Thị trường phát điện cạnh tranh: Xu hướng tất yếu

Thứ tư, 18/10/2006 | 00:00 GMT+7

Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN) đang nỗ lực triển khai soạn thảo đề án thành lập Công ty mua bán điện, trình Thủ tưởng Chính phủ xem xét vào cuối năm 2006. Đây là một trong những điều kiện quan trọng để thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh, sẽ được thí điểm ngay từ tháng 1/2007 và chính thức đi vào hoạt động đầu năm 2009, theo lộ trình phát triển thị trường điện lực cạnh tranh giai đoạn từ năm 2005 đến 2014 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trong giai đoạn thực hiện thí điểm thị trường phát điện cạnh tranh 2007 - 2008, sẽ có 9 công ty phát điện do EVN nắm giữ 100% vốn hoặc nắm cổ phần chi phối tham gia. Đó là các công ty điện Phả Lại, Uông Bí, Ninh Bình, Sông Hinh, Thác Bà, Bà Rịa, Phú Mỹ, Thác Mơ, Đa Nhim- Hàm Thuận- Đa Mi và Sông Hinh- Vĩnh Sơn.

Trên thực tế, thời gian qua thị trường đến cũng đã từng bước hình thành với việc EVN mua lại điện thành phẩm của một số đơn vị phát điện ngoài EVN như các nhà máy nhiệt điện của Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản việt Nam, các nhà máy thủy điện của Tổng công ty Sông Đà.... Tuy nhiên, trong giai đoạn thí điểm các đơn vị phát điện ngoài EVN sẽ tiếp tục bán điện cho EVN theo hợp đồng mua bán điện dài hạn đã được ký kết.

Sau khi thực hiện thí điểm, thị trường phát điện cạnh tranh sẽ chính thức được vận hành từ năm 2009. Khi đó, sẽ có 6 đối tượng tham gia thị trường điện gồm: Đơn vị phát điện (tất cả các công ty phát điện trong và ngoài EVN) với vai trò người trực tiếp bán điện. Đơn vị truyền tải với vai trò người cung cấp dịch vụ truyền tải và hưởng phí truyền tải. Các công ty điện lực thực hiện chức năng bán lẻ điện. Đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia sẽ chịu trách nhiệm chỉ huy, điều khiển 3 đơn vị trên trong quá trình vận hành hệ thống điện, đảm bảo đủ sản lượng và an toàn. Đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện là đầu mối nhận các bản chào giá và lượng công suất tương ứng của từng đơn vị.  Công ty mua bán điện, là đơn vị mua bán điện trực tiếp của đơn vị phát điện. Đây cũng là người mua duy nhất trong thị trường phát điện cạnh tranh. Công ty mua bán điện hoạt động theo hình thức Công ty TNHH một thành viên, có quyền mua điện trực tiếp của các đơn vị bán điện theo hợp đồng có thời hạn (chiếm từ 80% đến 85% tổng sản lượng  điện năng) và mua điện giao ngay trên thị trường (chiếm từ 15% đến 20% tổng sản lượng điện năng). Tỷ lệ điện năng mua bán theo hai hình thức của từng đơn vị do Cục Điều tiết Điện lực quy định, phù hợp với sự phát triển của thị trường điện.

Trong thị trường phát điện cạnh tranh, giá phát điện, bán buôn, bán lẻ điện theo hợp đồng mua bán điện có thời hạn do các đơn vị điện lực quyết định nhưng không vượt quá khung giá, biểu giá đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Đối với giá mua bán điện giao ngay được hình thành theo thời điểm giao dịch trên thị trường điện lực và do đơn vị điều hành thị trường điện lực công bố. Sau khi mua điện từ các đơn vị phát điện, Công ty mua bán điện sẽ bán buôn cho các công ty điện lực để bán lẻ cho người sử dụng theo biểu giá do Thủ tướng Chính phủ quy định.

Thị trường phát điện cạnh tranh đã được thực hiện tại hàu hết các quốc gia phát triển trên thế giới như Anh, Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Xingapo, Ôxtraaylia … và xu hướng này đang ngày càng lan rộng. Đây là một trong những biện pháp nhằm đa dạng hoá công tác sản xuất, cung cấp điện năng, tiến tới xoá bỏ độc quyền trong ngành điện lực, tăng quyền lựa chọn cho khách hàng.

Theo Tin Tức