1 - Sở Điện lực Ninh Bình
Ngày mới thành lập, đứng trước muôn vàn khó khăn, cơ sở vật chất nghèo nàn, hệ thống lưới điện cũ và chắp vá, thiết bị thiếu, đường dây và trạm biến áp không đáp ứng đủ yêu cầu phụ tải nên sự cố xảy ra liên tục. Được tiếp nhận lại từ Sở Điện lực Hà Nam Ninh, thời gian đầu, Sở Điện lực Ninh Bình chỉ có 2 chi nhánh điện, 9 trạm trung gian 35/10kV với tổng công suất 34.400 kVA; 10 trạm hạ thế gồm: 6 trạm ở khu vực thị xã Ninh Bình và 4 trạm tại khu vực huyện Tam Điệp; tổng số đường dây cao hạ thế hơn 580 km. Vì thế nguồn điện thiếu trầm trọng, chất lượng điện quá kém, điện áp đầu nguồn và cuối nguồn lệch nhau gần 100V. Tổng sản lượng điện thương phẩm năm 1992 mới có 52 triệu kWh, tổn thất điện năng lên đến 32%.
Trụ sở làm việc từ Sở đến các chi nhánh là nhà cấp bốn, một số tổ chốt phải đi ở nhờ dân hoặc các hợp tác xã. Cán bộ nhân viên làm việc tại Văn phòng sở không có chỗ để nghỉ ngơi sau giờ làm việc. Đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật, quản lý vận hành và kinh doanh bán điện chỉ có 105 người, phần lớn là lực lượng lao động phổ thông. Địa bàn quản lý khó khăn do điều kiện địa lý, kinh tế tập trung vào nông nghiệp là chủ yếu, nghèo nàn và lạc hậu về khoa học kỹ thuật…
Đến năm 1995, cơ bản đã hoàn thiện những công việc về xây dựng - phát triển nguồn điện và hệ thống lưới điện tại các địa phương trong tỉnh. Hệ thống lưới điện đã về với các vùng từ miền núi huyện Nho Quan, vùng chiêm trũng của huyện Gia Viễn, vùng núi đồi của Tam Điệp đến vùng biển của huyện Kim Sơn, rồi qua huyện Yên Khánh, Yên Mô. Chỉ trong gần 3 năm, Sở Điện lực Ninh Bình đã cấp điện đến 95% các địa phương trong tỉnh để nhân dân có điện sản xuất và sinh hoạt, phát triển kinh tế - xã hội nâng cao đời sống văn hóa tinh thần. Trụ sở điều hành hoạt động của Chi nhánh điện đã được nâng cấp hoặc xây dựng mới như: Chi nhánh Ninh Bình, Chi nhánh Tam Điệp, Hoàng Gia, Kim Sơn. Xây dựng thêm được Phòng Thí nghiệm đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu phục vụ công việc sản xuất, quản lý hệ thống điện. Đây là giai đoạn đặt những viên gạch đầu tiên để vững bước vào giai đoạn mới.
2- Điện lực Ninh Bình
Năm 1995, Tổng công ty Điện lực Việt Nam được thành lập với nhiều công ty thành viên, trong đó có Công ty Điện lực I. Năm 1996, Sở Điện lực Ninh Bình đổi tên thành Điện lực Ninh Bình. Là một trong 26 điện lực hạch toán kinh tế phụ thuộc Công ty Điện lực I “bé không bằng xưởng sản xuất” như mọi người vẫn đùa vui. Từ đây, Điện lực Ninh Bình không còn chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực điện mà trở thành đơn vị quản lý vận hành lưới điện và kinh doanh điện. Cùng với chức năng quản lý vận hành, xây dựng, cải tạo, sửa chữa lưới điện, Điện lực Ninh Bình còn tham gia với địa phương trong việc xây dựng quy hoạch, phát triển lưới điện phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đảm bảo cung ứng điện an toàn, liên tục với chất lượng cao.
Đến năm 2003, Điện lực Ninh Bình đã phát triển, xây dựng hệ thống lưới điện đến 100% số xã trong tỉnh, đưa tỷ lệ số hộ dân được dùng lưới điện quốc gia đạt 100%, cung cấp điện ổn định an toàn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các thành phần kinh tế và đời sống dân sinh trong tỉnh.
Với mục tiêu “phát triển năng lượng đi trước một bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an toàn năng lượng cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa”, Điện lực Ninh Bình đặc biệt coi trọng công tác quản lý kỹ thuật và kinh doanh điện năng. Điện lực Ninh Bình đã nâng khối lượng quản lý lên tầm cao mới với 8 chi nhánh điện trực thuộc tại các huyện thị trong toàn tỉnh, đầu tư xây dựng và vận hành mới 3 trạm 110 kV, 16 trạm trung gian 35/10kV, 707 trạm phân phối với tổng dung lượng 177.590 kVA, 1.350 km đường dây cao hạ thế và trên 400 CBCNV làm công tác quản lý, vận hành, kinh doanh bán điện. Đặc biệt trong năm 2003, Điện lực Ninh Bình đã tiếp nhận xong lưới điện trung áp nông thôn, bao gồm 218,5 km đường dây 35 kV và 10 kV, 323 MBA với tổng công suất 59.100 kVA, ước tổng giá trị 18 tỷ đồng và hoàn trả nguồn vốn xây dựng cho 127/127 xã với tổng giá trị 11,851 tỷ đồng. Đến cuối năm 2001, điện thương phẩm toàn tỉnh đạt 190 triệu kwh (tăng 6 lần so với ngày mới thành lập); nếu như tổn thất điện năng năm 1992 ở mức 32% thì đến hết năm 2001 đã xuống 7,6%. Năm 1992, nếu doanh thu đạt gần 26 tỷ đồng thì đến năm 2003 đã đạt đến 192 tỷ đồng (tăng gấp 7,4 lần). Tổng số khách hàng năm 2003 là 30.000, tăng gấp 5 lần so với những năm 1992. Trong 10 năm, Điện lực Ninh Bình đã nộp vào ngân sách nhà nước tỉnh trên 80 tỷ đồng - một sự đóng góp đáng kể, phản ánh sự phát triển đi lên mạnh mẽ của Điện lực Ninh Bình. Năm 2001, Điện lực Ninh Bình vinh dự và tự hào được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, là cột mốc đánh dấu thời kỳ khó khăn, vất vả nhất đã vượt qua.
3- Công ty TNHH một thành viên
Năm 2003, Điện lực Ninh Bình được chuyển đổi thành Công ty TNHH một thành viên Điện lực Ninh Bình. Là đơn vị đầu tiên thực hiện làm điểm việc chuyển đổi, trực thuộc Tổng công ty Điện lực Việt Nam, có chủ sở hữu là Tổng công ty điện lực Việt Nam (EVN). Đây là một hướng đổi mới, phát triển của Tổng công ty Điện lực Việt Nam để tiến tới mục tiêu sớm trở thành Tập đoàn Điện lực lớn mạnh cùng nền công nghiệp Việt Nam, đáp ứng sự phát triển của ngành điện và của các ngành kinh tế khác trong xu hướng hội nhập quốc tế. Thế là Công ty TNHH một thành viên Điện lực Ninh Bình chính thức bước vào hoạt động ngày 1/7/2003. Những ngày đầu tiên, cán bộ công nhân viên trong công ty gặp không ít khó khăn và thử thách. Từ lệ thuộc, “ỷ lại cấp trên”, nay chủ động hoàn toàn, công ty phải tự “đào tạo” lại quy trình quản lý theo đúng các quy định của Nhà nước. Tuy vậy, công ty đã từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, năm sau cao hơn năm trước, quản lý kỹ thuật và kinh doanh hiệu quả, đáp ứng nhu cầu về điện của tỉnh Ninh Bình. Trong những năm ấy, công ty đẩy mạnh việc giảm tỷ lệ tổn thất điện năng, nâng cao giá bán bình quân, đầu tư hiệu quả vào các công trình điện, đi tắt đón đầu trong việc chiếm lĩnh thị trường cung ứng điện cho các khu công nghiệp, khu dân cư mới, các làng nghề… Đến nay, lưới điện trong toàn công ty bao gồm: 4 tuyến đường dây 110kV, 12 trạm 110kV với tổng công suất 503.500 kVA và 174 km đường dây 110kV, 25 trạm trung gian 35/10 (6) kV, 1.733 trạm phân phối với tổng công suất 425.857 kVA, đường dây trung hạ áp 3.140 km. Lần đầu tiên, công ty là đơn vị đảm nhận việc cải tạo, nâng cấp và giám sát các dự án lưới điện 110 kV phục vụ cấp điện cho các dự án lớn và trọng điểm của tỉnh, cấp điện đến khu công nghiệp. Dự kiến đến cuối năm 2012, công ty sẽ đưa vào vận hành thêm một trạm 110kV với dung lượng là 25.000 kVA, cấp điện cho khu công nghiệp Gián Khẩu. Công ty hoàn thành kế hoạch cấp điện đến 100% địa bàn trong tỉnh, đạt 100% số hộ dân được sử dụng hệ thống lưới điện quốc gia.
Hiện tổng số lao động có 870 người, được phân bổ tại 14 phòng ban, 8 điện lực, phân xưởng 110kV, Phân xưởng cơ điện, Trung tâm Thí nghiệm điện, Trung tâm truyền hình cáp Ninh Bình, Xí nghiệp cơ khí bê tông điện lực. Số đảng viên trong công ty hiện có trên 200 người, sinh hoạt tại Đảng bộ khối doanh nghiệp tỉnh và 8 chi bộ của 8 điện lực sinh hoạt tại các đảng bộ thành phố và huyện thị.
Ba lần đổi tên để phù hợp với cơ chế vận hành mới, là ba lần cơ hội để công ty “xốc lại đội hình” phát triển, đời sống cán bộ CNVC không ngừng được cải thiện, thu nhập ổn định, năm sau cao hơn năm trước, phục vụ điện đến tận các hộ dân, từ thành thị tới nông thôn, đáp ứng đủ nhu cầu điện cho tỉnh Ninh Bình phát triển kinh tế - xã hội. Với những thành tích ấy, hôm nay, Công ty Điện lực Ninh Bình vinh dự được Đảng và Nhà nước ghi nhận trọng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác cho các lãnh đạo chủ chốt. Nền đã vững, Công ty còn phát triển nữa, - Lãnh đạo Công ty khẳng định.