Là một tỉnh vùng cao biên giới, địa hình chia cắt, dân cư phân tán… Lai Châu gặp nhiều khó khăn trong việc kêu gọi vốn đầu tư nhưng bù lại tỉnh có nguồn tài nguyên thiên nhiên rất dồi dào, từ: đất, rừng, cho đến tài nguyên khoáng sản. Và đặc biệt, với hệ thống sông suối dày đặc, độ dốc cao, Lai Châu được đánh giá là một trong hai tỉnh có tiềm năng thủy điện lớn nhất cả nước.
Theo thống kê của Sở Công Thương Lai Châu, tính tới thời điểm hiện tại, Lai Châu đã quy hoạch được 53 công trình thủy điện với tổng công suất lắp máy đạt 2.505MW và lượng điện bình quân đạt khoảng 10 tỷ kWh mỗi năm. Trong đó, 18 công trình đã được khởi công với công suất lắp máy đạt 2.211MW, lượng điện bình quân mỗi năm đạt 8,8 tỷ kWh. Hiện nay, một số công trình thuỷ điện trên địa bàn tỉnh đã được hoàn thành và hòa vào mạng lưới điện quốc gia như: Nhà máy Thủy điện Nậm Lụng với tổng công suất lắp máy đạt 3,6MW, lượng điện trung bình đạt 13,53 triệu kWh mỗi năm; Nhà máy Thủy điện Nậm Cát với tổng công suất lắp máy đạt 5MW, lượng điện trung bình hàng năm đạt 17,96 triệu kWh; Nhà máy Thủy điện Chu Va 12 với công suất lắp máy đạt 1,85MW, lượng điện trung bình hàng năm đạt 7,6 triệu kWh…
Đáng lưu ý, Lai Châu hiện đang xây dựng những công trình thủy điện rất lớn, đó là những công trình trọng điểm quốc gia, ngoài mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước những công trình này còn được kỳ vọng là sẽ tạo ra bước ngoặt cho kinh tế - xã hội tỉnh Lai Châu.
Cụ thể, công trình thủy điện Huội Quảng, được khởi công tháng 1/2006 với quy mô cấp I, đạt công suất 520MW, tổng mức đầu tư ước tính khoảng 11.773 tỷ đồng. Dự kiến đến tháng 4/2015 sẽ hoàn thành và cung cấp khoảng 1.904 triệu kWh cho mạng lưới điện quốc gia. Công trình thủy điện Bản Chát, được khởi công tháng 1/2006, công suất lắp máy đạt 220MW, tổng mức đầu tư ước đạt 9.198 tỷ đồng. Dự kiến, tháng 12/2012 công trình sẽ hoàn thành và hòa lưới điện quốc gia với lượng điện đạt 1.158 triệu kWh mỗi năm. Đặc biệt, vào cuối năm 2010, công trình thủy điện Lai Châu đã được khởi công, đây là công trình được đánh dấu đỏ trong sơ đồ các công trình thủy điện của tỉnh Lai Châu. Bởi, với công suất lắp máy đạt 1.200MW, vốn đầu tư ước đạt 35.700 tỷ đồng và khi hoàn thành vào cuối năm 2017, Nhà máy Thủy điện Lai Châu sẽ cung cấp khoảng 4.670,8 triệu kWh điện mỗi năm cho lưới điện quốc gia… thì tương lai Nhà máy Thủy điện Lai Châu sẽ là công trình thủy điện lớn nhất của tỉnh cả về quy mô và tổng vốn đầu tư.
Theo nhận định của ông Lò Văn Giàng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Lai Châu, việc chú trọng phát triển thủy điện sẽ mở ra hàng loạt cơ hội cho kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển như: tăng nguồn thu, gia tăng nguồn lực hấp dẫn các nhà đầu tư, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương, cơ hội phát triển nghề mới trong tương lai… Đặc biệt, lợi ích thiết thực nhất, dễ nhận thấy nhất là sự cải thiện về đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động thông qua công tác di dân, tái định cư. Mà lợi ích của hàng nghìn người dân được tái định cư gắn với quy hoạch phát triển vùng cây công nghiệp trên địa bàn tỉnh từ dự án thủy điện Lai Châu, hay hàng trăm người dân trên địa bàn xã Bum Nưa, huyện Mường Tè được hưởng ánh sáng từ công trình thủy điện Nậm Sì Lường khi điện lưới quốc gia chưa đến được với địa phương là những ví dụ điển hình… Với hai công trình thủy điện Huội Quảng và Bản Chát, UBND tỉnh cũng đã giải ngân hơn 1.671 triệu đồng trên tổng số hơn 2.326 triệu đồng phục vụ cho công tác di dân, tái định cư…
Thủy điện là tiềm năng lớn của lai Châu, xây dựng và phát triển các công trình thủy điện là bước đi đúng đắn và hiệu quả của tỉnh trên chặng đường xây dựng một Lai Châu mạnh về kinh tế, ổn định về chính trị, xã hội, ông Lò Văn Giàng nhấn mạnh./.