Sự kiện

Phát triển lưới điện cho xây dựng nông thôn mới

Thứ ba, 22/5/2012 | 15:04 GMT+7
Trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội ở nông thôn, miền núi vùng sâu, vùng xa và hải đảo, điện lực có vai trò quan trọng và là nhân tố thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của người dân.


Công nhân Ðiện lực Chư Păh (Gia Lai) kiểm tra, bảo dưỡng trạm biến áp thôn Ngó 3, xã Ia Ka.  
 
Những năm qua, Ðảng và Nhà nước luôn quan tâm, dành nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống điện ở khu vực nông thôn, góp phần thay đổi tập quán và quy mô canh tác, thâm canh, tăng năng suất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao dân trí, đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM).

Hiệu quả bước đầu

Theo Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN), hết năm 2011, cả nước đã có thêm 1,6 triệu hộ dân có điện phục vụ đời sống và sản xuất kinh doanh. Tính đến đầu năm 2012, 100% số huyện, 98,84% số xã, 97,38% số hộ dân trong cả nước đã có điện. Việt Nam đang nằm trong nhóm đầu của châu Á về điện khí hóa nông thôn, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Ðến thời điểm này, EVN đã bán điện trực tiếp đến hộ dân nông thôn tại hơn 7.310 xã (chiếm 81,32% số xã có điện), hơn 12,56 triệu hộ dân nông thôn mua điện trực tiếp từ điện lực (chiếm 80,18% số hộ dân nông thôn) sử dụng điện cùng một giá như người dân đô thị.

Theo đánh giá của Bộ Công thương và Ngân hàng Thế giới (WB), quá trình điện khí hóa nông thôn ở Việt Nam đã đóng góp khoảng 30 đến 40% vào việc phát triển kinh tế cho khu vực này. Hàng loạt dự án cấp điện cho các thôn, buôn ở Tây Nguyên, đồng bào Khmer ở Trà Vinh và Sóc Trăng với vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng đã đem lại hiệu quả thiết thực. Nhờ có điện, cuộc sống của đồng bào dân tộc ở các xã Ia Ka, (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai), xã Ðác Năng (TP Kon Tum), Ðác Kan (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum)... đã thay đổi rõ rệt: đào giếng và sắm máy bơm tưới vườn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đầu tư cây cao-su, cà-phê năng suất cao, đầu tư cơ sở chế biến nông sản, cải thiện rõ rệt thu nhập, xóa đói, giảm nghèo; sắm các thiết bị điện, trang bị ti-vi, đài... tiếp thu các chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước, kiến thức trong sản xuất, góp phần nâng cao dân trí. Hiện, tỷ lệ người dân Khmer sử dụng điện ở tỉnh Sóc Trăng đạt hơn 80%. Cũng nhờ được sử dụng điện lưới, nông dân ở các tỉnh Bình Thuận, Tiền Giang đã áp dụng ngay vào sản xuất, như thắp đèn để "kích" thanh long ra trái vụ, tạo thu nhập lớn...

Ðối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (CTNTM), trong gần ba năm qua, cùng với các yếu tố hạ tầng khác, ngành điện đã hoàn thành chỉ tiêu, 11/11 xã thí điểm chương trình NTM (theo chỉ đạo của Ban Bí thư T.Ư Ðảng) tại Hà Nội và các tỉnh Ðiện Biên, Bắc Giang, Nam Ðịnh, Hà Tĩnh, Quảng Nam, TP Hồ Chí Minh, Trà Vinh, Kiên Giang, Bình Phước, Lâm Ðồng đã đạt tiêu chí về điện. Ngày 16-4-2009 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 491/QÐ-TTg đề cập 19 tiêu chí đạt tiêu chuẩn NTM, trong đó, nêu rõ tiêu chí số 4 là hệ thống điện bảo đảm yêu cầu kỹ thuật của ngành điện; tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn đạt trung bình từ 98% trở lên. Theo EVN, tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên tại 11 xã thí điểm bình quân đạt 99,51% (32.176/32.334 hộ), vượt chỉ tiêu quy định 1,51%.

Lưới điện nông thôn (ÐNT) tại 11 xã thí điểm phần lớn được xây dựng từ 20 đến 30 năm trước và do các tổ chức quản lý điện nông thôn tại các địa phương thành lập để quản lý kinh doanh bán điện đến hộ dân nông thôn. Do việc xây dựng tự phát, chắp vá, nguồn vốn hạn hẹp cho nên hầu hết không theo tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn. Quá trình vận hành, khai thác sử dụng lưới điện hầu như không được sửa chữa, nâng cấp, cho nên lưới điện xuống cấp, mất an toàn, chất lượng điện không bảo đảm. Có nơi, điện áp cuối nguồn xuống dưới 100V, làm tổn thất điện năng của lưới điện hạ áp nông thôn rất cao. Khi ngành điện tiếp nhận, rất ít xã có tỷ lệ tổn thất điện năng dưới 20%, thậm chí có nơi lên tới 40 đến 45%. Thực hiện chương trình, hầu hết các xã đã bàn giao hệ thống lưới điện cho ngành điện quản lý, bán điện trực tiếp đến hộ sử dụng và để ngành điện có điều kiện đầu tư, cải tạo nâng cấp các trạm biến áp, trục hạ thế, thay thế đồng hồ đo điện đồng nhất, đạt tiêu chuẩn. EVN đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp Ban chỉ đạo CTNTM của các địa phương khảo sát, lập quy hoạch, kế hoạch đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện và bố trí nguồn vốn thực hiện.

Hệ thống hạ tầng kỹ thuật điện tại 11 xã này đã được ngành điện đầu tư nâng cấp, cải tạo theo các quy định tiêu chuẩn kỹ thuật, bảo đảm đạt yêu cầu của tiêu chí. Ðối với vùng trung du và miền núi phía bắc, chỉ tiêu đặt ra phải đạt 95% tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên đã được  bảo đảm, có xã như Thanh Chăn (huyện Ðiện Biên, tỉnh Ðiện Biên) và Tân Thịnh (huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) đã đạt 100%. Các vùng khác là đồng bằng sông Hồng, Ðông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long hầu hết đạt từ 98 đến 100%.

Nguồn vốn là quyết định

Khó khăn lớn nhất hiện nay đối với việc hoàn thành tiêu chí điện nông thôn vẫn là vốn. Theo Quyết định số 800/QÐ-TTg ngày 4-6-2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt CTNTM giai đoạn 2010-2020 đã xác định: đến năm 2015: 20% số xã đạt chuẩn NTM; năm 2020: 50% số xã đạt chuẩn NTM. Trong đó, đến năm 2015, có ít nhất 85% số xã đạt chuẩn NTM về tiêu chí điện, năm 2020 đạt 95%. Ðây là giai đoạn phấn đấu quyết liệt và cần số vốn đầu tư rất lớn cho việc hiện đại hóa lưới điện hạ áp nông thôn (LÐHANT). Do vậy, Chính phủ và các bộ, ngành cần có cơ chế, hướng dẫn huy động vốn theo phương châm "Nhà nước và nhân dân, T.Ư và địa phương cùng làm". Ðặc biệt, cần ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách, vốn ODA, nguồn vốn vay ưu đãi trong nước giao cho EVN thực hiện nâng cấp cải tạo lưới điện, nhằm bảo đảm phục vụ tốt yêu cầu cấp điện cho sinh hoạt và sản xuất của các xã xây dựng NTM.

Theo Phó trưởng Ban Kinh doanh EVN Lê Văn Chuyển, việc đầu tư cho một xã đồng bằng đạt tiêu chí NTM về điện, Nhà nước phải đầu tư trung bình từ 5 đến 10 tỷ đồng. Ðối với địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa, con số này còn cao hơn nhiều. Thậm chí, cá biệt có địa bàn vùng xa, dân cư sống không tập trung, theo tính toán của đơn vị tư vấn, nếu đầu tư lưới điện hoàn chỉnh thì suất đầu tư cho một hộ có thể lên tới hàng trăm triệu đồng. Hơn nữa, những hộ ở khu vực này chủ yếu là hộ nghèo, khó khăn, lượng điện năng sử dụng trung bình thấp (chưa đến 30kW giờ/tháng theo khảo sát của WB), điều kiện địa hình phức tạp, đường điện kéo dài, tổn thất điện năng lớn, suất đầu tư cho một hộ từ lưới điện quốc gia quá lớn so mức bình quân chung (15 đến 20 triệu đồng/hộ), hiệu quả không cao. Do đó, ngành điện cần phối hợp với ban chỉ đạo các địa phương trong việc quy hoạch khu vực dân cư, hoặc nghiên cứu đầu tư để các hộ dân tại những "vùng lõm" sử dụng các dạng năng lượng mới và năng lượng tái tạo như thủy điện nhỏ (dưới 10MW), máy phát điện cá nhân, điện mặt trời, điện gió... để giải quyết nguồn điện tại chỗ. Chuyên gia WB từng nêu thí dụ về hiệu quả đầu tư thủy điện nhỏ không nối lưới một số nơi ở Mường Tè (Lai Châu) chỉ với suất đầu tư từ 700 đến 1.000 USD/hộ.

Các tỉnh, thành phố dành một phần ngân sách địa phương, đồng thời huy động các nguồn lực khác để phối hợp các tổng công ty/công ty điện lực triển khai hoàn thành mục tiêu của tiêu chí ÐNT. Vận động nhân dân tích cực tham gia thực hiện tiêu chí số 4 như: đóng góp đền bù, tự giải phóng mặt bằng khi đầu tư các công trình điện, tham gia thực hiện và bảo vệ hành lang lưới điện, các công trình điện; đầu tư hệ thống điện gia đình và sử dụng điện sinh hoạt, sản xuất bảo đảm an toàn. Ðối với các xã đạt tỷ lệ số hộ sử dụng điện, EVN cần tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc lập đề án, ưu tiên bố trí nguồn vốn phù hợp để cải tạo, nâng cấp, nâng cao chất lượng điện năng.

Các tỉnh, thành cần dựa vào đề án tổng thể của địa phương về quy hoạch hạ tầng thiết yếu cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ... theo các tiêu chí mà Chính phủ quy định, để có kế hoạch hành động đồng bộ xây dựng hệ thống cung cấp điện phù hợp, bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu điện với chất lượng ổn định, an toàn, đồng thời tránh lãng phí nguồn điện.

Ðể thúc đẩy xây dựng NTM, việc đẩy nhanh quá trình tiếp nhận LÐHANT là một phần rất quan trọng. Tuy nhiên, một vài địa phương bằng cách này hay cách khác đã bày tỏ sự ủng hộ và hậu thuẫn cho sự tồn tại và phát triển của các tổ chức ÐNT và cho rằng các tổ chức này đang hoạt động ổn định, mang lại lợi nhuận. Tại các tỉnh An Giang, Trà Vinh và Bình Thuận các tổ chức ÐNT địa phương đang hưởng lợi từ cơ chế giá điện (ngành điện lỗ, mà hộ dân nông thôn cũng không được hưởng trợ giá của Chính phủ) cho nên chưa bàn giao. Một số HTX kinh doanh ÐNT, công ty cổ phần,... đang kinh doanh có lãi (do được thụ hưởng chênh lệch giá điện quá lớn) cương quyết không chịu bàn giao lưới điện, mặc dù đã có chủ trương của lãnh đạo tỉnh, huyện nhưng họ cho rằng đang kinh doanh theo đúng pháp luật hiện hành. Ðó là những lý do cản trở quá trình tiếp nhận LÐHANT cũng như quá trình xây dựng NTM.

Cùng với các biện pháp nêu trên thì các cấp, các ngành và địa phương cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền để các tầng lớp nhân dân, các cấp, các ngành hiểu rõ, nhận thức đúng về mục đích, ý nghĩa của CTNTM... Từ đó huy động được sức mạnh của toàn hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, các tổ chức kinh tế, chính trị - xã hội cùng tham gia xây dựng NTM.

Việt Nam đang tiến gần tới đích 100% số hộ dân nông thôn có điện. Mục tiêu xây dựng NTM, nhất là hoàn thành tiêu chí về điện chỉ đạt được khi có sự chung tay nỗ lực của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân, sự huy động và kết hợp nhiều nguồn lực.
ST