Trái phiếu ngành điện thu hút đầu tư

Thứ tư, 8/11/2006 | 00:00 GMT+7

"Đến thời điểm này, tôi xác nhận trái phiếu EVN rất đắt hàng", ông Nguyễn Hùng Mạnh, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình cho biết.

 

  

Được biết, trước đây Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) có dự định sẽ phát hành 5.000 tỷ đồng, nhưng sau đó kế hoạch thay đổi chỉ còn 1.000 tỷ, ông có thể cho biết lý do?

 

Theo kế hoạch dự kiến ban đầu giữa EVN và ABB thì tổng số lượng trái phiếu phát hành lên đến 5.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi bàn bạc, các bên đã thống nhất phát hành 1.000 tỷ đồng để thăm dò thị trường cũng như đánh giá được sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư nhằm khơi thông kênh huy động vốn bên ngoài.

Kế hoạch phát hành trái phiếu lần này của EVN có điểm gì khác so với những lần trước?

Đây là lần phát hành trái phiếu lần thứ 7 của EVN. Trong những lần phát hành trái phiếu trước đó, đơn vị tổ chức phát hành cho EVN là các ngân hàng quy mô lớn như: Vietcombank, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Incombank... Riêng đợt phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu lần này, EVN đã chọn Ngân hàng Thương mại cổ phần An Bình (ABB) làm đơn vị đại lý phát hành chính thức.

Điểm đáng chú ý đây là đợt phát hành lớn nhất từ trước đến nay và không cần bảo lãnh Chính phủ của trái phiếu EVN. Một điều đáng chú ý khác là 1.000 tỷ đồng trái phiếu của EVN phát hành lần này ưu tiên bán cho nhà đầu tư nước ngoài ngay tại Việt Nam, mặc dù trái phiếu được phát hành bằng tiền đồng nội tệ.

Trong khi đó, các lần phát hành trước chủ yếu dành cho nhà đầu tư trong nước. Và ABB đã phối hợp với Ngân hàng Deutsche Bank, chi nhánh Singapore và VinaCapital thành lập tổ hợp phát hành trái phiếu đợt này cho EVN.

Để bán được 1.000 tỷ đồng trái phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài, hẳn ABB phải có chiến lược khai thác độc đáo. Vậy EVN đã có sự đánh giá về khả năng của ABB như thế nào thưa ông?

Qua đợt phát hành trái phiếu lần này, EVN đánh giá rất cao về khả năng tư vấn cũng như khai thác nguồn vốn nước ngoài của ABB. Vì thực tế nhu cầu vốn của EVN hiện nay rất lớn. Nếu chỉ tiếp cận và thu hút nguồn vốn trong nước e rằng chưa đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho Tổng công ty Điện lực Việt Nam.

Do vậy, việc tìm kiếm được nguồn vốn nước ngoài là điều mà EVN rất mong muốn. Riêng ABB xác định có trách nhiệm cao trong việc khai thác, tiếp cận thu hút nguồn vốn lớn cho EVN, vì hiện EVN là một trong những cổ đông chiến lược của ABB tham gia góp vốn vào ngân hàng từ năm 2005 và hiện đang nắm giữ 30% cổ phần của ABB.

Không chỉ phát hành trái phiếu trong nước, hiện nay, EVN đang lên kế hoạch và xúc tiến cho việc phát hành trái phiếu của mình ra nước ngoài.

Đánh giá của ông qua đợt phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu của EVN lần này?

Đến thời điểm này, tôi xác nhận trái phiếu EVN rất đắt hàng. Nhu cầu của nhà đầu tư cực kỳ lớn. Chỉ sau một vài ngày ABB thông báo phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp huy động vốn nhà đầu tư đã đăng ký hết. Số lượng đăng ký mua thậm chí cao gấp đôi so với kế hoạch EVN đề ra, lên gần 2.000 tỷ đồng.

Trong số các nhà đầu tư đăng ký mua trái phiếu EVN lần này có ngân hàng nước ngoài, công ty bảo hiểm và các tổ chức đầu tư nước ngoài. Theo Deutsche Bank, các nhà đầu tư đánh giá rất cao tiềm năng của trái phiếu EVN.

Dự kiến, trong đợt phát hành lần sau của EVN, ABB sẽ dành ngân sách khoảng 100 - 200 tỷ đồng để mua, vì lãi suất trái phiếu tương đối cao. Chẳng hạn, trong đợt phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu thời hạn 10 năm của EVN lần này thì năm đầu tiên lãi suất đã lên đến 9,6%/năm và các năm tiếp theo là 9,95%/năm.

Lãi suất hấp dẫn của trái phiếu EVN có phải là yếu tố chính thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà đầu tư nước ngoài?

Thực ra, đã là nhà đầu tư, điều quan trọng nhất họ phải nhìn vào khi mua trái phiếu là tiềm năng, chiến lược và kết quả kinh doanh, sản xuất của công ty. Trong con mắt của các nhà đầu tư nước ngoài hiện nay, ngành điện là ngành đang phát triển với tốc độ cao, kết quả sản xuất kinh doanh rất khả quan, có tiềm năng và đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế.

Trong quá trình phát triển, định hướng và chiến lược của EVN luôn được Chính phủ quan tâm. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể loại bỏ yếu tố lãi suất trong việc đầu tư vào trái phiếu. Phải thừa nhận với lãi suất hấp dẫn của trái phiếu EVN phát hành trong lần này cũng là một trong những yếu tố quan trọng quyết định việc mua của nhà đầu tư, vì so với lãi suất của các loại trái phiếu khác hiện có trên thị trường thì lãi suất trái phiếu doanh nghiệp của EVN cao hơn.

Với sự thành công của đợt phát hành lần này, ông có hy vọng EVN sẽ tiếp tục chọn ABB làm đơn vị tổ chức phát hành trái phiếu cho Tổng công ty trong những đợt phát hành tiếp theo?

Có thể nói trước đây do ABB chưa đủ mạnh về lực và quy mô nên còn e ngại trong vấn đề tư vấn, tổ chức phát hành. Tuy nhiên, qua đợt phát hành trái phiếu lần này, ABB đã rút ra được nhiều kinh nghiệm tốt, hoàn thiện quy trình và xây dựng quan hệ hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài nên chắc chắn sẽ thực hiện phát hành các đợt tiếp theo nhanh chóng và hiệu quả hơn cho EVN cũng như các nhà đầu tư. Trong tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục quan tâm vào lĩnh vực tư vấn tài chính, phát hành trái phiếu, cổ phiếu cho các doanh nghiệp.

Tú Uyên - TBKTVN