Nhà máy hạt nhân đầu tiên của Trung Quốc trên đảo Tần Sơn, Triết Giang.
Bước đầu phát triển
Trung Quốc lên kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân từ năm 1970, xuất phát từ việc Thượng Hải thiếu điện. Vì vậy, cố Thủ tướng Chu Ân Lai cho rằng: "Năng lượng hạt nhân không chỉ dùng cho sản xuất vũ khí. Nó cần được sử dụng để phục vụ cho sự phát triển kinh tế Trung Quốc”. Lời kêu gọi của Thủ tướng Chu đã chuyển hướng công nghiệp Trung Quốc.
Rất nhiều nhà khoa học từ các nơi của Trung Quốc đổ về Thượng Hải để chuẩn bị cho dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân dân sự đầu tiên. Tuy nhiên, quá trình chuẩn bị vấp phải nhiều tranh cãi.
Sự an toàn là điều lo ngại hàng đầu, đặc biệt là sau vụ tai nạn tại nhà máy hạt nhân của Mỹ trên đảo “Ba Dặm” năm 1979. Dù không có người chết hay bị thương nhưng tai nạn này làm dấy lên một cuộc tranh luận nảy lửa về việc có nên phát triển năng lượng hạt nhân ở Trung Quốc cũng như trên toàn cầu hay không.
Vấn đề đáng quan tâm khác là công nghệ. Một số nhà khoa học cho rằng Trung Quốc nên xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên bằng công nghệ bản thân. Số khác lại khẳng định Trung Quốc nên sử dụng công nghệ nước ngoài, hiện đại và đáng tin cậy hơn.
Địa điểm đặt nhà máy cũng là một vấn đề. Đảo Sùng Minh ở Thượng Hải, thành phố Giang Âm ở tỉnh Giang Tô hay đảo Châu Sơn thuộc tỉnh Triết Giang được xem xét, nhưng vì những lý do an toàn và môi trường mà những địa điểm này không được chấp nhận.
Sau đó, Tần Sơn được đưa vào “tầm ngắm”. Nhìn ra vịnh Hàng Châu, có nhiều đồi núi, Tần Sơn có một vị thế lý tưởng và thuận lợi cho giao thông. Năm 1981, Trung Quốc phê chuẩn dự án xây dựng nhà máy hạt nhân đầu tiên tại Tần Sơn với một lò phản ứng thủy lực do Trung Quốc chế tạo có công suất 300 MW.
Bốn năm sau đó, dự án khởi công. Tuy nhiên, đến năm 1986, thảm họa nhà máy hạt nhân Chernobyl tại Liên Xô một lần nữa làm sống lại những lo ngại về tính an toàn của dự án Tần Sơn.
Hơn nữa, nhà máy Tần Sơn được thiết kế và xây dựng hoàn toàn trong nước, một số chuyên gia tỏ ra lo lắng về tính an toàn trong quá trình xây dựng, một số thậm chí còn muốn dừng công trình này.
Vì vậy, năm 1989, Chính phủ Trung Quốc mời 11 chuyên gia từ Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tới đánh giá độ an toàn của dự án Tần Sơn. Sau ba tháng kiểm tra, IAEA đưa ra báo cáo cho rằng, nhà máy này “an toàn và đạt chất lượng”. Báo cáo của IAEA đã xoa dịu những lo lắng trước đó.
Tháng 12/1991, lò phản ứng Tần Sơn được kết nối với hệ thống cung cấp năng lượng và chính thức đi vào hoạt động thương mại tháng 4/1994. Dự án Tần Sơn đã đưa Trung Quốc trở thành quốc giá thứ 7 trên thế giới xây dựng và đưa nhà máy hạt nhân vào sử dụng.
Cho đến cuối năm 2007, nhà máy đã sản xuất được tổng cộng 31 tỷ KWh điện, thu về 9,6 tỷ nhân dân tệ từ việc bán điện và đóng góp cho Chính phủ 1,8 tỷ nhân dân tệ tiền thuế.
Sau 14 năm hoạt động, nhà máy này đã chứng minh hạt nhân là một nguồn năng lượng sạch đối với Trung Quốc. Trong khi đó, một nhà máy nhiệt điện với công suất 1.000 MW sẽ tiêu tốn tới 3 triệu tấn than mỗi năm và tạo ra nhiều khí thải độc hại. Ngược lại, một nhà máy hạt nhân với công suất tương ứng chỉ tốn khoảng 250 tấn nhiên liệu và lượng khí độc thải ra cũng ít hơn.
Sau khi tiến hành khảo sát các khu vực xung quanh nhà máy hạt nhân trong hơn 10 năm, các nhà môi trường tỉnh Triết Giang cho biết nhà máy Tần Sơn không làm cho môi trường nơi đây thay đổi.
Bùng nổ công nghiệp hạt nhân
Với sự thành công của lò phản ứng hạt nhân Tần Sơn, năm 1996, Trung Quốc bắt đầu tiến hành giai đoạn hai. Hai lò nước áp lực, mỗi lò có công suất 650 MW, lần lượt đi vào hoạt động từ năm 2002 đến 2004.
Năm 1998, Trung Quốc bắt đầu tiến hành giai đoạn ba với hai lò phản ứng nước nặng công suất 728 MW sử dụng công nghệ của Canada. Nhà máy bắt đầu đi vào hoạt động năm 2003.
Với 5 lò phản ứng hiện tại, Tần Sơn trở thành trung tâm năng lượng hạt nhân của Trung Quốc. Nó đã đáp ứng được nhu cầu năng lượng cấp thiết của vùng châu thổ sông Dương Tử, một trong những khu vực thịnh vượng và phát triển nhanh nhất Trung Quốc.
Theo ông Kang Rixin, Tổng giám đốc Tập đoàn Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc (CNNC) đồng thời là chủ dự án Tần Sơn, tổ hợp hạt nhân Tần Sơn đã giúp cắt giảm được một lượng ô nhiễm đáng kể trong khu vực.
Năm 2005, CNNC bắt đầu mở rộng tổ hợp Tần Sơn với việc thêm hai lò phản ứng công suất 650 MW.
Là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất đồng thời là quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn thứ hai trên thế giới, nền công nghiệp hạt nhân của Trung Quốc đã chứng kiến sự phát triển vượt bậc trong những năm gần đây.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng, Uỷ ban Đổi mới và Phát triển Quốc gia (NDRC) đã điều chỉnh mục tiêu của mình bằng cách tăng công suất lên mức 5% tổng năng lượng vào năm 2020, ông Trương Quốc Bảo, Phó chủ nhiệm NDRC cho biết.
Trung Quốc có 11 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động, với tổng công suất thiết kế lên tới 9.080 MW, theo báo cáo của Uỷ ban Điện lưới quốc gia Trung Quốc (CEC). Bên cạnh Tần Sơn, Trung Quốc cũng cho xây dựng thêm hai cơ sở hạt nhân khác, một ở vịnh Đại Á thuộc tỉnh Quảng Đông và một ở thị trấn Điền Vịnh, tỉnh Giang Tô.
Năm ngoái, nhà máy điện hạt nhân Điền Vịnh thuộc thành phố Liên Vân Cảng đã đi vào hoạt động. Với hai lò phản ứng thủy lực công suất 1060 MW công nghệ Nga, nhà máy này hiện là dự án hợp tác lớn nhất giữa Trung Quốc và Nga.
Năm 2007, tổng công suất của 11 lò phản ứng hạt nhân là 62 tỉ KW, tăng 14% so với năm ngoái, theo báo cáo của CEC.
(Nguồn Chinadaily)