VN-Index rời ngưỡng 430 điểm

Thứ hai, 13/7/2009 | 16:49 GMT+7
Tiếp nối đà giảm điểm tuần trước, thị trường chứng khoán Việt Nam mở cửa phiên giao dịch đầu tuần (13/7) trong không khí ảm đạm. Mặc dù chênh lệch giữa cung và cầu không nhiều, nhưng bên mua chỉ chấp nhận mua ở giá thấp khiến hàng loạt cổ phiếu tiếp tục giảm điểm. Sức cầu tiếp tục suy yếu đã khiến chỉ số VN-Index không thể có cơ hội đảo chiều. 
CTCK Habubank khuyến nghị, nhà đầu tư nên tiếp tục quan sát thị trường thêm trước khi đưa ra quyết định. Ngưỡng hỗ trợ của VN-Index là vùng 420 điểm, của HNX-Index là 140 điểm. Mặc dù tính thanh khoản của thị trường đã được cải thiện nhưng nguyên nhân chính là do bên bán quyết tâm “cắt lỗ”.

Kết thúc đợt 1, chỉ số VN-Index giảm 3 điểm, xuống 435,83 điểm (tương đương giảm 0,68%). Tổng khối lượng khớp lệnh thành công đạt 3.147.990 đơn vị với tổng giá trị giao dịch đạt 132,37 tỷ đồng. Kết thúc đợt khớp lệnh mở cửa, có 29 mã tăng giá, 43 mã đứng giá tham chiếu, 93 mã giảm giá và 1 mã không có giao dịch là BBT. Đáng chú ý, trong đó chỉ có 3 mã tăng trần là FMC, VIS, VNM và 10 mã giảm sàn.

Sau 75 phút khớp lệnh liên tục, chỉ số VN-Index giảm 10,67 điểm, xuống 428,16 điểm (tương đương giảm 2,43%). Tổng khối lượng khớp lệnh thành công đạt 23.337.540 đơn vị với tổng giá trị giao dịch đạt 880,34 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 13/07/2009, chỉ số VN-Index đóng cửa ở 426,67 điểm, giảm 12,16 điểm (tương đương giảm 2,77%). Tổng khối lượng giao dịch khớp lệnh đạt 29.414.350 đơn vị, giảm 13,23% so với phiên trước. Tổng giá trị giao dịch khớp lệnh đạt 1.099,235 tỷ đồng, giảm 8,44% so với phiên trước.

Tổng giao dịch thỏa thuận cổ phiếu và trái phiếu thành công đạt 482.400 đơn vị với tổng giá trị giao dịch đạt hơn 15,50 tỷ đồng. Như vậy, tổng khối lượng giao dịch toàn phiên đạt 29.896.750 đơn vị (giảm 12,56% so với phiên trước) và tổng giá trị giao dịch đạt 1.114,734 tỷ đồng (giảm 7,95%).

Trong tổng số 166 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết trên sàn HOSE, có 10 mã tăng giá, 147 mã giảm giá, 9 mã đứng giá tham chiếu là DMC, DXV, FMC, FPT, HAS, PJT, SGT, TTC, VSH. Trong đó, có 2 mã tăng trần là VIS, VNM, 73 mã giảm sàn. Đáng chú ý, sau khi kết thúc đợt khớp lệnh đóng cửa, trên bảng điện tử có tới 48 mã không còn dư mua trong khi dư bán tràn ngập trên bảng điện tử.

Trong 10 cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường, có 2 cổ phiếu tăng giá, 7 cổ phiếu giảm giá, 1 mã đứng giá tham chiếu. Đáng chú ý, trong đó có 3 mã giảm sàn là PVF, VCB, BVH.

Cụ thể, VNM tăng kịch trần 5.000 đồng/cổ phiếu (tương đương 4,67%), đạt 112.000 đồng. HAG tăng 500 đồng/cổ phiếu (tương đương 0,70%), đạt 72.000 đồng. Riêng mã FPT giữ nguyên mức giá tham chiếu là 71.000 đồng/cổ phiếu.

Còn lại, DPM giảm 1.300 đồng/cổ phiếu (tương đương 3,01%), còn 41.900 đồng. PVD giảm 1.500 đồng/cổ phiếu (tương đương 2,00%), còn 73.500 đồng. HPG giảm 1.500 đồng/cổ phiếu (tương đương 2,70%), còn 54.000 đồng. PVF giảm 1.900 đồng/cổ phiếu (tương đương 4,81%), còn 37.600 đồng. BVH giảm 2.200 đồng/cổ phiếu (tương đương 4,99%), còn 41.900 đồng. VCB giảm 2.500 đồng/cổ phiếu (tương đương 4,85%), còn 49.000 đồng.

Cổ phiếu có khối lượng giao dịch báo giá dẫn đầu thị trường là STB với gần 6,1 triệu đơn vị được giao dịch thành công (chiếm 20,62% tổng khối lượng toàn thị trường), đóng cửa ở mức 32.400 đồng/cổ phiếu sau khi giảm 1.600 đồng (tương đương 4,71%).

Tổng khối lượng của 5 mã có giao dịch lớn nhất thị trường chiếm 42,37% so với tổng khối lượng khớp lệnh trong phiên sáng nay.

Trong phiên giao dịch sáng nay, cổ phiếu tăng giá mạnh nhất là VIS với mức tăng 4,85% lên 34.600 đồng (tăng 1.600 đồng/cổ phiếu), tổng khối lượng giao dịch hơn 431 nghìn cổ phiếu. Ngược lại, có 5 mã cùng giảm hết biên độ cho phép 5% là TS4, BT6, KSH, PIT, HCM.

Ngoài ra, xét về mức tuyệt đối thì VNM là cổ phiếu tăng giá mạnh nhất khi tăng 5.000 đồng lên mức 112.000 đồng/cổ phiếu, với tổng khối lượng giao dịch hơn 535 nghìn cổ phiếu. Trong khi đó, 2 cổ phiếu là DRC, SJS cùng giảm giá mạnh nhất khi mất đi 4.000 đồng/cổ phiếu xuống mức giá tương ứng là 80.000 đồng và 98.000 đồng.

Tất cả 4 chứng chỉ quỹ đang niêm yết trên HoSE đều giảm giá, trong đó có 2 mã giảm sàn. Cụ thể, VFMVF4 giảm 200 đồng (tương đương 2,50%), chỉ còn 7.800 đồng/chứng chỉ quỹ. PRUBF1 giảm 100 đồng (tương đương 2,04%), chỉ còn 4.800 đồng/chứng chỉ quỹ. VFMVF1 giảm 500 đồng (tương đương 4,39%), chỉ còn 10.900 đồng/chứng chỉ quỹ. MAFPF1 giảm 200 đồng (tương đương 4,44%), chỉ còn 4.300 đồng/chứng chỉ quỹ.

Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay mua vào 67 mã cổ phiếu với tổng khối lượng mua vào là 2.006.610 đơn vị, bằng 6,82% tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường. Trong đó, PPC được họ mua vào nhiều nhất với 281.600 đơn vị, chiếm 40,41% tổng khối lượng giao dịch của mã này. Tiếp theo là các mã như FPT (207.430 đơn vị), VNM (169.600 đơn vị), PVT (154.740 đơn vị) và BCI (152.000 đơn vị). Đáng chú ý, các mã có được nhà đầu tư nước ngoài mua vào chiếm tỷ trọng lớn trên tổng khối lượng giao dịch là TTP (71,61%), TRC (66,77%), FPT (61,70%), VTB (59,70%) và HAS (57,94%).
Theo: ĐTCKO