải quyết vấn đề năng lượng. Đồng thời đưa ra các giải pháp năng lượng linh hoạt để tích hợp năng lượng tái tạo và đảm bảo độ tin cậy cho hệ thống điện. Cách tiếp cận này sẽ đảm bảo tiềm năng năng lượng tái tạo của Việt Nam được khai thác triệt để và cân bằng, linh hoạt, với giá cả phải chăng và sạch.
Theo: Thời báo Tài chính