Sự kiện

Trên công trình thủy điện A Lưới

Thứ hai, 28/5/2012 | 11:10 GMT+7
Dòng điện từ công trình Thủy điện A Lưới đã chính thức hòa vào lưới điện quốc gia.

Ông Võ Phi Hùng- Giám đốc Sở Công Thương TT- Huế cho biết, ngày 19/5/2012, tổ máy số 1 công trình thủy điện A Lưới đã chính thức phát điện hòa vào dòng điện quốc gia.

Lên công trường

Chỉ cách Trung tâm TP Huế khoảng 60 cây số theo Quốc lộ 49 nhưng A Lưới vẫn còn… xa lắm. Xa vì con đường còn hẹp, hiểm trở lắm chỗ còn ngổn ngang bùn đá, nhiều khúc cua đang mở rộng, xe máy xúc gầm gào chặn cả lối đi… Nếu không thì với đoạn đường này chỉ chừng hơn 1 giờ đồng hồ đã lên đến nơi đằng này hơn 3 tiếng chúng tôi vẫn còn lần mò ở dốc Cầu Nhôm dựng đứng, cao chót vót, xe máy chúng tôi đi số 1 vẫn ậm ực phải bò từng chút một mới lên nổi …     

Vượt qua một ngách núi ngang đỉnh đèo A Co mà người đi đường thường gọi là “Đèo Mẹ ơi” (vì nguy hiểm và rất cao, đi bộ thì đầu gối chống đến ngực) chúng tôi bắt đầu đến với đại công trường thủy điện A lưới (TĐAL) nằm ở khúc ruột miền Trung của núi rừng Trường Sơn hùng vĩ.

Ngược ngã ba Bốt Đỏ, rẽ về Phú Vinh chúng tôi đến hạng mục thuộc đường găng của công trình là đường hầm tuyến năng lượng. Đường hầm dẫn nước có hình tròn, dài 12km chạy xuyên lòng núi, kéo dài từ Thôn Phú Thuận – xã Phú Vinh đến Thôn Arom – xã Hồng Hạ.Đường hầm tuy không to bằng hầm Hải Vân nhưng nhìn cũng rất đồ sộ, sâu hun hút, đường kính 4m đều do các kĩ sư và công nhân của Việt Nam thiết kế, thi công và toàn bộ công trình tuyến năng lượng này đã thông tuyến vào ngày 23-4-2011. Số liệu cho biết, số lượng đất đá lấy ra từ đường hầm này khoảng 400.000m3 và được tận dụng nghiền ra để làm đá dăm đổ beton áo lòng hầm và làm đá rải đường…

Điểm thứ hai chúng tôi đến là công trình đập dâng ở thượng nguồn sông A Sáp. Thật tình cờ, ngày chúng tôi đến đây cũng là ngày anh Phạm Văn Vỹ- một lái xe cho công trình TĐAL đang cùng đồng đội của mình ăn mừng ngày đầy tháng của đứa con đầu lòng. Anh cho biết quê anh ở Nam Định- vào lái xe chạy công trình TĐAL 5 năm nay và ngày TĐAL chặn dòng là ngày anh quyết định ở lại cùng núi rừng A Lưới khi chọn cô dâu là người địa phương ở đây- xã Hồng Quãng và bây giờ hơn 1 năm sau, khi tổ máy số 1 phát điện thì cậu con trai đầu lòng của anh cũng ra đời.

Anh đưa chúng tôi lên đập dâng TĐAL. Con đập đồ sộ có cao trình 550 mét, nối liền Thôn A Bả - xã Nhâm và Thôn A Đên - xã Hồng Thái. Như một cán bộ kỹ thuật chính hiệu, anh cho biết: Diện tích lưu vực của TĐAL rộng đến 331km2, dung tích hồ chứa nước 60,2 triệu m3, diện tích mặt hồ rộng 820 ha. Cùng với việc hoàn thành đập, là hệ thống kênh dẫn, công tác rà phá bom mìn, vệ sinh khu vực lòng hồ… Tất cả đều được người thợ chúng tôi làm nghiêm túc và được nghiệm thu vào tháng 8/2011. Đập dâng – công trình đầu mối của TĐAL đã hoàn thành là niềm tự hào của người thợ công trình chúng tôi!

Nhìn nước từ con sông A Sáp đang dần lên cao dưới chân đập, tôi nghĩ rằng đây là cơ hội lớn cho A Lưới khi hàng chục triệu mét khối nước này phát huy tác dụng sẽ góp phần cải tạo môi trường, phát triển cảnh quan du lịch và sinh thái hấp dẫn, các loại thủy sản có điều kiện phát triển... Quan trọng hơn nữa các trang trại và núi rừng A Lưới sẽ được tưới tiêu, rửa sạch chất độc dioxin để ngày càng xanh tốt

Để công trình hòa lưới điện quốc gia

Ông Võ Phi Hùng- Giám đốc Sở Công Thương Thừa Thiên Huế cho biết thêm, theo kế hoạch công trình thủy điện A Lưới sẽ phát điện tổ máy số 1 vào quí 4/2011 nhưng do một số vướng mắc về đền bù, khó khăn về thời tiết,  gói thầu chậm tiến độ… sau đó dự kiến đến 26/3 ngày giải phóng TT- Huế và bây giờ là 19/5. Ông cho biết thêm, đây là công trình thủy điện lớn nhất tỉnh TT-Huế đến thời điểm này, được Chính phủ, các bộ ngành và nhất là các cấp lãnh đạo tỉnh TT- Huế đặc biệt quan tâm. Công trình được thiết kế gồm 2 tổ máy với tổng công suất 170 MW, tổng vốn đầu tư là 3.234,7 tỷ đồng, khởi công từ 30/6/2007.

Phải nói rằng, ngày 19/5, công trình TĐAL chính thức phát điện thương mại, sản lượng điện bình quân hàng năm ước đạt 686,5 triệu kWh… hoà vào lưới điện truyền tải 220 KV, là thời khắc rất xúc động của hơn 250 kỹ sư, công nhân… những người thợ đã tập trung làm việc 3 ca liên tục trên công trình thủy điện này từ đầu năm 2012 đến nay để đảm bảo hoàn thành khối lượng lắp đặt thiết bị để tổ máy số 1 phát điện trong thời gian sớm nhất khi cả nước đang vào mùa khô, nguy cơ thiếu điện luôn rình rập, đe dọa.

Đây còn là mốc thời gian đánh dấu sự nỗ lực của Công ty cổ phần thủy điện miền Trung sau 5 năm thi công trong bối cảnh vô cùng khó khăn về tài chính, điều kiện thời tiết khắc nghiệt của miền Trung. Điểm khác của thủy điện A Lưới so với các nhà máy thủy điện vừa ở miền Trung là công suất phát nhà máy được đấu nối vào lưới truyền tải 220kV quốc gia bổ sung nguồn điện cho các tỉnh miền Trung thuộc vùng quản lý của Công ty Truyền tải điện 2 - Tập đoàn điện lực Việt Nam. Ngoài nhiệm vụ chính là cấp điện, công trình còn nhiệm vụ bổ sung thêm lưu lượng cơ bản cho sông Bồ vào mùa hạn, phục vụ công tác tưới tiêu đẩy mặn, phát triển nuôi trồng thủy sản của địa phương, đồng thời gia tăng điện lượng của nhà máy thủy điện Hương Điền, góp phần tăng thêm công suất phát cho hệ thống điện Quốc gia, giảm nhập khẩu điện, đảm bảo tỷ lệ dự phòng cho hệ thống điện Quốc gia vào những năm sau 2010.

Đồng thời để chuẩn bị cho ngày này, Công ty CP thủy điện miền Trung- chủ đầu tư đã ký kết hợp đồng mua bán điện với Công ty Mua bán điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Và chuẩn bị cho công tác vận hành, công ty đã thành lập Ban chuẩn bị sản xuất đồng thời tổ chức tuyển dụng và đào tạo 13 kỹ sư điện và cơ khí hoàn thành các lớp đào tạo nghiệp vụ Trưởng ca, nghiệp vụ quản lý và sửa chữa thiết bị; 28 học viên đã tốt nghiệp chương trình Cao đẳng, Trung cấp, Công nhân về điện được CHP gửi đi đào tạo thành điều hành viên vận hành và công nhân sửa chữa bảo dưỡng ... để tiếp quản tốt công trình

Băn khoăn công trình tái định cư

Tuy niềm vui lớn vì những dòng điện thương mại đầu tiên đã gióp phần tỏa sáng núi rừng A Lưới nhưng vẫn còn đó những lo âu của Công ty CP thủy điện miền Trung và UBND tỉnh TT- Huế về một khu tái định cư chưa được hoàn thiện. Người dân vẫn chưa thật mặn mà với nơi ở mới.

Theo báo cáo, tính đến tháng 5/2012, đã giải ngân 292,975 tỷ đồng kinh phí đền bù, tái định cư thủy điện A Lưới, trong đó chi phí đền bù hỗ trợ 211,500 tỷ đồng, chi phí xây dựng tái định cư 76,954 tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư vẫn còn nhiều vướng mắc. Đó là, chưa hoàn chỉnh việc san nền và xây dựng nhà ở cho 106 hộ dân khu tái định cư Cân Tôm; một số công trình phúc lợi, như nước sinh hoạt, hệ thống nước phục vụ tưới tiêu chưa đảm bảo; Việc hỗ trợ ổn định sản xuất cho người dân tại khu tái định canh, định cư mới chỉ chuyển tạm ứng 49 triệu đồng trên tổng kinh phí 4,5 tỷ đồng đã gây khó khăn cho người dân trong việc phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống; Việc giải quyết hỗ trợ đền bù chênh lệch theo Quyết định số 928/2008/QĐ-UBND và Quyết định số 11/2010/QĐ-UBND của UBND tỉnh về đất đai còn vướng mắc về quỹ đất. Sau khi tích nước lòng hồ thủy điện đã phát sinh và làm ảnh hưởng thêm về đất, tài sản của các hộ dân và một số công trình dân sinh tại các xã Sơn Thủy, Hồng Thái, Hồng Thượng….

Phó Chủ tịch UBND tỉnh TT- Huế Phan Ngọc Thọ cho biết để hỗ trợ cho Công ty CP thủy điện miền Trung, trong thời gian tới UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các cơ quan ban ngành phối hợp với UBND huyện A Lưới xem xét cụ thể từng vấn đề, có giải pháp hợp lý sớm ổn định cuộc sống cho các hộ dân trong khu tái định canh, định cư Cân Tôm, xã Hồng Thượng. Đồng thời giao trách nhiệm cho UBND huyện A Lưới rà soát quỹ đất trên địa bàn huyện (bao gồm đất rừng và đất rừng trồng của Ban quản lý rừng phòng hộ A Lưới) trình UBND tỉnh để có thể chuyển đổi đất cho các hộ dân có nhu cầu sử dụng đất sản xuất để đảm bảo nhu cầu sinh kế lâu dài cho người dân.
 
ST