Vận hành thị trường điện cạnh tranh ở Việt Nam: Bước thiết yếu để cải tổ ngành Điện

Thứ năm, 26/10/2006 | 00:00 GMT+7

Xây dựng thị trường điện cạnh tranh ở Việt Nam nhằm đa dạng hoá sở hữu, tạo môi trường thu hút đầu tư, nâng cao hiệu quả kinh doanh, đảm bảo ngành công nghiệp điện lực đi trước một bước phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá-hiện đại hoá đất nước là một trong những yêu cầu của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn hội nhập và phát triển hiện nay.

Trên thực tế, một thị trường điện đã và đang hình thành ở nước ta với các thành phần tham gia là các nhà máy điện, các công ty truyền tải và công ty phân phối điện (các điện lực) và Tổng Công ty Điện lực Việt Nam-EVN. Để chuẩn bị cho quá trình vận hành thị trường điện cạnh tranh theo từng cấp độ ở các giai đoạn thì từ 7/2004, thị trường  điện nội bộ tại EVN đã được hình thành với sự tham gia của 14 nhà máy phát điện. Theo EVN, tháng 1/2007 sẽ  thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh thị điểm với sự tham gia của 9 nhà máy. Bởi thế, nhiều chuyên gia ngành điện hiện nay cho rằng để công cuộc cải tổ ngành điện thành công, mà cụ thể là hình thành một thị trường phát điện cạnh tranh ở cấp độ 1 cần thoả mãn các mục tiêu như:

Tạo môi trường cạnh tranh rõ ràng nhằm giảm chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng như trách nhiệm với chủ sở hữu của các nhà máy điện. Bởi lẽ khi vận hành trong thị trường điện cạnh tranh, các nhà máy điện sẽ phải tự cân bằng thu chi, chịu trách nhiệm bảo quản tài sản, chi tiêu tiền vốn, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, do đó, kết quả sản xuất kinh doanh phải gắn với sự tồn tại của doanh nghiệp.

Hiện nay, với tốc độ phát triển phụ tải ở mức 13-15%/năm, ngành điện đang phải “gồng mình” đầu tư phát triển các nguồn điện. Theo Tổng sơ đồ V, từ nay đến năm 2020, mỗi năm trung bình ngành điện cần khoảng 2 tỷ USD để đầu tư phát triển nhằm đáp ứng sự phát triển với tốc độ cao của nền kinh tế xã hội nước nhà, do đó, thị trường điện Việt Nam vận hành phải đảm bảo tạo được môi trường hấp dẫn để thu hút nhà các đầu tư. Bên cạnh đó, cân bằng giữa cung cầu điện năng cho nền kinh tế quốc dân theo cơ chế cạnh tranh về giá, tức là cân bằng tự nhiên nhu cầu sử dụng điện, lợi nhuận của nhà sản xuất và các đơn vị cung cấp điện phải được đảm bảo là công cụ của thị trường để vận hành.

Theo ý kiến của ông Hồ Anh Thái, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và quản lý nguồn điện Việt Nam tại hội thảo “Mô hình thị trường điện phát điện cạnh tranh một người mua tại Việt Nam” thì khi thiết kế mô hình thị trường điện cạnh tranh ( gọi tắt là Vietpool) cần đảm bảo cân bằng giữa sự cạnh tranh, điều tiết, mệnh lệnh và sự kiểm soát thị trường thông qua cơ cấu giá và các quy định thích hợp, phải quản lý được những rủi ro nảy sinh. Ông Thái cũng cho rằng, mô hình Vietpool vận hành trong năm 2007-2008 bao gồm các thành phần thị trường. Đó là, thị trường hợp đồng song phương dài hạn (từ 1 năm trở lên) giữa EVN với vai trò người mua duy nhất và các Nhà máy điện. Tại thị trường này, các nhà máy sẽ công bố công suất và sản lượng của mình theo năm và được sửa đổi hàng tháng; Thị trường giao ngay sẽ được sắp xếp theo giá chào của các nhà máy cho phần chênh lệch giữa tải và công suất theo hợp đồng song phương dài hạn; Thị trường song phương ngắn hạn giữa các nhà máy được thiết kế để giảm thiểu rủi ro khi gặp sự cố. Với thị trường này, các nhà máy sẽ giảm thiểu rủi ro của mình và sẽ phát điện với chi phí thấp nhất. Thị trường mua điện của các công ty điện lực với EVN cho phần công suất dự phòng không được mua với giá quy định (giá hạch toán nội bộ). Các công ty điện lực phải đăng ký thông qua công tác dự báo, biểu đồ sử dụng điện của mình.  Vào giờ cao điểm, Hệ thống chỉ đáp ứng 80-85% phụ tải với giá quy định, phần 15-20% còn lại phải trả theo giá thị trường.

Có thể nói, Vietpool 2007-2008 là thị trường ngày tới/giờ tới. Các nhà máy tham gia thị trường sẽ cạnh tranh phần công suất và điện năng ngoài phần cam kết theo hợp đồng dài hạn với EVN và phần cam kết với các nhà máy khác. Với các dịch vụ để đảm bảo an toàn hệ thống thì có  một phần là nghĩa vụ và một phần do Cục điều tiết điện lực quy định về giá. Các Công ty điện lực phải mua một phần sản lượng trong giờ cao điểm theo giá thị trường để bù vào phần không được mua theo giá nội bộ và phải có trách nhiệm dự báo phụ tải.( Nếu thiếu sẽ phải mua theo giá thị trường, nếu thừa phải trả theo công suất dự phòng cộng thêm % chi phí do Cục điều tiết điện lực quy định.

Mô hình thị trường điện cạnh tranh tại Việt Nam hướng tới là mô hình một người mua: Các nhà máy điện sẽ bán điện cho người mua duy nhất là EVN và EVN sẽ phân phối lại cho các Công ty điện lực thông qua hệ thống truyền tải điện. Tuy nhiên, do giá bán điện hiện nay của các nhà máy điện trong hợp đồng dài hạn với EVN khác nhau tương đối lớn nên để giảm rủi ro trong vận hành các nhà máy được phép trao đổi công suất và sản lượng với nhau. ERAV sẽ quy định phí truyền tải cũng như tổn thất cho phần chênh lệch này.

Để thị trường điện cạnh tranh thí điểm vận hành vào năm 2007 và hoàn chỉnh vào năm 2009 theo tiến độ Chính phủ phê duyệt thì ngay từ bây giờ việc hoàn thiện những quy định về vận hành Vietpool phải được ban hành. Bởi lẽ, kinh nghiệm của nhiều nước trong khu vực cho thấy, quá trình cải tổ ngành điện sẽ nảy sịnh rất nhiều vấn đề khi bắt đầu triển khai trong thực tiễn nên ngành điện cần đảm bảo thực hiện các mục tiêu của thị trường điện cạnh tranh đặt ra như  một yếu tố thiết yếu để cải tổ thành công./

 

Trần Phương