Tin thế giới

Tự chủ năng lượng dựa vào tiết kiệm và phát triển năng lượng tái tạo

Thứ tư, 14/1/2009 | 10:29 GMT+7
Đan Mạch đã chứng tỏ tăng trưởng GDP không nhất thiết phải đi đôi với tăng tiêu thụ năng lượng.

Đan Mạch là một nước nhỏ ở châu Âu, nằm bên bờ biển Bắc, diện tích 43.094 km2, dân số 5.475.791 người. Trong giai đoạn 1960-1970, năng lượng ở Đan Mạch chủ yếu dựa hẳn vào nguồn dầu khí rẻ tiền của thế giới. Cuộc khủng hoảng năng lượng thế giới xảy ra năm 1973 do chiến tranh giữa Israel và Syria, Ai Cập, giá dầu mỏ tăng đột biến đã làm ảnh hưởng mạnh mẽ đến phát triển kinh tế - xã hội của Đan Mạch lúc bấy giờ. Trước tình hình đó, năm 1983 Chính phủ Đan Mạch đề ra Chương trình năng lượng thay thế AE83.

Mục tiêu chính của Chương trình AE83 là đến năm 2030 sẽ chấm dứt nhập khẩu dầu thô và than, thay vào đó bằng các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sóng biển và nhiên liệu sinh học, đồng thời chủ trương tiết kiệm, cắt giảm mạnh tiêu thụ năng lượng trong cả nước. AE83 không đặt vấn đề phát triển năng lượng hạt nhân vì không được sự đồng thuận của dư luận xã hội Đan Mạch cũng như không phải giải pháp chiến lược lâu dài.

Tiết kiệm, tiết kiệm

Đan Mạch đã thành công trong tự chủ về năng lượng, bằng tiết kiệm năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo và nhiên liệu thay thế, đồng thời từ chối sản xuất điện hạt nhân.

Người dân Đan Mạch sử dụng ôtô cá nhân rất ít, mỗi gia đình chỉ có một xe dùng chung, khác với nhiều nước châu Âu và Mỹ, và tự nguyện chuyển sang sử dụng các phương tiện giao thông công cộng nhờ mạng lưới giao thông rất phát triển, phục vụ lịch sự. Đồng thời để xây dựng cách sống tiết kiệm, chính phủ đặt ra sắc thuế rất nặng liên quan đến tiêu thụ năng lượng, tăng thuế mạnh đối với những người mua sắm loại xe tiêu thụ nhiều nhiên liệu. Chỉ trong vòng ba tháng sau khi có luật thuế trên, những cửa hàng bán xe loại bốn bánh dẫn động (4WD) với mức tiêu thụ năng lượng cao đã giảm một nửa số xe bán ra, trong khi số xe hai bánh dẫn động (2WD) bán ra tăng lên 10 lần!

Về xây dựng, Đan Mạch đã đề ra luật buộc các kiến trúc sư khi thiết kế công trình xây dựng mới phải có hệ thống cách nhiệt hiệu quả để tiết kiệm năng lượng sưởi vào mùa đông, tận dụng nắng mặt trời và thông gió tự nhiên để tiết kiệm chiếu sáng các phòng ốc cũng như để làm mát vào mùa hè. Kết quả thật ngoạn mục: từ 1972-1985, tổng diện tích sàn xây dựng cần sưởi ấm tăng 30%, nhưng tổng nhiệt năng sử dụng để sưởi đã giảm 30%. Mỗi gia đình Đan Mạch hăng tháng trung bình tiết kiệm được 1/3 chi phí năng lượng sưởi ấm, thắp sáng và làm mát. Tiêu thụ năng lượng thấp nhất châu Âu tính theo đầu người, mỗi hộ gia đình Đan Mạch chỉ tiêu thụ 350 kWh mỗi tháng, trong khi đó ở Mỹ là 600-1.000 kWh mỗi tháng.

Một biện pháp mạnh đã thực thi thành công là chuyển hẳn các nhà máy điện chạy bằng dầu sang chạy bằng than. Nhờ đó, nhu cầu tiêu thụ dầu từ 93% năm 1972 đã giảm xuống, chỉ còn 43% năm 1992. Trong lĩnh vực sử dụng than, Đan Mạch là nước áp dụng công nghệ than sạch hiệu quả nhất thế giới nên không gây tăng phát thải carbon dioxide (CO2).

Phát triển năng lượng thay thế

Một thành tựu nổi bật là Đan Mạch đã đầu tư tập trung để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt chú trọng đến năng lượng gió, năng lượng sinh khối, năng lượng mặt trời, năng lượng sóng biển, trong đó năng lượng gió đã có những thành công nổi bật. 20% nhu cầu điện năng ở Đan Mạch hiện nay là do các tuôcbin gió cung cấp, là một nước nhỏ nhưng lại đứng thứ sáu về công suất tuôcbin gió trên thế giới, đạt trên 3.000 MW và nhờ nhiều tiến bộ kỹ thuật, giá thành điện gió đã giảm 75% so với năm 1970 là năm bắt đầu thực thi chương trình điện gió.

Đan Mạch là nước sản xuất tuôcbin gió công suất lớn, chiếm 40% thị phần loại này trên thế giới. Đan Mạch đi đầu trong việc xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp năng lượng thân thiện với môi trường cũng như các giải pháp công nghệ năng lượng tái tạo, và đây là hướng xuất khẩu chiến lược hiện nay ở Đan Mạch.

Về năng lượng sinh khối, chủ yếu là rác sinh hoạt đô thị được đưa vào các lò đốt theo công nghệ sản xuất nhiệt và điện kết hợp (combined heat and power - CHP). Năm 2005, ở Đan Mạch từ rác thải đô thị đã sản xuất được 4,8% tổng lượng điện tiêu thụ và 13,7% tổng lượng nhiệt sưởi ấm. Hăng năm Đan Mạch xử lý được 3,5 triệu tấn rác ở 29 nhà máy theo công nghệ CHP, cung cấp điện và nước nóng cho 400.000 hộ dân. Trung bình từ 1 tấn rác thải đô thị sản xuất được 0,67 MWh điện năng và 2 MJ nhiệt để sưởi ấm. Như vậy, 4 tấn rác đô thị có thể thay thế 1 tấn dầu hoặc 1,6 tấn than trong sản xuất điện và nhiệt.

...và tự chủ năng lượng

Từ năm 1998, Đan Mạch đã tự cung ứng tất cả nhu cầu năng lượng (mục tiêu đề ra là năm 2030). Đan Mạch đã cho thế giới thấy mức tiêu thụ năng lượng sơ cấp và tăng trưởng GDP không phải song hành, vì từ năm 1980-2006, GDP tăng lên gần 80% trong khi mức tiêu thụ năng lượng vẫn giữ nguyên. Thêm vào đó, mức phát thải khí carbon dioxide gây hiệu ứng nhà kính lại giảm đi nhiều.

Theo Tuổi Trẻ Online