Ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng Giám đốc EVNHCMC (áo trắng) kiểm tra công tác tại công trường.
“Mục tiêu là xây dựng EVNHCMC trở thành doanh nghiệp số trên cơ sở ứng dụng các công nghệ số, công nghệ thông tin và công nghệ của cuộc CMCN 4.0 cho mọi hoạt động từ sản xuất, truyền tải, phân phối, kinh doanh và dịch vụ khách hàng” - Trao đổi với PV Báo SGGP, Tổng Giám đốc EVNHCMC Nguyễn Văn Thanh đã khẳng định như trên.
* PV: Doanh nghiệp số là khái niệm được nhắc tới nhiều trong vài năm trở lại đây, vậy khách hàng dùng điện có thể được lợi gì khi EVNHCMC trở thành một doanh nghiệp số, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Thanh: Trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu thì việc xây dựng hoặc chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng số hóa là đặc biệt quan trọng và cần thiết. Ngành điện cũng không đứng ngoài xu hướng này. Có thể nói, khái niệm doanh nghiệp số được hiểu là doanh nghiệp ứng dụng khoa học - công nghệ, kỹ thuật số vào hoạt động kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả công việc và tối ưu hóa lợi ích cho khách hàng.
* PV: Vậy trong quá trình ứng dụng CNTT, chuyển đổi số, EVNHCMC lựa chọn những công việc cụ thể, những lĩnh vực chuyển đổi số nào có thể phát huy hiệu quả ngay?
Ông Nguyễn Văn Thanh: EVNHCMC đã triển khai cung cấp hợp đồng điện tử tới khách hàng. Đây là bước tiến quan trọng, đánh dấu ngành điện hoàn thiện việc cung cấp 100% dịch vụ điện năng theo phương thức điện tử trong tất cả các nghiệp vụ. Việc số hóa giao tiếp giữa ngành điện và khách hàng đã tạo thuận lợi và tiết kiệm thời gian, chi phí cho khách hàng, cũng như đẩy mạnh sự công khai, minh bạch trong các dịch vụ điện. Trong lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ khách hàng, EVNHCMC đã nhanh chóng cung cấp đến khách hàng 19/19 loại hình dịch vụ (tỷ lệ 100%) trực tuyến cấp độ 4 thông qua các kênh kết nối như: tổng đài chăm sóc khách hàng 1900545454, website, email, tổng đài nhắn tin SMS, ứng dụng trên thiết bị di động… Việc thu tiền điện cũng được EVNHCMC kết nối từ sớm với 23 ngân hàng và 9 đối tác thu hộ thực hiện tại các điểm thu ngân hàng, các siêu thị tiện ích hoặc hình thức điện tử SMS/Mobile/Internet Banking… để tạo thuận lợi nhất cho khách hàng. Ngoài ra, thông tin tư vấn và việc giải quyết, đáp ứng yêu cầu về dịch vụ điện của khách hàng được triển khai kịp thời.
* PV: Đến năm 2022, đơn vị sẽ trở thành doanh nghiệp số, liệu mục tiêu này có quá tham vọng không thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Thanh: Tại EVNHCMC, công tác ứng dụng khoa học, công nghệ, kỹ thuật cao vào hoạt động chuyên môn luôn được chú trọng triển khai thường xuyên và đồng bộ nên việc đề ra mục tiêu đến năm 2022 đơn vị sẽ trở thành doanh nghiệp số là khả thi, có nền tảng để thực hiện được. Bởi ngoài những thành tựu như đã kể trên, đến cuối năm 2019, chúng tôi đã hoàn tất triển khai hệ thống giám sát, điều khiển từ xa (Mini-SCADA) cho 770/770 tuyến dây (tỷ lệ 100%) lưới điện trung thế thông qua hơn 1.700 thiết bị đóng cắt thông minh kết hợp với hạ tầng viễn thông dùng riêng (3G, cáp quang) chuyên biệt.
Đáng chú ý, các đơn vị thành viên của tổng công ty tự nghiên cứu và xây dựng thành công hệ thống lưới điện vận hành tự động hóa hoàn toàn cho khoảng 180 tuyến dây công cộng. Kết quả này giải thích vì sao thời gian qua hơn 90% số vụ sự cố trung thế đã được khôi phục cấp điện với thời gian ngắn hơn 5 phút thay vì phải đợi 60 phút như trước đây.
Đối với công tác đo đếm công tơ điện tử, tổng công ty đã hoàn thành lắp đặt 100% công tơ điện tử có chức năng đo đếm dữ liệu từ xa cho các điểm đo tại trạm biến áp 220kV, 110kV. Việc hoàn thiện công tác này (tự động ghi chỉ số tiêu thụ và tự động tính toán hóa đơn tiền điện; giám sát, quản lý vận hành lưới điện từ xa, đặc biệt là giúp phát hiện nhanh các hiện tượng bất thường, sự cố trên lưới điện…) sẽ giúp các đơn vị thuận lợi và nâng cao hiệu quả trong công tác kinh doanh dịch vụ và quản lý kỹ thuật điện.
* PV: Nhiệm vụ cấp bách mà Đảng bộ EVNHCMC mới đây vừa thông qua và triển khai thực hiện trong toàn hệ thống là gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Thanh: Hiện nay, tổng công ty đang tích cực triển khai đề án “Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ của cuộc CMCN 4.0 vào hoạt động sản xuất kinh doanh của EVNHCMC” và coi đây là nhiệm vụ vừa cấp bách vừa lâu dài. Mục tiêu cụ thể đã được đề ra nên tập thể lãnh đạo, cán bộ nhân viên của đơn vị rất quyết tâm thực hiện. Hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông dùng riêng tiếp tục được hoàn thiện, ưu tiên triển khai nhằm bảo đảm tiến độ, tạo cơ sở cho việc mở rộng các ứng dụng số vào tất cả các mặt hoạt động của tổng công ty. Thực hiện quy hoạch hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ cho truyền dẫn tín hiệu, điều khiển hệ thống điện với phương án dự phòng 1-1 về mặt đường truyền, bảo đảm an toàn thông tin, các yêu cầu quản lý vận hành, tự động hóa lưới điện. Nâng cấp các hệ thống phần mềm dùng chung của Tập đoàn Điện lực Việt Nam đáp ứng yêu cầu triển khai thành công và đúng tiến độ. Ứng dụng công nghệ trong tất cả các hoạt động, cơ bản hoàn thành số hóa các quy trình, biểu mẫu báo cáo các bộ phận nghiệp vụ, hướng đến xây dựng doanh nghiệp công nghệ số trong giai đoạn 2020-2025.
Thời gian tới, tổng công ty sẽ khánh thành và đưa vào hoạt động Trung tâm dữ liệu (Data center) hiện đại, để phục vụ tất cả các mặt công tác quản lý điều hành và nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng sử dụng điện.
Với mục tiêu, kế hoạch đó, trong thời gian tới, tập thể lãnh đạo, cán bộ, công nhân của đơn vị sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, quyết tâm cụ thể hóa tinh thần sáng tạo, năng động, dám nghĩ dám làm, tạo bước đột phá trong mọi mặt công tác để phát triển nhanh, bền vững, từng bước đưa EVNHCMC sớm trở thành doanh nghiệp công nghệ số vào năm 2022.