Trộm dây điện hoành hành ở các khu dân cư mới
Thứ sáu, 19/9/2008 | 08:36 GMT+7
Lợi dụng các khu dân cư mới còn ít người. lực lượng bảo vệ mỏng, thậm chí có nơi còn không có, hệ thống điện chưa đấu nối với lưới điện quốc gia... nên bọn trộm cắp dây cáp điện đã không ngần ngại phá tan hệ thống lưới điện tại các khu dân cư mới chỉ để lấy lõi đồng bán phế liệu. Thống kê của Xí nghiệp tuần tra giám sát thuộc Công ty chiếu sáng công cộng TP cho thấy, 6 tháng đầu năm 2008, nạn trộm cắp dây, thiết bị điện đã gây thiệt hại trên 12 tỷ đồng.
Mặc dù hộp cáp điện ngầm nằm ngay trước cửa nhưng gia đình chị Nga ở khu tái định cư P. Phú Mỹ, Q7 vẫn phải dùng tới hơn 50 mét dây để kéo nhờ điện của một người hàng xóm với giá 3.000 đồng/kwh. Bởi lẽ một phần hệ thống cáp điện ngầm tại khu dân cư do Ban quản lý dự án khu vực Q7 làm chủ đầu tư đã bị kẻ gian phá hỏng. Chỉ cho chúng tôi xem những tủ điện trống rỗng, lòi cả những sợi dây điện trên đường D2 thuộc khu dân cư này, một người dân đã thống kê được có khoảng hơn 20 tủ điện bị phá hủy bằng hình thức cạy khoen cửa tủ điện, dùng cưa sắt cắt dây cáp ngầm nối với hộp cáp điện, trong đó riêng đường D2 không còn một hộp cáp nào nguyên vẹn. Nhiều hộp cáp điện thậm chí bị tháo cả cầu dao và các thiết bị an toàn... chỉ còn trơ lại chiếc hộp sắt.
Gần đó, tại khu dân cư của Công ty phát triển nhà Chợ Lớn đầu tư, nằm trên đường Phạm Hữu Lầu, P. Phú Mỹ, Q7, bọn trộm cũng cắt dây một số đường điện khiến nhiều chỗ bị mất điện chiếu sáng. Chị Phượng - một người dân cho biết chính vì bị cắt dây, mất điện nên thời gian vừa qua khu dân cư này đã trở thành điểm tụ tập của một số đối tượng thanh thiếu niên hư hỏng, quậy phá. Chúng đã từng vào nhà chị gây hấn, đánh cả chồng và em chị, chỉ mới “dạt đi” cách nay hai tuần sau khi những công nhân thi công đường dây cáp điện cho dự án của Công ty cổ phần ADC trình báo cơ quan chức năng về việc mất 60 mét dây cáp điện loại 4kg lõi đồng/mét dây. Được biết, vào tháng 10-2006 đã có trường hợp một “điện tặc” phải trả giá bằng mạng sống của mình khi leo lên cắt điện trước số nhà 167/23 Phạm Hữu Lầu nhưng cũng chưa đủ để khiến kẻ gian... chùn tay.
Cũng từng là nạn nhân của “điện tặc” là các khu dân cư Sông Đà do Công ty phát triển nhà Sông Đà đầu tư tại KP6, P. Hiệp Bình Chánh, Q. Thủ Đức. Dấu tích chúng lưu lại tại đây là hàng loạt các trụ điện... không dây trên đường A, đường số 8 và 18. Theo ông Mai Thanh Quang, Tổ trưởng tổ 40C, KP6, P. Hiệp Bình Chánh thì nạn cắt trộm dây điện chiếu sáng chỉ thực sự dừng lại khi tổ dân phố vì quá bức xúc trước sự lộng hành của bọn trộm đã thành lập tổ dân phòng tự quản gồm 8 người, thay phiên tuần tra suốt đêm. Được biết, hiện tại cũng có hai nhân viên bảo vệ do chủ đầu tư trả lương nhưng họ chỉ chịu trách nhiệm vào ban ngày. Khoảng thời gian từ 22 giờ tới 6 giờ sáng hôm sau thì tổ dân phòng tự quản phải gắng sức, mặc dù tiền thù lao 33.000 đồng/người cho mỗi đêm trực của họ (do các hộ dân đóng góp) chỉ bằng... tiền xăng đi tuần.
|
Những hộp cáp điện bị bọn trộm tàn phá. |
Có thể nói, chẳng riêng gì các khu dân cư mới mà tình trạng bị cắt trộm dây hiện đã trở thành vấn nạn tại TPHCM. Số liệu của Công ty chiếu sáng công cộng thành phố cho thấy đã có tới hàng ngàn vụ cắt trộm dây điện xảy ra trong sáu tháng đầu năm 2008, lấy đi hàng trăm ngàn mét dây điện, gây thiệt hại trên 12 tỷ đồng. Nguyên nhân nạn trộm cắp dây điện tiếp diễn trong thời gian qua là do chính quyền nhiều địa phương còn chưa mạnh tay trong việc trấn áp loại tội phạm này nên số vụ trộm và đối tượng trộm cắp bắt được rất ít. Hơn nữa, ý thức bảo vệ, đấu tranh với trộm cắp của người dân tại nhiều nơi vẫn chưa cao. Đơn cử như một số người dân ở khu tái định cư P. Phú Mỹ (Q7) khi phát hiện thấy kẻ trộm cưa dây điện trong hộp cáp giữa ban ngày đã không dám lên tiếng vì sợ chúng trả thù...
Thiết nghĩ, trong thời gian tới, để đấu tranh với loại tội phạm này chính quyền các địa phương cần phải có nhiều biện pháp triệt để như: nghiêm cấm và phạt thật nặng, thậm chí xử lý hình sự những điểm mua bán phế liệu nếu có hành vi mua bán, tiêu thụ, tàng trữ dây điện, dây đồng, dây nhôm phế liệu có nguồn gốc do các đối tượng phạm tội mà có. Tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động, áp dụng khung hình phạt thật nặng đối với các đối tượng trộm cắp, phá hủy, tiêu thụ dây điện nhằm mục đích răn đe, giáo dục nhiều người. Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho người dân được thuận tiện khi muốn tố giác tội phạm, mỗi địa phương cũng nên thiết lập một số điện thoại đường dây nóng và cung cấp đến từng hộ gia đình để người dân liên lạc, tố giác khi cần thiết.
Theo: Công an Tp.HCM